Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Đậu nành có thể không giúp ngăn chặn tắc động mạch

Dù có bổ sung một lượng vi chất chiết xuất từ đậu nành cũng không giúp ngăn chặn xơ cứng động mạch ở những người lớn tuổi.

Nghiên cứu một nhóm phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, các nhà khoa học thuộc ĐH Y Đại học Nam California ở Los Angeles (Mỹ) cho rằng, dù có bổ sung một lượng vi chất chiết xuất từ đậu nành cũng không giúp ngăn chặn xơ cứng động mạch ở những người lớn tuổi như trước kia người ta vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, nó lại có ích đối với những phụ nữ trẻ, chưa vào tuổi mãn kinh. Kết luận này góp phần làm rõ thêm cuộc tranh cãi về vai trò của đậu nành trong việc làm giảm huyết áp, cholesterol và nguy cơ của bệnh tim.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu đã dựa trên giả thuyết rằng tỉ lệ bệnh tim mạch ở Châu Á - nơi đậu nành là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống - thấp hơn ở các châu lục khác.
 
Họ cho 350 phụ nữ sau mãn kinh khỏe mạnh bổ sung hoặc 25 gram protein đậu nành (bao gồm cả khoảng 90mg của isoflavones) hoặc sữa đậu nành nguyên chất mỗi ngày. Những người phụ nữ ấy và các bác sĩ điều trị cho họ không biết cụ thể về loại protein đã được bổ sung.
 
Trong vòng 3 năm, cứ sau mỗi 6 tháng, các nhà nghiên cứu lại kiểm tra, siêu âm để biết tình trạng động mạch cảnh - bộ phận cung cấp máu cho não - của những phụ nữ này.
 
Kết quả cho thấy rất ít sự khác biệt trong tình trạng xơ cứng động mạch giữa những người được bổ sung protein đậu nành và những người chỉ uống giả dược.
 
Trong nhóm “đậu nành” động mạch bị dày lên gần 5 micromet/năm, còn ở nhóm kia là 6 micromet/năm. Đậu nành có chứa hoạt chất giống như estrogen (hoócmôn nữ) gọi là isoflavones, do đó nó đặc biệt có lợi cho phụ nữ lớn tuổi, khi lượng estrogen do cơ thể tổng hợp trở nên yếu đi.
 
“Tuy nhiên, dường như khi đã ở tuổi mãn kinh, cơ thể không có phản ứng gì nhiều với lượng isoflavones được bổ sung, trái lại nó chỉ có tác dụng với những người ở độ tuổi 5 năm trước khi mãn kinh...” - các nhà khoa học viết trong Tạp chí “Stroke”.
Ở Mỹ, mỗi năm có hơn 700.000 người bị đột quỵ và hầu hết những người bị đột quỵ là do những cục máu đông hình thành trên mảng bám trong các động mạch và giảm lưu lượng máu đến một phần của não bộ.

Theo K.Y.M - Lao động/ Reuters

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ ung thư

Bệnh huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư lên đến một nửa, đó là những gì mà các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Một nghiên cứu với hơn 600.000 người dân châu Âu ở độ tuổi trung niên đã cho thấy rằng những người đàn ông mắc bệnh huyết áp cao chiếm 49% có nguy cơ tử vong vì ung thư trong vòng 12 năm, so với những người không mắc bệnh hay có chỉ số huyết áp thấp.
Cần theo dõi huyết áp thường xuyên
Khi huyết áp tăng, chính là cơ hội để cho một loạt các loại bệnh ung thư phát triển bao gồm: ung thư da, ung thư ruột, ung thư phổi hay thận.
Trong số 1/5 những người được nghiên cứu, đàn ông có chỉ số huyết áp cao được theo dõi, thì có đến 29% bị chẩn đoán có nguy cơ mắc ung thư cao hơn với những người còn lại. Trong khi đó, bệnh huyết áp cao ở phụ nữ chỉ gây ra những tác động nhỏ về tỉ lệ mắc bệnh ung thư.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh huyết áp cao nhất chiếm gần 24% có nhiều khả năng bị chết vì ung thư hơn những người có huyết áp thấp. Huyết áp cao tăng nguy cơ của gan, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung và ung thư da. Những người thừa cân cũng có nhiều khả năng để phát triển ung thư
Mặc dù vậy, nghiên cứu này cũng lưu ý đến sự khác nhau giữa chỉ số cơ thể, cũng như dựa vào độ tuổi, những người hay hút thuốc để xem có phải chỉ do huyết áp cao là nguyên nhân duy nhất gây nên ung thư hay không.
Tiến sĩ Mieke Văn Hemelrijck, một nhà nghiên cứu trong Nhóm Dịch tễ học ung thư tại King College London, cho biết huyết áp cao là một yếu tố gây ra nguy cơ cho bệnh ung thư dẫn đến tử vong ở cả nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng mức độ này cũng không phải là tuyệt đối.
Ví dụ như, một người đàn ông bị huyết áp cao có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn người có huyết áp thấp là 3%, tương đương với tỉ lệ là 15,8% so với 12,8%. Bà cũng nhấn mạnh rằng, cuộc nghiên cứu không chứng minh huyết áp cao có thể tự gây ra ung thư.
Bà và các đồng nghiệp cũng đã trình bày kết quả của nghiên cứu tại Hội nghị hàng năm của Tổ chức ung thư châu Âu (ECCO) tại Stockholm, Thụy Điển.
Giáo sư Jan Willem Coebergh, từ trung tâm ung thư Eindhoven ở Hà Lan, nhận xét: "Nghiên cứu này dựa trên dân số rộng rãi về vai trò của bệnh cao huyết áp đồng thời cho thấy rằng nó ảnh hưởng đến nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là thận, nhưng nó cũng có thể là một tác động nhỏ hơn so với bệnh tiểu đường và trong các điều kiện mạch máu khác nhau".

Theo Vân Anh - An ninh Thủ đô/ Telegraph

Liệu tim bạn đã cần kiểm tra?

