Bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Ảnh: T.G
“Mệt muốn nằm nghỉ” rồi lịm luôn
Nhà văn Tường Vân ở TPHCM, 5 năm trước đã bị đột quỵ nhẹ, gần đây chị bị tái phát và thường xuyên vào bệnh viện. Vì thế chị đã dán trước bàn làm việc câu: “Từ bi với bản thân cũng là bồ tát hạnh” để nhắc nhở mình làm việc điều độ, yêu quý bản thân.
Võ sĩ - đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu là một người khỏe mạnh, sau khi rời phòng dựng bộ phim 3D đầu tay đã ra đi khi mới 37 tuổi. Cái chết của anh làm nhiều người tiếc nuối. Người thân của anh cho hay, hôm đó đi làm về anh kêu mệt, buồn ngủ và đi nằm. Khi vợ anh vào đánh thức thì thấy người đã lạnh toát, vội vã cùng mọi người đưa vào bệnh viện. Sau 2 giờ các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng anh đã không qua khỏi.
Mới đây, nhạc sĩ Lương Minh - Phó ban văn nghệ Đài THVN cũng bất ngờ bịđột quỵ và qua đời. Thông tin cho biết, chiều hôm trước anh vẫn có mặt chỉ đạo buổi tổng duyệt của chương trình The Remix - Hòa âm ánh sáng, được phát sóng trên VTV3 vào tối 28/2.
Do tình trạng hiện nay có quá nhiều người trẻ mắc đột quỵ, các bác sĩ đã đưa ra lời cảnh báo cho những vận động viên thể thao, người có thể lực tốt, người làm việc với cường độ cao… nếu thường xuyên làm việc gắng sức, không để ý dấu hiệu cảnh báo của cơ thể dễ dẫn đến đột quỵ mà không biết.
Ai dễ bị đột quỵ?
Theo BS Nguyễn Trung Anh, BV Lão khoa Trung ương, ai cũng có thể bị đột quỵ, tuổi cao nguy cơ nhiều hơn, phụ nữ dễ bị đột quỵ hơn nam. Những người cao huyết áp, những người uống rượu bia, phụ nữ hơn 35 tuổi kèm tăng huyết áp, phụ nữ có thai, người béo phì, đái tháo đường, bệnh lupus, chứng đau nửa đầu, uống thuốc ngừa thai hay điều trị hormone thay thế... đều có thể tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Những người làm công việc tỉ mỉ, tính toán, dễ xúc cảm, luôn phải đối phó với các tác nhân tâm lý (căng thẳng, hồi hộp, lo âu, bi quan, chán nản)… khiến tăng axit uric trong máu (tăng axit uric trong máu lên đến 7mg%) dễ gặp nguy cơ tai biến xơ vữa động mạch tăng gấp đôi.
Đưa đến viện càng sớm càng tốt
PGS.TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TPHCM và đồng nghiệp đã có công trình nghiên cứu cho thấy, hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mắc mới, trong đó gần 11.000 người chết và nhiều người bị dị tật do không được sơ cứu đúng cách và chữa trị kịp thời. Đặc biệt 40% thân nhân bệnh nhân không hiểu biết về đột quỵ và các dấu hiệu cảnh báo.
Người bị đột quỵ có thể ngã đột ngột bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang làm việc, sinh hoạt bình thường. Nhưng khi xuất hiện các triệu chứng đau đầu, choáng váng, ngã quỵ, méo miệng… người thân dễ bị nhầm là trúng gió, đau tim mà cứ tốn thời gian cạo gió, xoa dầu, vắt chanh... sẽ khiến bệnh nhân dễ bị di chứng nặng nề, thậm chí tử vong vì lỡ mất khoảng “thời gian vàng” 3 giờ đầu tiên sau khi bệnh khởi phát.
Theo BS Nguyễn Trung Anh, 3 giờ đầu là “thời gian vàng” để cấp cứu đột quỵ, tránh di chứng và tử vong. Người dân không nên sơ cứu gì ở nhà, hãy đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở bệnh viện càng sớm càng tốt, bởi mỗi phút không được điều trị đặc hiệu thì khoảng 2 triệu nơron thần kinh mất đi. Tới bệnh viện càng chậm, các tế bào thần kinh vùng não bị tai biến và cận kề càng hư hại, tàn phế khó phục hồi…
PGS.TS BSCK2 Nguyễn Văn Liệu, Phó Chủ nhiệm khoa Thần kinh, BV Bạch Mai cũng khuyến cáo: Khi người nhà bị đột quỵ, tuyệt đối không sợ, không cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu; chích máu đầu ngón chân, tay… hoặc di chuyển bệnh nhân quá mạnh. Hãy đặt bệnh nhân nằm ngửa nơi thoáng mát và nhanh chóng gọi cấp cứu, để không lỡ mất “thời gian vàng”.
Cố gắng giữ thông thoáng để bệnh nhân thở và đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tới viện, các bác sĩ có thể dùng thuốc giúp làm tan những cục máu đông, nhưng thuốc này chỉ phát huy hiệu quả tốt trong 3 giờ đầu sau khởi phát đột quỵ.
Hoặc dùng phương pháp tiêu sợi huyết qua đường động mạch trong khoảng 3 giờ vàng đã cứu được nhiều bệnh nhân, không để lại di chứng. Phương pháp chọc hút cục máu đông cũng chỉ có tác dụng trong khoảng 6 - 8 giờ kể từ lúc đột quỵ khởi phát.
Đột quỵ ngoài di chứng, rất dễ bị tái phát. Do đó cần chăm sóc bệnh nhân chu đáo, động viên bệnh nhân ăn uống, luyện tập, ổn định tinh thần, tâm lý để bệnh nhân không bị trầm cảm, cô đơn, buồn bực vì rất dễ tái phát bệnh.
Cần đưa người thân đến bệnh viện sớm khi có các dấu hiệu:
- Mặt phía dưới đôi khi bị tê, cứng 1/2 hoặc 1/4, hoặc đột ngột bị mất cân xứng, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi, má bên yếu rũ xuống… Bệnh nhân cười sẽ méo rõ hơn.
- Tay bị tê mỏi, dần thao tác vụng về cả khi gắp món ăn, viết…
- Chân đi dễ vấp ngã, bước khó và nặng hơn bình thường, nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép...
- Nói đớ, khó nói hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Hãy nói vài câu đơn giản, nếu thấy bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn, phải gắng sức khi nói… là dấu hiệu cảnh báo.
- Nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ, chậm hiểu bất thường… Phụ nữ bị nấc cụt, kèm đau ngực bất thường - là dấu hiệu cảnh báo sớm.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể kéo dài hoặc thoáng qua, hoặc xuất hiện cùng lúc, hoặc chỉ vài dấu hiệu, hãy sớm gặp bác sĩ để được hỗ trợ y tế.
Nhà có người cao tuổi, có người bị bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường... cần học các dấu hiệu đột quỵ để phản ứng nhanh với tai biến.
(Trích Phổ cập dấu hiệu đột quỵ - BV Bạch Mai)
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét