Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Nguy cơ do viêm màng ngoài tim co thắt

Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của quá trình xơ hoá. Quá trình viêm mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra làm tổn thương dày và dính màng ngoài tim. 
Khi đã bị viêm màng ngoài tim co thắt, trái tim bị màng ngoài tim cứng chắc bao bọc, làm hạn chế tim giãn ra trong thì tâm trương, tăng các áp lực trong buồng tim và làm mất tương đồng giữa áp lực trong các buồng tim và áp lực của lồng ngực. Do tăng áp lực trong buồng tim và giảm sự giãn của tim thì tâm trương làm hạn chế sự đổ về của máu tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch phổi, gây ra triệu chứng suy tim ứ huyết của cả tim bên phải và bên trái. Nguy hiểm nhất là tuy bệnh nhân bị bệnh nhưng lại không được chẩn đoán ra bệnh vì không được nghĩ đến nên đã dẫn tới hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.
 Hình ảnh viêm màng ngoài tim.
Vì sao lại bị viêm màng ngoài tim co thắt ?
Khoa học đã biết đến một số nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt gồm: nhiễm khuẩn lao, vi khuẩn, virut, nấm và ký sinh trùng, trong đó lao là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng ngoài tim co thắt. Chấn thương do phẫu thuật tim có tràn máu màng tim là yếu tố thuận lợi dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt sau đó. Do chạy tia xạ: đây là biến chứng muộn của xạ trị dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt. Viêm nhiễm hoặc rối loạn miễn dịch trong các bệnh thấp tim, lupus ban đỏ, sarcoidose.
Do các bệnh ung thư vú, phổi, hạch lympho, u sắc tố, u trung biểu mô. Không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu nhận dạng bệnh là gì?
Những dấu hiệu sớm của viêm màng ngoài tim co thắt thường không đặc hiệu như ngất xỉu, mệt và giảm khả năng khi gắng sức. Thời gian sau đó bệnh nhân thường có các triệu chứng của suy tim trái như khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm. Giai đoạn nặng bệnh nhân sẽ thấy các dấu hiệu giống như suy tim phải: phù ngoại biên, căng tức bụng và cổ trướng. Khám thấy tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch  cổ dương tính. Nhiều bệnh nhân có dấu hiệu mạch đảo của Kussmaul (hít sâu vào lại làm giảm độ căng to của tĩnh mạch cổ). Tuy nhiên dấu hiệu này có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu thấp vì có thể gặp trong các trường hợp phì đại thất phải và nhồi máu cơ tim thất phải. Nguyên nhân của các hiện tượng này là do sự giãn nhanh của tâm thất trong thời kỳ đầu tâm trương. Nghe tim thường thấy tiếng tim mờ do màng ngoài tim dày. Tiếng đóng van hai lá và ba lá gần như xuất hiện ở cuối thì tâm trương, gây ra tiếng T1 rất nhẹ. Có khi nghe thấy tiếng gõ của màng ngoài tim ngay ở đầu tâm trương. Tiếng này xuất hiện do sự giãn ra đột ngột của tâm thất sau một giai đoạn bị màng tim cứng hạn chế giãn. Cần phân biệt tiếng này với các tiếng tâm trương sớm khác như tiếng T3, tiếng mở van hai lá. Thường tiếng gõ màng ngoài tim có âm sắc cao hơn và đến sớm hơn tiếng T3 và tiếng mở van hai lá luôn luôn đi kèm với tiếng rung tâm trương.
Nghe phổi thường thấy giảm rì rào phế nang ở hai đáy phổi, do sung huyết phổi hay tràn dịch nhẹ ở đáy màng phổi hai bên. Trường hợp ứ trệ nhiều, có thể thấy phù phổi với các ran ẩm xuất hiện. Gan to, trường hợp nặng có thể dẫn đến xơ gan tim với bụng cổ trướng rõ. Phù hai chi dưới, sau đó có thể dẫn đến phù toàn thân. Điện tâm đồ thấy có dấu hiệu điện thế thấp lan tỏa, sóng T thường dẹt, có thể thấy dấu hiệu dày nhĩ trái và cũng hay gặp rung nhĩ phối hợp. Chụp Xquang thấy màng ngoài tim canxi hoá trên phim chụp nghiêng và hay thấy ở vị trí của thất phải và rãnh nhĩ thất; tràn dịch màng phổi là dấu hiệu hay gặp; giãn nhĩ phải và nhĩ trái; hiếm thấy phù phổi. Siêu âm tim là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán và theo dõi tràn dịch màng ngoài tim. Có thể thấy: thành tự do thất trái dẹt; độ dày của màng ngoài tim tăng lên và có thể thấy cả dấu hiệu vôi hoá của màng ngoài tim; van động mạch phổi mở sớm; vận động nghịch của vách liên nhĩ trong thì tâm thu. Thông tim là phương pháp quan trọng để chẩn đoán phân biệt viêm co thắt màng ngoài tim và bệnh cơ tim hạn chế.
 Tổn thương viêm màng ngoài tim co thắt, trái tim bị màng ngoài tim cứng chắc bao bọc.
Chữa trị và phòng bệnh
Điều trị nội khoa bệnh nhân ở giai đoạn đầu có thể điều trị bảo tồn bằng lợi tiểu và chế độ ăn hạn chế muối. Ngoài ra điều trị nội khoa cũng được chỉ định ở các bệnh nhân quá nặng không còn chỉ định mổ hay không chấp nhận nguy cơ của cuộc mổ.
Phẫu thuật cắt màng ngoài tim là phẫu thuật được lựa chọn. Trên  90% các trường hợp có cải thiện triệu chứng đáng kể sau phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong trong và ngay sau mổ từ 5 - 20% nên cần thận trọng cân nhắc. Việc mổ sớm cho các bệnh nhân là tốt hơn chứ không đợi đến khi thể trạng bệnh nhân đã bị suy sụp do bệnh diễn biến kéo dài.
Phòng bệnh cần chẩn đoán và điều trị sớm, dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn như lao, viêm nhiễm do vi khuẩn, virut, nấm và ký sinh trùng, các bệnh thấp tim, lupus ban đỏ, sarcoidose, ung thư vú, ung thư phổi, u sắc tố…
ThS. Nguyễn Mạnh Hà
 
 

Ăn uống để phòng bệnh tim mạch

Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã nhận thấy mối liên quan giữa chế độ ăn uống với các bệnh tim mạch, rằng chế độ dinh dưỡng là một nhân tố quan trọng trong phòng ngừa và xử trí một số bệnh tim mạch, nhất là bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành.
Ăn gì để hạn chế tăng huyết áp?
Từ lâu, y học đã biết yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch máu não là tǎng huyết áp (THA). Các nghiên cứu đều thấy mức huyết áp tǎng lên song song với nguy cơ các bệnh tim do mạch vành và tai biến mạch máu não. Trong các nguyên nhân gây THA, trước hết phải nói đến lượng muối ăn hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy: ở các vùng mà dân cư ǎn ít muối thì bệnh THA không đáng kể, không thấy có THA theo tuổi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ǎn muối 6g/ngày đối với người lớn là giới hạn hợp lý để phòng THA. Ngoài muối ǎn còn có một số muối khác cũng có vai trò đối với THA. Chẳng hạn, tǎng lượng canxi trong khẩu phần ăn có tác dụng làm giảm huyết áp. Một số nghiên cứu khác thì cho biết, chế độ ǎn giàu kali có lợi cho người THA. Nguồn canxi tốt có trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Các thức ǎn nguồn gốc thực vật như khoai củ, đậu đỗ và các loại rau quả có nhiều kali. Trái lại, các loại thức ăn có nhiều các axit béo bão hòa lại làm THA. Như vậy, có nhiều yếu tố như muối natri, canxi, kali, chất béo bão hòa ảnh hưởng đến huyết áp, kết hợp với tình trạng béo phì và nghiện rượu.
Vì vậy, muốn phòng chống bệnh THA cần thực hiện một chế độ ǎn hạn chế muối, giảm nǎng lượng và rượu kết hợp với việc ăn thực phẩm giàu canxi, kali, vitamin C, thay thế các chất béo của thịt bằng cá, có thể đủ để làm giảm huyết áp ở hầu hết những người có THA nhẹ. Đối với bệnh nhân THA nặng, chế độ ǎn uống nói trên giúp giảm bớt sử dụng các thuốc hạ huyết áp.
 Hút thuốc lá gây nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành.
Phòng tránh bệnh mạch vành cách nào? 
Với hiểu biết hiện nay, 3 yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành đã được xác định là: hút thuốc lá, THA và cholesterol máu cao. 3 nguy cơ này tǎng dần theo tuổi.
Nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: tổn thương giải phẫu bệnh ở bệnh nhân vữa xơ động mạch vào thập kỷ 60 thì 95% có tổn thương động mạch não, 5% có tổn thương động mạch vành; nhưng đầu thập kỷ 80, kết quả là 85% có tổn thương động mạch não và 15% có tổn thương động mạch vành. Vào những năm 60, tỷ lệ tăng huyết áp của Việt Nam chỉ vào khoảng 1% dân số, còn hiện nay, theo số liệu của Viện Tim mạch, tỉ lệ này cao hơn 10%, như vậy tăng huyết áp đã trở thành một vấn đề sức khỏe cần chú ý ở Việt Nam.
Hút thuốc lá
được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh mạch vành. Nhiều nghiên cứu cho thấy: hút thuốc lá không những gây tổn thương màng trong các động mạch mà còn sinh ra chất nicotin gây tǎng nhịp tim và THA, tǎng nhu cầu oxy của các cơ tim. Chất oxyt cacbon trong khói thuốc làm giảm khả nǎng vận chuyển oxy của máu. Nicotin và các chất độc hại khác trong khói thuốc còn là nguồn sản sinh ra các gốc tự do, tǎng độ kết dính của tiểu cầu và làm giảm các lipoprotein có tỷ trọng cao, hậu quả là gây vữa xơ mạch máu, chít hẹp lòng mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đẩy nhanh quá trình lão hóa các cơ quan trong cơ thể… Vai trò của dinh dưỡng được chú ý đến khi người ta nhận thấy ở Italia, Hi Lạp là các nước mà tỷ lệ người nghiện thuốc lá nặng nhưng tỷ lệ mắc bệnh mạch vành không tǎng là do cư dân ở đây ăn nhiều rau và trái cây. Cholesterol máu cao có liên quan với bệnh mạch vành đã được thừa nhận nhờ kết quả nhiều công trình nghiên cứu. Cholesterol là một chất có nhiều chức năng quan trọng, một phần được tổng hợp trong cơ thể, một phần do thức ǎn cung cấp. Lượng cholesterol trong thức ăn góp phần gây ra nguy cơ bệnh mạch vành nên các nhà khoa học khuyên chúng ta chỉ nên ăn dưới 300mg cholesterol /ngày. Cần hạn chế ăn các thức ǎn nguồn gốc động vật chứa nhiều cholesterol là: não, bầu dục, tim, lòng đỏ trứng. Một lưu ý là lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol nhưng đồng thời có nhiều lexitin, là chất điều hòa chuyển hoá cholesterol trong cơ thể. Do đó những người có cholesterol máu cao không nhất thiết phải kiêng ăn trứng mà chỉ nên ǎn mỗi tuần 1 - 2 quả.
Nghiên cứu nổi tiếng của Keys và cộng sự trên 7 nước sau chiến tranh thế giới lần thứ hai cho thấy: tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành tǎng theo mức tǎng axit béo no trong khẩu phần. Axit béo no có nhiều trong chất béo động vật, còn các loại dầu thực vật giàu axit béo chưa no. Do đó, một chế độ ǎn giảm chất béo động vật, tǎng dầu thực vật, bớt ǎn thịt, tǎng ǎn cá; Ăn nhiều rau và trái cây, cai thuốc lá, hoạt động thể lực và duy trì cân nặng ổn định có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh bệnh mạch vành. Lời khuyên của các nhà dinh dưỡng là: nǎng lượng do chất béo cung cấp không được vượt quá 30%, các loại đường ngọt không quá 10%, còn nǎng lượng do protein nên đạt từ 10 - 15%.
ThS. Trần Quốc An
 
 

Các mảng xơ vữa động mạch hình thành như thế nào?