Hãy thực hiện bài test dưới đây. Hãy cộng tất cả những lựa chọn của bạn, bạn sẽ nhận được câu trả lời cho trái tim mình:

1. Bạn có cảm thấy đâu ở vùng ngực vào các buổi sáng và cơn đau này kéo dài đến tận trưa? (4 điểm)

2. Bạn có hút thuốc nhiều không?
- Nhiều nhất là 10 điếu 1 ngày (2đ)
- Mỗi ngày hút một bao (4đ)
- Nhiều hơn một bao (6đ)
- Phụ nữ vừa hút thuốc vừa uống thuốc phòng tránh thai. (6đ)

3. Bạn có bị đau phần vai, lưng hoặc vùng ngực khi hoạt động thể chất? (6đ)

4. Bạn có bị thừa cân không?
- Thừa khoảng 10 –14 kg so với cân nặng bình thường (4đ)
- Thừa hơn 15kg so với cân nặng bình thường (6đ)

5. Bạn có thường xuyên gặp ác mộng và khi tỉnh dậy cảm thấy đau ở vùng ngực? (6đ)

6. Bạn có bị:

- Huyết áp cao (6đ)
- Tiểu đường (2đ)
- Bệnh gút hoặc bệnh thấp khớp (1đ)
- Bạn lớn hơn 40 tuổi (đàn ông) (2đ)
- Người thân của bạn bị đột quỵ sau 60 tuổi (2đ)

7. Công việc của bạn:
- Thường xuyên ngồi và bạn không tập thể thao (4đ)
- Thường xuyên ngồi, nhưng bạn tập thể thao 1 lần/tuần (2đ)
- Di chuyển nhiều, nhưng không luyện tập thể thao (2đ)
- Chuyển động nhiều và luyện tập thể thao (0đ)

8. Bạn ăn uống thế nào?

- Đây không phải là vấn đề bạn không quan tâm lắm, tuy nhiên mức độ choresterol của bạn hoàn toàn bình thường (0đ)
- Mức độ cholesterol của bạn cao hơn mức bình thường, tuy nhiên bạn không bao giờ ăn mỡ động vật (2đ)

9. Mức độ kiềm chế của bạn:
- Bạn rất hiếm khi tức giận (0đ)
- Khi bạn tức giận, bạn luôn thể hiện ra ngoài (1đ)
- Nếu bực bội, bạn không muốn thể hiện ra ngoài (4đ)
- Bạn sợ mất việc (4đ)
- Bạn có vấn đề về tài chính (4đ)

Nếu tổng số điểm của bạn từ 0 - 6 điểm: nguy cơ đột quỵ của bạn thấp hơn mức bình thường. Hãy tiếp tục quan tâm đến mức độ choresterol và tình trạng các động mạch trong cơ thể.

Nếu tổng số điểm của bạn 7 - 15: bạn có những dấu hiệu ban đầu của xơ vữa động mạch vành tim. Bạn cần phải đi dạo nửa tiếng mối ngày và không nên dung thang máy. Hãy thương xuyên kiểm tra đi kiểm tra sức khỏe.

Nếu tổng số điểm của bạn lớn hơn 15: bạn cần phải đi kiểm tra sức khỏe toàn diện ngay lập tức. Bạn nên biết chính xác liệu hệ thống tim mạch của bạn có đang có vấn đề không.


Theo Hường Anh Dân trí/pravda

Thực phẩm tốt cho tim mạch

Nếu bạn có chế độ ăn uống lành mạnh thì những rủi ro của bệnh tim mạch sẽ thấp hơn, bao gồm cả mạch vành và đột quỵ.

1. Tăng cường số lượng trái cây và rau quả
Rau quả, trái cây chứa các vitamin và khoáng chất thiết yếu, chúng cung cấp các chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với hệ tim mạch, cũng là nguồn chất xơ.
2. Tăng cường lượng chất xơ
Chất xơ không chỉ hỗ trợ trong việc giảm cân, cải thiện chứng táo bón, làm giảm nguy cơ bệnh tim, huyết áp mà còn hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Các chuyên gia đề nghị nên dùng từ 25 - 35g chất xơ mỗi ngày.
 
Hạn chế thịt đỏ để phòng ngừa bệnh tim mạch
 
3. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp

Chỉ số đường huyết (The glycemic index: GI) là chỉ số đánh giá mức độ ảnh hưởng của thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh, trung bình hay chậm.
 
Các bác sĩ chia các thực phẩm này thành 3 mức: các thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh sẽ có GI cao từ 70 trở lên, mức GI trung bình là từ 56 - 69, GI thấp dưới 55 là những loại thực phẩm làm tăng đường huyết chậm.
 
Bạn nên chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết GI thấp, sẽ được cơ thể hấp thụ chậm. Chúng khiến lượng glucose trong máu trong cơ thể chúng ta tăng lên từ từ nên mang lại cho chúng ta cảm giác no lâu, hạn chế năng lượng đưa vào nhiều, nên được xem là thực phẩm chống lại đái tháo đường và bệnh tim mạch.
 
Nên tránh ăn nhiều sản phẩm có GI cao trên 70 như: khoai tây đút lò, khoai tây chiên, bánh mì baguette. Có thể thay thế một phần cơm bằng bún, miến, đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, rau luộc... là những thức ăn có GI thấp.
 
Nhưng đường máu không chỉ ảnh hưởng bởi chỉ số đường của thực phẩm mà còn ảnh hưởng bởi khối lượng ăn vào. Do vậy, khái niệm chỉ số tải đường huyết (The glycemic load: GL) phản ánh tốt hơn khi biểu thị khả năng làm tăng đường máu của thực phẩm vì chỉ số này thể hiện cả chất lượng và số lượng đường của thực phẩm.
 
Chỉ số tải đường huyết lớn hơn hoặc bằng 20 gọi là cao, từ 11 - 19 là trung bình và bằng 10 hoặc ít hơn gọi là thấp.
 
Nếu bạn tiêu thụ thức ăn có GI cao mà đồng thời chứa ít chất xơ thì rất dễ làm xáo trộn đường huyết. Lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh đái tháo đường týp II và bệnh tim mạch. Cả 2 chỉ số này càng thấp càng tốt, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường. Hầu hết các loại trái cây đều có chỉ số GL thấp.
4. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ
Trong ẩm thực, thịt của các động vật có vú như: bò, heo, cừu và ngựa được coi là thịt đỏ. Lợi thế của thịt đỏ là cung cấp nhiều lượng protein, sắt, kẽm, nhiều vitamin B12, niacin và vitamin B6. Trong khi đó cá, gà, vịt, ngỗng luôn được coi là thịt trắng.
 
Thịt trắng không nhiều năng lượng như thịt đỏ nhưng lại chứa nhiều chất béo không bão hòa, là loại chất béo có lợi cho sức khỏe.
 
Yếu tố chính để quyết định về màu sắc của thịt là nồng độ của myoglobin. Thịt trắng như ở gà dưới 0,05%, còn thịt heo và thịt bê có 0,1 - 0,3%, thịt bò non 0,4 - 1,0%, thịt bò già 1,5 - 2,0%.
Các loại thực phẩm như đậu nành, đậu hũ có thể là một thay thế tuyệt vời cho các loại thịt nhiều chất béo bão hòa, các loại thực phẩm không lành mạnh khác.
5. Acid béo Omega-3
Được xem là acid béo thiết yếu, chúng cần thiết cho sức khỏe con người nhưng cơ thể không thể tổng hợp được. Omega-3 có thể được tìm thấy trong cá, như: cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, hải sản khác bao gồm tảo và nhuyễn thể, một số cây trồng và các loại hạt có dầu như: hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều và hạt lanh.
 
Omega-3 còn được gọi là acid béo không bão hòa đa nối đôi (PUFA), đóng một vai trò quan trọng trong chức năng của não, ngày nay nó cũng đã trở nên phổ biến bởi vì nó có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
 
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn cá (đặc biệt là cá giàu chất béo như cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ…) ít nhất 2 lần một tuần.

Theo BS Ngô Hữu Lộc - Sức khỏe & Đời sống

Chế độ ăn uống phòng chống cao huyết áp

Cao huyết áp (CHA) là căn bệnh thầm lặng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Bệnh có thể diễn tiến qua thời gian dài mà không có biểu hiện gì cụ thể.
 
Có đến trên 1/3 số người bị CHA mà không biết mình bị bệnh. Do đó, việc tìm hiểu những nguy cơ và thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng chống CHA.
Ăn ít muối giúp giảm huyết áp
Một nghiên cứu của Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia ở Mỹ, liên quan đến những chế độ ăn uống ngăn chặn CHA DASH (dietary approaches to stop hypertension) đã cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả 2 nhóm người, nhóm ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp. Càng ăn ít muối huyết áp càng thấp.
 
Trong khi đó, một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18- 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5g. Người đang bị CHA chỉ nên ăn khoảng 2-3g mỗi ngày.
 
Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

Muối thường được đề cập trong chế độ ăn hàng ngày là muối ăn sodium chloride (NaCl). Tuy nhiên, có nhiều loại muối khác có cùng gốc sodium tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như: monosodium glutamate (bột ngọt), sodium citrate, sodium bicarbonate… cũng có tác hại tương tự NaCl khi dùng nhiều.
 
Theo Drug Bulletin, FDA, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ cho biết những loại nước ngọt có gas, các loại bia có hàm lượng Na còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Đừng quên các loại thuốc tiêu mặn, bột nở, bột nổi, loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc Na.
Rau quả, ngũ cốc giúp giảm độ mỡ và điều hòa huyết áp
Nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đều cho thấy, chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp.
 
Các chất xơ, nhất là chất xơ tan trong nước, có khả năng hút nước và trương nở lên đến 8-10 lần trọng lượng ban đầu, qua đó có thể kết dính và đào thải nhiều cặn bã và chất độc hại ra khỏi cơ thể.
 
Đặc biệt, chất xơ cũng thu hút những acid mật do cơ thể sản sinh ra để tiêu hóa các chất béo và đào thải chúng ra ngoài theo đường ruột. Điều này buộc cơ thể huy động đến kho dự trữ cholesterol ở gan để tạo ra những acid mật mới dẫn đến hạ độ cholesterol.
 
Những nghiên cứu của các bác sĩ Michael Murray, Joseph Pizzorno và Dean Ornish, những nhà khoa học về liệu pháp dinh dưỡng đối với bệnh tim mạch đều khẳng định chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm mạnh các chứng CHA và ngăn chặn hiệu quả các cơn đau tim.
 
Ngoài chất xơ và những vi chất khác, ăn nhiều rau quả giúp bảo đảm chế độ nhiều potasium (kali) và ít sodium, yếu tố vô cùng quan trọng việc ổn định huyết áp.
 
Người ta cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ CHA rất thấp (chỉ khoảng 1%) ở thời sơ khai và những người ăn chay là do họ ăn nhiều rau quả. Nhiều loại rau quả như: khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành có lượng kali rất cao.
 
Đặc biệt, chuối còn có tỷ lệ potassium/sodium cực cao (396/1). Do đó, chuối có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp và chống đột quỵ. Lượng potassium cao còn giúp bù trừ lại phần nào khuynh hướng ăn vào lượng muối nhiều hơn khuyến cáo.
Ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ
Thịt và mỡ động vật, nhất là các loại thịt đỏ như: thịt heo, thịt bò và các loại sữa và trứng có hàm lượng mỡ bão hòa cao là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và đạm thực vật.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên chỉ nên giới hạn khẩu phần chất béo trong khoảng 30% năng lượng ăn vào hàng ngày. Theo TS. Dean Ornish, một nhà tim mạch học nổi tiếng thế giới về phương pháp “đảo ngược bệnh tim mạch” bằng liệu pháp tự nhiên, những người bệnh tim không nên ăn quá 10% chất béo.
 
Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân. Acid béo omega-3 trong cá và các loại hạt có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông.
 
Những loại hạt này còn có nhiều loại khoáng chất cần thiết để điều hòa huyết áp như: magie. Ngược lại, thịt và trứng có nhiều chất mỡ bão hòa làm gia tăng lượng cholesterol xấu (LDL), đồng thời làm giảm lượng cholesterol tốt (HDL) có khả năng làm sạch lòng mạch.
Các loại đậu, nhất là đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành với nhiều chất xơ, chất khoáng và những chất chống oxy hóa là một nguồn chất đạm và chất béo lý tưởng cho phòng chống CHA.
Ngoài ra, ăn vài tép tỏi trong mỗi bữa ăn có tác dụng kiện tỳ, giải độc, tăng cường lưu thông khí huyết, hỗ trợ làm hạ huyết áp và cải thiện độ mỡ trong máu. Những người có khuynh hướng ăn nhiều thịt và mỡ động vật, thỉnh thoảng nên có chế độ ăn thanh lọc cơ thể. Có thể là nhịn ăn một buổi mỗi tuần và thay bằng uống nước trái cây.
 
Theo BS. Frank Sacks, chuyên gia Dinh dưỡng Trường Đại học Y Harvard: “Chỉ cần không ăn thịt và những sản phẩm từ sữa vài lần mỗi tuần. Nếu mọi người đều làm được điều này, tỷ lệ bệnh tim mạch sẽ giảm đáng kể”.
Thường ăn canh mộc nhĩ, khổ qua cũng có tác dụng rất tốt để giải độc, cải thiện độ mỡ trong máu và làm hạ huyết áp. Mộc nhĩ đen hoặc trắng 12g, khổ qua (mướp đắng) 50g, đậu phụ 200g. Thêm gia vị vừa đủ, nấu canh ăn hàng ngày.
Ngoài ra, người CHA được khuyên không nên hút thuốc, uống rượu. Hút thuốc làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và làm giảm lượng oxy cần thiết đến các tế bào và các cơ quan. Đối với rượu, nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy, mỗi ngày dùng khoảng 100g rượu vang đỏ sẽ có lợi cho hoạt động của hệ tim mạch.
Nói chung, trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần tìm đến những biện pháp cấp cứu của y học hiện đại. Tuy nhiên, việc điều trị căn cơ và tận gốc bệnh CHA phải dựa vào một lối sống lành mạnh gồm: chế độ ăn uống hợp lý, vận động đều đặn và thực hành thư giãn.

Theo Lương y Võ Hà Sức khỏe & Đời sống

Ăn gì để tránh bị đau nhói vùng tim

Đau nhói vùng tim là một loại bệnh tim mạch. Nguyên nhân là do mỡ bám vào các vách tim gây nên hiện tượng tắc nghẹn các mạch máu vùng tim.

Tỷ lệ mỡ tăng cao trong máu (trong máu chứa nhiều chất LDL-cholesterol, triglixerit, axit béo bão hoá) là một yếu tố quan trọng gây nên các bệnh tim mạch trong đó có bệnh đau nhói vùng tim.

Giảm được 10% lượng cholesterol trong máu có nghĩa là chúng ta đã giảm được 20% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các chuyên gia cho biết tỷ lệ cholesterol lý tưởng trong máu là dưới 2g/lít hoặc 1.6g/lít với điều kiện không hút thuốc, không thừa cân…


Để phòng tránh và điều trị bệnh đau nhói vùng tim, người bệnh phải kiểm soát được tỷ lệ cholesterol trong máu. Để làm được điều này, quan trọng nhất là chúng ta phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết một chế độ ăn nhiều rau xanh luôn là lựa chọn hàng đầu để chữa bệnh đau nhói vùng tim. Tuy nhiên, ngoài rau xanh cũng còn rất nhiều thực phẩm nữa  giúp bạn bảo vệ sức khoẻ tim mạch

- Sử dụng nhiều dầu ô lưu hay dầu cải trong chế biến các món ăn hàng ngày.

- Hạn chế sử dụng các loại thịt mỡ động vật và các sản phẩm làm từ sữa.

- Hãy lên thực đơn với món cá béo 2 lần/tuần nhưng thay vì rán hãy kho hoặc ăn gỏi.

- Ăn nhiều ngũ cốc: lúa mỳ, cơm, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh, hoa quả và các loại rau giàu chất xơ. Những thực phẩm này hạn chế được sự đồng hoá và dự trữ mỡ của cơ thể, do đó giúp giảm lượng cholesterol và triglixerit trong máu.

- Món tráng miệng: thay bánh ga tô, kem… bằng sữa chua.

- Chế biến nhiều món ăn hàng ngày có sử dụng hành ta, hành tây, chanh, rau thơm… và hạn chế ăn  nhiều muối.

- Uống đều đặn mỗi ngày 1 ly rượu vang đỏ. Rượu vang đỏ chứa nhiều chất chống oxy hoá và tăng lượng cholesterol có lợi cho máu do đó uống đều đặn mội ngày 1 ly rượu giúp bạn phòng các bệnh tim mạch.

- Ăn nhiều hoa quả hàng ngày và ăn  nhiều loại quả giúp chống lại các tế báo tự do và hạn chế sự già đi của tế bào.

- Hạn chế ăn đường

- Nói không với rượu mạnh và thuốc lá.


Theo Dung Nhi - Dân trí/Medecin

Hiểu kỹ về bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch.

Vào năm 2002, tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hàng năm và liệt kê THA là “kẻ giết người số một”.
Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp bốn lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp hai lần so với người không bị tăng huyết áp. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20 mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10 mmHg đối với huyết áp tâm trương. 

Năm 2008 có khoảng 16,5 triệu người chết vì tăng huyết áptrên toàn thế giới. Thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006 cho thấy có khoảng 56.561 người Mỹ chết vì tăng huyết áp. Đây là những con số thật kinh khủng (!).
Các biến chứng thường gặp của tăng huyết áp
Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của tăng huyết áp).
Các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim…,) các biến chứng về não (tai biến mạch não bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não; bệnh não do tăng huyết áp…) các biến chứng về thận (đái ra protein; suy thận…) các biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa, các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.
Đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. 
Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh tăng huyết áp do đã bị tai biến mạch não. Và do vậy, đã rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của tăng huyết áp, thậm chí tử vong mới biết mình bị tăng huyết áp hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt tăng huyết áp là quan trọng như thế nào.
Vấn đề kiểm soát tăng huyết áp cũng đáng để  bàn. Ngay tại một số nước phát triển như Hoa Kỳ, trong năm 2006, trong tổng số người bị tăng huyết áp có khoảng 77,6% đã được biết bị tăng huyết áp. 
Trong tổng số bệnh nhân bị tăng huyết áp, chỉ có 67,9% được điều trị và chỉ có 44,1% được khống chế tốt trong khi có tới 55,9% không được khống chế tốt. 
Tại một số nước như Canada, Anh, Đức… tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị cũng chỉ từ 27 - 47%. Tại Việt Nam, thống kê năm 2007, có tới gần 70% không biết bị tăng huyết áp, trong số bệnh nhân biết bị tăng huyết áp, chỉ có 11,5 % được điều trị và chỉ có khoảng 19% được khống chế huyết áp đạt yêu cầu.
Tại sao lại như vậy?
Để trả lời được câu hỏi này chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể từ phía các nhà quản lí, người dân và thày thuốc.
Nhận thức của nhân dân về nguy cơ, thái độ và hành động đối với tăng huyết áp chưa đầy đủ và đúng mực: Các nguy cơ thực tế mà người tăng huyết áp thường ước lượng không đầy đủ, bị bỏ sót hoặc ước lượng dưới mức. 
Mức tăng huyết áp thật của người bị tăng huyết áp cũng bị ước lượng dưới ngưỡng. Nhiều người còn coi thường về tăng huyết áp hoặc coi tăng huyết áp là có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Khống chế bằng cách nào?
Những nghiên cứu kinh điển đã cho thấy, việc tôn trọng điều trị giảm được huyết áp đã ngăn chặn được đáng kể tử vong và tàn phế do các biến chứng của tăng huyết áp gây ra. 
Theo ước tính, nếu cứ giảm đi được mỗi 10 mmHg huyết áp tâm thu ở người bị tăng huyết áp thì giảm được khoảng 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm được 40% nguy cơ tử vong do tai biến mạch não.
Làm thế nào để giảm được huyết áp như mong muốn: vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Việc thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định. Thêm vào đó, hãy dùng thuốc đều đặn và liên tục theo chỉ định của thày thuốc.
Theo ước tính của Hội Tim mạch Canada năm 2009 tại Canada, với việc giảm ăn mặn từ 3500mg muối xuống 1700mg muối trong một ngày đã giúp giảm 1 triệu người bị tăng huyết áp; giảm 5 triệu lượt người phải đi khám bác sĩ trong một năm; tiết kiệm được 450 đến 540 triệu đô la trong một năm do phải đi khám và dùng thuốc; giảm được 13% tử vong do các biến chứng tim mạch và tổng cộng chi phí y tế giảm được 1,3 tỷ đô la mỗi năm (!). 
Những thống kê khác về thay đổi lối sống là: cứ giảm được 1800mg muối mỗi ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg huyết áp; cứ giảm được mỗi 1kg cân nặng thừa thì giảm được trung bình 1,5mmHg; tập thể dục đều ít nhất 60 phút mỗi ngày và hàng ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg; chế độ ăn hợp lí (chế độ DASH theo khuyến cáo của Canada) sẽ giúp giảm được 11mmHg. Đây là một dẫn chứng nhỏ để nói lên, nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo, thì những biện pháp dù đơn giản cũng có hiệu quả đáng kể.
Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thày thuốc. Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của tăng huyết áp). 
Chúng ta rất vui mừng là hiện ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị tăng huyết áp, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị tăng huyết áp còn kém làm cho số bệnh nhân đạt được mục tiêu còn khiêm tốn.
Việc kiểm soát tăng huyết áp chủ yếu dựa vào cộng đồng và có ý nghĩa quyết định, mang lại lợi ích đáng kể. Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân là “vũ khí” hàng đầu trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Theo ThS. Nguyễn Ngọc Quang  - Sức khỏe & Đời sống

Cơ tim giãn - Một bệnh lý nguy hiểm

Bệnh cơ tim giãn là một bệnh lý của cơ tim không rõ nguyên nhân, gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trung niên và thanh niên.

Các bệnh nhân thường tử vong do cơ tim giãn ra và giảm dần chức năng tâm thu và tâm trương dẫn đến suy tim ứ huyết nặng.

Khó tìm ra nguyên nhân gây bệnh
Bệnh cơ tim giãn (BCTG) là bệnh lý của cơ tim không rõ nguyên nhân, đặc trưng bởi sự giãn ra của các buồng tim và giảm khả năng co bóp của cơ tâm thất trái và/hoặc phải, tăng thể tích tâm thu, tâm trương, cơ tâm thất thường bị mỏng đi.

Bệnh có tỷ lệ mắc khoảng 6-8/100.000 người. Đây là một loại bệnh nặng, có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong khá cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân này sau 5 năm là 35% và lên đến 70% sau 10 năm theo dõi. 

Bệnh cơ tim được Wallace Brigden mô tả từ năm 1957 để chỉ các bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ cơ tim. Đến năm 1980, WHO đã sử dụng thuật ngữ này để chỉ các bệnh cơ tim không rõ nguyên nhân. Bệnh cơ tim bao gồm bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại và bệnh cơ tim hạn chế.

Các tổn thương cơ tim này do nhiều nguyên nhân không rõ ràng như yếu tố gia đình, yếu tố miễn dịch hay do virut.
 
Những thay đổi về cấu trúc của cơ tim đã đưa đến những rối loạn huyết động như suy giảm nặng nề chức năng tâm thu và giãn tâm thất. Giảm cung lượng tim và thể tích nhát bóp. Giảm khả năng đáp ứng với gắng sức. Hở van hai lá và ba lá do giãn các buồng tâm thất.

Có thể đột tử vì những rối loạn nhịp tim

Theo những nghiên cứu thì đây là bệnh gặp nhiều hơn ở nam giới với tỷ lệ nam/nữ là 3/1. Các bệnh nhân thường tử vong do cơ tim giãn ra và giảm dần chức năng tâm thu và tâm trương dẫn đến suy tim ứ huyết nặng. Nguy hiểm nhất là có tới 50% bệnh nhân cơ tim giãn bị đột tử do rối loạn nhịp tim. 

Những phụ nữ bị bệnh cơ tim sau đẻ (bệnh cơ tim chu sản) thì thường có tiên lượng tốt hơn, có thể hồi phục chức năng tim hoàn toàn sau vài năm. Tiên lượng phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị bệnh sớm. 

Hiện nay, ghép tim là một giải pháp khá hiệu quả đối với những bệnh nhân bị BCTG có suy tim nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa. 

Tuy nhiên, điều đó ở nước ta là một điều còn ở tương lai vì hiện tại chưa một trung tâm tim mạch nào có thể thực hiện được kỹ thuật này, mặt khác, nguồn tạng từ người cho chết não ở Việt Nam vẫn còn quá khan hiếm.

Cần phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh để điều trị hiệu quả

Trong giai đoạn đầu của bệnh, việc giảm thể tích nhát bóp có thể được bù bằng cơ chế tăng nhịp tim để đảm bảo lưu lượng. 

Tuy nhiên lưu lượng tim không tăng khi gắng sức và gây ra triệu chứng khó thở. Có thể trong một thời gian dài các tâm thất bị giãn ra nhưng bệnh nhân không cảm thấy khó chịu gì. Đến giai đoạn sau, cả lưu lượng tim và thể tích nhát bóp đều giảm. 

Thể tích tâm thu và tâm trương của tâm thất tăng lên, giảm độ bão hoà ôxy máu tĩnh mạch và kết quả là làm tăng chênh lệch về ôxy giữa máu động mạch và máu tĩnh mạch. Tăng áp lực động mạch phổi và sức cản động mạch phổi từ từ do suy tim trái, giảm cung cấp máu thận, tăng tiết catecholamin và kích thích hệ thống renin-angiotensin -aldosterone do cung lượng tim thấp, do đó làm tăng sức cản ngoại biên lại càng làm cho cung lượng tim bị giảm đi nhiều hơn.

Các bệnh nhân bị BCTG thường có triệu chứng như khó thở, ho khan, đau ngực, phù chân, tiểu ít... Các bệnh nhân thường có triệu chứng suy tim nặng giai đoạn 3-4.

Tuy nhiên, khoảng 10% các trường hợp phát hiện ra bệnh là do tình cờ chụp Xquang tim phổi thấy bóng tim to hơn bình thường. Khám bệnh nhân thấy có các triệu chứng ứ trệ tuần hoàn ngoại biên như gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phù chân hay toàn thân. Các triệu chứng suy tim trái như có ran ẩm ở phổi, huyết áp hạ...
 
Cơ tim bị giãn

Điều trị BCTG cũng tương tự như các bệnh nhân bị suy tim do nguyên nhân khác. Cụ thể là ăn nhạt, dùng thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, các thuốc chống đông máu để phòng ngừa biến chứng tắc mạch.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy một số dụng cụ có hiệu quả trong điều trị bệnh cơ tim giãn như máy tạo nhịp phá rung tự động có thể cấy được vào trong cơ thể, tạo nhịp ba buồng tim...


Theo BS Nguyễn Lê Phương - Sức khỏe & Đời sống

Đàn ông vô sinh có nguy cơ cao mắc bệnh tim

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người đàn ông vô sinh thường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn những người đã có con cái.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người đàn ông vô sinh trong suốt 10 năm qua, và phát hiện ra rằng, những người không có con sẽ có nguy cơ tử vong vì bênh tim mạch. Tỉ lệ này đang chiếm 1/5 tương đương 17%.
Tiến sĩ Michael Eisenberg, một giáo sư về tiết niệu tại Đại học Stanford ở California, bắt đầu nghiên cứu bởi vì ông muốn biết những người đàn ông vô sinh liệu có sức khỏe tồi tệ lâu dài hơn so với những người đã làm cha hay không.

Ông và các đồng nghiệp đã theo dõi 135.000 thành viên nam của Hiệp hội Người về hưu trong 10 năm. Khi bắt đầu nghiên cứu, độ tuổi trung bình của họ là 62.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Eisenberg chỉ quan sát những người đàn ông đã kết hôn, và so sánh một cách chính xác nhất giữa người đàn ông bị vô sinh với  những ông bố.

Họ phát hiện ra mà, trong hơn 10 năm qua, khoảng 10% số người của nhóm nghiên cứu đã chết. 1/5 trong đó những ca tử vong do bệnh tim mạch.

Những người không có con có khả năng tử vong cao hơn, và nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Eisenberg cũng phát hiện thấy tỷ lệ tử vong vì tim mạch cũng cao hơn các bệnh khác. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Human Reproduction.
Tiến sĩ Eisenberg cho rằng lượng testosterone thấp có thể phản ánh các vấn đề  xấu về sức khỏe, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ông nói thêm: "Có thể có con làm cho người đàn ông có hành vi lành mạnh, vì vậy các ông bố sẽ sống lâu hơn". Đồng thời nhờ vào khả năng sinh sản mà lượng testosterone cũng cao hơn so với người đàn ông vô sinh, đây chính là yếu tố giúp họ tránh được bệnh tim mạch trong một thời gian dài.

Theo Linh Chi An ninh thủ đô/Telegraph

6 thời điểm nguy hiểm đối với người bị bệnh tim

Vào những thời điểm này, tự bảo vệ lấy bản thân là một trong những nhân tố quan trọng duy trì sự sống đối với những bệnh nhân đau tim.

1. Thức dậy buổi sáng


Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Harvad cho biết, nguy cơ đau tim cũng như tỷ lệ phát tác bệnh tim tăng 40% vào buổi sáng sớm.

Nguyên nhân là do khi vừa thức giấc, cơ thể tiết ra nhiều hooc-môn đặc biệt trên tuyến thượng thận, huyết áp cũng do đó tăng cao, mức tiêu thụ ô-xy cũng tăng mạnh, cơ thể rơi vào trạng thái mất nước, nồng độ huyết dịch lớn hơn làm cho việc lưu thông máu gặp khó khăn hơn. Do đó, tạo thêm áp lực cho hệ thống tim mạch.

Biện pháp bảo vệ: Sau khi thức dậy, hoạt động nhẹ nhàng, không quá nhanh cũng không quá chậm, cần cho cơ thể chút thời gian để cân bằng. Đồng thời, cần giữ ấm, nếu có thói quen luyện tập thể thao vào buổi sáng cần khởi động làm nóng người trước khi luyện tập.

Nếu có dùng thuốc trợ tim, nên dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả trị bệnh tốt nhất.

2. Buổi sáng sớm đầu tuần

Nghiên cứu cho thấy, buổi sáng sớm đầu tuần, khả năng phát các cơn đau tim dữ dội cao hơn 20% so với những thứ khác trong tuần.

Nguyên nhân do cơ thể phải chuyển trạng thái nghỉ ngơi sang làm việc, hơn nữa, công việc căng thẳng thường gây cảm giác ức chế, áp lực.

Biện pháp bảo vệ: Ngày cuối tuần nên nghỉ ngơi thoải mái, tuy nhiên không nên ngủ quá nhiều. Bởi làm như vậy cơ thể sẽ càng mệt mỏi, đồng hồ sinh học bị gián đoạn. Ngày đầu tuần lại làm việc, hoạt động gấp gáp khiến huyết áp tăng cao hơn so với bình thường.

3. Sau bữa ăn “no say”

Sau bữa ăn quá nhiều dinh dưỡng, chất đạm hay lipit cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơn đau tim “hoành hành”. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất béo và tinh bột đường quá cao trong cơ thể khiến các mạch máu co thắt lại gây tắc động mạch.

Biện pháp bảo vệ: Những người mắc bệnh tim mạch cần tránh ăn quá no, quá nhiều chất dinh dưỡng một lúc. Nếu không thể kiềm chế được cơn thèm ăn thì một viên aspirin sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, tránh hiện tượng tắc nghẽn hay đông đặc.

4. Sau khi đi vệ sinh

Táo bón là một trong những hệ lụy của bệnh tim mạch, đồng thời cũng là một trong những “thủ phạm” gây nhồi máu cơ tim hay đột quỵ ở những người mắc bệnh tim.

Nguyên nhân do, khi đi vệ sinh (đại tiện) áp lực tăng lên ở phần lồng ngực, giảm lưu lượng tuần hoàn máu từ đó làm những cơn đau tim phát tác là điều khó tránh khỏi.

Biện pháp bảo vệ: Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.

5. Lao động nặng nhọc
 
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim, động chân tay hay trí óc quá nặng nhọc đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm tính mạng. 

Đặc biệt khi làm những việc nặng nếu không có những bước đệm khởi động rất dễ làm tăng lượng tiết hooc-môn, huyết áp tăng từ đó càng làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Biện pháp bảo vệ: Dù tham gia bất cứ hoạt động lao động nào cần làm dần dần từng bước theo mức độ tăng dần, đừng quá nóng vội mà ảnh hưởng tới sức khỏe.

6. Phát biểu trước đám đông

Đối diện với nhiều người hay chịu bất kỳ áp lực tâm lý nào là một thách thức, một sự trải nghiệm lớn đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim. Bởi nếu tâm lý quá căng thẳng sẽ làm huyết áp tăng đột ngột, nhịp tim theo đó cũng không ngừng tăng nhanh, hooc-môn tuyến thượng thận tăng. Tất cả những nhân tố này đều khiến nguy cơ đau tim đột ngột dẫn tới đột quỵ hoặc tử vong tăng cao.

Biện pháp bảo vệ: Trước khi đứng đám đông cần có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý. Hạn chế tối đa tâm trạng căng thẳng hay nghe những tin tức không tốt. Nếu thấy quá hồi hộp hay căng thẳng, có thể uống chút thuốc trợ tim theo hướng dẫn của bác sỹ.


Theo Phạm Hằng Dân trí/People

5 loại thực phẩm giúp hạ huyết áp

Một bữa ăn nhiều chất xơ rất có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị nhiều dạng bệnh tim mạch trong đó có tăng huyết áp.

Các loại thực phẩm như rau, yến mạch, pectin trong táo, đậu đỗ, củ gừng, bột hạt ca-ri... có tác dụng cung cấp chất xơ cho cơ thể. 

Các chất xơ này, ngoài lợi ích chống tăng huyết áp, còn giúp giảm cân, chúng gắn với các kim loại nặg có hại trong cơ thể để thải ra ngoài. Vì vậy, chúng ta cũng cần chú ý đến những thực phẩm có lợi với bệnh tăng huyết áp.

Cần tây: Y học cổ truyền đã sử dụng cần tây trong điều trị tăng huyết áp từ xa xưa. Có một số bằng chứng thực nghiệm cho thấy cần tây rất hữu dụng trong việc làm giảm huyết áp, qua thử nghiệm bằng cách tiêm dịch chiết xuất cần tây vào động vật đã thấy tác dụng hạ huyết áp rõ rệt. 

Ở người, hiệu quả thấy được trên huyết áp sau một thời gian sử dụng ít nhất bốn cây cần tây mỗi ngày. Hãy thử với cần tây xào thịt bò, nước ép cần tây.

Tỏi
 
Tỏi là một thứ thuốc diệu kỳ cho tim. Nó có tác dụng có lợi trên hệ tim mạch bao gồm huyết áp. Tỏi có công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp.
 
Hằng ngày nếu kiên trì ăn đều đặn 2 tép tỏi sống hoặc đã ngâm giấm, hay uống 5ml dấm ngâm tỏi thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường. Tỏi tương đối dễ sử dụng: cho vào đồ nấu, nước chấm và đặc biệt là tỏi ngâm giấm.

Hành
 
Hành rất có lợi đối với người tăng huyết áp. Hãy dùng hành với các món: hành ngâm dầu ăn, hành xào cần tây... Hiệu quả trên huyết áp của hành cũng dễ hiểu bởi nó là "anh em họ" với tỏi.

Đậu Hà Lan và đậu xanh: Là hai loại thực phẩm rất có lợi cho người tăng huyết áp. Hằng ngày nên dùng một nắm giá đậu Hà Lan rửa sạch rồi ép lấy nước uống, hoặc dùng làm rau ăn thường xuyên.
 
Dân gian thường dùng đậu xanh hầm với hải đới; hoặc đậu xanh và vừng đen sao thơm, tán bột, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50g để phòng chống tăng huyết áp.

Cà rốt
 
Cà rốt có nhiều chất xơ và một phức hợp các chất có lợi cho huyết áp. Nếu uống 100ml nước ép cà rốt tươi, hai lần mỗi ngày trong 30 ngày sẽ thấy được tác dụng làm hạ huyết áp của nó. Ngoài ra, trong cà rốt còn có một chất bổ mắt là beta-caroten.
 Cà chua và đậu Hà Lan là những thực phẩm hạ huyết áp

 
Cà chua
 
Có công dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát máu và hạ áp. Nó là thực phẩm rất giàu vitamin C và P. Nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống, bạn sẽ có khả năng phòng chống tăng huyết áp, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
 
Cà chua có thể làm được nhiều món, nhưng người bị tăng huyết áp không nên dùng xốt cà chua (cà chua hộp) vì có nhiều muối.

Gia vị hỗn hợp
 
Gia vị hỗn hợp như thì là, hạt thì là, kinh giới (họ bạc hà), tiêu đen, húng quế, gừng,... có chứa những hoạt chất có lợi cho huyết áp. Tùy món ăn, hãy chế biến chúng cho hợp khẩu vị.


Theo Nguyễn Hoàng Quân Sức Khỏe & Đời Sống

1-2 thìa giấm mỗi ngày hỗ trợ tim

Nếu mỗi ngày ăn 1-2 thìa giấm, lượng cholesterol tốt sẽ tăng lên, hỗ trợ cho sức khỏe tim.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những người ăn giấm táo liên tục trong 8 tuần sẽ cải thiện được mức cholesterol tốt (HDL) so với những người dùng giả dược.
Trong một khảo sát y học với 120 người tham gia, một nửa trong số này đã uống giấm trong khi nhóm còn lại uống giả dược có chứa 2% giấm thơm.
Giấm táo, 1 trong 2 dược thảo nhà bếp trong điều trị viêm khớp và bệnh gút được chứng minh là giúp giảm mức đường huyết và giảm cảm giác thèm ăn.
Một nghiên cứu khác trên động vật bị đái tháo đường cho thấy dấm táo giúp giảm mức cholesterol xấu và cải thiện cholesterol tốt.
Các nhà khoa học tin rằng giấm đẩy nhanh tốc độ phân giải chất béo.

Theo Dân trí

Những giải pháp hữu ích cho người có nguy cơ đột quỵ

Đây là những giải pháp mà người thân và chính người bệnh có thể tự thực hiện hay tim kiếm, giúp phòng và hỗ trợ ngay cả khi đã bị đột quỵ.

Ăn cá


Những người ăn cá vài lần/tuần ít bị đột quỵ  hơn so với những người ăn ít hoặc không ăn cá.

Đây là kết luận từ một phân tích gồm 15 nghiên cứu, trong đó những người tham gia được hỏi về tần suất ăn cá và  được theo dõi trong vòng từ 4 đến 30 năm về nguy cơ  đột quỵ.

Số liệu phân tích gồm gần 400.000 người độ tuổi từ 30 đến 103. Các nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy ăn 3 phần cá/tuần làm giảm 6% nguy cơ đột quỵ. Những người ăn nhiều cá nhất ít bị đột quỵ hơn 12% so với những người ăn  ít cá nhất.

TS Dariush Mozaffarian, thuộc Trường Y tế công cộng Harvard nói: “Tôi cho rằng cá cung cấp các dưỡng chất có  lợi, đặc biệt là omega-3 giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Nhiều bằng chứng cho thấy 2 - 3 phần cá/tuần đủ để mang lại lợi ích này”.

TS Susanna Larsson và TS Nicola Orsini thuộc Viện Karolinska, Thụy Điển, cho biết trên tạp chí Stroke rằng: axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ nhờ những tác động có lợi của nó đối với huyết áp và cholesterol. Vitamin D, selen và một số loại protein có trong cá cũng có tác dụng giảm đột quỵ.

Cá béo như cá hồi và các trích rất giàu omega-3s. Hiệp hội Tim Hoa Kỳ khuyến cáo ăn ít nhất 2 phần cá béo/tuần.

Thiết bị “chân robot” 

 
Các nhà khoa học Hà Lan đang thử nghiệm thiết bị “chân robot” giúp bệnh nhân bị đột quỵ có thể di chuyển đi lại dễ dàng hơn.

Thiết bị mẫu đầu tiên có tên gọi Lower-extremity Powered ExoSkeleton (LOPES) được vận hành bằng cách điều khiển cơ thể và tâm trí bệnh nhân nhằm hồi phục các bước đi tự nhiên hơn.

Máy LOPES được phát triển bởi các kiến trúc sư thuộc trường Đại học Twente (Hà Lan) trong vài năm qua. Được thiết kế cho các phòng khám phục hồi chức năng, đây không phải là thiết bị di động nhưng có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân đi lại trên máy tập đôi chân tại các phòng phục hồi chức năng này.

Cô Petra Hes bị đột quỵ từ lúc mới 17 tuổi và là một trong những người đầu tiên tham gia thử nghiệm cho biết cảm giác vui mừng sau lần đầu sử dụng thiết bị này “Một cảm giác khó tả, dường như tôi đã cảm nhận được cảm giác nâng đầu gồi, cảm giác làm thế nào để đi bộ bình thường như trước kia. Đó là những cảm giác mà tôi gần như đã quên sạch trong tâm trí mình”.

TS Van Assledonk cũng các nhà nghiên cứu khác tin rằng “Chiếc máy này có thể giúp các bệnh nhân phát triển tín hiệu lên não - tín hiệu thiết yếu để có thể di chuyển đôi chân của mỗi người”.

Thiết bị cũng đang được thử nghiệm trên các bệnh nhân có chấn thương xương sống, những người đã hồi phục vận động đôi chân một cách hạn chế, mang lại hi vọng phục hồi khả năng đi lại cho các bệnh nhân.

Thiết bị này được hi vọng sẽ có mặt trên thị trường trên toàn thế giới sớm nhất vào năm 2012. 


Theo Thanh Mai, Quách Vinh - Reuters & BBC

Thực phẩm bảo vệ tim mạch

Những trái cây cơm trắng như táo, lê được chứng minh có thể ngăn ngừa tình trạng đột quỵ ở con người.

Táo và lê - thực phẩm cơm trắng - hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh: Shutterstock
 
Những trái cây cơm trắng như táo, lê được chứng minh có thể ngăn ngừa tình trạng đột quỵ ở con người.
 
Câu ngạn ngữ “ăn một quả táo mỗi ngày để tránh bác sĩ” lâu nay hóa ra luôn đúng. Nghiên cứu mới của Đại học Wageningen (Hà Lan) cho thấy ăn nhiều rau quả có cơm trắng, như táo, lê, có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ bị đột quỵ.
 
Dù trước nay nhiều báo cáo từng khẳng định rằng ăn rau quả mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe con người, nhưng lần này trưởng nhóm Linda M.Oude Griep cùng các đồng sự đã tìm thấy mối liên hệ giữa nguy cơ đột quỵ với màu sắc của trái cây và rau quả.
 
Nhóm của bà Oude Griep đã thu thập câu trả lời của 20.000 người trưởng thành về chế độ ăn của họ một năm trước đó. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 41, và tất cả đều không có tiền sử tim mạch khi cuộc nghiên cứu bắt đầu.
 
Trong 10 năm sau đó, 233 người bị đột quỵ. Các chuyên gia phát hiện nguy cơ lâm vào tình trạng trên thấp hơn đến 52% ở những người ăn nhiều rau quả và trái cây cơm trắng, so với những người ít ăn nhóm có màu này.
 
Các nhà nghiên cứu phân loại trái cây và rau quả thành 4 nhóm màu sắc: cam/vàng, thường là họ cam quýt; màu xanh lá, thường là rau quả lá xanh đậm, cải bắp và rau diếp; đỏ/tím, hầu hết là rau quả đỏ; và trắng, với 55% thực phẩm phổ biến là táo và lê.
 
Sự phân loại này dựa trên màu của thịt hoặc cùi thực phẩm, chứ không phân biệt theo màu của da. Ví dụ, táo đỏ được phân vào nhóm cùi trắng, vì dù vỏ màu đỏ nhưng cơm trắng. Màu sắc của cơm hoặc cùi phản ánh sự hiện diện của các hợp chất thực vật như carotenoid và flavonoid.
 
Táo và lê được xác định có thể giảm nguy cơ đột quỵ vì chúng chứa lượng xơ rất cao, cũng như flavanoid chống oxy hóa gọi là quercetin, theo các chuyên gia giải thích.
 
Các thực phẩm khác cũng được xếp vào nhóm màu trắng là chuối, bông cải trắng và dưa leo, còn khoai tây thuộc vào nhóm tinh bột nên không được xếp vào nhóm nào cả.
 
Các màu còn lại gồm xanh lá, cam/vàng và đỏ/tím không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Và nhóm chuyên gia Hà Lan khuyên rằng cũng nên đừng vì thế mà đánh giá thấp hiệu quả của chúng đối với sức khỏe con người.
 
“Những nhóm màu khác có thể bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh hiểm nghèo khác mà chúng ta chưa tìm ra chẳng hạn”, theo chuyên gia Oude Griep. Báo cáo này đã được đăng trên chuyên san của Hiệp hội Tim mạch Mỹ.  


Theo 
Phi Yến - Thanh Niên

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra đột quỵ

Lối sống và bệnh tật như hút thuốc, béo bụng, thiếu luyện tập và huyết áp cao có thể giải thích cho 9/10 trường hợp đột quỵ.


10 yếu tố được phân tích bởi các nhà nghiên cứu sau khi họ so sánh lối sống của 3.000 người bị đột quỵ với nhóm 3.000 có sức khỏe tốt sống ở 22 quốc gia. Hầu hết các yếu tố nguy cơ đều phản ánh rằng chúng liên quan với nhồi máu cơ tim.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada đã phân tích 5 yếu tố giải thích cho 80% trường hợp đột quỵ là huyết áp cao, hút thuốc, béo bụng, chế độ dinh dưỡng kém và thiếu luyện tập.

Khi các nhà nghiên cứu thêm 5 yếu tố khác là tiểu đường, dư thừa chất cồn, stress và trầm cảm, rối loạn tim và mỡ máu, họ nhận thấy chúng có thể giải thích cho 90% các trường hợp đột quỵ.

Trong số các yếu tố liên quan với đột quỵ, huyết áp cao được xem là tác nhân quan trọng nhất, giải thích cho 1/3 số trường hợp đột quỵ. Những người có tiền sử huyết áp cao sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2,5 lần so với những người không có bệnh. Hút thuốc cũng được xem là một tác nhân quan trọng khác bởi cứ 5 người bị đột quỵ thì có 1 người hút thuốc nhiều.

BS Martin O’Donnell, ĐH McMaster, Ontario, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy các yếu tố nguy cơ có liên quan với 90% trường hợp có nguy cơ đột quỵ.

Và các chiến dịch can thiệp giúp giảm huyết áp, giảm hút thuốc và tăng cường các hoạt động thể lực, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp giảm gánh nặng xã hội do đột quỵ gây ra”.

Phát hiện được đăng tải trên tạp chí The Lancet.


Theo Nhân Hà Dân trí/DM