Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Nhận diện cơn đau ngực nguy hiểm

Đau ngực có thể do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ ngực... gây nguy hiểm đến tính mạng.

 Người ta thường than phiền đau ngực khi có cảm giác đau, đè ép, bóp nghẹt, tê… Tóm lại là bất cứ cảm giác khó chịu nào ở vùng ngực, cổ, bụng trên. Đây là triệu chứng khá thường gặp với nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh lý tim mạch, trong đó có một số bệnh nặng và nguy hiểm.

Khi nào cần đến bệnh viện ngay?

Nếu người bệnh có thể tự đánh giá phần nào tình trạng đau ngực để đến bệnh viện đúng lúc, sẽ giúp việc điều trị kịp thời, có hiệu quả. Ảnh: Hữu Oai
Nếu bạn bị đau ngực và có một trong các tình huống sau thì nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán và loại trừ trường hợp có thể nguy hiểm tính mạng:

Trên 40 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (gia đình có người bệnh mạch vành, bản thân có hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, tăng mỡ máu, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…)

Trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (dưới 55 tuổi).

Cảm giác đau ngực dữ dội, đau như bóp nghẹt tim, đè ép ngực.

Đau ngực lan ra vai, tay hay hàm.

Kèm theo đau ngực là các triệu chứng mệt, yếu, nôn ói, thở ngắn, vã mồ hôi, chóng mặt; đau ngực với cảm giác hoang mang, lo lắng, mất tự chủ; đau ngực liên tục kéo dài trên 15 phút.

Cảm giác đau ngực không giống những lần trước.

Đau ngực tăng lên nhiều so với các lần đau ngực trước đây.
Ngược lại, đau ngực với tính chất sau thường ít liên quan đến bệnh lý tim mạch: đau ngực thay đổi theo tư thế; đau ngực thoáng qua; cảm giác đau ngực giống những lần trước đã được biết không phải do nguyên nhân tim mạch.
Tốt nhất nên đến bệnh viện kiểm tra khi có tình trạng đau ngực khác lạ.
Đau ngực báo hiệu mắc bệnh gì?
Có nhiều loại bệnh có biểu hiện đau ngực. Thường gặp nhất là:
Đau thắt ngực do bệnh mạch vành: nguyên nhân là tình trạng thiếu máu cơ tim do hẹp mạch vành.
Người bệnh cảm thấy tim đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận…
Đau thường lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt…
Đau thắt ngực tăng lên về tần số hoặc xảy ra cả khi nghỉ ngơi, được gọi là “không ổn định”.
Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ cao đưa đến nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim: do tắc một hoặc nhiều nhánh mạch vành, khiến cơ tim bị thiếu máu nặng. Tính chất đau tương tự đau thắt ngực nhưng nặng nề và kéo dài hơn, trên 15 phút.
Người bệnh thường đau dữ dội đến mức không chịu nổi và có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn.
Bóc tách động mạch chủ ngực: động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể, dẫn máu từ tim đi nuôi các cơ quan. Bóc tách động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị rách lớp nội mạc, làm cho máu len vào giữa lớp nội mạc và lớp áo giữa, lóc các lớp của thành động mạch chủ.
Đây là bệnh lý nặng, nguy hiểm tính mạng, nguy cơ đột tử cao.
Khi xảy ra bóc tách động mạch chủ ngực cấp, đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, cảm giác đau như xé ở vùng sau xương ức lan ra sau lưng, tay.
Chấn thương ngực: đau có thể do tổn thương mô mềm thành ngực, cơ ngực, xương sườn… Đau do chấn thương thường khu trú, người bệnh có thể xác định rõ vị trí đau.
Với những chấn thương ngực tương đối nặng, đặc biệt, nếu có kèm theo cảm giác khó thở, người bệnh cần đến bệnh viện chụp X-quang kiểm tra để xác định có hay không tổn thương như tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi, giập phổi, gãy xương sườn…
Đau ngực do bệnh lý phổi: tình trạng viêm nhiễm từ đường thông khí như suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi… cũng gây đau ngực. Đau thường liên quan đến nhịp thở, ho…
Đau thành ngực lành tính: đau này khá phổ biến ở những người trẻ, khoẻ mạnh, không rõ nguyên nhân và hoàn toàn lành tính, không do bất thường nào. Đau thường khu trú, thoáng qua, dưới một phút, có thể lặp lại nhiều lần.
Loét dạ dày: đau thường ở bụng trên, đôi khi ở ngực. Đau có tính chất bỏng rát, cồn cào, kèm ợ hơi, giảm sau khi ăn, tăng lên sau khi hút thuốc, uống rượu, càphê.
Trào ngược thực quản: đau gây ra do dịch vị từ dạ dày trào ngược vào thực quản, thường có cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên sau ăn no, hút thuốc, uống rượu, càphê.
Nếu người bệnh có thể tự đánh giá phần nào tình trạng đau ngực của mình để đến bệnh viện đúng lúc, sẽ giúp việc điều trị kịp thời và có hiệu quả.

Theo BSCK1 Ngô Bảo Khoa - BV Đại học Y dược TPHCM
Sài Gòn tiếp thị

Uống thuốc trị tăng huyết áp gây ho nên xử trí thế nào?

Mọi loại thuốc đều có thể gây tác dụng phụ. Riêng người bệnh tăng huyết áp cần được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc thích hợp.

 

Một số thuốc trị tăng huyết áp có thể gây ho khan  - Ảnh: N.C.T
Nếu người bệnh được bác sĩ chỉ định cho dùng một trong ba nhóm thuốc sau có thể bị tác dụng phụ là ho khan.
Vì sao ho?
Thuốc thứ nhất thuộc nhóm ức chế men chuyển, gồm: captopril, enalapril, benazepril, lisinopril...). Cơ chế của thuốc là ức chế một enzym có tên men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme, viết tắt ACE). Chính ACE xúc tác mà chất sinh học có trong cơ thể là angiotensin I biến thành angiotensin II, gây co thắt mạch làm tăng huyết áp. Nếu ACE bị thuốc ức chế sẽ không sinh ra angiotensin II và có hiện tượng giãn mạch, làm hạ huyết áp.
Thuốc ức chế men chuyển gây ho khan vì ACE không chỉ xúc tác biến angiotensin I thành angiotensin II, mà còn có vai trò trong sự phân hủy chất sinh học khác có tên bradykinin, nếu thuốc ức chế ACE, bradykinin không được phân hủy ở mức cần thiết sẽ thừa gây kích thích ho ở đường hô hấp. Thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho khan và kéo dài ở 5-35% bệnh nhân dùng thuốc này. Đây là thuốc trị tăng huyết áp gây ho đáng kể, không tùy thuộc liều lượng (tức uống liều thấp vẫn bị) và thường làm người bệnh bỏ thuốc.
Thuốc thứ hai có thể gây ho khan thuộc nhóm thuốc chẹn bêta, gồm: propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol... Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể bêta giao cảm ở tim mạch, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp.
 
Đa số thuốc chẹn bêta không chỉ ức chế thụ thể bêta-1 chọn lọc tác động trên tim mạch mà còn ức chế thụ thể bêta-2 gây co thắt phế quản. Cho nên nhiều thuốc chẹn bêta ngoài hạ huyết áp có thể gây phản xạ ho (do co thắt phế quản, lưu ý người bị hen suyễn cũng vì thế không được dùng thuốc chẹn bêta). Tỉ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn bêta ít hơn so với thuốc ức chế men chuyển.
Nhóm thuốc thứ ba có thể gây ho khan là thuốc chẹn kênh calci (còn gọi thuốc đối kháng calci), gồm: nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem... Cơ chế của thuốc là chặn dòng ion calci không cho đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp. Cơ chế gây ho của nhóm thuốc này chưa được biết rõ ràng.
Tỉ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn calci rất thấp, khoảng 1-6%. Đặc biệt, đây là thuốc thường phối hợp với thuốc ức chế men chuyển trị tăng huyết áp nên phản xạ ho gây ra bởi thuốc phối hợp chứ không phải do thuốc chẹn kênh calci. Tuy nhiên, tác dụng phụ gây ho của thuốc chẹn calci cũng cần ghi nhận để thông tin cho bệnh nhân hầu tránh việc bỏ thuốc.
Xử trí thế nào?
- Ho có thể do thuốc nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác. Vì vậy, thử tìm nguyên nhân vì sao bị ho (có thể bị cảm lạnh hay nguyên nhân nào khác...), trường hợp ho nhiều có thể dùng thuốc trị ho thông thường trong vài ngày, nếu sau vài ngày không đỡ ho nên đến bác sĩ khám chữa bệnh tăng huyết áp trước đây kể rõ triệu chứng ho.
 
- Không nên tự ý bỏ thuốc trị tăng huyết áp đang dùng (người bị tăng huyết áp rất cần dùng thuốc đều đặn để kiểm soát, nếu ngưng dùng thuốc, huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm).
 
- Nếu bác sĩ xác định ho do thuốc sẽ cho thay thuốc ức chế men chuyển đang dùng gây ho bằng thuốc mới gọi là thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (như losartan, valsartan, irbesaetan, candesartan...). Hoặc người bệnh bị ho bởi thuốc chẹn bêta, bác sĩ sẽ thay thế thuốc, dùng thuốc chọn lọc chẹn bêta-1 (như atenolol, metoprolol, pisoprolol...) và cho dùng liều thấp nhất có hiệu quả.
 
- Đối với thuốc chẹn kênh calci gây ho, có khi bác sĩ thay thế bằng thuốc nhóm khác thích hợp. Ngoài việc thay thế thuốc, bác sĩ còn thực hiện các biện pháp làm giảm các yếu tố tiềm tàng kích thích phản xạ ho ở đường hô hấp.

Theo
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức
, ĐH Y dược TP.HCM - Tuổi Trẻ

Ăn vì trái tim khỏe

Một chế độ ăn uống hợp lý có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để giữ một trái tim khỏe mạnh.


Dưới đây là vài hướng dẫn bạn nên lưu ý trong chế độ ăn uống hằng ngày để bảo vệ quả tim, theo trang web Self Nutrition Data.
 
Rau, củ, quả là lá chắn vững chắc cho trái tim của bạn - Ảnh: Shutterstock
- Kiểm tra lượng calorie tiêu thụ: Béo phì là yếu tố làm gia tăng đáng kể các bệnh lý về tim mạch. Vì thế, cần phải đảm bảo rằng lượng calorie bạn nạp vào cơ thể hằng ngày vừa đủ để duy trì một thể trọng vừa phải.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ vừa giúp bạn kiểm soát thể trọng vừa kiểm soát cholesterol. Mỗi ngày nên tiêu thụ tối thiểu 25g chất xơ.
- Nạp vào cơ thể nhiều rau và trái cây, bởi chúng không những giàu chất xơ mà còn giàu các chất chống dưỡng hóa, vốn có tác dụng tuyệt vời để bảo vệ trái tim của bạn. Hãy chọn những loại rau trái có màu sắc sặc sỡ, chẳng hạn như cà rốt, dâu, bông cải xanh… để bổ sung thật nhiều vitamin A, C, K.
- Chất béo có lợi. Một chế độ ăn tốt cho tim mạch không nhất thiết phải loại bỏ chất béo. Chất béo trong dầu ô-liu, bơ, các loại quả hạch… có thể giúp làm giảm cholesterol, huyết áp.
- Để mắt tới natri. Một chế độ ăn quá nhiều natri có thể làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp.
- Giảm thiểu chất ngọt. Thực phẩm giàu chất ngọt và carbohydrate đã tinh chế có thể làm gia tăng cả nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Nên chọn các loại ngũ cốc còn cả vỏ và giảm thiểu chất ngọt tối đa có thể.

Theo Đoan Nhật - Thanh Niên

Phát hiện ra cholesterol “siêu xấu”

Một cholesterol LDL mới “siêu xấu” đã được các nhà nghiên cứu Anh tìm thấy ở những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.

 

 
LDL “siêu xấu” sẽ khiến mảng bám hình thành nhanh hơn

Các nhà khoa học phát hiện thấy cholesterol có tên là Mgmin-LDL, là một lipoprotein siêu dính, có khả năng bám dính vào thành mạch, tạo thành những mảng bám mà có thể dẫn tới các cơn đau tim và đột quỵ.

“Phát hiện này đã giúp đưa ra một diễn giải về sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở bệnh nhân tiểu đường và giúp các nhà nghiên cứu phát triển một cách điều trị chống cholesterol mới”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Trong nghiên cứu, được tài trợ bởi Quỹ Tim mạch Anh, của các nhà nghiên cứu trường Đại học Warwick đã tạo ra MGmin-LDL từ glycation trong phòng thí nghiệm, tức là thêm các loại đường vào cholesterol LDL bình thường, thường được gọi là cholesterol “xấu”.

Quá trình này làm thay đổi hình dạng của cholesterol, làm cho nó dính hơn và mảng bám nhanh hình thành hơn, mạch bị thu hẹp, giảm lưu lượng máu… biến Mgmin-LDL thành cholesterol “siêu xấu”.

Những phát hiện đã được đăng tải trên tạp chí Tiểu đường trực tuyến ngày 26/5 vừa qua, có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị các bệnh mạch vành, đặc biệt là ở người già và những người bị tiểu đường týp 2.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu này đã làm sáng tỏ rằng loại thuốc trị tiểu đường týp 2 phổ biến là metformin lại có tác dụng chữa bệnh tim bằng cách ngăn chặn sự chuyển đổi từ LDL sang LDL siêu dính.

“Chúng tôi rất vui khi thấy nghiên cứu có thể giúp hiểu rõ hơn về loại cholesterol mà dường như góp phần gây ra bệnh tim mạch ở người tiểu đường và người già”, trưởng nhóm nghiên cứu Naila Rabbani, chuyên gia sinh học trường Y Warwick, cho biết.

Theo Thu Phương - Dân trí/ Healthday

Ăn uống cho người bị tai biến

Người bị tai biến cần có chế độ ăn uống hợp lý. Sau đây là một số chế độ ăn uống và cũng là bài thuốc hữu hiệu cho căn bệnh này.

 Nhân quả đào, thảo quyết minh sắc với mật ong

Nhân quả đào, thảo quyết minh mỗi thứ 12g sắc kỹ, cho vào ít mật ong, khuấy đều.

Công dụng: Chữa chứng huyết áp cao, tắc mạch máu não. Muốn sử dụng bài thuốc này cần được khám, chẩn đoán đầy đủ; tuyệt đối không dùng cho người bị xuất huyết não.

Cháo gạo trai, hàu
Dùng 50g trai, 50g con hàu. Cho 100g gạo tẻ vào nước trai, hàu nấu thành cháo.
Công dụng: Dùng thích hợp cho người có chứng huyết áp cao, tai biến mạch máu não, nhức đầu, chóng mặt, bệnh gan, dương thịnh. Chú ý những người mắc chứng hư hàn (lạnh) không được dùng.
Cháo gạo tẻ hoa cúc
Hoa cúc bỏ cuống sấy khô, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 100g gạo tẻ nấu cháo, khi cháo chín cho 15g bột hoa cúc vào khuấy đều, đun sôi vài phút là được. Ăn vào hai bữa sáng chiều.
Công dụng: Món cháo này phù hợp với những người mắc chứng trúng phong, huyết áp tăng, nhức đầu, chóng mặt. Lưu ý, những người cao tuổi, tỳ hư, tiểu đường không được dùng.

Hoa cúc sấy khô - Thiên ma - Kỷ tử - Thảo tuyết minh
Cháo hoàng kỳ quế
Hoàng kỳ 15g, bạch thược sao vàng và quế mỗi thứ 15g, gừng tươi 15g. Sắc kỹ lấy nước, bỏ bã. Lấy 100g gạo tẻ, 4 quả táo, nước vừa đủ nấu thành cháo. Khi cháo chín cho nước thuốc vào khuấy đều. Mỗi ngày ăn 1 lần.
Công dụng: Di chứng sau tai biến mạch máu não - sau khi trúng phong, khí huyết đều hư, liệt nửa người, chân tay teo, mềm không hoạt động được. Điều trị liên tục sẽ có hiệu quả chữa những di chứng sau khi trúng phong như tay chân tê liệt.
Canh hoàng kỳ thịt heo nạc
Hoàng kỳ 10g, táo tàu 10 quả, đương quy và kỷ tử mỗi thứ 10g, thịt heo nạc 100g thái lát. Tất cả cho vào ninh nhừ, thêm ít muối và gia vị, ăn thịt uống nước.
Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng bổ hư trợ dương, tăng cường khí huyết, sinh huyết. Thích hợp với người bị di chứng sau tai biến mạch máu não như teo chân tay, tê liệt, bán thân bất toại.
Chè kỷ tử, mạch môn đông
Kỷ tử và mạch môn đông mỗi thứ 30g, sắc lấy nước uống thay nước chè. Uống hết trong ngày.
Công dụng: Chữa trị các chứng sau trúng phong như nhức đầu, chóng mặt, nhìn không rõ, huyết áp tăng, mặt đỏ phừng phừng. Lưu ý, những người mắc bệnh chứng hư hàn, đang bị tiêu lỏng không được dùng bài thuốc này.
Vừng đen hòa với đường
Mỗi lần dùng 2 thìa vừng đen đã rang chín, hòa một ít đường trắng, khuấy đều, uống với nước sôi.
Công dụng: Có tác dụng sinh huyết, giãn cơ bắp, dùng cho người bị bán thân bất toại.
Thiên ma hấp với óc heo
Mỗi lần dùng 100g thiên ma, một bộ óc heo, làm sạch cho vào bát, đổ nước vừa đủ, hấp cách thủy. Mỗi ngày (hoặc cách ngày) ăn 1 lần, đợt dùng 3-4 ngày.
Công dụng: Dùng cho người bị bán thân bất toại do tai biến mạch máu não.

Theo Hoài Vũ - Thanh Niên

Báo động mới nhất về bệnh tim mạch chuyển hóa

Bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não... là các bệnh thường gặp ở các nước phát triển và nguy cơ tử vong cao.

 

Trước đây các bệnh lý tim mạch có nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn (một đặc trưng thường thấy ở các nước có điều kiện đời sống thấp) như hẹp hở van tim, suy tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn…
Nhưng hiện nay với sự thay đổi trong lối sống đã làm bùng nổ các bệnh tim mạch không lây nhiễm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành.
Cùng với đó là các bệnh chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường đang tăng lên mạnh mẽ đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến các bệnh lý tim mạch.
Các bệnh lý tim mạch đang thay đổi
Cách đây 20 năm, bệnh lý tim mạch của chúng ta chủ yếu là các bệnh van tim (hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ... ) biến chứng của bệnh thấp tim, một căn bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở các nước đang phát triển
Hiện nay chúng ta phải đối mặt với sự bùng nổ của các bệnh thường gặp ở các nước phát triển như bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch chủ... đưa bệnh lý tim mạch lên trong số 10 loại bệnh lý thường gặp nhất.
Bên cạnh đó là sự bùng nổ của các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hoá như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá, những bệnh liên quan trực tiếp và là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tim mạch.
Chính vì vậy, gần đây đã xuất hiện một thuật ngữ mới “Các bệnh tim mạch chuyển hoá” (cardiometabolic).
Điều này đòi hỏi các bác sĩ tim mạch phải có hiểu biết rộng hơn không chỉ trong lĩnh vực tim mạch mà còn các bệnh về chuyển hoá.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tim mạch
Trong đại đa số các trường hợp, THA xảy ra vào lúc nào người bệnh thường không hay biết, và chỉ rõ khi đã có biểu hiện rõ rệt trên lâm sàng như nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt, đánh trống ngực, hoặc nặng hơn nữa là tai biến mạch máu não, đau thắt ngực...

Chẩn đoán THA dựa vào đo huyết áp thường kỳ, đặc biệt từ lứa tuổi trung niên, và ở những đối tượng cần được kiểm soát sức khỏe như phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường, người bị đau ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong chẩn đoán và điều trị nhưng tăng huyết áp vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tim mạch trên toàn thế giới.
 
 Phình động mạch chủ bụng
Tử vong do bệnh mạch vành đang đứng hàng đầu tại Việt Nam
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam thì tử vong do bệnh động mạch vành đứng thứ nhất, chiếm tỉ lệ 13%.
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là thể bệnh nặng nhất trong các bệnh động mạch vành, đây là một bệnh lý rất thường gặp và có liên quan nhiều đến sức khoẻ cộng đồng ở các nước công nghiệp phát triển.
Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây tỷ lệ nhồi máu cơ tim ngày càng có khuynh hướng tăng lên rõ rệt.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng nhồi máu cơ tim cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm luôn đe doạ tính mạng người bệnh, vì thế tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.
Chảy máu não do tăng huyết áp
Tỉ lệ người bị đột quị tăng lên cùng tuổi tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người trong những “năm tháng hoàng kim” của họ. Những bệnh này gây nhồi máu não (thiếu máu cục bộ) hay xuất huyết não.
Tỉ lệ mắc và tử vong do tai biến mạch máu não có thể giảm đi nếu ta biết và điều trị tốt hơn các bệnh tim và động mạch trong đó có tăng huyết áp.
Tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở nước ta đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt tỉ lệ bệnh nhân được kiểm soát tốt, chỉ số huyết áp còn thấp, do vậy tỉ lệ bị biến chứng còn khá cao, trong đó có tai biến mạch não.
Tử vong do bệnh tai biến mạch máu não đứng hàng thứ hai sau bệnh động mạch vành.
Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính tiến triển liên tục, với nhiều biến chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh.

Điều đáng chú ý là những biến chứng gây tổn hại nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường týp 2 có thể xảy ra nhiều năm trước khi căn bệnh này được chẩn đoán.

Kiểm soát tốt đường huyết là điều hết sức quan trọng để phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đái tháo đường như là bệnh về mắt (có thể gây mù), bệnh thận (suy thận, chạy thận nhân tạo), tổn thương thần kinh, loét và hoại tử chi, bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại biên.

Có tới 75% bệnh nhân ĐTĐ bị tử vong là do nguyên nhân tim mạch, vì vậy phòng ngừa tiên phát các biến chứng tim mạch là một trong những mục tiêu điều trị chính ở các bệnh nhân ĐTĐ. 
 
Rối loạn chuyển hóa lipid tác động lớn đến các bệnh lý tim mạch
Trong những năm gần đây, thói quen ăn nhiều thịt mỡ, ăn ngọt, và sự thích thú khi thấy mình lên cân sau thời gian nghỉ ngơi dài, đã giảm nhiều cùng với sự hiểu biết của đông đảo người dân ngày càng gia tăng về dinh dưỡng và chuyển hóa lipid.
Rối loạn chuyển hóa lipid máu, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh lý tim mạch, một bệnh lý được coi là đặc trưng của các nước đang phát triển, đang công nghiệp hóa.
Ở ngư­ời tr­ưởng thành, nếu nồng độ cholesterol tăng cao quá 10% giá trị bình th­ường, nguy cơ bị các biến chứng tim mạch sẽ tăng thêm 30%.
Ðiều quan trọng hơn là phải phân tích các thành phần khác nhau của cholesterol ở trong máu: LDL-C, HDL-C...
Hầu hết những người có cholesterol máu cao đều hoàn toàn khỏe mạnh và cách duy nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu.

Theo PGS.TS.Nguyễn Quang Tuấn - Sức khỏe & Đời sống

Đau thắt ngực trên 20 phút: đi cấp cứu ngay

50% người bị hội chứng động mạch vành cấp tử vong trước khi tới BV. Phần lớn người bệnh chủ quan không đi khám khi thấy đau thắt ngực.

“Người bị hội chứng động mạch vành cấp có đến 50% tử vong trước khi tới bệnh viện, tử vong trong bệnh viện là 3% và tử vong sau sáu tháng là 12-13%. Phần lớn bệnh nhân chủ quan không đi khám khi thấy đau thắt ngực.
Hội chứng động mạch vành cấp có triệu chứng đầu tiên là đau thắt ngực lúc nghỉ kéo dài trên 20 phút (80% trường hợp), nên gọi cấp cứu để đến bệnh viện ngay”- PGS Phạm Nguyễn Vinh nhấn mạnh lưu ý này trong hội thảo Thành tựu mới về điều trị huyết khối trong các bệnh lý tim mạch tại TP.HCM ngày 9/7.

Theo Kim Sơn - Tuổi Trẻ

Lưu ý với bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành trong mùa hè

Hiện bệnh động mạch vành là căn nguyên gây tử vong số một trong các bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, bệnh động mạch vành đang ngày càng gia tăng.

 


Để cơ tim hoạt động được bình thường, nó cần được cung cấp đầy đủ máu giàu ôxy và hệ thống động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp máu cho cơ tim. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn.
Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Những người mắc bệnh động mạch vành thường là có mảng xơ vữa trong lòng động mạch, nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn đối với những bệnh nhân này trong mùa hè sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề.
Do vậy trong mùa nắng nóng, các bệnh nhân này cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.

Theo Huyetap.net/Suckhoe24h

Nhân sâm - Mối nguy hiểm chết người với huyết áp, tim mạch

Người trung và cao tuổi thường gặp các vấn đề về tim mạch và huyết áp, việc sử dụng nhân sâm có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

 Vì vậy trước khi sử dụng thuốc, người dùng cần tham khảo, tìm hiểu kỹ thành phần, nhất là với các sản phẩm có tinh chất nhân sâm.

Từ xa xưa, sâm đã được sử dụng như là phương thuốc thần hiệu trị được nhiều bệnh và đứng hàng đầu trong bốn vị thuốc bổ của đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ.

Ngày nay các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy tính chất dược lý của sâm rất đa dạng như: Tác dụng chống lão hóa tế bào; Kích thích cơ chế miễn dịch của cơ thể; Giảm thiểu căng thẳng, giúp tăng sự tập trung; Có lợi cho người bị mất ngủ…

Nhân sâm không phải lúc nào cũng bổ
Theo Đông y, nhân sâm thường kết hợp với một vài bài thuốc làm thức ăn bổ dưỡng cho người huyết áp thấp để làm tăng huyết áp. Vì vậy người cao huyết áp cũng như những người trẻ tuổi cần thật sự thận trọng khi sử dụng nhân sâm.
Ngoài ra, sâm có tính hàn (lạnh). Vì vậy, những người yếu do “cảm mạo phong hàn”, đau bụng do “lạnh bụng”… không được cho dùng nhân sâm.
Dân gian đã có câu chuyện về ông thầy lang đọc sách thuốc không đến nơi đến chốn và “phúc thống phục nhân sâm…”("đau bụng cho uống nhân sâm…”) khiến bệnh nhân “tắc tử”.
Có nhiều thông tin về những trường hợp bị ảnh hưởng xấu khi sử dụng nhân sâm: Như trường hợp của bà Loan (Thanh Xuân, Hà Nội), do căng thẳng vì chuẩn bị đám cưới cho con trai, bà Loan đã mua sẵn một gói sâm, thỉnh thoảng đưa cho con cháu, và bản thân mình cũng ngậm.
Đến sát hôm cưới, bà thấy rất chóng mặt, đau đầu, mắt hơi mờ, nghe có tiếng o o trong tai. Đo huyết áp, bà Loan thấy con số tăng vọt.
Tư vấn bác sĩ, bà được giải thích là tình trạng căng thẳng do việc nhà cộng với dùng nhân sâm đã khiến huyết áp tăng cao. 
Không nên kết hợp nhân sâm bừa bãi vào các bài thuốc đông y như hiện nay
Theo bác sĩ Tạ Văn Sang, Trung tâm y dược Tinh hoa (Nguyễn Như Đổ, Hà Nội), nhân sâm được khuyến cáo không dùng cho những người vốn có bệnh huyết áp cao bởi nguy cơ làm cơn tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn, rất nguy hiểm.
Vì vậy, việc kết hợp nhân sâm vào các bài thuốc Đông y như nhiều sản phẩm hiện nay trên thị trường (nhất là các sản phẩm dành cho sức khoẻ sinh lý nam giới, rất nhiền sản phẩm đều có thành phần nhân sâm) là rất nguy hiểm.
Với đàn ông trung niên và cao tuổi - đa phần đều gặp vấn đề với huyết áp, việc dùng những chế phẩm có tinh chất nhân sâm cho những trường hợp có vấn đề về huyết áp là lợi bất cập hại, thậm chí vô cùng nguy hiểm.


Ngoài ra, cũng không nên dùng các sản phẩm có tinh chất nhân sâm trong những trường hợp sau:
Khi bệnh cảm nhiễm giãn phế quản, bị lao… thường bị ho ra máu, sốt nhẹ, xuất huyết, theo Trung y là âm hư hoả vượng, phế âm suy nhược.
Trị liệu cần phải tư âm giáng hỏa, lương huyết chỉ huyết. Dùng nhân sâm có thể làm thương âm động hỏa, nôn ra máu trở nên nặng hơn.
Đau dạ dày là do dịch vị ra quá nhiều, dạ dày bị co giật gây nên. Trung y gọi là do khí trệ vị hoá mà sinh ra đau, huyết nhiệt chạy lung tung mà sinh ra xuất huyết.
Chữa trị cần phải lý khí hoà vị, lương huyết chí huyết. Dùng nhân sâm làm cho khí càng thịnh lên, huyết càng hưng vượng, thì như vậy rất khó làm giảm và làm hết đau.

Theo Tanbachtung.vn

Các bài thuốc trị cao huyết áp từ táo mèo

Theo Đông y, táo mèo có tác dụng hạ huyết áp và các biến chứng do cao huyết áp gây ra.


Táo mèo trong Đông y có tên là sơn tra, có tác dụng hạ huyết áp nhờ làm giãn mạch ngoại vi. Mặt khác, nó còn giúp hạ mỡ máu, chống huyết khối, làm giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp cơ tim, phòng chống tích cực các biến chứng do cao huyết áp gây ra.
 

Một số cách dùng sơn tra chữa cao huyết áp:
  • Sơn tra 15g, hà diệp (lá sen) 20g
Hai thứ tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, thanh dẫn thông trệ, làm giãn mạch máu, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp và béo phì có kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
  • Sơn tra 10g, cúc hoa 10g, lá trà tươi 10g
Ba thứ hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt trừ đàm, bình can tiềm dương, dùng cho người bị cao huyết áp, bệnh lý mạch vành và rối loạn lipid máu.
  • Sơn tra 24g, cúc hoa 15g, kim ngân hoa 15g, tang diệp (lá dâu) 12g
Tất cả sấy khô, tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Thanh can nhiệt, hóa ứ tích, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp thuộc thể can nhiệt ứ trở biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, dễ cáu giận, miệng khô họng khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ
  • Sơn tra 50g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ
 Sơn tra bỏ hạt, thái phiến, đem nấu với gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Khứ ứ huyết, tiêu thực tích, dùng cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu.
  • Sơn tra sao đen 12g, thảo quyết minh 12g, hoa cúc trắng 9g
Ba thứ sấy khô, tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Sơ phong, tán nhiệt, bình can, giáng áp, nhuận tràng thông tiện, dùng rất tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo táo bón kéo dài.
  • Sơn tra 9-15g, hoàng kỳ 30-60g, cát căn 15-30g, tang ký sinh 15-30g, đan sâm 20-40g
Tất cả đem sắc 2 lần, mỗi lần 30 phút, sau đó cô lại còn khoảng 300-400 ml, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ khí hoạt huyết, ích tâm kiện não, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo rối loạn tuần hoàn não.
Nó cũng cải thiện rối loạn nhịp tim thuộc thể khí hư huyết ứ, biểu hiện bằng các triệu chứng như: Tinh thần mệt mỏi, hay có cảm giác khó thở, ngại hoạt động, kém ăn, hay hoa mắt chóng mặt, dễ vã mồ hôi, đau tức hoặc đau nhói vùng ngực sườn, mạch có lúc không đều, đại tiện nát, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc thống kinh.
  • Sơn tra 16g, sinh đỗ trọng 16g, thảo quyết minh 16g, tiên ngọc mễ tu (râu ngô tươi) 62g, hoàng bá 6g, sinh đại hoàng 3g
Tất cả đem sắc với 6 bát nước, cô lại còn 3 bát, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ can thận, thanh can nhiệt, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp, béo phì.
  • Sơn tra 9-15 g, hoàng kỳ 30-60g, cát căn 15-30g, tang ký sinh 15-30g, đan sâm 20-40g
Tất cả đem sắc 2 lần, mỗi lần 30 phút, sau đó cô lại còn khoảng 300-400 ml, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ khí hoạt huyết, ích tâm kiện não, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo rối loạn tuần hoàn não.
Nó cũng cải thiện rối loạn nhịp tim thuộc thể khí hư huyết ứ, biểu hiện bằng các triệu chứng như: Tinh thần mệt mỏi, hay có cảm giác khó thở, ngại hoạt động, kém ăn, hay hoa mắt chóng mặt, dễ vã mồ hôi, đau tức hoặc đau nhói vùng ngực sườn, mạch có lúc không đều, đại tiện nát, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc thống kinh.
  • Hải đới 30g, sơn tra 30g, mã thầy 10 củ, chanh 3 quả
Hải đới rửa sạch, cắt ngắn; sơn tra bỏ hạt, thái miếng; mã thầy bóc vỏ, thái vụn; chanh cắt lát. Tất cả đem sắc kỹ, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, cường tim lợi thủy, giáng áp, dùng tốt cho người bị cao huyết áp.
  • Sơn tra 30g, táo tây 30g, rau cần tây 3 cây, đường phèn vừa đủ
 Sơn tra và táo bỏ hạt, thái miếng; rau cần rửa sạch, cắt đoạn. Tất cả cho vào bát to, đổ thêm 300 ml nước rồi đem hấp cách thủy, sau chừng 30 phút là được, cho thêm đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết, giáng áp, dùng cho người bị cao huyết áp và rối loạn lipid máu.
  • Sơn tra 150g, đậu xanh 150g, đường phèn vừa đủ
Sơn tra bỏ hạt, thái miếng; đậu xanh rửa sạch, ngâm trong nước 30 phút. Hai thứ đem sắc kỹ, cho thêm đường phèn, chia uống hai lần trong ngày.
Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, thanh nhiệt giáng áp, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp có các biểu hiện nhiệt chứng.
  • Sinh địa 200g, sơn tra 500g, đường trắng 100g
Sinh địa rửa sạch, thái lát; sơn tra bỏ hạt, thái phiến. Hai thứ đem sắc trước cho thật nhừ, cho thêm đường rồi đánh nhuyễn thành dạng cao lỏng, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh.
Công dụng: Dưỡng âm lương huyết, hoạt huyết giáng áp và làm mềm mạch máu, dùng cho người bị cao huyết áp thuộc thể âm hư, biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, lòng bàn tay, bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, miệng khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ
  • Sơn tra 30g, quyết minh tử 30g, lá sen tươi nửa lá, đại táo 4 quả, thịt lợn nạc 250g, gia vị vừa đủ
Sơn tra bỏ hạt, thái phiến; quyết minh tử rửa sạch; đại táo bỏ hạt; lá sen rửa sạch thái nhỏ; thịt lợn rửa sạch thái miếng. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, nêm đủ gia vị, chia ăn vài lần.
Công dụng: Thanh can tiết nhiệt, làm giãn mạch máu và giáng áp, dùng cho người bị cao huyết áp thuộc thể Can dương thượng xung, biểu hiện: mặt đỏ, mắt đỏ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tính tình nóng nảy, ngực sườn đầy tức, đại tiện táo, có thể hay chảy máu cam.

Theo Huyetap.net

Đau thắt ngực kéo dài, coi chừng bị nghẽn mạch vành

Chủ quan với những cơn đau thắt ngực, nhiều người chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong.

 

Sự nguy hiểm của bệnh lý tim mạch được các bác sĩ đưa ra thảo luận tại hội thảo khoa học trưa 9/7.
 
Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thành Vinh, Giám đốc Y khoa BV Tâm Đức (TPHCM) cho biết, nhồi máu cơ tim cấp do hội chứng mạch vành cấp gây nên. Người bị bệnh thường trở nặng rất nhanh vì thiếu máu cơ tim cấp tính (giảm dòng máu đến cơ tim), trong đó cơ chế sinh bệnh chủ yếu là do huyết khối động mạch vành; mảng xơ vữa động; rối loạn chức năng dãn mạch của nội mạc.
 
Huyết khối trong động mạch vành là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Ảnh: Cao Lâm
"Có đến 50% số bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim cấp tử vong trước khi tới được bệnh viện. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh chủ quan không đi khám khi thấy cơ thể có triệu chứng khác thường", ông Vinh nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, biểu hiện thường thấy của hội chứng động mạch vành là người bệnh thường có cảm giác bị nén, ép, nặng ngực. Một số người thấy khó chịu ở phần trên cơ thể, đau hoặc khó chịu ở cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm, hoặc bụng. Không ít trường hợp thấy khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, và choáng váng.
Tỷ lệ tử vong tuy cao, song theo tiến sĩ Hồ Huỳnh Quang Trí, trưởng khoa Hồi sức, Viện Tim TPHCM, bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp tính có thể có kết quả điều trị tốt bằng nhiều phương pháp. Trong đó hiệu quả nhất là sử dụng các loại thuốc điều trị kháng đông huyết khối.
"Chính vì thế, để tránh tình trạng tử vong trên đường đi cấp cứu vì nhồi máu cơ tim cấp, khi thấy có biểu hiện như trên, bệnh nhân cần nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để được thăm khám", ông Trí khuyên.
Khẳng định các phương pháp điều trị ngày càng tiên tiến giúp nhiều bệnh nhân thoát hiểm, những bác sĩ chuyên khoa tim mạch vẫn cho rằng việc phòng bệnh vẫn là cần thiết hơn cả.
"Không hút thuốc, thường xuyên kiểm soát huyết áp, tiểu đường, tập thể dục, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý... là những cách thiết thực nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, đặc biệt là hội chứng mạch vành", tiến sĩ Vinh khuyến cáo.

Theo Cao Lâm - VnExpress

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Phòng tránh nguy cơ đột tử do tim

Tập thể dục, kiểm soát tốt cân nặng, chế độ ăn có lợi cho sức khỏe và không hút thuốc lá giúp giảm đáng kể nguy cơ đột tử do tim.

Nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Y khoa Harvard (Boston, Mỹ) thực hiện trên 81.722 phụ nữ từ năm 1984-2010.
 
Kết quả phân tích cho thấy những phụ nữ thực hiện một lối sống có lợi cho sức khỏe: không hút thuốc lá, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và tuân thủ chế độ ăn vùng Địa Trung Hải (nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt, hạn chế thịt đỏ như thịt bò, dùng dầu ôliu thay mỡ động vật) thì có thể giảm 92% nguy cơ bị đột tử do tim so với những người không tuân theo chế độ này.
 

Theo BS Nguyễn Tất Bình (The Journal of The American Medical Association) - Tuổi Trẻ

Hài lòng với cuộc sống sẽ ít bị bệnh tim

Nghiên cứu của nhà khoa học Julia Boehm tại Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy sự hài lòng với cuộc sống có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trong 6 năm trên 8.000 công chức Anh có tuổi đời bình quân khoảng 49, liên quan đến 7 lĩnh vực của đời sống là mối quan hệ tình cảm lãng mạn, hoạt động giải trí, công việc, gia đình, tình dục, tiêu chuẩn sống và về bản thân mình. Kết quả đã phát hiện những người hài lòng với cuộc sống ít có nguy cơ bệnh tim so với những người khác đến 13%.
 