Vữa xơ động mạch (VXĐM) là nguyên nhân chính gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. VXĐM do tổn thương các tế bào nội mạc, làm cho các tế bào đó mất chức năng bảo vệ thành mạch. Tổn thương có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như trong bệnh tăng huyết áp, do ảnh hưởng của thuốc lá, một số thuốc và hóa chất, thức ăn, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn và virut, các yếu tố miễn dịch...
Khi bị tổn thương, các tế bào nội mạc tại chỗ mất khả năng tiết ra prostacyclin. Tiểu cầu lập tức tách ra khỏi dòng máu để tập trung vào chỗ đó và kết dính lại, phóng thích ra nhiều chất trong đó có yếu tố tăng trưởng, yếu tố này kích thích sự di chuyển các tế bào cơ trơn ở lớp trung mạc ra lớp nội mạc và phát triển mạnh tại đó. Các bạch cầu đơn nhân từ dòng máu cũng đến ngay chỗ tổn thương và được chuyển dạng thành đại thực bào. Các đại thực bào này “ăn” các LDL-C và trở thành các “tế bào bọt” tích đầy mỡ. Đến khi quá tải, các tế bào này bị vỡ và đổ cholesterol ra ngoài làm cho lớp dưới nội mạc dày lên tạo nên các vạch lipid hay các mảng xơ vữa đặc trưng của bệnh.
Bên cạnh việc góp phần tạo ra các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, tăng cholesterol máu có thể làm tổn thương lớp nội mạc. Chính vì thế, lý giải vì sao tăng cholesterol máu lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy trong quá trình hình thành mảng xơ vữa gây tắc hẹp động mạch vành.
Nguyễn Quang Bảo
 
 

Phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành: Những điều cần biết

Khi các biện pháp điều trị nội khoa hay can thiệp không giải quyết được tình trạng tắc nghẽn mạch vành của bạn thì dùng phương pháp phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành là một giải pháp rất quan trọng. Những tiến bộ về phẫu thuật tim mạch có tuần hoàn bên ngoài cơ thể đã mang lại nhiều hy vọng hơn cho những bệnh tim hiểm nghèo. Nếu bạn phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành, bạn không nên quá lo lắng, những chỉ dẫn của bác sĩ trong bài viết sau sẽ giúp bạn vượt qua cuộc đại phẫu một cách dễ dàng.
Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành (ĐMV) là bệnh của các động mạch chạy xung quanh tim và cung cấp máu cho cơ tim hoạt động. Khi các nhánh động mạch này bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn bởi các mảng xơ vữa thì gọi là bệnh ĐMV. Sự tắc nghẽn của ĐMV có thể làm giảm lượng máu tới cơ tim. Điều này dẫn tới cơn đau ngực được gọi là cơn đau thắt ngực, hoặc thậm chí nhồi máu cơ tim.
Vì sao bạn cần phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành ?
Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành sau khi đã đánh giá các triệu chứng và kết quả chụp ĐMV của bệnh nhân. Đó là khi bệnh nhân không thể đáp ứng với các biện pháp điều trị khác như nội khoa hay can thiệp. Cầu nối chủ-vành sẽ làm cải thiện sự cung cấp máu cho cơ tim, do đó giúp cho tim của bệnh nhân hoạt động tốt hơn. Phẫu thuật này sẽ cải thiện, thậm chí làm hết hẳn đau ngực và làm tăng tuổi thọ.
Lợi ích của phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành
Làm cải thiện dòng máu tới nuôi cơ tim, giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn: đau ngực giảm đi hoặc hết hẳn đau; phải dùng thuốc ít hơn; hoạt động thể lực tốt hơn; có một cuộc sống khỏe khoắn hơn; sống lâu hơn.
Phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành có gì đặc biệt?
Phẫu thuật sẽ bắc những cầu nối tắt từ động mạch chủ (qua chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc) vào phần ĐMV ở phía sau chỗ hẹp hoặc tắc để đưa máu tới nuôi cơ tim. Cầu nối có thể được lấy từ các động mạch ở trong ngực của bệnh nhân (động mạch vú trong) hay tĩnh mạch ở chân (tĩnh mạch hiển trong). Đôi khi cầu nối có thể được lấy từ các động mạch ở cánh tay (động mạch quay).
Các cầu nối làm bằng tĩnh mạch hay động mạch ở cánh tay cần phải nối cả 2 miệng nối ở động mạch chủ (động mạch chính dẫn máu từ tim đi nuôi cơ thể) và ở ĐMV, trong khi cầu nối bằng động mạch vú trong thì chỉ cần làm một miệng nối vào ĐMV. Cầu nối được khâu vào động mạch vành ở phía sau chỗ hẹp hoặc tắc.
Bắc cầu nối chủ - vành.
Thường bác sĩ sẽ mổ một hoặc hai đường ở chân của bệnh nhân để lấy tĩnh mạch làm mảnh ghép cầu nối. Đôi khi bác sĩ sẽ rạch một vết chích nhỏ ở bẹn của bệnh nhân để vào các mạch máu lớn.
Người ta cũng có thể phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành qua những đường rạch nhỏ ở ngực (mổ bắc cầu nối chủ-vành nội soi) và không cần tới máy tim phổi nhân tạo. Điều này phụ thuộc vào tổn thương trên hệ ĐMV và khả năng của phẫu thuật viên.
Quá trình lành vết thương?
Thông thường nếu động mạch vú trong được dùng làm cầu nối, bệnh nhân có thể bị tê nhẹ ở xương ức. Sau đó, cũng có thể bị tăng cảm giác (dị cảm) sau vài tuần rồi dần dần sẽ trở về bình thường.
Các vết mổ ở chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị tê buốt xung quanh vùng mắt cá và cảm giác đó thường kéo dài nhiều tuần sau đó. Vùng mắt cá chân đôi khi bị sưng nề. Bệnh nhân nên dùng băng chun băng vùng cẳng chân và kê chân cao khi nghỉ ngơi, điều đó sẽ giúp làm giảm phù nề. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy tê buốt ở mu bàn tay nếu động mạch quay được lấy làm cầu nối. Cảm giác này cũng có thể kéo dài nhiều tuần sau đó.
Ngoài ra, đi bộ là một biện pháp phục hồi chức năng rất hữu hiệu cho chân cũng như cho trái tim.
Bạn cần làm gì sau phẫu thuật?
Nhiều người bệnh cứ nghĩ rằng sau can thiệp ĐMV qua ống thông hay phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Điều trị bằng thuốc hay  bất kỳ một biện pháp nào khác chỉ là điều trị các triệu chứng. Để trái tim của bạn luôn được cung cấp máu đầy đủ, bạn cần loại trừ và khống chế được các nguyên nhân gây bệnh, đó là tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, thừa cân - béo phì. Nếu sau khi được bắc cầu nối chủ - vành, người bệnh vẫn  ăn nhiều chất béo, vẫn sống trong tình trạng stress, cô đơn, huyết áp vẫn không được kiểm soát... và lười vận động thì bệnh sẽ tái phát rất nhanh chóng, thậm chí nặng hơn và khi đó điều trị cũng khó
khăn hơn.
Vì thế, để đạt được kết quả điều trị tốt, người bệnh phải tái khám đúng hẹn, dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt phải thực sự chủ động thay đổi lối sống.Các bác sĩ sẽ dùng những kỹ thuật tốt nhất để cứu sống bạn nhưng để có một cuộc sống chất lượng thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhận  thức và nỗ lực của người bệnh.
  PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn
 
 

Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân bệnh động mạch vành

Sự liên quan giữa nguy cơ bị các biến chứng tim mạch và huyết áp ở những người đã bị nhồi máu cơ tim rất khác nhau và đã được cho là có sự liên quan theo mô hình hình chữ J trong 2 năm đầu sau nhồi máu cơ tim (ví dụ như có tăng nguy cơ nghịch thường ở những người có huyết áp thấp dưới 110/70mmHg), nhưng khi theo dõi lâu dài hơn lại thấy có sự liên quan dương tính. Tăng tỷ lệ tử vong khi huyết áp thấp có thể là ví dụ của quan hệ nhân quả ngược, bệnh nhân có huyết áp thấp bởi vì bị tổn thương cơ tim trầm trọng. Tiền sử tăng huyết áp không làm tăng tỷ lệ tử vong sau nhồi máu cơ tim, nhưng nó dự báo bị tái nhồi máu cơ tim.
Tăng huyết áp dẫn đến các biến chứng ở não, tim và thận thông qua hai cơ chế chính, cả hai cơ chế này đều liên quan đến việc tăng áp lực ở trong các động mạch. Cơ chế thứ nhất là do ảnh hưởng lên cấu trúc và chức năng của tim và các động mạch. Cơ chế thứ hai là do thúc đẩy sự tiến triển của quá trình vữa xơ động mạch. Cơ chế đầu tiên là hậu quả trực tiếp của huyết áp, trong khi cơ chế thứ hai đòi hỏi phải có sự tương tác với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, quan trọng nhất là tăng cholessterol máu. Do vậy, đột qụy liên quan chặt chẽ với những ảnh hưởng trực tiếp của huyết áp, trong khi bệnh động mạch vành liên quan đến sự vữa xơ động mạch. Sự liên quan giữa huyết áp với các biến cố chặt chẽ với đột qụy hơn là với bệnh động mạch vành. Ở các quốc gia có nồng độ cholesterol máu thấp thì đột qụy hay gặp hơn là bệnh động mạch vành.
 Xơ vữa động mạch vành có ảnh hưởng đến đột qụy.
Phân tích tổng hợp 61 nghiên cứu cho thấy có sự liên quan tuyến tính chặt chẽ giữa cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương với nguy cơ bị các biến chứng động mạch vành ở tất cả các nhóm tuổi từ 40 - 89. Khi tăng mỗi 20mmHg huyết áp tâm thu (từ 115- 180mmHg) thì tăng gấp 2 lần nguy cơ bị các biến chứng.Và với huyết áp tâm trương, nguy cơ bị các biến chứng tăng gấp đôi khi tăng mỗi 10mmHg (từ 75-100mmHg). Có sự tương tác giữa các yếu tố nguy cơ khác nhau, do vậy sự liên quan giữa huyết áp tâm thu và nguy cơ bệnh động mạch vành rõ rệt hơn ở những người có tăng cholesterol máu so với những người có cholesterol máu bình thường. Mặc dù đã được biết rõ ràng rằng huyết áp là một trong ba yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh động mạch vành (hai yếu tố nguy cơ kia là tăng cholesterol máu và hút thuốc lá), nhưng các biến cố động mạch vành có thể xuất hiện ở những bệnh nhân không có cả ba yếu tố nguy cơ trên. Một phân tích tổng hợp ba nghiên cứu lớn cho thấy có trên 90% các trường hợp nhồi máu cơ tim có một trong ba yếu tố nguy cơ nói trên.
Khuyến cáo chính thức về điều trị bệnh nhân tăng huyết áp bị bệnh động mạch vành là mục tiêu điều trị nên đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg, trong khi giảm huyết áp nhiều hơn có lợi hay hại thì còn đang tranh cãi. Giả thuyết về đường cong hình chữ J được đưa ra dựa trên các nghiên cứu cho thấy nếu huyết áp tâm trương thấp hơn một ngưỡng nhất định (khoảng 85mmHg) có sự tăng nghịch thường các biến cố. Người đưa ra giả thuyết giải thích rằng bởi vì tưới máu động mạch vành được thực hiện chủ yếu trong thời kỳ tâm trương, giảm huyết áp tâm trương quá nhiều ở người bị bệnh động mạch vành có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim. Một số nghiên cứu cho các kết quả ủng hộ giả thuyết này, bởi vì sự liên quan hình chữ J chỉ thấy ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhưng không thấy ở bệnh nhân đột qụy, nơi mà câu châm ngôn “Huyết áp càng thấp càng tốt” vẫn còn đứng vững. Phân tích gần đây, nghiên cứu INVEST so sánh hai chế độ thuốc ở các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, khẳng định rằng có sự tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân có huyết áp tâm trương thấp dưới 75mmHg. Một lần nữa không thấy có sự liên quan như vậy đối với đột qụy. Các số liệu từ nghiên cứu Framingham cũng ủng hộ giả thuyết đường cong hình chữ J này, nhưng không chỉ với các bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim mà còn ở bệnh nhân có huyết áp tâm thu cao nhưng huyết áp tâm trương thấp. Điều đó cũng được khẳng định qua nghiên cứu CAMELOT, khi phân chia ngẫu nhiên các bệnh nhân có huyết áp bình thường bị bệnh động mạch vành sử dụng amlodipine, enalapril hay giả dược. Kết quả cho thấy cả hai thuốc đều làm giảm huyết áp, nhưng amlidipine có tỷ lệ tái phát các biến cố so thấp hơn với nhóm dùng giả dược hay enalapril. Huyết áp của bệnh nhân khi bắt đầu nghiên cứu trung bình 129/78mmHg và giảm được 5mmHg ở cả hai nhóm điều trị thuốc hạ áp. Tóm lại, tại thời điểm này nên tránh giảm quá nhiều huyết áp tâm trương ở các bệnh nhân có bệnh động mạch vành, đặc biệt là các bệnh nhân có huyết áp tâm thu cao. Trong thực hành lâm sàng, đây là một công việc không dễ, bởi vì rất khó sử dụng thuốc làm giảm huyết áp tâm thu mà không làm ảnh hưởng đến huyết áp tâm trương.
PGS.TS.  Nguyễn Quang Tuấn
 
 

Bệnh nhồi máu cơ tim cấp

Điều trị và phòng ngừa NMCT cấp
Sự lựa chọn phương pháp điều trị bệnh nhân NMCT cấp nên được quyết định bởi các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu cùng phối hợp với các bác sĩ tim mạch dựa theo các phác đồ của bệnh viện. Nếu ở các bệnh viện không có khả năng can thiệp, cần giải thích rõ cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh, những lợi ích và nguy cơ của can thiệp động mạch vành (ĐMV) qua da và yêu cầu bệnh nhân hoặc người nhà ký giấy cam đoan xin chuyển đến bệnh viện có khả năng tái tưới máu cơ học cấp cứu gần nhất. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân cần có nhân viên y tế được đào tạo về cấp cứu tim mạch đi cùng, với các phương tiện cấp cứu cơ bản, bằng các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp khi tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định sau những sơ cứu ban đầu.
Các biện pháp chung cho mọi bệnh nhân bao gồm: nghỉ ngơi tại giường; thở ôxy; thuốc giảm đau (morphin sulphat), thuốc giãn ĐMV nitroglycerin ngậm dưới lưỡi, hoặc natispray xịt dưới lưỡi; cho ngay thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu: aspirin, và/hoặc clopidogrel (nếu không có chống chỉ định); thuốc chống đông: heparin thường hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp; thuốc chẹn bêta giao cảm (nếu không có các chống chỉ định); thuốc ức chế men chuyển: nên cho sớm và bắt đầu liều nhỏ (trong vòng 24 giờ đầu). Chế độ dinh dưỡng: ăn nhẹ, tránh táo bón, chế độ ăn đủ năng lượng, ít cholesterol và muối. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tái tưới máu ngay cho bệnh nhân NMCT cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian đến viện, tình trạng bệnh nhân, điều kiện trang thiết bị và trình độ của cơ sở y tế. Có 3 biện pháp điều trị tái tưới máu:
Điều trị tái tưới máu ĐMV bằng thuốc tiêu sợi huyết:
Nếu không có chống chỉ định, nên sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho những bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực trong vòng 12 giờ kể từ lúc khởi phát, có kèm theo biểu hiện đoạn ST chênh lên (1mm ở ít nhất hai chuyển đoạn ngoại vi, 2mm ở hai chuyển đạo liên tiếp trước tim) và/hoặc biểu hiện blốc nhánh trái mới trên điện tim đồ. Muốn đạt hiệu quả tối ưu, phải dùng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt dựa trên những tiêu chuẩn về điện tim mà không cần đợi các kết quả về men tim.
Can thiệp ĐMV thì đầu: cho các bệnh nhân NMCT cấp có đoạn ST chênh lên hoặc blốc nhánh trái mới trên điện tim, khi có thể tiến hành can thiệp ĐMV trong vòng 12 giờ kể từ khi khởi phát đau ngực, nếu có thể thực hiện nhanh chóng (trong vòng 90 phút kể từ khi đến viện) bởi những bác sĩ tim mạch can thiệp có kinh nghiệm tại những trung tâm có kinh nghiệm.
Phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành cấp cứu: nên được tiến hành trong các tình huống sau: can thiệp ĐMV qua da thất bại hoặc huyết động không ổn định ở các bệnh nhân có giải phẫu ĐMV phù hợp bắc cầu nối; tại thời điểm phẫu thuật sửa chữa các biến chứng cơ học như vỡ vách liên thất hay hở hai lá nhiều; có rối loạn nhịp thất trầm trọng đe dọa tính mạng người bệnh với tổn thương ≥ 50% thân chung ĐMV trái hay tổn thương cả 3 thân ĐMV.
Cho dù người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp nội khoa, ngoại khoa hay tim mạch can thiệp thì việc thay đổi lối sống, điều trị một số bệnh có liên quan và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc là hết sức cần thiết để điều trị và phòng ngừa NMCT tái phát.
Tóm lại: Đối với NMCT cấp có đoạn ST chênh lên thì tiêu sợi huyết vẫn là chiến lược điều trị chuẩn mực cho các bệnh nhân đến viện sớm và không có chống chỉ định, đặc biệt ở các cơ sở y tế chưa được có khả năng can thiệp ĐMV qua da cấp cứu. Tuy nhiên, tái tưới máu bằng can thiệp ĐMV qua da có tiên lượng tốt hơn đặc biệt là ở những trung tâm tim mạch can thiệp lớn có nhiều kinh nghiệm. Lựa chọn chiến lược điều trị tái tưới máu không chỉ liên quan đến những tiêu chí khoa học mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, trang bị máy móc và khả năng của cơ sở y tế. Cuối cùng, tất cả bệnh nhân phải được tư vấn kỹ lưỡng để thay đổi và điều trị các yếu tố nguy cơ. Đa số bệnh nhân phải dùng lâu dài các thuốc aspirin, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc statin và một thuốc ức chế men chuyển.
Dự án quốc gia phòng chống bệnh THA - Viện Tim mạch Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn (Viện Tim mạch Việt Nam)

Bệnh nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim (NMCT) là tình trạng hoại tử một vùng cơ tim, hậu quả của tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim. NMCT là một bệnh lý rất thường gặp và có liên quan nhiều đến sức khoẻ cộng đồng ở các nước phát triển và nguyên nhân thường gặp là do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, hút thuốc lá…
Theo thống kê tại Mỹ mỗi năm có trên 700.000 bệnh nhân phải nhập viện vì NMCT cấp. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây tỷ lệ NMCT có khuynh hướng tăng lên rõ rệt. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng NMCT cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm, đe doạ tính mạng người bệnh, vì thế tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong do NMCT khoảng 30%, có tới 50% trong số đó bị chết trong giờ đầu tiên. Theo thống kê của Tổng hội Y dược học Việt Nam năm 2001, tỷ lệ tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch nói chung là 7,7%, trong đó 1,02% chết vì NMCT.
Biểu hiện của NMCT cấp Biểu hiện chủ yếu của NMCT cấp là cơn đau thắt ngực điển hình: đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành (nitroglycerin). Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Tuy nhiên có trường hợp bệnh nhân bị NMCT mà không có hoặc ít cảm giác đau: hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn... Khám giúp chẩn đoán phân biệt và phát hiện các biến chứng của bệnh. Những triệu chứng hay gặp: nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi, huyết áp có thể tăng hoặc tụt, xuất hiện tiếng thổi mới ở tim...
 Huyết khối gây nhồi máu cơ tim.
Làm thế nào để phát hiện bệnh?
Để xác định xem dấu hiệu đau ngực có phải là bệnh NMCT cấp hay không, bác sĩ có thể phải tiến hành một số thăm dò cơ bản.
Điện tim đồ: Rất có giá trị để chẩn đoán xác định cũng như chẩn đoán định khu NMCT cấp. Nên tiến hành ghi điện tim đồ 12 chuyển đạo ngay cho tất cả các bệnh nhân đau ngực hay có các triệu chứng gợi ý bị NMCT cấp và được bác sĩ có kinh nghiệm đọc trong vòng 10 phút sau khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu. Nếu điện tim đầu tiên không giúp chẩn đoán, nhưng bệnh nhân vẫn còn triệu chứng và trên lâm sàng nghi ngờ nhiều khả năng bị NMCT cấp, thì nên ghi điện tim sau mỗi 5-10 phút hoặc theo dõi điện tim liên tục để phát hiện sự thay đổi của đoạn ST (chênh lên hay chênh xuống), sự xuất hiện sóng Q bệnh lý hay blốc nhánh trái hoàn toàn mới.
Xét nghiệm men tim: CK-MB có ở trong cơ xương và trong máu của người bình thường. Ngược lại tropoinin I tim và troponin T đặc trưng cho tổ chức cơ tim, không có trong máu của người bình thường. Vì có độ nhạy cao hơn nên troponin được ưu tiên sử dụng trong chẩn đoán phân biệt các bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định và NMCT không có đoạn ST chênh lên. Ngược lại, các bệnh nhân NMCT cấp có đoạn ST chênh lên được chẩn đoán chủ yếu dựa trên điện tim đồ 12 chuyển đạo.
Siêu âm tim: Siêu âm tim trong NMCT cũng rất có giá trị, đặc biệt trong những thể NMCT không có đoạn ST chênh lên hoặc có blốc nhánh. Thường thấy hình ảnh rối loạn vận động vùng liên quan đến vị trí nhồi máu. Siêu âm tim còn giúp đánh giá chức năng thất trái, các biến chứng cơ học của NMCT, dịch màng tim....
Cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng bệnh lý như: bóc tách động mạch chủ; thuyên tắc động mạch phổi; thủng dạ dày do loét; tràn khí màng phổi; thủng thực quản gây viêm trung thất; Viêm màng ngoài tim...
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn (Viện Tim mạch Việt Nam)
 
 

Ngăn chặn bệnh tim từ kiểm soát lipid máu

Bác sĩ chỉ nên kê đơn thuốc làm giảm cholesterol máu cho những người không muốn thay đổi lối sống hay những người đã thay đổi lối sống rồi nhưng nồng độ lipid còn cao hơn mục tiêu điều trị. Thay đổi lối sống không tốn kém và đặc biệt là không có tác dụng phụ. Ngoài việc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, nó còn giúp làm cải thiện tâm lý và tinh thần của người bệnh tim mạch.
Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chủ yếu của vữa xơ động mạch
Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu. Các cholesterol thường có nguồn gốc từ thức ăn của chúng ta, tuy nhiên cơ thể có thể tạo ra tất cả các cholesterol cần thiết. Triglycerid máu có nguồn gốc từ thức ăn do chúng ta ăn vào. Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được quan tâm nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) là một loại cholesterol có hại và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) là một loại cholesterol có ích.
Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chủ yếu của vữa xơ động mạch, là hiện tượng dày và cứng lên của thành các động mạch có khẩu kính lớn và trung bình. Trước hết vữa xơ động mạch do tổn thương các tế bào nội mạc, làm cho các tế bào đó mất chức năng bảo vệ thành mạch.  Tổn thương có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như trong bệnh tăng huyết áp, do ảnh hưởng của thuốc lá, một số thuốc và hóa chất, thức ăn, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn và virut, các yếu tố miễn dịch...
Bên cạnh việc góp phần tạo ra các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, tăng cholesterol máu có thể làm tổn thương lớp nội mạc. Chính vì thế lý giải vì sao tăng cholesterol máu lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy trong quá trình hình thành mảng xơ vữa gây tắc hẹp động mạch vành.
 Tắc nghẽn động mạch vành do mảng xơ vữa.
Thay đổi chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định làm giảm cholesterol máu
Điều trị tăng cholesterol máu đầu tiên là phải thay đổi chế độ ăn. Ăn giảm chất béo bão hoà và ăn giảm cholesterol. Không may, chế độ ăn này chỉ làm giảm nhẹ nồng độ cholesterol máu ở hầu hết mọi người và nồng độ cholesterol của họ vẫn còn quá cao. Do vậy, bệnh nhân thường nản lòng. "Tôi đã ăn kiêng mỡ, ít cholesterol, nhưng nồng độ cholesterol của tôi không giảm đi nhiều như tôi mong muốn. Tôi phải làm gì đây? "Nhiều bác sĩ đã trả lời rằng bệnh nhân cần sử dụng thuốc giảm lipid máu cho suốt quãng đời còn lại. Vấn đề là các thuốc giảm lipid máu khá đắt và cũng có những tác dụng phụ. Ngược lại, nếu thay đổi chế độ ăn và lối sống một cách toàn diện thì không những làm giảm nồng độ cholesterol máu mà còn làm hồi phục tim mạch. Cơ thể tự tạo tất cả các cholesterol mà chúng cần, cho dù chúng ta không ăn một chút cholesterol nào và cho dù chúng ta ăn giảm chất béo bão hòa. Trên thực tế, 3/4 lượng cholesterol có trong máu là do cơ thể tự tạo ra.
Bên cạnh các thuốc còn có một số chất có thể làm giảm lipid máu đến một mức độ nào đó như cỏ linh lăng, vỏ cây mã đề. Ăn tỏi cũng giúp làm giảm cholesterol đến một mức độ nào đó. Ăn cám yến mạch và cám gạo cũng là những cách phổ biến khác giúp làm giảm cholesterol máu. Thay vì hạn chế lượng chất béo bão hoà và cholesterol trong chế độ ăn, nhiều người tin rằng ăn cám yến mạch hay những chất xơ hoà tan sẽ có thể bảo vệ được họ một cách kỳ diệu và làm giảm nồng độ cholesterol máu xuống. Người ta sử dụng chúng như lá bùa để bảo vệ họ khỏi bị mắc các bệnh tim mạch thay vì thay đổi lối sống.
Các bác sĩ thường chỉ kê đơn thuốc làm giảm cholesterol máu cho những người không muốn thay đổi lối sống hay những người đã thay đổi lối sống rồi nhưng nồng độ lipid còn cao hơn mục tiêu điều trị. Thay đổi lối sống không tốn kém và đặc biệt là không có tác dụng phụ. Ngoài việc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, nó còn giúp làm cải thiện tâm lý và tinh thần của người bệnh tim mạch.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn

Thực phẩm cho một trái tim khoẻ

Để có một trái tim khỏe không phải là điều quá khó. Khoa học đã chứng minh, chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong phòng chống một số bệnh tim mạch như tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Một chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ, ngũ cốc, ít muối, hạn chế cholesterol và thay thế các chất béo có hại bằng các chất béo có lợi như các axit béo chưa bão hòa trong dầu đậu nành sẽ giúp bạn có một trái tim khỏe.
- Rau xanh nên được ưu tiên đầu bảng bởi trong rau chứa nhiều chất giúp bảo vệ hệ tim mạch như lycopen, chất chống oxi hóa, vitamin E, C và beta caroten…Các chất này có nhiều trong thực phẩm màu vàng, đỏ và các loại rau có lá màu xanh đậm. Chất bioflavonoid có trong nho đỏ, cam, ớt chuông, lá chè xanh…có tác dụng ngăn chặn các mảng bám động mạch.
 Các thực phẩm thân thiện với tim
- Chất béo là một nguồn dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, vì vậy, không thể loại bỏ chất béo khỏi thực đơn hàng ngày. Chất béo từ dầu đậu nành có tới 80% là các axit béo không no, omega 3, omega 6 giúp kiểm soát lượng cholesterol xấu trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo khuyến nghị của Hội Tim Mạch Việt Nam, dầu đậu nành SIMPLY là một lựa chọn tốt cho việc bảo vệ sức khỏe tim mạch hiện nay. - Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Mỹ, cá là một phần quan trọng của chế độ dinh dưỡng phòng chống bệnh tim mạch.Chất đạm từ thịt nên được hạn chế ở mức 100g/ người/ngày và thay thế một phần bằng đạm thực vật như đậu, đỗ và đặc biệt là chất đạm từ các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ, cà mòi, cá trích...để giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Nên hạn chế chất bột đường tinh chế và thay bằng các loại gluxit phức hợp như lương thực, ngũ cốc, các loại hạt, trái cây. Ngoài ra, nên tránh các thức ăn nhiều cholesterol như óc, phủ tạng động vật. Không nên ăn nhiều hơn 6g muối/ người/ ngày và tránh dùng nhiều caffeine với người trung tuổi.
Như vậy, với một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn sẽ không những có một trái tim khỏe mà còn tránh được những bệnh nguy hiểm khác. Để sống khỏe, sống vui, sống thọ, hãy chăm sóc trái tim mình từ những điều đơn giản nhất như việc tăng cường sử dụng các loại thực phẩm thân thiện với trái tim.

Bệnh tim mạch ở phụ nữ một báo động đỏ!

Bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là nữ nhiều hơn nam giới. Mỗi năm, phụ nữ (PN) tử vong do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, bệnh lao, sốt rét và nhiễm HIV/AIDS cộng lại. Cứ mỗi phút có trên 16 PN tử vong do bệnh tim mạch. Nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, mất sức lao động ở PN đang tuổi làm việc, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia.
Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở PN
Mối quan tâm hàng ngày ở PN đều cho rằng, ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở PN. Nhưng thực tế cứ mỗi 2 PN thì 1 người sẽ tử vong vì bệnh tim mạch. Trong lúc đó, cứ 25 người mới có 1 người tử vong vì ung thư vú.
Bệnh tim mạch mà hàng đầu là xơ vữa động mạch bao gồm: mạch vành, mạch não và mạch máu ngoại vi là do một số yếu tố nguy cơ tim mạch kinh điển là: rối loạn mỡ máu, huyết áp tăng, đường máu tăng, thuốc lá, béo phì… và một số yếu tố khác như: tuổi, giới tính, di truyền… làm tổn thương tăng sinh nội mạc mạch máu qua nhiều năm tháng hình thành mảng vữa xơ gây hẹp tắc lòng động mạch vành, tạo nên các biến cố ở tim là cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, gọi chung là bệnh mạch vành và ở mạch não gọi là đột quỵ.
Ở PN còn có thêm yếu tố nguy cơ gây gia tăng bệnh tim mạch là mãn kinh và dùng thuốc ngừa thai trong khi đang hút thuốc. Sở dĩ bệnh tim mạch ở PN chưa được quan tâm bởi sai lầm lớn nhât là quan niệm bệnh mạch vành là bệnh của đàn ông.
 Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.
Triệu chứng bệnh mạch vành cấp ở PN thường mơ hồ làm khó khăn trong chẩn đoán, gần 40% là không có triệu chứng đau ngực và thường có thể có những biểu hiện của những cơn đau khác như: đau ở cổ, vai, vùng dạ dày, nhịp thở gấp, nôn mửa, đổ mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt hoặc những sự mệt mỏi khác dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Mặc khác, 2/3 bệnh mạch vành ở PN thường đột tử không có dấu hiệu báo trước. Ngoài ra, một đặc tính có tính cách truyền thống của PN Á Đông là luôn có tính chịu đựng, chịu thương, chịu khó, luôn hết mình lo cho chồng, cho con, cho gia đình hơn là cho chính bản thân mình nên dẫn đến khi phát hiện bệnh thì thường đã nặng. Đa số PN ngay cả khi lên cơn đau, vẫn có khuynh hướng lưỡng lự, chần chừ không đi cấp cứu sớm. Hậu quả là đến bệnh viện quá trễ. Không ít PN thường thích tự chọn chuyên khoa để đến khám bệnh dựa theo triệu chứng, nên nhiều người ít khi đến ngay thầy thuốc chuyên khoa tim mạch mà lòng vòng nhiều nơi, nên không can thiệp kịp thời.
Ngày nay, bệnh tim không chỉ gặp ở PN lớn tuổi với nhiều bệnh phối hợp mà còn gặp nhiều ở PN < 50 tuổi và tử vong do nhồi máu cơ tim ở nhóm tuổi này thường gấp đôi so với nam giới.
Biện pháp phòng ngừa
PN khi nhận thức tốt về các yếu tố nguy cơ tim mạch sẽ là người bảo vệ phòng ngừa bệnh tim mạch tốt nhất, không chỉ cho bản thân mà cho mọi người trong gia đình. Chính họ là người quyết định bữa ăn của gia đình người cân nhắc chọn lựa thực phẩm, thực hiện những bữa ăn có lợi cho sức khỏe tim mạch như: tránh ăn mặn, khẩu phần bữa cơm gia đình hài hòa ít chất béo động vật, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn, khẩu phần hàng ngày nhiều rau củ quả, ăn nhiều cá ít nhất 3 lần một tuần, ăn thịt gia cầm hơn là ăn thịt mỡ, thịt heo, bò, hạn chế da động vật và các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như: trứng, tim, gan, hạn chế chiên xào, hạn chế dùng các loại bánh kẹo thực phẩm đóng gói có sử dụng dầu thực vật sẽ có nhiều transfat. Nếu chúng ta có một khẩu phần ăn uống hợp lý thường xuyên thì có thể làm giảm huyết áp, tránh béo phì, tránh tăng đường máu và mỡ máu.
Mỗi ngày nên uống nhiều nước, ít nhất 6 ly. Không lạm dụng rượu, bia, mức cho phép rượu, bia có lợi cho sức khỏe tim mạch ở PN là không quá 2 đơn vị ngày, 1 đơn vị là 284ml bia 3,5% hoặc 125ml rượu vang 8%. Khi mang thai thì không nên uống rượu, bia. Cần tích cực vận động gắng sức ít nhất 30 phút đi bộ mỗi ngày có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim ở PN đến 50%. Luyện tập gắng sức hàng ngày có thể làm hạ huyết áp, hạ mỡ máu, giảm béo phì, giảm nguy cơ đái tháo đường và ngay cả giảm nguy cơ ung thư tử cung và ung thư vú.
50% bệnh tim mạch ở PN có liên quan đến thuốc lá, hoặc môi trường có khói thuốc gọi là nhiễm độc thuốc lá thì nguy cơ bệnh tim sớm hơn 10 năm so với không nhiễm độc thuốc lá, và nếu vừa nhiễm độc thuốc lá, vừa dùng thuốc ngừa thai thì nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên 30 lần. Ngừng hút thuốc là gắn liền với giảm 36% tử vong tim mạch ở người có bệnh mạch vành.  Chính vì vậy, PN hãy cùng nhau thẳng thắn nói “KHÔNG” với khói thuốc ở mọi lúc mọi nơi, buộc tất cả mọi thành viên trong cộng đồng phải từ bỏ thuốc lá.
PN thường có nhiều áp lực trong gia đình và công việc hơn so với đàn ông. PN có những stress trong đời sống hôn nhân làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên 3 lần. Một kết quả nghiên cứu ở PN cho thấy, phiền muộn lo âu là một yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến bệnh tim mạch. Cần phòng chống các stress, hãy luôn yêu đời, sống hòa thuận, tránh xa những căng thẳng lo âu không cần thiết. Luyện tập gắng sức thường xuyên cũng sẽ giảm stress.
PGS.TS. TRẦN VĂN HUY
 
 

Đột qụy do tăng huyết áp

Nguy hiểm của đột qụy do THA?
Đột qụy (stroke) do tăng huyết áp hay thường được gọi là tai biến mạch não do tăng huyết áp là một thuật ngữ chung để chỉ các bệnh do tắc mạch não (nhồi máu não) và do chảy máu não (xuất huyết não). Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Khi bị đột qụy, một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi não do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngừng hoạt động và sẽ chết đi sau vài phút. Những tổn thương này dẫn đến các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ bị tổn thương như yếu, liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hoà nhập cuộc sống bình thường.
Những trường hợp mạch não bị tắc do mảng xơ vữa  ở thành mạch dày dần lên, làm hẹp dần lòng mạch và kết hợp với việc hình thành cục máu đông. Mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp gây xuất huyết não làm chảy máu, chèn ép não bộ và đôi khi xuất huyết ở khoang dưới nhện (mạch máu bị vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não).
Biểu hiện lâm sàng do tắc mạch hoặc do vỡ mạch khó có thể phân biệt, để chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào các yếu tố tiền căn, bệnh có sẵn và xét nghiệm cận lâm sàng (chụp Xquang sọ não, MRI, CT scanner)
Trong trường hợp điển hình, các triệu chứng xuất hiện đột ngột, tiến triển chỉ trong vài giờ (hoặc vài ngày). Trên lý thuyết, các triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng với khu vực tưới máu của động mạch bị tổn thương, tuy nhiên do các động mạch thông nối với nhau nên có sự cấp máu bù bởi các động mạch còn nguyên vẹn làm nhòe các triệu chứng.
Những người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao bị đột qụy là những người trên 55 tuổi có kèm theo các bệnh phối hợp như đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì- thừa cân, lười vận động và bị stress.
Phòng ngừa đột qụy như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh có hiệu quả cần tuân thủ tốt các chế độ phòng bệnh:
a. Phòng bệnh cấp một bao gồm các hành động với mục đích không cho  bệnh hoặc tác nhân xấu có cơ hội gây ra bệnh tật.
b. Phòng bệnh cấp hai với mục đích phát hiện ra bệnh ở giai đoạn mới chưa có triệu chứng. Nhờ đó khi áp dụng, các phương thức điều trị có thể trì hoãn hoặc chặn đứng không cho bệnh xảy ra.
c. Phòng ngừa cấp ba là để tránh các biến chứng xấu của bệnh mà không may đang mắc phải.
Huyết áp cao là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột qụy. Các nhà y học đã coi tăng huyết áp như kẻ giết người thầm lặng. Ở người tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây tai biến này. Tăng huyết áp là nguyên nhân gây đột qụy quan trọng nhất và ta có thể điều chỉnh được. Duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa đột qụy.
Vì thế mỗi người cần theo dõi huyết áp đều đặn, đo ít nhất 2 lần mỗi năm. Nhiều người không biết huyết áp mình cao vì bệnh thường thường không có triệu chứng.
Kiểm soát trị số huyết áp và khống chế huyết áp để đạt được trị số huyết áp mục tiêu. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ.
Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức này đã được coi như tiền tăng huyết áp và cần được theo dõi. Trên mức 140/90mmHg là tăng huyết áp...  Dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trở về trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Các yếu tố nguy cơ cần được kiểm soát như:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
-Hạn chế ăn muối.
- Giảm cân nặng nếu béo phì.
- Vận động cơ thể đều đặn và cần tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày, là giảm được nhiều nguy cơ.
- Giảm căng thẳng tâm thần vì stress gây tăng huyết áp và có thể gây ra đột qụy.
- Ăn chế độ ăn giảm mỡ.
- Điều trị tốt bệnh đái tháo đường, cần duy trì đường huyết ở mức độ trung bình, vì bệnh này làm tăng nguy cơ tai biến từ 2 - 4 lần cũng như tăng tỷ lệ tử vong.
- Aspirin với đột qụy: aspirin giảm sự ngưng kết của tiểu cầu, do đó được dùng để phòng ngừa một vài bệnh tim mạch. Nhưng việc sử dụng này là vấn đề khá tế nhị, cần được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị rối loạn lipid máu: Những người tăng huyết áp cần được kiểm tra lipid máu định kỳ, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, triglycerid và HDL-C sau khi nhịn đói 10-12 giờ. Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6-12 tháng/lần. Điều trị bằng thuốc phải kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống.
Ngoài ra, không nên quan niệm bị đột qụy có nghĩa là cuộc đời chấm dứt.
Cho nên, điều cần thiết là người bệnh phải có thái độ tích cực, tin tưởng ở các phương pháp điều trị, phục hồi chức năng và chủ động trong việc tự săn sóc, và với sự hỗ trợ, chăm sóc của người thân.
Dự án phòng, chống bệnh tăng huyết áp quốc gia - Viện tim mạch Việt Nam
TS.BS. Phạm Quốc Khánh (Viện Tim mạch Việt Nam)
 
 

Phát hiện và xử trí cơn tăng huyết áp cấp tính

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh rất thường gặp và ngày nay đã trở thành một vấn đề xã hội. Theo thống kê ở Việt Nam những năm cuối thập kỷ 80, tỷ lệ người lớn bị THA là 11% và theo điều tra năm 2008 của Viện Tim mạch Quốc gia tại 8 tỉnh/thành phố trên cả nước, tỷ lệ này là 25,1%. THA có thể gây nguy hiểm ngay cho bệnh nhân nhưng cũng có thể âm thầm ảnh hưởng đến các cơ quan đích như tim, não, thận, mắt, gây ra những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là THA khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
THA cấp cứu là tình huống THA kèm theo các biến chứng nặng cần phải hạ huyết áp xuống tức thì để tránh tổn thương các cơ quan đích, thường huyết áp trên 200/100mmHg. Các tình huống thường gặp trong THA cấp cứu:
1. Bệnh não do THA.
2. THA và nhồi máu cơ tim.
3. THA và đau ngực không ổn định.
4. THA kèm tách thành động mạch chủ.
5. Suy tim trái cấp do THA.
6. THA kèm xuất huyết dưới nhện và xuất huyết não.
7. Cơn THA trong u tủy thượng thận.
8. THA do dùng các thuốc kích thích (cocain, amphetamin...)
9. THA quanh phẫu thuật.
10. THA trong tình trạng sản giật và tiền sản giật.
Nguyên tắc xử trí cơn THA cấp cứu
- Xử trí khẩn trương, theo dõi sát. Bệnh nhân phải được nhập viện và theo dõi tại bệnh viện có chuyên khoa tim mạch và cấp cứu.
- Dùng các thuốc hạ huyết áp đường truyền tĩnh mạch. Việc lựa chọn thuốc cụ thể tùy từng trường hợp có liên quan đến các bệnh kèm theo và các tổn thương cơ quan đích của bệnh nhân, theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Mức độ hạ huyết áp tùy từng trường hợp cụ thể.
Các thuốc điều trị THA đường tĩnh mạch
Trong các trường hợp THA cấp cứu, cần được điều trị giảm huyết áp nhanh chóng, nhưng không cần trở về bình thường ngay, nhất là ở những bệnh nhân bị tai biến mạch não kèm theo. Trường hợp bệnh nhân bị tách thành động mạch chủ cần đưa huyết áp xuống mức thấp nhất có thể. Sau khi qua cơn THA cấp cứu, bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi và điều trị THA và các yếu tố nguy cơ. Sau khi đã qua cơn THA cấp tính, bệnh nhân cần được đánh giá lại tình trạng toàn thân, các tổn thương cơ quan đích và các yếu tố nguy cơ kèm theo để được theo dõi, tư vấn và điều trị lâu dài, tránh các biến chứng.
Tổn thương các cơ quan đích có thể gặp trong THA.
1. Tim.
- Cấp: phù phổi cấp, NMCT cấp.
- Mạn: dày thất trái, suy vành mạn, suy tim...
2. Mạch não:
- Cấp: tai biến mạch não, bệnh não do THA...
- Mạn: tai biến mạch não, tai biến mạch não thoáng qua.
3. Thận:
- Đái máu, đái ra protein, suy thận.
4. Đáy mắt:
- Phù, xuất huyết, xuất tiết, mạch co nhỏ...
5. Bệnh động mạch ngoại vi: tắc động mạch chi, tắc động mạch cảnh...
Như vậy, THA là một bệnh lý khá phổ biến, nếu không được theo dõi điều trị tốt có khá nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe sau này của bệnh nhân. Một trong những tình trạng đó là cơn THA cấp tính. Khi xảy ra cơn THA cấp tính, bệnh nhân cần được nhập viện cấp cứu và được theo dõi, điều trị tại bệnh khoa chuyên ngành tim mạch. Sau khi đã qua tình trạng cấp cứu bệnh nhân vẫn cần được theo dõi, điều trị lâu dài và cần được tư vấn, giáo dục để đề phòng các biến chứng sau này.
Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, chống tăng huyết áp
ThS. Đỗ Kim Bảng (Viện Tim mạch Quốc gia)
 
 

Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp an toàn và hợp lý (II)

Liều lượng và theo dõi
Thuốc điều trị đối với hầu hết bệnh nhân (THA không biến chứng, giai đoạn 1 và 2) nên khởi đầu liều thấp nhất để ngừa tác dụng phụ tụt HA quá nhiều hoặc quá đột ngột. Nếu HA vẫn không kiểm soát được sau 1 - 2 tháng thì mới tăng liều. Để tránh tác dụng phụ của thuốc có thể mất nhiều tháng để kiểm soát HA hiệu quả. Phần lớn thuốc chống THA dùng 1 lần ngày và điều này giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt.
Điều trị thuốc khởi đầu
Khi quyết định bắt đầu điều trị THA bằng thuốc và nếu không có chống chỉ định thì nên chọn thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế bêta bởi vì nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh 2 thuốc này giúp giảm bệnh suất và tử suất.
Nếu đáp ứng với liều khởi đầu không hiệu quả sau khi đã cho liều tối đa, có 2 hướng điều trị tiếp.
- Nếu bệnh nhân dung nạp thuốc khởi đầu tốt, thêm thuốc thứ hai khác nhóm.
- Nếu có tác dụng phụ đáng kể hoặc không đáp ứng, thay thế một thuốc khác nhóm.
Nếu lợi tiểu không phải là thuốc khởi đầu, thường chọn thuốc này ở bước 2 vì thuốc làm tăng hiệu quả của thuốc khác. Nếu thuốc thứ 2 thêm vào kiểm soát tốt HA, có thể cân nhắc thử rút bớt thuốc điều trị khởi đầu. Trong mỗi bước điều trị, thầy thuốc nên xem xét những lý do có thể gây ra kém đáp ứng điều trị ở bệnh nhân nguy cơ cao. Mặc dù một số bệnh nhân có thể đáp ứng hiệu quả với một thuốc đơn độc nhưng thường cần thêm thuốc thứ 2 hoặc thứ 3 sau một khoảng thời gian ngắn mà không kiểm soát được. Bệnh nhân có HA tâm thu trung bình bằng hoặc lớn hơn 200mmHg và HA tâm trương trung bình hoặc lớn hơn 120mmHg cần phải điều trị tức thì.
Điều trị giảm dần
Sau khi THA được kiểm soát hiệu quả ít nhất 1 năm cần xét tới giảm liều và số lượng thuốc chống THA. Giảm liều được thực hiện thận trọng, chậm và từ từ. Giảm liều thường thành công ở bệnh nhân có điều chỉnh lối sống tốt. Bệnh nhân ngưng thuốc phải được theo dõi định kỳ vì HA có thể tăng trở lại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi ngừng thuốc, đặc biệt ở bệnh nhân không thực hiện chế độ điều chỉnh lối sống.
Hạ thấp HA tâm trương quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ tai biến mạch vành do giảm áp lực tưới máu tâm trương trong tuần hoàn mạch vành.
Tăng huyết áp kháng thuốc
THA kháng thuốc khi HA không giảm dưới 140/90mmHg ở bệnh nhân đã tuân thủ điều trị chặt chẽ và sử dụng 3 thứ thuốc thích hợp bao gồm thuốc lợi tiểu với liều lượng 3 thuốc gần liều tối đa. Đối với người già THA tâm thu đơn độc, kháng thuốc là đã dùng 3 thuốc đầy đủ mà HA tâm thu không dưới 160mmHg. Tuy nhiên, nếu HA mục tiêu không thể đạt được đồng thời cũng không có tác dụng phụ nghiêm trọng thì việc giảm HA dưới tối ưu cũng góp phần giảm bệnh suất và tử suất.
Cơn tăng huyết áp
THA cấp  là tình huống cần phải hạ HA tức thì để ngăn ngừa hoặc hạn chế tổn thương cơ quan đích. Những tổn thương bao gồm bệnh não do THA, xuất huyết nội sọ, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, suy tim trái cấp kèm phù phổi, phình bóc tách động mạch chủ hoặc động kinh. THA cấp là tình huống cần hạ HA trong vài giờ.
Hầu hết THA cấp cứu được điều trị ngay bằng thuốc đường tĩnh mạch thích hợp. Thuốc thích hợp gồm thuốc lợi tiểu quai, chẹn bêta, ức chế men chuyển, thuốc ức chế alpha-2 và chẹn kênh calcium.
Mục tiêu khởi đầu của điều trị THA cấp cứu là hạ HA trung bình không quá 25% (trong 2 giờ đầu), sau đó đạt 160/100mmHg trong 2 - 6 giờ kế tiếp, tránh hạ quá nhiều có thể thúc đẩy thiếu máu cục bộ thận, não và mạch vành.
Dự án Phòng, chống tăng huyết áp Quốc gia - Viện Tim mạch Việt Nam
TS.BS. Phạm Quốc Khánh
 
 

Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp an toàn và hợp lý

Kỳ I
 
Tại sao phải điều trị tăng huyết áp? Huyết áp cao thường gây ra các tai biến nghiêm trọng như tử vong và hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận, phình bóc tách động mạch chủ... Do đó mục đích chính của điều trị tăng huyết áp là để phòng ngừa những biến chứng này.
Hiện nay có trên 80 thuốc  đang được sử dụng. Cơ chế tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp theo nhiều cơ chế khác nhau. Thuốc có thể làm thay đổi sức cản ngoại vi toàn phần, thể tích tống máu, nhịp tim  hoặc cung lượng tim; tất cả đều dẫn tới hạ huyết áp. Những thay đổi tim mạch này là do tác động dược lý của thuốc bao gồm thay đổi trao đổi ion natri ở cơ trơn mạch máu (thí dụ: các thuốc lợi tiểu); ức chế men chuyển angiotesin (ACE), ức chế thụ thể AT1, hoặc giảm hoạt động giao cảm (thí dụ: các chất chẹn alpha, chẹn bêta và các chất đối kháng alpha trên hệ thần kinh trung ương), chẹn kênh canxi.
Các nhóm thuốc điều trị THA hiện nay bao gồm:
Lợi tiểu: lợi tiểu thiazide, lợi tiểu giống thiazide, lợi tiểu quai, lợi tiểu giữ kali.
Ức chế bêta adrenergic: propranolol, atenolol, metoprolol, bisoprolol, carvedilol...
Chống tăng huyết áp giãn mạch: hydralazine, minoxidil...
Chống tăng huyết áp tác dụng thần kinh trung ương: clonidine, methyldopa...
Ức chế thụ thể anpha adrenergic: doxazosin, prazosin, terazosin...
Ức chế men chuyển: captopril, enalapril, imidapril, lisinopril, perindopril, ramipril...
Ức chế thụ thể angiotensin II: irbesartan, losartan, telmisartan, valsartan...
Chẹn kênh canxi: verapamil, diltiazem, nifedipine, amlodipine, felodipine, lacipine...
Trong sử dụng thuốc điều trị THA cần cân nhắc vài yếu tố trước khi điều trị như: mức độ THA, có hay không tổn thương cơ quan đích, có hay không biểu hiện lâm sàng bệnh tim và những yếu tố nguy cơ khác.
Hiệu quả của thuốc điều trị: Hạ huyết áp bằng thuốc làm giảm rõ bệnh suất và tử suất do tim mạch. Hiệu quả bảo vệ rõ rệt đối với tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, suy tim, tiến triển bệnh thận, tiến triển đến THA nặng hơn.
 Biến chứng nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp.
Những cân nhắc khi điều trị bằng thuốc
Hầu hết bệnh nhân nên dùng liều thấp lúc khởi đầu, tăng lên dần phụ thuộc vào tuổi, nhu cầu và đáp ứng với thuốc. Phác đồ tối ưu là dùng liều duy nhất có hiệu quả 24 giờ, ít nhất 50% hiệu quả tối đa giữ được đến cuối của 24 giờ. Thuốc tác dụng dài 24 giờ tốt hơn loại tác dụng ngắn vì nhiều lý do sau:  Bệnh nhân tuân thủ tốt hơn với liều duy nhất trong ngày, sử dụng thuốc có hiệu quả hơn thì ít tốn kém hơn. Phác đồ gần đây cung cấp nhiều cách chọn lựa thuốc. Ví dụ, kết hợp 2 thuốc liều thấp làm tăng tác dụng hạ áp và làm giảm tác dụng ngoại ý do liều cao, kết hợp liều thấp thuốc ức chế men chuyển với một thuốc chẹn kênh calci không thuộc nhóm dihydropyridine làm giảm đạm niệu nhiều hơn dùng đơn độc. Kết hợp giữa thuốc chẹn kênh calci nhóm dihydropyridine và thuốc ức chế men chuyển ít gây phù mắt cá hơn dùng thuốc đối kháng calci đơn độc. Thuốc ức chế men chuyển đã được chứng minh có hiệu quả trong nhiều vấn đề liên quan đến THA gồm suy tim tâm thu và bệnh thận. Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II được giới thiệu gần đây có hiệu quả huyết động học tương tự thuốc ức chế men chuyển nhưng tránh được hầu hết tác dụng phụ thông thường như ho khan.
Vài thuốc chống THA - như thuốc giãn mạch trực tiếp, thuốc ức chế alpha 2 trung ương và thuốc đối kháng giao cảm ngoại biên - không phù hợp với điều trị đơn độc lúc khởi đầu do có nhiều tác dụng phụ. Thuốc giãn mạch trực tiếp (ví dụ hydralazine, minoxidil) thường gây phản xạ kích thích giao cảm và ứ dịch. Nifedipine tác dụng nhanh gây tai biến mạch vành và liều cao có thể làm tăng tử suất do mạch vành. Do đó thuốc này nên rất thận trọng khi dùng.
Những cân nhắc đặc biệt
Cân nhắc đặc biệt trong việc chọn lựa điều trị khởi đầu gồm đặc tính như bệnh cùng xảy ra có thể bị ảnh hưởng xấu khi điều trị thuốc chống THA, chất lượng cuộc sống, giá cả có ý nghĩa đặc biệt với những bệnh nhân nghèo và tương tác với thuốc khác đang sử dụng cùng lúc. Khi chọn một thuốc có lợi cho nhiều bệnh cùng lúc.
Chương trình Phòng chống tăng huyết áp - Viện Tim mạch Việt Nam
TS.BS. Phạm Quốc Khánh
 
 

Điều trị tăng huyết áp có kiểm soát: Rất lợi cho người bệnh

 Cần theo dõi huyết áp thường xuyên.
1. Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính, phổ biến ở người lớn. Tỷ lệ mắc bệnh chung trên thế giới khoảng 20%. Ở Việt Nam ngày nay, THA cũng có tỷ lệ mắc bệnh từ 22 - 27% tùy từng địa phương. Bệnh ngày càng có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam. 2. THA là bệnh có nhiều biến chứng trầm trọng: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... là những nguyên nhân chính gây tử vong vì tim mạch. Hằng năm trên thế giới đã có khoảng 7,1 triệu người tử vong vì THA.
3. THA là một bệnh không phải luôn luôn có biểu hiện lâm sàng rõ rệt làm cho ít người được phát hiện và điều trị.
4. Bệnh THA cần điều trị hằng ngày, liên tục, kéo dài.
5. Điều trị bệnh THA cần đạt được huyết áp mục tiêu (các nước phát triển cũng chỉ đạt được từ 10 - 34% tùy từng nước), kết hợp với điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch  nhằm hạn chế tối đa các biến cố tim mạch.
THA được cho là "kẻ giết người thầm lặng" hay "bom nổ chậm". Bệnh có thể giết người bất cứ khi nào với những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hay "âm thầm giết người” bằng các tổn thương các cơ quan đích như suy tim, suy thận.
 Ở Việt Nam, số người bị bệnh THA được điều trị, điều trị đúng có hiệu quả còn không nhiều. Những biến cố tim mạch xảy ra hằng ngày và ngày càng nhiều, làm cho tỷ lệ  tử vong hoặc tàn phế cho người bệnh ngày càng tăng,  gây bất hạnh cho người bệnh cũng như tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Điều trị THA có kiểm soát là  phương pháp có thể đem lại nhiều hiệu quả cho người bệnh.
Từ năm 2002 Bệnh viện Bạch Mai và sau đó là một số bệnh viện khác như Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Nhàn... đã tiến hành quản lý điều trị bệnh THA đã giảm được các biến cố tim mạch, giữ sức khỏe, sức lao động cho người bệnh và đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho người bị THA.
 Mục đích của đơn vị quản lý điều trị THA: Tạo điều kiện, hướng dẫn bệnh nhân điều trị THA lâu dài ở nhà được tuân thủ gần như khi nằm viện điều trị nội trú có kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ điều trị.
Mục tiêu cụ thể:
- Đạt và duy trì huyết áp mục tiêu: <140/90mmHg hoặc <130/80mmHg ở những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao như có kèm đái tháo đường, đã có biến cố tim mạch như tai biến mạch não, bệnh động mạch vành, tổn thương thận...
- Giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân, hút thuốc...
- Nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phương pháp thực hiện:
Nguyên tắc chung: giúp cho người bệnh một kỹ năng tự theo dõi, điều trị bệnh THA đồng thời có biện pháp quản lý theo dõi  điều trị của người bệnh lâu dài (đưa người bệnh vào một  kỷ luật điều trị).
TS. Viên Văn Đoan - Trưởng khoa Khám bệnh - BV Mạch Mai
 
 

Tăng huyết áp - Vấn đề đáng báo động

 Tăng huyết áp làm tổn thương mạch máu thận.
Bệnh tăng huyết áp (THA) là bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, là mối đe doạ rất lớn đối với sức khỏe của con người, là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu đối với những người lớn tuổi. Chính vì vậy mà THA đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Thực vậy, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị THA. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, có khoảng trên 50 triệu người Mỹ bị THA (năm 1991) chiếm tỷ lệ 20% dân số nói chung và chiếm trên 30% trong số người lớn trên 18 tuổi. Nhưng tới năm 2006, đã có khoảng 74,5 triệu người Mỹ bị THA, tức là cứ khoảng 3 người lớn lại có 1 người bị THA.
Nhưng một điều đáng lưu tâm hơn là tỷ lệ những người bị THA còn đang gia tăng một cách nhanh chóng ở cả các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.
Ngay ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Quốc gia tại 8 tỉnh, thành phố của nước ta thì tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 27,4%! 
Trong báo cáo về sức khoẻ hằng năm của WHO năm 2002 nhấn mạnh, THA là "kẻ giết người số một".
Thực vậy, vào năm 2008, người ta ước tính có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới bị tử vong do THA và các biến chứng tim mạch. Theo một điều tra tại Hoa Kỳ năm 2006 đã cho thấy có 56.561 người Mỹ bị tử vong vì THA. Chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân THA hằng năm tới trên 259 tỷ đô-la Mỹ. Các biến chứng gây ra bởi THA cũng rất cao như: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, suy tim... 
Một nghiên cứu tại nước Đức vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã cho thấy những nguy cơ gây tử vong trong một năm tại Đức là: Đi máy bay thì nguy cơ là 1/1.000.000; lái xe ôtô là 1/5.000; hút thuốc lá là 1/250, nhưng THA thì nguy cơ là 1/50 (!).
Người ta cũng thấy là với mỗi mức HA tâm thu tăng lên 20mmHg và HA tâm trương tăng lên 10mmHg thì nguy cơ các biến cố tim mạch cũng sẽ tăng lên gấp đôi.
THA là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là:
- Các biến chứng về tim: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim...
- Các biến chứng về não: xuất huyết não, nhũn não, bệnh não do THA...
- Các biến chứng về thận: đái ra protein, phù, suy thận...
- Các biến chứng về mắt: mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị.
- Các biến chứng về mạch máu: phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi...
Chỉ có một số ít các bệnh nhân THA là có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác "ruồi bay", mặt đỏ bừng, ù tai,...
Nhưng đa số các bệnh nhân bị THA lại thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều khi, lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ do đã bị xuất huyết não nặng nề. Mức độ nhận thức của người dân về phòng bệnh, điều trị bệnh THA cũng khác nhau. Khảo sát y tế tại Anh năm 2001 cho thấy, 5% phụ nữ ở độ tuổi 16-24 có THA, so với  54% ở nhóm tuổi 55-64 và 74% ở nhóm 65-74. Phần đông số bệnh nhân bị THA không nhận thức được tình trạng bệnh của họ (Canada 42%, Mỹ 30%).
Mặt khác, tuyệt đại bộ phận (khoảng 90%) các bệnh nhân bị THA là không rõ nguyên nhân (còn gọi là THA nguyên phát). Chỉ một số nhỏ các bệnh nhân (dưới 10%) bị THA có tìm được nguyên nhân (tức là do hậu quả của một số bệnh lý khác). Do đó, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA thường không đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường.
Vì vậy việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng.
Dự án phòng chống bệnh tăng huyết áp - Viện Tim mạch VN
GS.TS. NGUYỄN LÂN VIỆT - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam
 
 

Khi nào phải thay van tim?

Khi van tim bị tổn thương, tim sẽ bơm máu kém hiệu quả hơn, do vậy tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giàu ôxy đi nuôi cơ thể. Khi tim phải làm việc quá nhiều có thể dẫn đến bị suy, gây ra khó thở, đau ngực, mệt mỏi và giữ nước lại trong cơ thể gây phù. Nếu các triệu chứng trên xuất hiện, có thể cần phải nong van, sửa van hay thay van tim.
Mỗi một van tim có nhiệm vụ khác nhau
Quả tim của chúng ta có 4 buồng: 2 buồng tim ở phía trên và 2 buồng tim ở phía dưới. Các van tim kiểm soát hướng đi của dòng máu giữa 4 buồng tim. Các buồng tim ở phía trên gọi là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái; các buồng tim ở phía dưới gọi là tâm thất phải và tâm thất trái. Các tâm nhĩ nhận máu từ các tĩnh mạch trở về tim và bơm máu xuống các tâm thất. Các tâm thất bơm máu ra khỏi tim vào các động mạch. Các van tim giống như các cánh cửa chỉ mở một chiều. Bình thường tim có 4 van:
Van ba lá: ở bên tim phải, cho phép dòng máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.
Van hai lá: ở bên tim trái, kiểm soát dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.
Van động mạch phổi: giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất phải lên động mạch phổi và từ đó máu được trao đổi ôxy ở phổi.
Van động mạch chủ: giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất trái lên động mạch chủ (là động mạch chính đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể).
Van ba lá và van hai lá được gắn với tâm thất bởi các cột cơ và dây chằng đặc biệt. Các cột cơ và dây chằng này kiểm soát sự hoạt động của van tim.
 Thay van tim.
Quả tim sẽ suy yếu khi van tim bị hỏng
Thấp tim là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh van tim. Thấp tim có thể làm van tim bị viêm, xơ hóa và dày lên theo thời gian làm cho các van tim không thể mở ra hoặc đóng lại một cách bình thường. Một số người bị bệnh van tim từ khi mới sinh nên được sửa hay thay van từ khi còn nhỏ. Các van tim cũng có thể bị tổn thương do nhiễm khuẩn (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn) hay những bệnh lý khác như vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim... Van tim bị tổn thương làm hạn chế dòng máu chảy qua van gọi là hẹp van tim. Van tim đóng không kín, làm cho dòng máu chảy ngược lại các buồng tim gọi là hở van tim. Cả hai tổn thương trên thường hay kết hợp với nhau.
Khi van tim bị tổn thương, tim sẽ bơm máu kém hiệu quả hơn, do vậy tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giàu ôxy đi nuôi cơ thể. Khi tim phải làm việc quá nhiều có thể dẫn đến bị suy, gây ra khó thở, đau ngực, mệt mỏi và giữ nước lại trong cơ thể gây phù. Nếu các triệu chứng trên xuất hiện, có thể cần phải nong van, sửa van hay thay van tim.
Van tim sẽ sửa chữa và thay như thế nào?
Nong van tim bằng bóng qua da: Khi van hai lá, van động mạch phổi và một số trường hợp van động mạch chủ bị hẹp khít đơn thuần (không kèm theo hở van hay chỉ hở van ở mức độ nhẹ) và không có huyết khối ở trong các buồng tim thì các bác sĩ có thể tách các van bị hẹp này bằng bóng qua da. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông có gắn quả bóng ở đầu qua da theo đường động mạch hoặc tĩnh mạch đùi vào tới vị trí van tim bị hẹp. Bóng sẽ được bơm căng lên với kích thước đã được lựa chọn trước làm cho van tim bị hẹp được tách rộng ra. Sau đó các dụng cụ sẽ được rút ra ngoài.
Phẫu thuật sửa van tim: Khi lá van bị tổn thương, bờ các lá van bị dày lên, co kéo hay khi bị sa lá van làm cho van đóng không kín, hậu quả là làm cho dòng máu có thể phụt ngược trở lại buồng tim. Van hai lá có thể được sửa bằng cách lấy đi phần lá van thừa và khâu phần còn lại với nhau, hoặc bằng cách tạo hình lại các dây chằng. Các phẫu thuật viên có thể đặt thêm một vòng đặc biệt gọi là vòng tạo hình vòng van để làm thu nhỏ lại vòng van bị giãn. Một ưu điểm của phẫu thuật sửa van tim là bệnh nhân vẫn tiếp tục được sử dụng van tim của chính mình.
Phẫu thuật thay van tim: Nếu van tim của bệnh nhân bị tổn thương quá nhiều không thể sửa được nữa thì cần được cắt đi và thay thế bằng van tim nhân tạo. Các van nhân tạo được chia ra thành 2 nhóm: van sinh học và van cơ học (được làm bằng kim loại, hay các chất tổng hợp khác...).
Người bị bệnh van tim hay sau phẫu thuật van tim có nguy cơ bị một nhiễm khuẩn đặc biệt gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào trong dòng máu và làm loét sùi van tim. Điều đó có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng. Bệnh nhân hãy dùng thuốc kháng sinh trước và sau một số thủ thuật như:
Tất cả các thủ thuật có liên quan đến răng miệng, bao gồm lấy cao răng, đánh bóng răng. Để làm giảm vi khuẩn trong miệng, hãy đánh răng và sát khuẩn miệng hàng ngày, kiểm tra răng miệng định kỳ 6-12 tháng một lần.
Bất cứ một phẫu thuật lớn nào; các tiểu phẫu và trong một số trường hợp khác như sinh con; các thủ thuật có gây tổn thương cho tổ chức của cơ thể, như soi bàng quang, thăm trực tràng...
Nguy cơ bị nhiễm khuẩn trong các tình huống này rất nhỏ nếu người bệnh được dùng thuốc kháng sinh. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào như sốt, vã mồ hôi, ăn không ngon, sụt cân hay mệt mỏi kéo dài.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn
 
 

Làm thế nào để quản lý huyết áp mục tiêu?

 GS. Nguyễn Lân Việt.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và suy thận mạn tính. Với bệnh nhân THA, làm thế nào để kiểm soát được huyết áp mục tiêu, giảm biến chứng của bệnh? GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Chủ nhiệm Dự án Phòng chống bệnh THA đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) báo SK&ĐS xung quanh vấn đề này. PV: Xin GS cho biết về tình hình bệnh THA ở nước ta hiện nay. Đối với bệnh nhân THA thì hậu quả của việc không tuân thủ điều trị (uống thuốc thất thường) sẽ như thế nào?
GS. Nguyễn Lân Việt: Tại Việt Nam, tần suất THA ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960, tỷ lệ THA là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn ( từ 25 tuổi trở lên) trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ THA đã tăng lên đến 25,1%. Với dân số hiện nay của Việt Nam là khoảng 88 triệu dân thì ước tính sẽ có khoảng 11 triệu người bị THA.
Trong số những người bị THA có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) không biết mình có bị THA; 30% (khoảng 1,6 triệu người) biết bị THA nhưng không có một biện pháp điều trị nào; và 64% (khoảng 2,4 triệu người) THA đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu. Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị THA, hoặc là THA nhưng không được điều trị, hoặc có điều trị nhưng chưa đưa được huyết áp về mức bình thường.
THA nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số biến chứng chính của THA như: suy tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não, suy thận, giảm thị lực, mù lòa hoặc phình tách động mạch chủ... Theo một điều tra của Viện Tim mạch tại 4 tỉnh phía Bắc nước ta năm 2003 cho thấy, THA là nguyên nhân hàng đầu (10%) gây suy tim tại cộng đồng ở người lớn Việt Nam. 46% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tại Viện Tim mạch (2005) có liên quan với THA và hơn 1/3 bệnh nhân tai biến mạch máu não điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (2003) có nguyên nhân là THA.
PV: Được biết Chương trình quốc gia về phòng chống THA đã được triển khai xuống cộng đồng. Vậy người bệnh được phát hiện, theo dõi và quản lý như thế nào
GS. Nguyễn Lân Việt: Tháng 12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đưa dự án phòng chống THA thành Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay dự án bước đầu đã được triển khai tại 16 tỉnh/thành phố trong cả nước. Dự kiến đến năm 2011 sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc ở tất cả 63 tỉnh/thành phố. Tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ có Ban Chủ nhiệm dự án trực thuộc Sở Y tế, có các đơn vị phòng chống THA tại các bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố hoặc bệnh viện đa khoa quận/huyện. Đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động sàng lọc, điều trị và theo dõi những người dân bị THA là các trạm y tế xã/phường.
Một trong các hoạt động chính và quan trọng của chương trình là khám sàng lọc phát hiện sớm THA tại cộng đồng. Công tác khám sàng lọc này sẽ được triển khai tại các xã/phường tham gia trong dự án cho người dân từ 25 tuổi trở lên. Tại các đợt khám sàng lọc, người dân được phỏng vấn theo phiếu khám sàng lọc, điều tra về tiền sử bệnh tim mạch và các yếu tố nguy cơ tim mạch, được đo chiều cao, cân nặng để tính chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index), được đo huyết áp, nhịp tim, được khám các biến chứng của THA (nếu có). Dựa vào phiếu sàng lọc, người dân sẽ được xác định có bị THA hay không, được lượng giá mức độ nguy cơ bị bệnh tim mạch, đánh giá các biến chứng của THA (nếu có) và xác định huyết áp mục tiêu cần đạt được khi bị THA . Hiện nay dự án đang làm việc với Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế để đưa hoạt động khám sàng lọc THA tại cộng đồng là một dịch vụ khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán.
Một hoạt động quan trọng khác của dự án là theo dõi, điều trị và quản lý người dân bị THA tại cộng đồng. Phần lớn người dân bị THA  phát hiện qua khám sàng lọc hoặc đã được chẩn đoán trước đó sẽ được theo dõi, điều trị và quản lý tại trạm y tế xã/phường. Mỗi bệnh nhân sẽ có sổ khám chữa bệnh riêng, được khám và tư vấn và phát thuốc hạ huyết áp (nếu cần) định kỳ hằng tháng tại trạm y tế xã/phường.
 Thăm khám bệnh nhân tim mạch
Nhân viên y tế tại các trạm y tế sẽ được tập huấn về các biện pháp theo dõi, điều trị và quản lý bệnh nhân THA. Các trạm y tế sẽ được cung cấp các trang thiết bị, sổ sách khám chữa bệnh, các tài liệu tuyên truyền, thuốc hạ huyết áp... cho công tác quản lý THA  như máy đo huyết áp, ống nghe, máy điện tim đồ, sổ khám chữa bệnh, sổ quản lý bệnh nhân, tờ rơi, áp-phích, pa-nô tuyên truyền, các sách và tài liệu chuyên môn về THA cho nhân viên y tế, cộng tác viên y tế...
Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hoặc có biến chứng hoặc có tình trạng bệnh vượt quá khả năng quản lý tại tuyến xã/phường sẽ được chuyển đến các đơn vị phòng chống THA ở cấp cao hơn như tuyến quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố hoặc Trung ương. Những bệnh nhân này sau khi đã được điều trị ổn định và kiểm soát được huyết áp và các yếu tố nguy cơ sẽ được gửi về trạm y tế xã/phường để tiếp tục theo dõi và quản lý bệnh lâu dài.
Dự án cũng đang làm việc với Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế để đưa hoạt động khám và cấp phát thuốc bảo hiểm về THA được thực hiện tại các trạm y tế xã/phường sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng quy định hiện hành. 
PV:Đối với bệnh nhân THA ngoài việc dùng thuốc, việc điều chỉnh lối sống hằng ngày là rất quan trọng. GS có lời khuyên gì cho những bệnh nhân này?
GS. Nguyễn Lân Việt: Khi đã được chẩn đoán bị THA, người dân cần được theo dõi, điều trị đúng, đầy đủ và liên tục.
Nguyên tắc chung:
- THA là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đầy đủ hằng ngày, điều trị lâu dài; mục tiêu điều trị là đạt "huyết áp mục tiêu" và giảm tối đa "nguy cơ tim mạch"; "huyết áp mục tiêu" cần đạt là dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 130/80mmHg. Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời. Điều trị cần hết sức tích cực ở những bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu.
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống trong điều trị THA: các biện pháp này được áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và giảm được số đo huyết áp, giảm số thuốc cần dùng. Đó là:
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Giảm mặn (dưới 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày), tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với BMI từ 18,5 đến 23kg/m2.
- Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc/ngày (nam), ít hơn 2 cốc/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc/tuần (nam), ít hơn 9 cốc/tuần (nữ): cốc tiêu chuẩn tương đương với 340ml bia hoặc 140ml rượu vang, hoặc 40ml rượu nặng.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
PV: Trân trọng cảm ơn GS!
Thu Hương (thực hiện)
 
 

Tách thành động mạch chủ - Bệnh nguy hiểm

Tách thành động mạch chủ hay còn gọi là lóc tách động mạch chủ là một thảm cảnh thực sự. Khoảng 50% bệnh nhân lóc tách type A tử vong trong 48 giờ đầu, số còn lại cũng hầu như không có cơ hội sống sót nếu không được phẫu thuật. Khởi đầu từ chỗ rách ở nội mạc gọi là điểm vào dòng máu chảy tách lớp áo giữa tạo nên "lòng giả". Lòng giả phát triển dọc theo đường đi của động mạch chủ làm hẹp, tắc hoặc đứt các nhánh của động mạch chủ. Các nhánh khi bị đứt sẽ tạo điểm vào thứ phát, dòng máu sẽ chảy trong lòng giả từ điểm nguyên phát đến thứ phát ngăn cản hình thành huyết khối trong lòng giả.
Lóc tách động mạch chủ nếu liên quan đến vị trí của động mạch chủ lên thì được gọi là type A, nếu không liên quan gọi là type B. Khi bị type A gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu như không được phẫu thuật, còn type B trong phần lớn trường hợp không cần phẫu thuật. Nguyên nhân tử vong là vỡ động mạch chủ vào màng tim, nhồi máu cơ tim cấp, hở van động mạch chủ cấp và tai biến mạch máu não.
Những yếu tố thuận lợi để bệnh xuất hiện là tăng huyết áp, bệnh lý động mạch chủ, tuổi cao.
Biểu hiện của bệnh
Đau như xé ngực có tính chất di chuyển, có thể đau lan ra sau lưng xuất hiện đột ngột, tính chất đau rất dễ nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có thể mất hoặc yếu mạch ở tay hoặc chân. Ngoài ra còn các triệu chứng lâm sàng khác mà các bác sĩ khám có thể phát hiện.
Các thăm dò cận lâm sàng có thể nghi ngờ hoặc  "nhìn" thấy vị trí rách và lòng giả của mạch máu lóc tách như: siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản, chụp CT - Scanner, chụp cộng hưởng từ.
Nhìn chung với những triệu chứng cấp tính và dữ dội như vậy hầu như bệnh nhân luôn tìm đến thầy thuốc, vấn đề phát hiện sớm thuộc về các thầy thuốc tuyến cơ sở.
Điều trị bệnh
Nếu là tách thành động mạch chủ type A thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ lên hoặc quai động mạch chủ. Đây là một phẫu thuật lớn phải sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ nhiệt độ cơ thể xuống từ 25 -18 độ để bảo vệ não, tủy, thận và các cơ quan khác trong cơ thể. Phẫu thuật này có tỷ lệ tử vong từ 4 - 20% tùy vào bệnh nhân đến sớm hay muộn và trình độ cơ sở phẫu thuật. Nếu bệnh nhân qua được cuộc mổ, tình trạng bệnh sẽ chuyển từ type A sang type B. Với bệnh nhân type B, phương pháp điều trị chủ yếu là khống chế huyết áp ở mức tối đa, không nên vượt quá 120mmHg. Với type B chỉ phẫu thuật khi có các biến chứng như: vỡ và doạ vỡ động mạch chủ, thiếu máu tạng. Bệnh nhân sau khi ổn định ra viện sẽ được theo dõi định kỳ khoảng 1 - 3 tháng một lần, chụp lại phim cắt lớp vi tính từ 3 - 6 tháng 1 lần. Điều trị chủ yếu vẫn là khống chế huyết áp ở mức tối đa không vượt quá 120mmHg. Nếu bệnh nhân xuất hiện phình động mạch sẽ phải phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ. Sau 5 năm tỷ lệ còn sống với type A sau mổ khoảng 80% và type B sau mổ khoảng 50%.
Dự án phòng chống bệnh tăng huyết áp Quốc gia - Viện Tim mạch Việt Nam
ThS. Nguyễn Hoàng Hà (Viện Tim mạch Việt Nam