Nếu trẻ có các biểu hiện như: tím, da tái, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Hiện nay, nền công nghệ thông tin phát triển rất nhiều và người dân có thể tiếp cận với các tư liệu về bệnh qua sách báo, Internet. Tuy nhiên, bệnh viêm cơ tim vẫn còn là một vấn đề khi các triệu chứng khởi đầu của bệnh rất mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc là bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong.
Vậy viêm cơ tim có nhiều không?
Thật ra tỉ lệ mắc bệnh viêm cơ tim không được biết rõ do một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận biết. Một số trường hợp không có triệu chứng trước đó nhưng sau đó lại diễn tiến bệnh rất nhanh chóng.
Vậy làm thế nào để biết trẻ có bị viêm cơ tim hay không?
Phụ huynh có con nhỏ nên cần cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:
- Đối với trẻ lớn: có triệu chứng hô hấp trước đó (sốt, ho, sổ mũi, khò khè), hoặc triệu chứng về tiêu hoá(ói, tiêu chảy)...
- Đối với trẻ nhỏ: có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém...
Đặc biệt, nếu phụ huynh thấy trẻ có các biểu hiện như: tím, da tái, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Vì vậy khi thấy trẻ có bất cứ biểu hiện khác so với bình thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các BS khám bệnh và theo dõi.
Tại sao trẻ lại bị viêm cơ tim?
Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, hàng đầu là Enteroviruses, kế đến là Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, Rubella,….
Điều trị viêm cơ tim như thế nào?
Bởi vì viêm cơ tim do siêu vi gây ra nên chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng đề điều trị kịp thời.
Dự hậu của bệnh viêm cơ tim như thế nào?
Một số trường hợp bệnh nhân có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng một số trường hợp bệnh nhân vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao và sẽ có thể có bệnh cơ tim dãn nở, suy tim hoặc rối loạn nhịp về sau.Đây cũng chính là những biến chứng nặng nề cho trẻ vì nguy cơ điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao.
Vì vậy lời khuyên cho các phụ huynh là hãy theo dõi trẻ thật sát khi có những triệu chứng nêu trên để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế khám bệnh và theo dõi.
Đối với những trẻ ở tuổi đi học: nên hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen rữa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim.
Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - BV Nhi Đồng 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét