Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Cẩn thận với thuốc hạ áp

Bệnh huyết áp cao rõ ràng đang là vấn nạn của sức khỏe cộng đồng, đứng đầu về tỉ lệ tử vong

Theo thống kê ở CHLB Đức, 80% người từ tuổi 65 là nạn nhân của huyết áp cao. Tỉ lệ mắc bệnh này ở nước ta chắc chắn không thể thấp hơn. Bệnh thậm chí nghiêm trọng hơn, nghĩa là dễ có biến chứng hơn, vì đa số người dân xứ mình chưa hiểu đúng về tai hại của huyết áp cao.
 
Chính vì không cầm chân được huyết áp trong vòng kiểm soát nên bệnh tim mạch vẫn trước sau đứng đầu về tỉ lệ tử vong, hàng trăm ngàn người bất hạnh ở xứ mình đang phải sống kiếp phế nhân trên giường bệnh, trên xe lăn để chờ ngày bỏ cuộc!
Sử dụng thuốc không đúng
Thầy thuốc tất nhiên phải dùng thuốc hạ áp, thường phải phối hợp nhiều loại là khác, trong trường hợp đúng chỉ định. Điểm đáng nói, theo kết quả thống kê hẳn hoi, là phần lớn người dùng thuốc hạ áp lại theo cách không đúng. Đó là:
- Tự động ngưng thuốc khi thấy khỏe, thấy huyết áp ổn định sau thời gian dài dùng thuốc. Đây là một trong các lý do thường gặp dẫn đến tai biến mạch máu não vì huyết áp bất ngờ tăng cao do cơ thể thiếu thuốc.
- Dùng thuốc không theo toa của bác sĩ mà vì quá sợ bệnh nên tự ý tăng đô mà không hề hỏi qua thầy thuốc. Nếu tưởng thuốc càng nhiều càng hay thì trật cả cây số! Các nhà nghiên cứu ở Ontario (Canada) sau khi đánh giá 300.000 hồ sơ bệnh lý đã phát hiện có đến 1.500 ca chấn thương trầm trọng, từ gãy cổ xương đùi cho đến tổn thương sọ não chỉ vì bệnh nhân dùng thuốc quá liều cần thiết nên té ngã do chóng mặt khi thay đổi tư thế!
Kiểm tra huyết áp là khâu quan trọng đối với bệnh nhân cũng như với người cao huyết áp.
Ảnh: HỒNG THÚY
Cũng theo chuyên gia bệnh tim mạch ở Canada, tình trạng nêu trên rất dễ xảy ra trong 45 ngày đầu khi dùng thuốc vì trong giai đoạn này, cơ thể rất nhạy cảm với tác dụng hạ huyết áp của thuốc. Chóng mặt ở người được điều trị bằng thuốc hạ áp càng rõ nét hơn nữa nếu trong phác đồ điều trị có hơn 2 dược phẩm thuộc nhóm chẹn beta. Cũng không thiếu trường hợp chóng mặt khi vừa thức dậy mặc dù thầy thuốc không quá mạnh tay với thuốc đặc hiệu nhưng vì trong toa thuốc có thêm thuốc an thần.
Những điều cần tránh
Để tránh tình trạng nêu trên, ngoại trừ trường hợp cấp bách cần dùng ngay thuốc đánh nhanh, đánh mạnh, thầy thuốc không nên quá hào phóng khi biên toa cho thuốc hạ áp. Trái lại, nên tăng hay giảm thuốc tùy theo phản ứng của mỗi người bệnh cá biệt. Chính vì thế mà bệnh nhân cao huyết áp khi dùng thuốc lần đầu cần được theo dõi sát sao, thay vì lãnh thuốc rồi mấy tháng sau mới gặp lại thầy thuốc.
Cũng chính vì thế mà bệnh nhân cao huyết áp cần được hướng dẫn về cách đo huyết áp để tự theo dõi bệnh tình, thay vì phó mặc cho định mệnh theo kiểu tuy mệt, tuy nhức đầu, chóng mặt… nhưng vẫn bình chân như vại vì chưa đến ngày tái khám.
Thêm vào đó, bệnh nhân cao huyết áp dù chưa phát hiện chóng mặt, nhất là người cao tuổi, cần tập thói quen không đổi tư thế một cách đột ngột, nhất là khi vừa mới thức dậy, vì khi đó hệ thần kinh giao cảm đang trong trạng thái rất dễ biến động. Đó là lý do tại sao thầy thuốc chuyên khoa tim mạch ở Mỹ, nơi chắc chắn không thiếu thuốc đặc hiệu, đã từ lâu khuyến khích bệnh nhân tập thiền trong tư thế nằm trước khi ngồi dậy chào ngày mới. Họ hoàn toàn có lý vì huyết áp tuy cao vẫn ít nguy hiểm hơn huyết áp dao động quá thất thường, mới cao chưa được bao lâu đã tụt xuống cái rụp!
Không dùng thuốc hạ áp trong trường hợp đúng chỉ định là sai lầm nghiêm trọng. Mặt khác, dùng thuốc hạ áp đúng y sách vở nhưng quên cân nhắc tổng trạng, cơ tạng và nhất là tính cảm ứng cá biệt của mỗi người bệnh cũng có thể dẫn đến hậu quá tai hại không kém. Bệnh nhân càng nhạy cảm càng cần thầy thuốc tinh tế. Khó có dẫn chứng về chuyện này rõ hơn cách dùng thuốc hạ áp.
 

Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người lao động

Ổn định huyết áp nhờ nước ép củ dền

Các nhà khoa học Úc cho biết một cách đơn giản và nhanh để giảm huyết áp là uống 1 ly nước ép từ củ dền.

Các nhà khoa học từ Viện Tim và tiểu đường Baker IDI ở Melbourne (Úc) nhận thấy, vài giờ sau khi uống nước dền ép, các tình nguyện viên có chỉ số huyết áp giảm trung bình 4-5 điểm. Theo trang tin về sức khỏe WebMD, con số đó có thể nhỏ song "xét về mức độ sức khỏe cộng đồng, giảm như thế sẽ tương đương với giảm 10% trường hợp tử vong do bệnh tim".
"Điều này hứa hẹn rằng chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả ngay từ một liều duy nhất. Hiệu quả đó thậm chí có thể lớn hơn trong dài hạn nếu họ (các tình nguyện viên) uống nước củ dền ép mỗi ngày", tờ New York Daily News (Mỹ) dẫn lời tiến sĩ Leah Coles, thuộc nhóm nghiên cứu.
Củ dền chứa nhiều hợp chất tốt cho tim như vitamin C, vitamin K, chất xơ và polyphenol, nhưng các nhà khoa học cho rằng chính hàm lượng nitrate cao trong củ dền có thể góp phần giúp giảm huyết áp.

Theo Thanh niên

Cách xử lý khi bị tụt huyết áp

Bên cạnh những biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp thì tụt huyết áp cũng cần được đặc biệt quan tâm.

Biểu hiện của tụt huyết áp là: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mệt lả và rất muốn được nghỉ ngơi, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, suy giảm khả năng tình dục, da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc, vã mồ hôi lạnh, thở dốc, nói như hụt hơi, nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày.
Thường các triệu chứng này hay đi kèm với các triệu chứng của các bệnh như: Tiêu chảy, đau bụng, sốt cao, lạnh run hay các bệnh mạn tính khác: Viêm phế quản mạn, xơ gan, suy tim, ung thư, tiểu đường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Các cách xử lý nhanh khi gặp người bị tụt huyết áp:
Về tư thế: Khi người bệnh có dấu hiệu tụt huyết áp, tuỳ vào vị trí hãy nhanh chóng để người bệnh ngồi ở nơi thoáng mát hoặc đặt người bệnh nằm trên giường, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân. (Nếu có dụng cụ đo huyết áp hãy đo huyết áp hiện tại của người bệnh để có phương pháp xử lý thích hợp).
Thực hiện sơ cứu: Hãy cho người bệnh uống 2 ly nước tương đương 480 ml, vì uống nước giúp điều tiết huyết áp. Hoặc có thể cho người bệnh uống trà gừng, nước sâm, cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm muối, ăn sô-cô-la, rau cần tây, nước nho…
Sử dụng thuốc hỗ trợ huyết áp: Khi bị bệnh huyết áp, người bệnh phải lưu ý luôn mang theo hoặc dự phòng thuốc hỗ trợ huyết áp như heptamyl, coramin… để sử dụng khi cần thiết. Theo khảo sát gần đây của Đại học Havard (Mỹ), sô-cô-la chứa nhiều flavon giúp bảo vệ thành mạch máu, vì vậy sô-cô-la được mệnh danh là vị thuốc cấp cứu bỏ túi cho những người bị tụt huyết áp.
Phương pháp xoa bóp bấm huyệt:
Day huyệt thái dương: Khi xuất hiện dấu hiệu tụt huyết áp hãy dùng hai ngón tay day vào huyệt thái dương (nằm ở cuối mi mắt). Lưu ý: Đặt phần tay mềm của ngón vào đúng huyệt, cần day đi day lại với mức độ mạnh dần. Thực hiện động tác này từ 20-50 lần.
Vuốt trán: Dùng hai ngón tay vuốt từ giữa trán sang hai bên đến cuối huyệt thái dương. Lặp đi lặp lại động tác này 30 lần.
Phòng ngừa tụt huyết áp, phòng bệnh mùa hè dễ mắc như tiêu chảy, sốt xuất huyết. Khi mắc bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị để tránh những biến chứng có thể xảy ra, trong đó tụt huyết áp luôn luôn đồng nghĩa với tiên lượng nặng của bệnh.
Người bệnh sốt kéo dài từ 10 ngày trở lên, nhất thiết phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị, tránh bỏ sót những bệnh nhiễm khuẩn nặng như: Nhiễm khuẩn đường mật, áp xe phổi, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn mà khi tụt huyết áp có nghĩa là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng (sốc nhiễm khuẩn). Ở giai đoạn này, mặc dù điều trị rất vất vả và tốn kém nhưng nguy cơ tử vong lại rất cao.
Người bệnh tăng huyết áp đang được điều trị bằng thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị những dấu hiệu bất thường của mình khi huyết áp đổi tư thế để được phát hiện kịp thời triệu chứng tụt huyết áp tư thế. Bác sĩ sẽ điều chỉnh lại thuốc cũng như liều lượng thuốc đang dùng, đồng thời sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp cho bệnh nhân.
 

Theo BS Nguyễn Chung - Nông Nghiệp Việt Nam

Đột quỵ: 1 phút 3 người chết

Lâu nay, đột quỵ thường xảy ra với những người tuổi trên 50 nhưng nay bệnh đã tấn công vào những người trẻ tuổi hơn.

Mới đây, người nhà ông L.V.B (45 tuổi, ở quận Thủ Đức - TPHCM) bị một phen hú vía do ông vừa trải qua khoảnh khắc từ cõi chết trở về. Là người có tiền sử cao huyết áp, ông B. ý thức được tình trạng sức khỏe của mình nên thường chơi thể thao sau giờ làm việc.
Tuy vậy, trong một chiều đánh quần vợt bỗng dưng ông bị tăng huyết áp, mất kiểm soát vận động và ngã sõng soài ra sân. Khi được đưa đi cấp cứu, ông B. chỉ còn 1%-2% cơ hội cứu sống do mất "thời khắc vàng" vì đi lòng vòng không đúng chuyên khoa.
3 phút, 1 người chết
Dù vậy, "còn nước còn tát", chạy đua cùng thời gian, các bác sĩ (BS) đã cứu được ông B. sau khi đánh tan cục máu đông mạch máu não. Tuy nhiên, những di chứng sau tai biến như liệt cơ, méo miệng là khó tránh khỏi. Giờ đây, khả năng phục hồi của ông B. phụ thuộc vào ý chí của ông và tập vật lý trị liệu.
Anh N.H.C (20 tuổi, ngụ Long An) là một thanh niên khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch song mới đây khi vừa ngủ dậy, anh C. bỗng cảm thấy đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói rồi hôn mê. Anh C. được các BS Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) xác định bị nhồi máu não dẫn đến đột quỵ. Những trường hợp trẻ như anh C. bị đột quỵ hiện không còn hiếm.
Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì bị đột quỵ
Tại Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì bị đột quỵ
Ghi nhận tại một số bệnh viện có chuyên khoa tai biến mạch máu não, đột quỵ ở TPHCM như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Nhân dân 115, Gia Định, Nguyễn Tri Phương…, số ca đột quỵ nhập viện điều trị không ngừng tăng. 
Theo BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, mỗi ngày khoa điều trị nội trú cho từ 130-160 bệnh nhân đột quỵ do tai biến mạch máu não, chưa kể số đến khám ngoại trú liên quan đến huyết áp, tim mạch.
BS Trần Chí Cường, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu (DSA) BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đột quỵ là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao đứng thứ ba sau ung thư và tim mạch hiện nay. Bệnh này xảy ra do nhồi máu não hoặc xuất huyết não.
Nhóm bệnh nhân bị nhồi máu não chiếm 80% do nghẽn hoặc hẹp mạch máu não; còn xuất huyết não do bệnh nhân bị tăng huyết áp, mắc các bệnh lý dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não. Y văn thế giới ghi nhận: Cứ 45 giây, toàn cầu có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 ca tử vong do bệnh này gây ra.
Người trẻ mắc bệnh gia tăng
Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị tai biến mạch máu não, làm gần 100.000 người tử vong. Đây là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, với tần suất xuất hiện 1,5 ca/1.000 người/năm. Còn tại TPHCM, trong khoảng 19.000 người mắc đột quỵ mỗi năm, có 1.000 trường hợp tử vong.
Các chuyên gia y tế cho biết bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân là do lối sống lười vận động, lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá… Nếu khoảng 10 năm trước chỉ có khoảng 1,7% bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện vì đột quỵ thì nay con số này là 3%, trong đó tỉ lệ nam mắc bệnh cao gấp 4 lần nữ.
Theo BS Nguyễn Huy Thắng, trong số bệnh nhân đột quỵ nói trên, có 20 trường hợp tuổi dưới 40, đặc biệt có bệnh nhân chỉ mới 20 tuổi. Còn tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, theo ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, số người trẻ bị đột quỵ vào viện cũng tăng với tỉ lệ 20%-30% so với vài năm trước đây…
BS Trần Chí Cường cho hay đột quỵ xảy ra bất cứ lúc nào và không chừa ai, từ trẻ tuổi đến người lớn tuổi, nhà giàu đến người nghèo, lao động trí óc đến chân tay… Tại BV Đại học Y Dược cũng từng tiếp nhận bé mới 3 tuần tuổi đến 3 tuổi mắc chứng này.
Các BS khuyến cáo cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ là phải được cấp cứu đúng "giờ vàng" (trong vòng 3 giờ). Tuy nhiên, đáng báo động là hiện nay Việt Nam đang thiếu các trung tâm đột quỵ chuyên sâu, làm cho cơ hội được cứu sống hoặc hạn chế di chứng cho bệnh nhân đột quỵ ít đi. Đó là chưa kể đến nạn kẹt xe làm cho việc chuyển bệnh nhân cấp cứu khó khăn.
"Tại Mỹ, các trung tâm đột quỵ mỗi ngày chỉ can thiệp khoảng 3-4 ca nhưng ở nước ta, chỉ riêng BV Đại học Y Dược TPHCM đã can thiệp cho từ 8-10 ca, như vậy mới thấy rằng một trung tâm đột quỵ chuyên sâu là quan trọng đến mức nào" - BS Cường nhấn mạnh.

Theo Người lao động

Phòng ngừa cơn thiếu máu não thoáng qua

Bộ não con người được nuôi bởi rất nhiều mạch máu, trong đó mỗi vùng của não được nuôi dưỡng bằng một mạch máu riêng.

Nếu các mạch máu này vì một lý do nào đó (thông thường là do cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ trong máu) làm cho mạch máu bị hẹp hay bị bít tắc, làm giảm lượng máu đến nuôi phần não mà mạch máu này chi phối thì sẽ gây ra tình trạng rối loạn chức năng của vùng não đó.
Huyết khối gây tắc mạch làm thiếu máu nuôi vùng não liên hệ

Do đó, khi một vùng não bị thiếu nuôi dưỡng thì nó sẽ bị tổn thương và sẽ xuất hiện trên cơ thể các dấu hiệu có tính báo hiệu vùng não chi phối, chẳng hạn như nếu vùng vận động của não bị tổn thương thì người bệnh bị liệt (có thể liệt chi hoặc liệt nửa người), nếu vùng ngôn ngữ bị tổn thương thì bệnh nhân nói ngọng hoặc không nói được.
Nếu sự tưới máu chỉ giảm trong một thời gian ngắn chưa thể làm chết não và các tế bào thần kinh, các triệu chứng kể trên chỉ thoáng qua, khi đó gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Trong trường hợp mạch máu não bị tắc nghẽn hoàn toàn, não và các tế bào thần kinh bị tổn thương vĩnh viễn, khi đó gọi là tai biến mạch máu não.
Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ xuất hiện đột ngột khi người bệnh đang sinh hoạt bình thường bỗng dưng thấy các dấu hiệu như bất tỉnh, nhức đầu, yếu hoặc liệt nửa người, nói ngọng hay không nói được, mắt mờ, mất thăng bằng, chóng mặt, đi đứng lảo đảo. Thông thường các dấu hiệu trên chỉ kéo dài trong vài phút, tối đa không quá 10 phút, nhưng cũng có những trường hợp kéo dài khoảng 60 phút (rất hiếm).
Việc điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua là một việc làm khẩn cấp, càng nhanh, càng sớm hiệu quả càng cao, nếu chậm trễ rất dễ dẫn tới tai biến mạch máu não thật sự. Khi gặp trường hợp này cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh cơn thiếu máu não thoáng qua, nhất là ở những người có rối loạn mỡ máu, bị cao huyết áp, bị đái tháo đường nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, trong đó có việc:
- Điều trị tốt bệnh lý xơ vữa và hẹp động mạch.
- Điều trị triệt để bệnh lý hẹp động mạch cổ để tránh gây thiếu máu não.
- Điều trị thật tốt các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bỏ thuốc lá...

Theo BS Hồ Văn Cưng/ Tuổi Trẻ

Ai dễ bị nhồi máu phổi khi đi máy bay?

Mỗi năm số người chết trên các chuyến bay không phải là ít. Xin tư vấn giúp, đối tượng nào, bệnh gì dễ bị nhồi máu phổi khi đi máy bay? (Lê Sơn, Nghệ An)

Nhồi máu phổi hay tắc mạch phổi thường do huyết khối (cục máu đông) hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chi dưới chuyển lên. Nếu cục máu đông có kích thước đủ lớn sẽ gây tắc nghẽn động mạch phổi, khiến gây suy hô hấp, và có thể gây tử vong nhanh chóng, nếu tắc ở các nhánh lớn của phổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khoang máy bay không khí rất khô, do đó có thể gây mất nước cho hành khách dẫn đến cô đặc máu làm cho máu đông trong các tĩnh mạch sâu. Áp lực thấp trong máy bay cộng với phải ngồi lâu trong chiếc ghế chật, phải thắt dây an toàn liên tục... cũng góp phần gây huyết khối tĩnh mạch chi dưới cũng như nhồi máu phổi.
Những người dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu và nhồi máu phổi khi đi máy bay là người đang bị ung thư, bị bệnh tim phổi mạn tính, bị rối loạn máu đông, béo phì, giãn tĩnh mạch chi dưới, phụ nữ có thai hoặc đang dùng thuốc tránh thai, người già (40 tuổi trở lên), khi ngồi máy bay trên 10 giờ (quãng đường bay trên 5.000 km)...
Để đề phòng tai biến này, cần đi lại trên máy bay 15-30 phút với hành khách trên chuyến bay dài trên 3 giờ; làm một số động tác tại chỗ như vận động bàn chân, gấp chân lên ngực, ngả người về phía trước, quay cổ; chỉ nên ngủ 30 phút/lần...


Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Báo Nông nghiệp Việt Nam

Chế độ ăn uống cho người huyết áp thấp

Những người mắc bệnh huyết áp thấp nên nghiên cứu một chế độ ăn uống đầy đủ hợp lý với thịt và rau để đảm bảo nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu…

Với những người huyết áp thấp do thiếu máu, thường gặp ở phụ nữ trẻ với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch (đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi), nên ăn gan lợn, trứng gà, thịt nạc, sữa, tôm cá, các loại đậu, khoai lang và các rau quả tươi… nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu, tăng lượng máu cung cấp cho tim và tăng huyết áp.

Với những người chán ăn, hãy ăn những thực phẩm và gia vị kích thích ham muốn ăn uống như gừng, hành tây, dấm, hạt tiêu, đường, bơ, hạt tiêu, bia, rượu vang…

Trái ngược với bệnh huyết áp cao, các bác sĩ thường khuyên nên giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày vì natri trong muối ăn làm tăng huyết áp.

Tuy nhiên với những người bị huyết áp thấp thì việc dùng nhiều muối hơn là hoàn toàn có thể. Nếu bạn bị bệnh tim cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều chỉnh sang chế độ ăn này.

Ngoài ra, nên uống khoảng 10 cốc nước mỗi ngày, sau khi tập luyện thể thao hay trong những ngày hè nóng nên uống nước trong thành phần có nhiều natri và kali.

Chế độ ăn uống cho người huyết áp thấp 1

Bên cạnh đó, bạn có thể ăn một chút gừng và các chế thành phẩm từ gừng, gừng tươi có chứa dầu dễ bay hơi có thể kích thích sự tiết dịch dạ dày, gây hưng phấn cho mạch máu, thúc đẩy tiêu hóa, có tác dụng kiện tỳ, thường xuyên ăn gừng tươi có tác dụng nhất định trong việc điều trị huyết áp thấp.

Ngoài ra, thực phẩm cấm kỵ cho những người mắc chứng huyết áp thấp bao gồm:

- Cà rốt: Do chứa muối succinic nên nó có thể khiến kali trong nước tiểutăng lên, huyết áp giảm, do đó nên tránh ăn nhiều.

- Cà chua: Có tác dụng hạ huyết áp, khiến huyết áp của những người mắc chứng huyết áp thấp càng thấp hơn, xuất hiện các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, không nên ăn nhiều.

- Táo mèo: Có công dụng hạ huyết áp.

- Hạt dẻ nướng, sữa ong chúa có tác dụng giảm huyết áp, không nên ăn.

- Các thực phẩm có tính lạnh như rau bina, cần tây, dưa, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh, tỏi, tảo bẹ, hành tây, hạt hướng dương… đều có tác dụng hạ huyết áp vì thế không nên ăn.


Theo Tri thức trẻ

Nhồi máu cơ tim: Không phải là tuyệt vọng!

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm vì nó là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử.

Dù là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nhồi máu cơ tim không có nghĩa là đã kết thúc cuộc sống mà thực tế nhiều bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe mạnh, vậy làm thể nào để có thể chung sống với nó. Vì chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta biết nhiều hơn, thì chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn và ít lo lắng về nó nhiều hơn. Sau đây xin giải đáp những băn khoăn lo lắng thường gặp ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
 
Nhồi máu cơ tim là gì?
 
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể lúc nghỉ, lúc làm việc, lúc bạn đang vui chơi. Nhồi máu cơ tim xảy ra rất đột ngột, nhưng thực ra nó là cả một quá trình diễn ra trong nhiều năm. Nhồi máu cơ tim là hậu quả của quá trình xơ vữa của động mạch vành. Sự hình thành của mảng xơ vữa sẽ phát triển theo thời gian làm cho thành động mạch hẹp lại và làm cho dòng máu chảy khó khăn hơn. Nếu cục máu đông hình thành ở chỗ mạch máu bị hẹp, nó sẽ chặn dòng máu lại không cho máu chảy xuống vùng cơ tim phía dưới. Nó sẽ gây ra nhồi máu cơ tim cho bạn.
Bạn sẽ cảm thấy gì sau nhồi máu cơ tim?
Sau khi bạn bị nhồi máu cơ tim, bạn có thể có rất nhiều các cảm xúc khác nhau. Có 3 loại cảm xúc thường gặp nhất là lo lắng, giận dữ và trầm cảm.
Những tâm trạng này của bạn sẽ thay đổi qua ngày tháng. Suy nghĩ của bạn sẽ thể hiện tâm trạng của bạn. Đừng làm cho tất cả trở nên trầm trọng. Hãy tập trung thư giãn. Đừng cho rằng không có gì là sai trái. Hãy tâm sự với người mình tin tưởng. Thời gian sẽ làm cho bạn hết những tâm trạng này.
Khi nào bạn có thể đi làm lại được sau nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim. Ảnh minh họa
Nhồi máu cơ tim. Ảnh minh họa
Khoảng 80-90%, người sau nhồi máu có thể trở lại làm việc sau 2-3 tháng. Thường thì bạn có thể đi làm lại công việc cũ của mình. Dĩ nhiên, nó phụ thuộc vào 2 điều: quả tim của bạn không bị tổn thương quá nhiều và công việc của bạn không đòi hỏi quá nhiều việc gắng sức. Nhiều bạn đã thay đổi những công việc hoặc thậm trì còn không đi làm. Nhưng điều này nhiều khi là không cần thiết cho bạn.
Bạn có thể tập thể dục như thế nào?
Phần lớn những người đã hồi phục sau nhồi máu cơ tim đều có thể đi bộ, đạp xe đạp, đi bơi hoặc hoạt động những mức gắng sức tương tự mà không có vấn đề gì. Tập thể dục là có lợi và nên làm ở tất cả bệnh nhân có bệnh tim. Không nên tập luyện nếu bạn chưa bàn luận với bác sĩ của bạn về mức độ và loại hình tập luyện cho bạn.
Bạn có thể còn được uống rượu không?
Bạn có thể uống rượu nhưng chỉ ở mức trung bình. Tốt nhất là uống rượu vang đỏ. Chỉ nên uống 30-60 ml rượu/1 ngày hoặc 1 cốc bia 300 ml/1 ngày. Nhưng nếu bạn định giảm cân thì nên nhớ rượu là thức uống có hàm lượng calo cao.
Chế độ ăn của bạn như thế nào?
Sau đây là những lời khuyên cho chế độ ăn của bạn.
- Hạn chế ăn thịt, cá và thịt gia cầm.
- Cố gắng ăn nhiều hơn các thức ăn như rau, cơm, mỳ, đậu. Chỉ ăn kèm với số nhỏ thịt, cá hoặc thịt gia cầm.
- Hạn chế dùng dầu hoặc mỡ dùng để chế biến thức ăn.
- Cố gắng chế biến thức ăn ít hoặc không có chất béo. Như luộc, trần, nướng ít nên dùng các biện phát dùng nhiều dầu.
- Không nên ăn phủ tạng động vật như gan, não, thận, tim...
- Ăn nhiều rau, quả.
Sử dụng thuốc như thế nào?
Thường là thuốc sử dụng sẽ do thầy thuốc quyết định. Người bệnh nên theo thầy thuốc của mình. Các thuốc thường dùng sẽ là các loại thuốc sau:
Thuốc chẹn bêta. Các thuốc chẹn bêta hay được sử dụng ở nước ta là propranolol (inderal), atenolol (tenormin), metoprolol (betaloc), bisoprolol (concor) ... Các thuốc này có thể gây nhịp tim chậm. Thuốc chống chỉ định ở bệnh nhân hen phế quản. Thuốc cũng có thể gây ra lạnh chân và tay, mất ngủ, giảm khả năng quan hệ tình dục. Thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến đường huyết nên cẩn thận theo dõi đường huyết và chỉnh liều thuốc nếu bạn đang có đái tháo đường.
Thuốc ức chế men chuyển. Các thuốc thường dùng là captopril (capoten), peridopril (coversyl), enalapril (renitec), lisinopril (zestril). Các thuốc này thường hay gây ho. Nó cũng có thể gây ban đỏ da, phù niêm, mất cảm giác thèm ăn, khô miệng.
Thuốc ức chế thụ thể. Các thuốc thường dùng là telmisartan (micardis), lorsartan (cozar). Thuốc này khắc phục được triệu chứng ho của thuốc ức chế men chuyển. Nhưng nó vẫn có những tác dụng phụ như phù niêm, khô miệng...
Thuốc chẹn kênh canxi. Các thuốc thường dùng là tildiem... Các thuốc này hay gây nhịp tim nhanh, phù mắt cá, đau đầu, chóng mặt, táo bón...
Thuốc chống đông máu. Các thuốc chống đông là rất quan trọng cho bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim. Các thuốc thường dùng là aspirin và clopidogrel (plavix). Nên chú ý biến chứng chảy máu dạ dày ở những bệnh nhân dùng thuốc này.
Thuốc hạ mỡ máu. Statin làm giảm cholesterol toàn phần và LDL (loại cholesterol xấu). Các biệt dược hiện có tại nước ta là lipitor (atorvastatin), crestor (rovastatin), zocor (simvastatin).
 
AloBacsi.vn
 Theo Sức khỏe & Đời sống

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Đau bụng, coi chừng bệnh tim mạch

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đau bụng lại có nguồn gốc từ các bệnh lý mà ít người nghĩ đến như nguyên nhân do… tim mạch.
 
Nhồi máu cơ tim sau dưới
 
Thông thường, các cơn đau do nhồi máu cơ tim (NMCT) có biểu hiện ở vùng ngực trước tim, đau như bóp nghẹt lấy tim và lan lên cổ hoặc cánh tay trái. Tuy vậy, trong trường hợp NMCT sau dưới, do vị trí tổn thương ở phía sau và dưới của tim, ngay sát trên cơ hoành nên cơn đau nhiều khi có vị trí ở vùng thượng vị hoặc dưới mũi ức.
 
Vì vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân bị NMCT sau dưới được chẩn đoán là cơn đau dạ dày cấp, rối loạn tiêu hóa… Việc chẩn đoán NMCT sau dưới là rất dễ dàng nếu người thầy thuốc nghĩ đến căn bệnh này và cho làm ngay điện tim (ECG) và men CKMB hay troponin T hoặc troponin I nếu có điều kiện.
 
Trước một bệnh nhân đau thượng vị chưa được chẩn đoán xác định rõ ràng nguyên nhân, lại có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao trên 45, tiền sử hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao, nhất thiết phải được làm điện tim và các xét nghiệm để loại trừ NMCT sau dưới. Nếu bỏ sót thì hậu quả sẽ rất tai hại và có thể gây tử vong cho bệnh nhân do NMCT thường gây suy thất phải cấp và các loạn nhịp nặng. Sau khi đã xác định rõ nguyên nhân "đau bụng" là do NMCT, các biện pháp điều trị sẽ được tiến hành như bất động tại giường, giảm đau bằng morphin, cho các thuốc giãn mạch vành, các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, các thuốc chống đông và thậm chí có thể xét nong mạch vành, đặt stent cho bệnh nhân.
 
Đau bụng, coi chừng bệnh tim mạch 1
Phình tách động mạch chủ bụng
Một trong những cơn đau bụng dữ dội, có lan ra sau lưng hay không, ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như trên (tuổi trên 45, tiền sử hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao) có nguyên nhân là do phình tách động mạch chủ bụng.
 
Các thăm khám cơ bản để xác định cơn đau do nguyên nhân này bao gồm thăm khám hệ thống mạch mu chân, mạch bẹn (tìm dấu hiệu mạch không đều hai bên, nghe có tiếng thổi), đo huyết áp chi dưới hai bên, nghe động mạch thận hai bên, khám bụng xem có khối phồng đập theo nhịp mạch hoặc nghe có tiếng thổi…) và sau thăm khám lâm sàng, thầy thuốc có thể quyết định cho siêu âm doppler hoặc chụp cắt lớp bụng để xác định chẩn đoán.
 
Cũng như trong NMCT sau dưới, việc chẩn đoán xác định phình tách ĐMC bụng là càng sớm càng tốt vì khối phồng tách lúc này chẳng khác gì… quả bom trong bụng bệnh nhân, có thể vỡ ra gây tử vong cho bệnh nhân bất cứ lúc nào. Việc xác định nhanh chóng vị trí và kích thước khối phồng sẽ góp phần vào việc cứu sống bệnh nhân thông qua các biện pháp điều trị như hạ huyết áp, giảm đau và phẫu thuật cấp cứu.
Tắc động mạch mạc treo
Hệ thống động mạch mạc treo là hệ thống động mạch nuôi ruột bao gồm động mạch mạc treo tràng trên và mạc treo tràng dưới. Nguyên nhân gây tắc các động mạch này thường do cục máu đông từ tâm nhĩ trái (hình thành trong một số bệnh như loạn nhịp hoàn toàn, nhĩ trái giãn quá to…) bong ra, xuống tâm thất trái, theo dòng máu xuống động mạch chủ bụng, trôi vào các động mạch nhỏ như động mạch mạc treo, kẹt lại và gây tắc. Tắc động mạch mạc treo cũng có thể do xơ vữa mạch và điều này hay xảy ra ở người già.
 
Các triệu chứng biểu hiện của tắc mạch mạc treo bao gồm đau bụng không rõ nguyên nhân, tiêu chảy, dấu hiệu nhiễm khuẩn nhiễm độc và có các triệu chứng như loạn nhịp hoàn toàn, xơ vữa mạch kèm theo. Chẩn đoán tắc động mạch mạc treo tương đối khó, phải dựa vào một số xét nghiệm như D-Dimer, chụp mạch, CT, MRI ổ bụng và nhiều trường hợp không rõ có thể nội soi thăm dò ổ bụng để xác định chẩn đoán. Nếu chẩn đoán muộn hoặc các nhánh lớn của động mạch mạc treo bị tắc có thể dẫn đến hoại tử nhiều đoạn ruột, sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng và bệnh nhân sẽ tử vong.
 
Đau bụng, coi chừng bệnh tim mạch 2
Tắc động mạch mạc treo gây đau bụng, tiêu chảy
Một số trường hợp khác
Một số trường hợp khác cũng có thể gây các cơn đau bụng cấp như tắc mạch thận, tắc mạch lách, mạch tử cung, buồng trứng… Nguyên nhân của các trường hợp này hàng đầu cũng là do cục máu đông hình thành trong tâm nhĩ trái, ở các bệnh nhân có loạn nhịp hoàn toàn, trôi xuống gây tắc mạch và do xơ vữa động mạch. Đây là các trường hợp tắc mạch tuy hiếm nhưng cũng có thể gặp trên thực tế lâm sàng và việc chẩn đoán tương đối khó khăn.
Như vậy, những trường hợp đau bụng mà nguyên nhân do bất thường ở hệ tim mạch không phải là ít gặp nên cần lưu ý đến các nguyên nhân này ở bất cứ một trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân nào, từ đó, thầy thuốc sẽ có hướng sử dụng các biện pháp thăm khám cũng như các phương tiện cận lâm sàng hiện đại để xác định chẩn đoán.
 

 Theo BS. Vũ Phương Anh - Sức khỏe & Đời sống

Những chú ý tối thiểu khi đo huyết áp

- Người được đo huyết áp phải nghỉ ngơi ít nhất 10 phút trước khi đo. Có thể đo ở tư thế nằm hoặc ngồi, tay trái hoặc phải, máy đo huyết áp để ngang mức với tim. Ví dụ, khi người bệnh nằm thì máy đo huyết áp nên đặt ở ngay mặt giường cùng bình diện với bệnh nhân.
 
- Máy đo huyết áp: Mức zero của kim đồng hồ phải được kiểm tra lại cho đúng. Băng cuốn tay không được to quá hoặc nhỏ quá với bệnh nhân. Bình thường băng cuốn đó nên rộng bằng khoảng 2/3 chiều dài từ nếp gấp khuỷu tay tới đầu trên của xương cánh tay. Nếu băng cuốn nhỏ quá, con số huyết áp thường cao hơn thực tế
 
- Nên đo đều đặn vào một thời điểm nhất định trong ngày, có thể là buổi sáng, chiều hoặc tối. Trong trường hợp cảm thấy khó chịu, dù đang dùng thuốc bạn cũng nên đo huyết áp vào thời điểm đó
 
- Muốn kiểm tra số huyết áp của mình có thực sự thay đổi với điều trị không, bạn có thể kiểm tra huyết áp trong 24 giờ để biết sự biến thiên của huyết áp tâm thu và tâm trương trong ngày.
 

Theo TTXVN

Hội chứng chuyển hóa - Nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường

Không phải tất cả các chuyên gia đều nhất trí định nghĩa về HCCH hoặc thậm chí coi đó là tình trạng bệnh lý riêng biệt. Các nhà y học đã nói về hội chứng này từ nhiều năm nay với nhiều tên gọi như hội chứng X, hội chứng đề kháng insulin.
Yếu tố nguy cơ mắc HCCH
Tuổi: Nguy cơ mắc HCCH tăng lên với tuổi, tỷ lệ mắc bệnh < 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên đến 40% ở lứa tuổi 60. Tuy nhiên, các dấu hiệu báo trước HCCH có thể thấy ở tuổi niên thiếu.
Chủng tộc: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước nói tiếng Tây Ban Nha, người châu Á dường như hay có nguy cơ mắc HCCH hơn các chủng tộc khác.
Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) - là số đo của cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. BMI > 23, tình trạng béo bụng với dáng người dạng quả táo (không phải dạng quả lê) làm tăng nguy cơ mắc HCCH.
Tiền sử đái tháo đường: Nguy cơ mắc HCCH cao hơn ở người có tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường týp 2 hoặc bản thân có tiền sử bị đái tháo đường khi mang thai.
Các tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc HCCH: Tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và hormon sinh dục nữ.
Hội chứng chuyển hóa - Nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường 1
Các cơ quan người bình thường (trái), rối loạn của các cơ quan trong HCCH ở người béo phì (phải)
Tại sao chúng ta cần biết về HCCH?
Vì HCCH làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường nếu người bệnh không thay đổi thói quen sống có hại để điều chỉnh tình trạng đề kháng insulin và đường huyết cứ tiếp tục tăng cao.
Vì cholessterol máu cao và tăng huyết áp trong HCCH sẽ góp phần tạo nên mảng xơ vữa trong thành động mạch, mảng xơ vữa này làm cho động mạch bị cứng lên và hẹp lại, từ đó dẫn đến đột quỵ tim và não.
Những việc mà người bệnh cần làm để chuẩn bị gặp bác sĩ
Thời điểm người bệnh cần gặp bác sĩ để được tư vấn
Ðó là khi mỗi người trong chúng ta thấy mình có ít nhất một yếu tố cấu thành nên HCCH nêu trên như tăng huyết áp, cholessterol máu cao, thân hình có dáng quả táo... Gặp bác sĩ để xem có cần phải xét nghiệm để tìm các thành phần khác của HCCH hay không và để biết những điều nên làm, tránh cho bệnh nặng thêm.
Khi hẹn khám phải hỏi xem có cần nhịn ăn trước đó không, có cần làm xét nghiệm đường máu khi đói trước khi đến khám không.

Viết ra tất cả các triệu chứng đã trải qua, kể cả các triệu chứng dường như không phải vì nó mà bạn đi khám bệnh. Viết ra các thông tin cá nhân chủ chốt, kể cả các stress chủ yếu hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống. Nếu bạn đang theo dõi đường máu hoặc huyết áp tại nhà thì hãy mang bản theo dõi đó theo.
Liệt kê các thuốc đã dùng kể cả vitamin và thuốc bổ.
Ghi rõ tiền sử gia đình. Đặc biệt cho bác sĩ biết có ai cùng huyết thống bị đái tháo đường hoặc bị đột quỵ hay không.
Đi cùng thành viên trong gia đình hoặc một người bạn nếu có thể. Họ có thể bổ sung một điều gì đó mà bạn quên hoặc bỏ sót.
Điều trị và phòng bệnh
Thể dục đều đặn 30 - 60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như là đi bộ.
Giảm cân: Giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau, hoa quả, cá và các loại hạt.
Ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.
Khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ về xử trí HCCH
Mục đích hàng đầu của xử trí lâm sàng HCCH là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mắc đái tháo đường týp 2. Tiếp đó, việc điều trị hàng đầu là làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng như ngừng hút thuốc lá, giảm cholesterol máu, điều trị tăng huyết áp và điều trị đái tháo đường.
Để quản lý trước mắt và lâu dài các yếu tố nguy cơ thì việc điều chỉnh lối sống là can thiệp hàng đầu để giảm các yếu tố nguy cơ mắc HCCH. Việc can thiệp để điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe bao gồm:
Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5 - 22,9kg/m2).
Tăng cường hoạt động thể lực, với đích cần đạt là phải hoạt động thể lực mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần.
Có thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe như ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Thuốc nào làm thay đổi huyết áp?

Trước khi tự cho mình bị cao huyết áp, bạn cũng cần nên biết rằng một số loại dược phẩm có thể làm cho số đo huyết áp tăng. Nếu giá trị đo huyết áp của bạn cao hơn mong đợi, bạn cũng nên bỏ thời gian để kiểm tra lại những loại thuốc mà bạn đang dùng.
 
Điều đáng lưu tâm là không những các loại thuốc cần bác sĩ kê toa có thể làm gia tăng kết quả đo huyết áp mà các loại thuốc phổ biến, không cần toa dùng để trị các bệnh thông thường cũng có thể làm gia tăng kết quả đo huyết áp. Một loại thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) quen thuộc là ibuprofen cũng có thể gây tăng huyết áp do thuốc này làm thay đổi nồng độ của chất prostaglandins. Trong khi prostaglandins có vai trò tác động lên thận nhằm giúp huyết áp nằm trong tầm kiểm soát, thay đổi nồng độ của prostaglandins cũng có nghĩa là làm thay đổi giá trị đo huyết áp.
Một chất quen thuộc khác mà chúng ta hay dùng mỗi ngày là caffeine vốn có nhiều trong cà phê. Caffeine sẽ có tác động lên não và hệ tim mạch. Không có gì lạ khi một số người cảm thấy một số triệu chứng của cao huyết áp sau khi uống vài tách cà phê. Người sử dụng thuốc cũng cần lưu ý là một số loại thuốc giảm đau cũng có chứa chất caffeine, vì vậy những loại thuốc này sẽ làm tăng kết quả đo huyết áp. Một số người dùng những loại thuốc có chứa caffeine rồi lại dùng thêm cà phê, vì vậy sẽ càng khiến huyết áp tăng đáng kể.
Một loại thuốc không cần toa khác cũng gây tăng huyết áp đó là các viên thuốc giảm cân vì trong thành phần của các loại thuốc này có chứa những dược thảo gây tăng huyết áp như guanara, yerba... Một số loại thuốc giảm cân cũng có chứa caffeine, vì vậy sẽ làm tăng giá trị đo huyết áp, gây ra nhịp tim bất thường. Vì vậy không nên tự ý mua các loại thuốc giảm cân để sử dụng, nhất là những người có khuynh hướng cao huyết áp.
Một yếu tố khác gây tăng giá trị đo huyết áp chính là khói thuốc do chất nicotine có trong khói thuốc. Cho dù bạn không hút thuốc nhưng bạn cũng phải lưu ý các loại dược phẩm có chứa nicotine vì nó làm tăng huyết áp trong một thời gian ngắn. Vì vậy, không nên kiểm tra huyết áp trong vòng 60 phút sau khi hút thuốc.
Các loại thuốc kê toa sẽ gây tăng huyết áp là các thuốc steroids dùng đường uống, các loại thuốc trị bệnh Parkinson, các thuốc kháng trầm cảm... cũng sẽ gây tăng huyết áp. Riêng các loại thuốc ngừa thai cũng có thể gây tăng huyết áp nhẹ ở một số phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ trên 35 tuổi.
Vì vậy, khi bạn đến phòng mạch bác sĩ để kiểm tra huyết áp, bạn cần phải cho bác sĩ biết tất cả những loại thuốc mà bạn đang sử dụng cho dù là thuốc kê toa hay không cần kê toa.
 

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường - Người lao động

Thảo dược giảm huyết áp

Nước rau cần tây: Dùng 250g rau cần tây tươi, rửa sạch, nhúng vào nước sôi trong 2 phút, ép lấy nước. Mỗi lần uống một cốc nước rau cần, mỗi ngày 2 lần. Có tác dụng hạ huyết áp, an thần.
Thảo dược giảm huyết áp 1
Thảo dược giảm huyết áp 2
Nước ép cần tây, trà tâm sen... là những thảo dược giảm huyết áp tốt
Nước sắc rau cần tây, táo đỏ: Rau cần 300g, táo đỏ 12 quả. Rau cần rửa sạch, cắt đoạn ngắn; táo đỏ rửa sạch. Cho cả hai vào nồi, cùng một lượng nước vừa đủ để nấu lấy nước uống trong ngày.
Nước sắc rong biển, thảo quyết minh: Rong biển 20g, thảo quyết minh 15g, sắc lấy nước uống. Tác dụng: giảm huyết áp, giảm mỡ trong máu.
Nước sắc hạ khô thảo: Hạ khô thảo 25g cho vào nồi thêm 350ml nước, đun nhỏ lửa cho sôi kỹ, khi còn 200ml nước thuốc, chắt lấy nước, bỏ bã. Chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 20 ngày.
Nước râu ngô: Dùng 100g râu ngô, sắc lấy 3 bát nước, chia làm 3 lần uống hết trong ngày, có tác dụng hạ huyết áp, giảm đau, an thần.
Nước sắc tầm gửi cây dâu: Tầm gửi cây dâu 120g, thái nhỏ, phơi nơi không có nắng cho khô, cho vào nồi thêm 300ml nước, sắc kỹ, dùng làm nước uống trong ngày.
Canh hạ khô thảo nấu với thịt lợn nạc: Hạ khô thảo 20g, thịt lợn nạc 50g (thái mỏng) đun nhỏ lửa, nấu chín ăn.Mỗi ngày ăn hai lần vào bữa cơm.
Cháo lá dâu: Lá dâu tươi 20g, thịt trai sông 50g thái nhỏ, nấm hương 20g, hành củ khô 2 củ, gạo tẻ 100g Nấu cháo ăn hàng ngày có tác dụng hạ huyết áp tốt.
Trà tâm sen: Tâm sen 3g cho vào cốc, đổ nước sôi hãm 5 - 10 phút. Ngày uống 1 - 2 lần. Công dụng: thanh tâm, hạ huyết áp, chữa mất ngủ.
Trà hoa cúc, sơn tra, thảo quyết minh: Hoa cúc 10g, sơn tra tươi 15g, hạt thảo quyết minh 15g (giã nát), sắc lấy nước uống thay chè hàng ngày.

Trà sơn tra, lá sen: Sơn tra 15g, lá sen 12g. Hai thứ thái nhỏ, đổ nước vừa đủ đun sôi hoặc hãm nước sôi uống. Ngày uống 1 lần. Công dụng: chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao, giảm béo. Hoặc dùng: Lá sen 10g, đẳng sâm 6g, bán hạ 10g, tuyền phúc hoa 10g, thiên ma 6g, trần bì 6g, thạch quyết minh 10g. Sắc hai nước, trộn lẫn, uống ngày 1 thang chia 2 lần vào buổi sáng và tối. Dùng cho người tăng huyết áp, mắt hoa, tai ù, mất ngủ.
AloBacsi.vn
Theo BS Thu Vân - Sức khỏe & Đời sống

Những cách đơn giản để giảm cơn tăng huyết áp

Tăng huyết áp nếu không điều trị sẽ gây ra nhiều hậu quả về tim, tai biến mạch máu não và những di chứng của nó luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người lớn tuổi. Ngày nay, mặc dù y học đã có những bước tiến vượt bậc trong việc kiểm soát và điều trị tăng huyết áp nhưng những di chứng do tăng huyết áp vẫn gây tốn kém nhiều công sức và tiền của.
Tuy nhiên có một điều mà ít người quan tâm là với một số thao tác đơn giản của y học cổ truyền, người ta có thể làm giảm cơn tăng huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn trong khi bệnh nhân chờ được chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa cần thiết.
Tăng huyết áp có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó việc điều trị dứt điểm cần sự chẩn đoán và thời gian thích hợp. Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một phương pháp đơn giản mà người bệnh có thể tự thực hiện để giảm cơn tăng huyết áp, giải tỏa các nguyên nhân tai biến về não trước khi được sự chăm sóc của thầy thuốc (chú ý: các thao tác này chỉ áp dụng cho các trường hợp nhẹ chưa có biến chứng về não như tắc mạch máu não, đứt mạch máu não..., các biến chứng về tim như nhồi máu cơ tim).
Theo y học cổ truyền, triệu chứng tăng huyết áp là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) gây ra. Giải quyết triệu chứng này đồng nghĩa với việc giáng khí, làm cho khí đang lưu chuyển ngược lên đầu sẽ hướng xuống phía dưới và tỏa ra lớp da ngoài của cơ thể.
Những thao tác cụ thể gồm:
1. Vuốt ấm hai vành tai: Dùng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay vuốt dọc vành tai cùng bên, từ trên xuống dưới khoảng 9-10 lần. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng với nhau, do đó vuốt ấm vành tai cũng là tác động vào cột sống lưng, vừa có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, vừa kích thích sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí. Theo y học cổ truyền kinh bàng quang phân bố dọc hai bên sống lưng (nếu có người bên cạnh có thể nhờ người đó trực tiếp ngồi sau lưng dùng bàn tay phải vuốt dọc sống lưng từ trên gáy xuống đến tận thắt lưng để gia tăng thêm tác dụng).
2. Vuốt dọc hai bên mũi: Mỗi bàn tay vuốt một bên mũi, vuốt đều hai bên cùng một lúc. Dùng ngón tay trỏ vuốt từ huyệt ấn đường (điểm giữa hai đầu chân mày) xuống dọc theo hai bên mũi qua khóe miệng đến tận chót cằm. Vuốt chậm, nhẹ và làm từ 15-20 lần.
Kích thích huyệt ấn đường có tác dụng làm phóng thích chất endorphine nội sinh có thể làm cho an thần, hạ huyết áp và giáng khí. Vuốt dọc theo hai bên mũi xuống cằm là tác động vào hai kinh dương minh. Học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền cho rằng kinh dương minh là kinh dương, tập trung nhiều huyết khí; huyết có chức năng quan trọng nhất trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Động tác này làm gia tăng sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí, gây ấm người và làm nhẹ áp lực ở phần đầu.
3. Vuốt dọc hai chân mày: Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ ấn đường đi dài theo chân mày ra thái dương đến tận mí tóc ở phía ngoài đuôi mắt. Vuốt mỗi bên khoảng 10 lần. Vùng chân mày và hai cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau, do đó động tác này ngoài việc giải tỏa sự sung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán còn làm cho khí huyết lưu thông ra hai cánh tay và bàn tay để giúp giảm nhẹ áp lực ở đầu.
4. Ngồi hoặc nằm thư giãn, tập trung vùng đan điền: Theo y học cổ truyền thì thần ở đâu khí ở đó, do đó khi tập trung ý nghĩ tại vùng đan điền, khí trong cơ thể từ phía trên đầu sẽ lưu chuyển xuống dưới nên có tác dụng hạ khí. Việc tập trung tư tưởng càng tốt hiệu quả hạ khí càng cao. Động tác này cần kéo dài hơn 10 phút.
Mỗi khi cảm nhận được những dấu hiệu tăng huyết áp như căng, nặng ở vùng thái dương, đau đầu, mờ mắt, mắt đỏ hay trong người thấy bực tức vô cớ, ngực sườn đầy tức... người bệnh nên ngồi xuống, áp dụng lần lượt 4 động tác trên. Bình tĩnh và tự tin là yếu tố cần thiết trong quá trình thực hiện các động tác. Sau khoảng 15 phút thực hành, bệnh  nhân có thể cảm thấy bớt  cảm giác khó chịu ở vùng đầu, nhịp đập của tim sẽ chậm lại, tay chân sẽ ấm lên. Đó là lúc huyết áp đã hạ bớt.
Ngoài việc áp dụng để hạ huyết áp, thực hiện những động tác trên còn là một biện pháp dưỡng sinh tốt để ổn định thần kinh, gia tăng việc thông khí huyết trong cơ thể, giúp giữ thể trạng tốt.

Theo Sức khỏe & đời sống

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Biến chứng tim mạch trên người đái tháo đường

Biến chứng tim mạch ở người đái tháo đường (ĐTĐ) xuất hiện là do có sự tổn thương xơ vữa động mạch của các mạch máu lớn và vừa.

Bệnh ĐTĐ do quá trình xơ vữa động mạch của các động mạch lớn và vừa xuất hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn ở những người không mắc bệnh này.
Mặt khác, bên cạnh đó, bệnh ĐTĐ còn có nhiều trạng thái và bệnh lý khác cũng có thể góp phần gây các biến cố tim mạch. Đó là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, trong đó phải kể đến như: bệnh tăng huyết áp, các rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, béo phì, những người ít vận động.
Biến chứng tim mạch trên người đái tháo đường 1
Đái tháo đường gây xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây biến chứng ở hệ tim mạch
Các biến chứng thường gặp
Viêm tắc động mạch chi dưới
Khoảng người ĐTĐ bị biến chứng này sau 20 năm. Người bị ĐTĐ nguy cơ gây hoại tử chi rất cao so với người không mắc ĐTĐ và là nguyên nhân dẫn đến cắt đoạn chi của 50% số trường hợp bị cắt đoạn chi không do chấn thương. Đặc biệt, biến chứng này càng trầm trọng hơn nếu người bệnh có kèm hút thuốc lá. Biến chứng này thường xảy ra với các dấu hiệu như: chứng đau cách hồi, giảm hoặc mất mạch mu chân, bàn chân lạnh, đau chân ban đêm… Khi gặp phải những dấu hiệu trên, nhất là ở người ĐTĐ cần phải đến các bác sĩ chuyên khoa để khám bàn chân, bắt mạch chi.
Bệnh tim
Bệnh mạch vành tim là bệnh cũng rất hay gặp và thường là rất nặng. Bệnh được biểu hiện bởi cơn đau thắt ngực không rõ ràng, người bệnh chỉ có cảm giác đau ngực thoáng qua hoặc không có triệu chứng đau ngực, nhồi máu cơ tim im lặng, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột tử. Để có thể phát hiện sớm, người ĐTĐ cần phải được đo điện tim khi mới phát hiện bệnh và kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc làm nghiệm pháp gắng sức nếu nghi ngờ trên lâm sàng hoặc điện tim.
Bệnh tăng huyết áp
Bệnh thường gặp ở người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 sau tuổi 45, có thể xuất hiện trước khi phát hiện bệnh. Tăng huyết áp làm nặng thêm các biến chứng vi mạch và là nguy cơ lớn dẫn đến các biến cố tim mạch. Khi phát hiện bệnh cao huyết áp, nhất là ở người ĐTĐ cần phải được điều trị tốt để duy trì huyết áp ổn định ở mức < 140/ 90mmHg và thấp hơn nữa nếu có thêm yếu tố nguy cơ khác. Huyết áp cần được kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Để điều trị tăng huyết áp ngoài việc dùng thuốc, còn phải phối hợp thực hiện chế độ ăn và tập luyện.
Tai biến mạch máu não
ĐTĐ là bệnh rất dễ gây ra biến chứng tai biến mạch máu não, thường gặp nhất là nhồi máu não còn xuất huyết não thì tỉ lệ thấp hơn. Người bệnh cần chú ý trong những cơn tai biến mạch máu não thoáng qua. Do đó, điều trị tốt ĐTĐ và các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu là việc làm vô cùng cần thiết.
Rối loạn mỡ máu
Một thuật ngữ rất quen thuộc và là một hội chứng rất thường gặp nhất là ở người ĐTĐ, với các biểu hiện như: tăng triglyceride máu, giảm HDL - cholesterol, tăng LDL cholesterol. Các rối loạn này có thể được cải thiện phần nào nhờ kiểm soát tốt đường máu. Nếu chưa đạt mức tối ưu cần được điều trị sớm, bao gồm chế độ ăn và chế độ thuốc. Cần làm xét nghiệm kiểm tra các bất thường về mỡ máu tối thiểu một lần mỗi 6 tháng. Trong trường hợp điều trị, cần kiểm tra mỗi 3 tháng.
Phòng ngừa các biến chứng
Để phòng ngừa các biến chứng của bệnh ĐTĐ, nhất là biến chứng trên tim mạch cần thực hiện các vấn đề sau:
- Kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ.
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ khác ngoài ĐTĐ.
Ngoài ra, cần giảm trọng lượng cơ thể thừa, tăng cường vận động thể lực, bỏ thuốc lá, giảm uống rượu…

Theo BS Hồ Văn Cưng - Sức khỏe & Đời sống

Chụp hình đánh giá khả năng sống của cơ tim

Việc chẩn đoán cơ tim còn sống có ý nghĩa quyết định trong điều trị can thiệp tái tưới máu để giảm nguy cơ tử vong.

FDG PET là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất để chẩn đoán khả năng phục hồi của thất trái sau can thiệp tái tưới máu.
 
Chụp FDG - PET cho bệnh nhân tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Chụp FDG - PET cho bệnh nhân tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108
Bệnh động mạch vành (ĐMV) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, nhất là sau nhồi máu cơ tim. Khoảng 2/3 số bệnh nhân suy tim là do bệnh ĐMV, đặc biệt là ở các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim. Giảm chức năng tâm thu thất trái là yếu tố độc lập và quan trọng nhất trong tiên lượng bệnh nhân suy tim do bệnh ĐMV.
Trước đây, nguyên nhân giảm chức năng thất trái thường được cho là tổn thương không hồi phục do hậu quả của nhồi máu cơ tim. Hiện nay, người ta đã chứng minh được tình trạng rối loạn chức năng tâm thu kéo dài do thiếu máu cấp hoặc mãn tính dẫn đến những biến đổi chức năng co bóp của cơ tim. Tuy nhiên, đánh giá khả năng sống của cơ tim sau tưới máu thì không đơn giản.

Dựa vào các đặc điểm và cơ chế sinh - bệnh lý của tổ chức cơ tim trong bệnh ĐMV, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá khả năng sống của cơ tim. FDG PET là phương pháp có độ nhạy cao trong phát hiện chẩn đoán vùng cơ tim còn khả năng sống sót. FDG PET có giá trị dự báo dương tính và dự báo âm tính cao trong tiên lượng hồi phục vận động thành thất sau can thiệp tái tưới máu ĐMV.

FDG PET là kỹ thuật y học hạt nhân chụp hình chuyển hóa cơ tim có độ nhạy cao, cho phép lượng hóa cơ tim sống khi đồng thời đối chiếu với xạ hình tưới máu cơ tim. Bên cạnh đó, 18 F - FDG có thời gian sống 1/2 là 119 phút, cho phép chụp hình với chất lượng hình ảnh cao.
Đặc biệt, kết hợp với hệ thống PET/CT hiện đại cho phép giảm liều FDG, giảm thời gian chụp, đồng thời cho hình ảnh chất lượng cao đồng bộ hóa với xạ hình tưới máu cơ tim sẽ giúp giảm chi phí chụp hình. Theo các nghiên cứu, điều trị can thiệp tái tưới máu có tỷ lệ tử vong chỉ 3,2%/năm, giảm 80% so với các bệnh nhân điều trị nội khoa với tỷ lệ tử vong 16%.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Hà - ThS Lê Mạnh Hà
Kiến thức

Ðiều trị tăng huyết áp ở người đái tháo đường

Khi bệnh nhân đã đạt được huyết áp mục tiêu vẫn phải tiếp tục duy trì các thuốc huyết áp đang dùng vì nếu bệnh nhân ngừng thuốc thì huyết áp sẽ tăng trở lại.

Ngăn chặn dòng canxi chậm vào trong tế bào cơ trơn thành mạch, do đó gây giãn mạch và làm giảm huyết áp. Có hai nhóm thuốc chẹn kênh canxi: không dihydropyridine và dihydropyridine đều đã được chứng minh bên cạnh tác dụng hạ áp còn có tác dụng làm giảm các biến cố tim mạch, trong đó nhóm dihydropyridine có tác dụng hạ áp mạnh hơn nên thường được sử dụng và là lựa chọn ưu tiên để kết hợp với ƯCMC hoặc ARBs.
 
Ðiều trị tăng huyết áp ở người đái tháo đường 1
Khám điều trị bệnh tăng huyết áp
- Tác dụng phụ: phù chân, đau đầu, nóng bừng mặt.
- Một số thuốc thường dùng: nifedipine, amlodipine…
Thuốc lợi tiểu:
Có tác dụng tăng thải natri và nước ở thận, làm giảm thể tích máu, do đó làm giảm huyết áp. Thuốc lợi tiểu, đặc biệt nhóm thiazide đã được chứng minh bên cạnh hiệu quả hạ áp còn có tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tử vong do bệnh tim mạch và đột quỵ tương đương với thuốc chẹn beta giao cảm và chẹn kênh canxi loại diltiazem (không dihydropyridine). Thiazid viên 25mg là thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị THA. Tác dụng phụ hay gặp là mất nước và hạ kali máu. Điều này có thể được hạn chế bằng cách cho bệnh nhân uống liều nhỏ thiazide (25mg/ngày) và kết hợp với thuốc ƯCMC hoặc ARBs, lợi tiểu giữ kali hoặc kháng aldosterone. Khi bệnh nhân có suy thận (creatinin ≥ 1,8 mg/dl) thì nên dùng lợi tiểu nhóm furosemid.
Thuốc chẹn beta giao cảm:
Có tác dụng hạ áp kém hơn các thuốc trên nhưng ở những bệnh nhân THA có suy tim hoặc nhồi máu cơ tim, đây là thuốc được khuyến khích dùng kết hợp với ƯCMC hoặc ARBs.
Chống chỉ định: hen suyễn, suy tim mất bù, nhịp chậm xoang, blôc nhĩ-thất.
Một số thuốc thường dùng: metoprolol, bisoprolol, atenolol.
Các nhóm thuốc khác:
Chẹn alpha1 giao cảm:
- Làm giảm sức co của cơ trơn mạch máu ngoại vi, do đó làm giảm huyết áp.
- Thuốc này có tác dụng hạ áp không mạnh. Bên cạnh tác dụng hạ áp, nhóm thuốc này còn có tác dụng điều trị triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
- Tác dụng phụ: gây hạ huyết áp tư thế đứng, nhất là khi dùng liều đầu tiên.
- Một số thuốc thường dùng: prazoxin, terazoxin, doxazoxin.
Thuốc chẹn alpha và beta giao cảm: có đặc tính của cả 2 thuốc: chẹn alpha và beta giao cảm. Tác dụng hạ áp thường không mạnh.
- Một số thuốc thường dùng: labetalol, carvedilol.
Nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: Hoạt hóa một số tế bào thần kinh, từ đó gây hạ huyết áp.
- Tác dụng phụ: độc tính với gan, gây buồn ngủ, hạ huyết áp tư thế đứng, gây trầm cảm.
- Thuốc thường dùng: methyldopa (aldomet), clonidine (catapres)
Điều cần lưu ý: khi bệnh nhân đã đạt được huyết áp mục tiêu vẫn phải tiếp tục duy trì các thuốc huyết áp đang dùng vì nếu bệnh nhân ngừng thuốc thì huyết áp sẽ tăng trở lại.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Nhịp tim quá chậm do đâu

Nhịp tim bình thường của một người khoẻ mạnh dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần trong một phút. Nếu nhịp tim trên 90 lần/phút là nhịp tim nhanh, còn dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể làm người bệnh có cảm giác đau ngực, có những trường hợp ngất do máu cung cấp lên não không đầy đủ, người ta gọi là cơn AdamStock. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều người nhịp tim chậm từ nhỏ hay do luyện tập (như luyện yoga) nên vẫn không có rối loạn nào biểu hiện trên lâm sàng.
Một số thuốc hạ huyết áp có thể làm chậm nhịp tim, đó là các thuốc hạ huyết áp có tác dụng ức chế beta giao cảm như sectral, atenolol, metoprolol… Chính vì vậy, khi uống các loại thuốc trên phải thường xuyên kiểm tra nhịp tim trước và trong khi dùng thuốc. Khi thấy nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút nên dừng loại thuốc điều trị tăng huyết áp nói trên và đến bác sĩ điều trị để thay bằng một loại thuốc khác có cơ chế tác dụng ức chế kênh canxi, ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể angiotensin.

 Theo BS Hoài Nam - Sức khỏe & Đời sống

Các bệnh tim thường gặp ở trẻ

Tim bẩm sinh (TBS), thấp tim (TT), Kawasaki là những bệnh tim thường gặp ở trẻ em. Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, TBS và TT là những bệnh có thể phòng ngừa được. Bệnh Kawasaki nếu được phát hiện, điều trị sớm và đúng sẽ tránh được những biến chứng trên tim.
 
Tim bẩm sinh
Là những tật tim được hình thành từ trong bào thai, do bất thường trong quá trình hình thành và phát triển của phôi thai. Nguyên nhân, có thể do người mẹ trong lúc mang thai tiếp xúc với tia phóng xạ, hóa chất, uống rượu, hút thuốc, uống một số thuốc ảnh hưởng lên bào thai, nhiễm siêu vi, mắc các bệnh như tiểu đường, lupus đỏ. Những yếu tố gia đình, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Cứ 1.000 trẻ ra đời thì có tám trẻ bị TBS, trong đó khoảng 20 - 30% trường hợp cần phải phẫu thuật sớm. Nếu không điều trị, các tật TBS nặng sẽ dẫn đến tim to, suy tim, tím tái nặng do thiếu oxy, trẻ thường bị nhiễm trùng phổi, chậm lớn, chậm phát triển tâm thần, vận động và nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Với trẻ bị TBS nhẹ, triệu chứng dần xuất hiện khi trẻ lớn như: hay mệt, ngất, tím tái, viêm phổi tái phát nhiều lần…
PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc - Trưởng Khoa tim mạch BV Nhi Đồng 1 cho biết: "Với sự tiến bộ của y học, các bệnh TBS đều có thể can thiệp và tỷ lệ thành công trên 90%. Khi gia đình có trẻ bị bệnh TBS thì không nên quá lo lắng. TBS có thể phát hiện sớm qua siêu âm tim bào thai lúc thai 16 tuần. Để phòng ngừa, các bà mẹ cần đi khám thai định kỳ".
Trẻ bị TBS rất dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng vùng răng miệng có thể dẫn tới nhiễm trùng máu và nội mạc tim, rất nguy hiểm. Để tránh biến chứng này, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh ho, cảm cúm, tránh khói bụi, giữ vệ sinh răng miệng thật kỹ.
Thấp tim
Là bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 - 15 tuổi, xảy ra sau khi bị viêm họng do một loại vi trùng "liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A" và trẻ có cơ địa đặc biệt nhạy cảm với loại vi trùng này. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp dẫn đến tử vong.
Sau khi viêm họng khoảng một-hai tuần, trẻ có thể có các triệu chứng như: sưng, nóng, đỏ đau một hoặc nhiều khớp; mệt, khó thở, đau ngực, xanh xao, vã mồ hôi, phù, tiểu ít, hồi hộp, tim đập nhanh, tim to, sưng, đập yếu; tay chân yếu, cầm đồ đạc và cử động trở nên vụng về, dễ đánh rơi và làm bể đồ đạc, viết chữ xấu đi, dễ té, có những cử động múa may tự phát không kiềm chế được; nổi những mảng hồng ban hình tròn ở thân người; nổi những nốt cục dưới da nhỏ như hạt đậu, ở cùi chỏ, đầu gối, ống quyển, dọc cột sống, chảy máu cam, đau bụng, biếng ăn…
Bệnh có thể phòng ngừa nếu điều trị tốt và đúng khi bị viêm họng. Những trẻ từng mắc bệnh TT và có dị chứng hẹp hở van tim phải giữ vệ sinh răng miệng thật kỹ giống như trẻ bị TBS.
Kawasaki
Kawasaki là tình trạng viêm các mạch máu cấp tính gây tổn thương đa cơ quan, thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt cao liên tục (trên năm ngày) và tình trạng sốt không khỏi ngay cả khi điều trị bằng những thuốc hạ sốt thông thường. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: kết mạc mắt sung huyết, khô, đỏ; môi khô, đỏ, nứt nẻ, chảy máu, chảy dịch; lưỡi đỏ giống quả dâu tây; niêm mạc vùng hầu họng đỏ rực; hồng ban ở da; hạch cổ sưng, lòng bàn tay, bàn chân sưng đỏ; bong da đầu ngón tay, ngón chân.
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định, nhưng bệnh Kawasaki được xem là một bệnh nguy hiểm vì thường gây biến chứng viêm, tắc mạch vành, giãn phình động mạch vành và nếu không điều trị có thể sẽ dẫn đến thiếu máu, nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Hoa Lài - Phụ nữ online

Hiểu đúng về nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim, trong suốt thời gian dài, luôn được liên tưởng đến hiện tượng phía trong thành động mạch các lớp mỡ tích tụ lại, thuật ngữ chuyên môn gọi là mảng xơ vữa.



Nhưng chứng tắc nghẽn động mạch, trái với điều mọi người vẫn tưởng, không phải là vấn đề "của anh thợ nước". Ở những người được coi là bệnh mạch vành ổn định, những tảng mỡ tích tụ lại tuy có cản trở sự lưu thông máu trong các động mạch thậm chí đến 80 phần trăm, mặc dù vậy hiện tượng này không dẫn đến nhồi máu cơ tim. Chỉ duy nhất khi họ phải làm một việc gì đó cố sức thì họ cảm thấy khó thở và đau vùng xương ức. Có đến 70 phần trăm các trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra ở những người mà động mạch bị thu hẹp ở mức chỉ cản trở lưu thông máu từ 20 đến 40 phần trăm!
Các mảng xơ vữa nói chung phát triển ở "ven bờ" động mạch chứ không phải ở giữa động mạch. Máu thậm chí trong suốt nhiều năm vẫn có thể lưu thông "thoải mái". Quá trình này chỉ bị trục trặc khi mảng xơ vữa bắt đầu hình thành ở giữa động mạch dẫn đến hiện tượng làm động mạch hẹp lại. Người bệnh khi đó cảm thấy rất khó chịu. Nhưng các cơn đau chỉ xuất hiện do hậu quả của sự ức chế tâm lý hay khi phải làm việc gì cố sức khiến các mạch máu vốn bị thu hẹp phải tải một lượng máu nhiều hơn hẳn bình thường. Khi đó xảy ra hiện tượng ngạt thở, tức lồng ngực. Đôi khi mảng xơ vữa phát triển lan rộng tới mức chắn hoàn toàn đường lưu thông máu, nhưng ngay cả trong trường hợp đó nó cũng chỉ là nguyên nhân nhồi máu cơ tim của 15 phần trăm các ca nhồi máu.
Phần lớn các trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra là do bị vỡ lớp tế bào sợi mũ của mảng xơ vữa. Khi đó các cục máu đông được tạo ra chủ yếu từ các mạch máu, giống như những hạt ngô khi rang nở tung ra, làm cho lưu thông trong mạch máu thu hẹp lại hoặc căn cản hoàn toàn các động mạch vành. Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng viêm nhiễm tại các động mạch. Tình trạng đó dẫn đến tình trạng các mảng xơ vữa tích tụ lâu ngày tại các thành mạch trở nên dễ vỡ. Chứng tắc nghẽ động mạch trước hết là quá trình viêm nhiễm - giống như trường hợp vết thương bị nhiễm trùng, nó sưng lên và tấy đỏ. Tương tự như vậy là diễn biến trong tất cả các động mạch - cả động mạch tim lẫn động mạch não, và các động mạch chi dưới.
Quá trình này dựa trên việc các phân tử của cái gọi là cholesteron xấu (LDL) tập trung và dày lên ở màng trong động mạch. Khi chúng nhiều quá mức, một phần đọng lại ở đó và chịu sự ôxy hóa (giống như bơ bị cứng lại). Hình như cơ thể coi chúng như một nguy cơ nên phái các đại thực bào, tức là các tế bào "háu ăn" của hệ đề kháng để chúng tiêu diệt các phân tử cholesteron xấu nói trên. Các đại thực bào được no nê cholesteron sau đó lại biến thành cái gọi là những tế bào dạng bọt và kết hợp với các limphocyt T tạo ra các vết mỡ - tiền thân của mảng xơ vữa động mạch.
 
Để giữ cho thành động mạch được phẳng phiu, trơn tru, các cơ thẳng tạo ra phía trên một lớp che phủ - giống như cái mũ con con làm dày thêm lớp màng và ngăn lớp che phủ đó với máu. Tiếp đó các tế bào dạng bọt tiết ra một hợp chất làm yếu đi lớp che phủ này. Tình trạng mảng xơ vữa bị vỡ diễn ra khi các tế bào của các cơ thẳng không đủ khả năng sửa chữa những hỏng hóc phát sinh trong mảng xơ vữa.
 
Thường thì các mảng xơ vữa động mạch lớn được phủ một lớp mỏng nhưng lại chứa đầy cholesteron và các hợp chất có lợi cho việc tụ máu, vỡ ra. Một số lượng lớn các đại thực bào chui vào các mảng này. Nhưng các tế bào này chết dần khi chúng bị no nê chất béo, song lại giải phóng các hợp chất độc hại làm vỡ các mảng xơ vữa động mạch. Chưa kể là chúng cũng bị các hợp chất truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh trong quá trình viêm nhiễm làm cho yếu đi.
Cho đến nay người ta vẫn chưa biết được nguyên nhân của quá trình này, mà mới chỉ đặt ra nghi vấn: đó là phản ứng của hệ đề kháng trước những tổn thương đã hình thành bên trong và sự tổn thương của các động mạch do các đám mỡ bị tích tụ quá lớn, do huyết áp cao hoặc do tác động của các hợp chất có nguồn gốc từ việc hút thuốc. Thậm chí người ta còn nghi ngờ rằng các loại vi trùng, chẳng hạn như Chlamydia pneumonia, cũng có "đóng góp" tích cực. Hiện tại vẫn chưa tìm ra phương pháp để nghiên cứu xem trong cơ thể của ai những mảng xơ vữa không ổn định và có thể vỡ (một phần có thể thông qua siêu âm). Nếu tìm ra được phương thức này thì đó sẽ là phát minh quan trọng trong ngành tim mạch. Hiện tại có điều đáng mừng là việc nghiên cứu xem bệnh mạch vành phát triển như thế nào càng ngày càng được nghiên cứu chính xác hơn.
Cho đến cách đây không lâu, các chuyên gia tim mạch chỉ có thể áp dụng phương pháp gọi là coronarography với đòi hỏi tiên quyết là người bệnh phải nằm bệnh viện. Phương pháp này dựa trên cơ sở đưa qua động mạch đùi một ống nhỏ vào các mạch máu dẫn lên tim và sử dụng dung dịch tương phản dưới tác động của tia rentgen sẽ chỉ rõ ở những động mạch vành nào đã hình thành sự thu hẹp nguy hiểm ngăn cản đường đi của máu lên cơ tim. Thế hệ máy chụp cắt lớp mới có độ phân giải cao đến mức các chuyên gia có thể nhìn rõ không chỉ các động mạch chủ của người bệnh mà còn nhìn thấy cả những mạch nhỏ li ti đang dẫn máu nuôi tim.
Việc phát minh ra máy chụp cắt lớp tim là một cuộc cách mạng trong kỹ thuật chẩn đoán bệnh không cần can thiệp sâu. Thiết bị này trong vòng chưa đầy một giây đồng hồ có thể đưa ra hình ảnh cơ tim đang vận động, thậm chí có thể "giữ" nó lại trong trạng thái đang hoạt động. Trong vòng 0,37 giây nó có thể "cắt" trên hình ảnh cơ quan của bệnh nhân thành 64 lát có độ dày là khoảng 0,4 mm và sau 10 giây tạo ra trên màn hình một bức tranh không gian ba chiều về tim rất rõ ràng. Hình ảnh này chính xác đến mức các bác sĩ có thể đọc được trên màn hình xem các động mạch và thành cơ tim đang ở trong tình trạng như thế nào thậm chí ở những bệnh nhân đang khỏe mạnh và không có bất cứ triệu chứng đáng lo ngại nào.
Loại máy này hầu như là yếu tố quan trọng góp phần cứu sống người nhạc công huyền thoại 57 tuổi tên là David Bowi. Trong một buổi hòa nhạc tại Đức ông đã bị đưa đến bệnh viện vì đau dây thần kinh ở bả vai bên trái. Sau khi khám, ông lập tức được phẫu thuật thông động mạch vành không có sự can thiệp của dao kéo - bởi ông có nguy cơ nhồi máu phạm vi rộng. Tương tự như vậy, một nhà doanh nghiệp 48 tuổi được khám tại Viện quân y Varsava thỉnh thoảng cảm thấy đau nhẹ ở lồng ngực. Các cố gắng chụp X-quang không chỉ ra được bất cứ triệu chứng đáng lo ngại nào, cả thiết bị chuyên nghe nhịp tim cũng vậy. Mãi đến khi dùng máy chụp cắt lớp thế hệ mới các chuyên gia phát hiện ra đoạn động mạch vành bên trái đã bị hẹp lại đến 80 phần trăm và bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nhóm bác sĩ đã lập tức tiến hành thông mạch không qua phẫu thuật dao kéo.
Máy chụp cắt lớp có màn hình vi tính kết hợp với siêu âm hình ảnh cho phép xác định ở những người sau nhồi máu cơ tim nhằm xác định, loại phẫu thuật nào cần tiến hành, phẫu thuật bắc cầu hay thông mạch không cần sự can thiệp của dao kéo. Các bác sĩ cũng có thể chọn các loại dược phẩm tốt nhất cho bệnh nhân, bởi vì máy tăng âm để nghe nhịp tim thế hệ mới (MRI) đã cho thấy việc bệnh nhân sử dụng các loại thuốc statin đúng liều quả thật làm giảm mức độ tích tụ ở động mạch các mảng mỡ gây tắc nghẽn mạch. Thiết bị soi chụp cũng cho thấy rõ hình ảnh cơ tim đã phải cố gắng như thế nào để bơm máu đi và thành mạch, các ngăn tim và van tim đang ở trong tình trạng như thế nào.

Theo TS Nguyễn Chí Thuật - Tri Thức Trẻ

Ăn uống hạn chế tăng huyết áp

Để phòng cũng như để chữa bệnh tăng huyết áp (THA), không có cách nào hiệu quả bằng cách ăn uống hợp lý. Khuyến cáo chung cho bệnh nhân THA chính là ăn giảm muối, ăn đúng mức cho khỏi béo, bớt rượu, tăng cường vận động thân thể... Chất béo "xấu" từ động vật nếu ăn nhiều hơn bình thường một chút lập tức huyết áp sẽ báo động ngay.
Vì thế, người bệnh cần tránh các chất béo chứa nhiều acid béo bão hòa làm tăng cholesterol "xấu" gây vữa xơ động mạch như mỡ bò, mỡ cừu, dầu dừa và dầu cọ, sữa nguyên kem, bơ, lòng trắng trứng. Nên thay bằng thức ăn cũng béo nhưng ít acid bão hòa như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu ôliu, lòng đỏ trứng, sữa gầy, sữa chua, thịt gà, cá…
Nên ăn nhiều rau và quả tươi vì đây là những thức ăn rất cần thiết cho người bị THA vì chúng chứa nhiều kali, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ cần thiết cho hoạt động tiêu hóa và có thể còn góp phần tống cholesterol ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, người bị THA cũng nên hạn chế ăn các loại trái cây quá ngọt như na, mít, vải.

Theo BS. Cẩm Nga - Sức khỏe & Đời sống

Phòng ngừa tai biến mạch máu não như thế nào?

Tai biến mạch máu não (TBMMN)  là tình trạng một phần não bị hư do mất máu nuôi vì tắc hoặc vỡ mạch máu não. Nhiều trường hợp bị tàn phế suốt đời.

Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hoà nhập cuộc sống bình thường.

TBMMN xuất hiện do lòng động mạch máu nuôi não bị tắc do mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch dày lên dần, làm hẹp lòng mạch; Xuất hiện cục máu đông di chuyển từ tim do tim bị bệnh loạn nhịp hoặc bệnh hẹp - hở van tim khiến máu ứ lại, đóng thành cục máu đông trong tim, sau đó chảy lên não làm kẹt lại gây tắc mạch máu não; Xuất huyết não (mạch máu bị vỡ làm chảy máu, chèn ép não bộ) và xuất huyết khoang dưới nhện (mạch máu bị phình rồi vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não).
Những người bị TBMMN có thể chiến thắng trong "ván bài sinh tử" không phải là nhiều
Người có nguy cơ TBMMN cao là người trên 55 tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì- thừa cân, lười vận động và bị stress nặng hay thường xuyên.

Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc bệnh này, trong đó có tới 50% tử vong.

Các di chứng sau tai biến rất nặng nề, đặc biệt là về vận động. Bệnh nhân bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não sẽ trở thành người đa tàn tật vì ngoài giảm hoặc mất khả năng vận động, họ còn có nhiều rối loạn chức năng khác kèm theo như rối loạn về ngôn ngữ, thị giác, cảm giác, nhận thức,…

Theo thống kê, trong số bệnh nhân mắc tai biến mạch máu não, chỉ 10% có thể phục hồi hoàn toàn, đó là các trường hợp nhẹ hoặc được cấp cứu kịp thời. Những trường hợp còn lại phải chịu di chứng từ nhẹ đến nặng nề, cần sự chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong.

Phòng ngừa TBMMN luôn là biện pháp tốt nhất !

Mặc dù TBMMN là bệnh nguy hiểm song hoàn toàn có thể giảm được nguy cơ bệnh nếu biết cách phòng ngừa, đó là:

Liệu pháp thay đổi lối sống (thực hiện chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực) là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bị vữa xơ động mạch nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng. Liệu pháp thay đổi lối sống bao gồm: Cai thuốc lá; có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo, Tăng hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch .

Phòng ngừa tình trạng TBMMN bằng thuốc: Việc sử dụng các thảo dược thiên nhiên như Hoàng kỳ, Đào nhân, Hồng hoa, Địa long…giúp bổ khí thông huyết, tăng lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, điều hòa huyết áp, tăng chuyển hóa mỡ, ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông giúp điều trị hiệu quả chứng xơ vữa động mạch, phòng ngừa tai biến mạch máu não cũng như điều trị di chứng TBMMN.Ngoài ra các thảo dược này còn tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm tình trạng mất ngủ và các chứng tê bại chân tay…

Lưu ý: Thời tiết nắng nóng sẽ là yếu tố làm gia tăng các ca TBMMN, vì vậy những bệnh nhân đã từng bị TBMMN và những người có nguy cơ phải đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng bệnh, tránh hoạt động quá sức và có chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi... phù hợp với sức khỏe.

Theo Đàn ông

Điều trị tăng huyết áp ở người đái tháo đường

Mục tiêu điều trị tăng huyết áp (THA) ở người đái tháo đường (ĐTĐ): huyết áp < 130/80mmHg.

Để kiểm soát được huyết áp phải kết hợp giữa biện pháp không dùng thuốc (còn gọi là biện pháp thay đổi lối sống) và dùng thuốc.
Thay đổi lối sống
Cần được áp dụng trên tất cả các bệnh nhân. Sự thay đổi lối sống không chỉ làm hạ huyết áp mà còn góp phần điều hòa mức đường máu.
Giảm cân nặng nếu bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì:
BMI = cân nặng /chiều cao2 (kg/m2)
Bình thường: BMI = 18,5- 22,9kg/m2.
Thiếu cân: < 18,5kg/m2.
Thừa cân: BMI = 23 - 24,9 kg/m2.
Béo phì: BMI ≥ 25kg/m2.
Giảm vòng eo: nam < 90cm, nữ < 80cm.
Điều trị tăng huyết áp ở người đái tháo đường 1
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi (nhưng ít ngọt như: thanh long, táo, bưởi) và protein từ thực vật (các chế phẩm từ đậu tương); hạn chế ăn các chất béo và chất béo bão hòa, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
Ăn giảm muối (< 6g/ngày - tương đương 1 thìa cà phê gạt ngang).
Hạn chế uống rượu, bia: không quá 2 ly rượu nhỏ/ngày (30ml), < 750ml bia.
Ngừng hút thuốc lá
Tăng cường hoạt động thể lực: đi bộ nhanh 30 - 45 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Với người có bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác cần được bác sĩ cho chỉ định tập thể dục một cách hợp lý. Những bệnh nhân có huyết áp tâm thu 130 - 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 - 89mmHg cần được áp dụng biện pháp không dùng thuốc đơn độc trong 3 tháng, nếu không đạt được huyết áp mục tiêu thì phải kết hợp với việc dùng thuốc.
Dùng thuốc hạ huyết áp
Có 5 nhóm thuốc chính hay được sử dụng: ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II, chẹn kênh calci, lợi tiểu, chẹn beta. Phần lớn bệnh nhân cần phối hợp ít nhất 2 nhóm thuốc để đạt huyết áp mục tiêu.
Nhóm ức chế men chuyển (Angiotensin Converting Enzyme Inhibitors - ƯCMC):
Ngăn chặn sự chuyển angiotensin I thành angiotensin II (là chất có tác dụng co mạch), do đó làm giãn mạch và hạ huyết áp. Thuốc này còn có tác dụng làm giảm phì đại thất trái, giảm protein niệu và microalbumin niệu, do đó làm chậm tốc độ tiến triển bệnh thận (ở cả ĐTĐ týp 1 và týp 2). Chính vì vậy, đây là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất và được coi là thuốc nên lựa chọn đầu tiên ở bệnh nhân ĐTĐ có THA.
Tác dụng phụ: có thể gây ho, tăng kali máu, làm tăng mức độ suy thận. Do đó, cần theo dõi creatinin và kali máu lúc mới dùng thuốc và khi tăng liều. Nếu creatinin máu tăng > 30% so với lúc trước thì cần dừng thuốc.
Chống chỉ định: có thai, hẹp động mạch thận hai bên.
Một số thuốc thường dùng: captopril, enalapril, perindopril...
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: (Angiotensin- Receptor Blockers- ARB):
Ức chế chọn lọc thụ thể angiotensin II ở tế bào cơ trơn mạch máu, do đó gây giãn mạch và làm giảm huyết áp. Vì có tác dụng tương tự thuốc ức chế men chuyển nên được chỉ định khi bệnh nhân bị tác dụng phụ (ho) của thuốc ức chế men chuyển. Thuốc ARBs cũng có tác dụng làm giảm protein niệu và làm chậm tiến triển bệnh thận nhưng chủ yếu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2.
Chống chỉ định: giống như đối với thuốc ức chế men chuyển.
Một số thuốc thường dùng: losartan, irbesartan, telmisartan, valsartan.

Theo Sức khỏe & Đời sống