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng sự hài lòng trong công việc, gia đình, tình dục và về bản thân mình giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tim trong khi các lĩnh vực như quan hệ tình cảm lãng mạn, hoạt động giải trí và tiêu chuẩn cuộc sống hầu như không liên quan tới sự giảm thiểu nói trên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Heart Journal của Hội Bệnh học tim châu Âu.


Theo Tr. Lâm - Người Lao Động

Tránh trụy tim bằng vitamin D

Nam giới bổ sung đủ vitamin D ít có nguy cơ bị trụy tim hoặc đột quỵ hơn so với những ai có hàm lượng vitamin D thấp.


Sau khi khảo sát gần 119.000 người trong hai thập niên, các nhà khoa học thuộc trường Y Harvard (Mỹ) phát hiện rằng, đấng mày râu nào bổ sung ít nhất 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày giảm được 16% nguy cơ mắc các vấn đề về tim hoặc đột quỵ so với những người chỉ bổ sung chưa tới 100 IU/ngày.
 
Nhưng việc bổ sung vitamin D như vậy ở phụ nữ lại không có tác dụng tương tự, theo Reuters dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Qi Sun. Vitamin D thường có trong cá, trứng... hoặc tắm nắng cũng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.
 

Theo Mai Duyên - Thanh Niên

Giãn cơ tim do uống nhiều rượu bia

3 năm trước, ngày nào anh N. cũng uống rượu, mỗi ngày uống nửa lít rượu trắng và không ngờ có ngày lại mắc bệnh cơ tim giãn.

Anh L.T.N., 34 tuổi, ngụ Q.1,  TP.HCM, vào Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM ngày 31/5 khi đã bị suy tim độ 3. Trước khi nhập viện anh N. kể anh thường gặp những cơn khó thở, tức ngực. Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm tim, kiểm tra hệ mạch vành, anh N. được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn do uống nhiều rượu bia.
 
Nhiều bệnh nhân phát hiện mắc bệnh cơ tim giãn khi đã ở giai đoạn trễ (suy tim độ 3).
Bệnh này dễ bị đột tử - Ảnh: T.Dương
 
Ngày nào cũng uống
Nằm trên giường bệnh, anh N. kể 3 năm trước ngày nào anh cũng uống rượu, mỗi ngày uống nửa lít rượu trắng và đâu ngờ có ngày lại mắc bệnh cơ tim giãn. TS.BS Đào Thị Thanh Bình, phó khoa tim mạch 1 BV Nguyễn Trãi, cho biết anh N. đang được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, liệu trình điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, còn về lâu dài bệnh nhân cần đặt máy tạo nhịp 3 buồng tim hoặc máy khử rung để phòng ngừa rối loạn nhịp nguy hiểm.
Ngoài việc điều trị tích cực, các bác sĩ khuyên bệnh nhân phải ngưng uống rượu vì nếu tiếp tục uống sẽ làm diễn tiến bệnh nặng thêm, nguy cơ đột tử cao. Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn lạt, hạn chế gắng sức, không để tâm trạng quá vui hay quá buồn.
Siêu âm tim để biết bệnh
Siêu âm tim là phương pháp hữu hiệu nhất giúp chẩn đoán, theo dõi tiến triển của bệnh cơ tim giãn, đồng thời loại trừ nguyên nhân khác gây bệnh cơ tim giãn như bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim... Trên siêu âm, tim của bệnh nhân co bóp rất kém, giãn buồng tim, có thể có huyết khối trong buồng tim và đây là nguy cơ gây đột quỵ, đột tử. Bệnh nhân được chụp động mạch vành (mạch máu nuôi tim) nhằm loại trừ bệnh cơ tim do bệnh lý mạch vành. Có thể sinh thiết cơ tim để chẩn đoán xác định nhưng kỹ thuật này còn rất nhiều hạn chế.
Theo bác sĩ Thanh Bình, 20 năm trước các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng một sự hấp thụ ồ ạt rượu bia có thể gây nên những rối loạn nhịp ở những người không hề bị bệnh tim trước đó và lâu dài có thể đưa đến bệnh cơ tim giãn. Bệnh cơ tim giãn do nhiều nguyên nhân gây ra như do nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, ký sinh trùng, sau sinh hoặc do uống rượu bia nhiều...
Có khoảng 50% số người mắc bệnh này chưa tìm được nguyên nhân (bệnh cơ tim giãn vô căn). Trong số những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi nguyên nhân gặp nhiều nhất là do uống rượu bia quá nhiều.
Bác sĩ Thanh Bình cho biết do VN chưa làm được những xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân bệnh cơ tim giãn nên chủ yếu các bác sĩ xác định qua bệnh sử, lối sống của người bệnh. Tuy nhiên, việc tìm nguyên nhân qua lời kể của bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn.
Có bệnh nhân chịu kể trước khi phát hiện bệnh đã uống rượu bia nhiều trong một thời gian dài, nhưng có bệnh nhân ngại nói với bác sĩ nên chỉ khai uống chút chút. Chỉ đến khi trao đổi với người nhà bệnh nhân thì bác sĩ mới biết ngày nào người bệnh này cũng uống bia rượu.
Một tuần gần đây, BV Nguyễn Trãi đã tiếp nhận, điều trị ba bệnh nhân bị cơ tim giãn, trong đó có 2 bệnh nhân bị cơ tim giãn do uống rượu bia nhiều.
Gặp nhiều ở nam giới
Triệu chứng của bệnh cơ tim giãn rất mơ hồ, giai đoạn đầu người bệnh chỉ thấy hơi mệt nên rất ít người đi khám ngay mà thường kéo dài một vài năm. Lúc đến bệnh viện khám người bệnh thường đã bị suy tim (mệt khi gắng sức, khó thở hoặc người bị phù). Khi thăm khám, bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân bị suy tim và cho làm một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Do không phát hiện được bệnh sớm nên nhiều người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu bia, dẫn đến có thể bị suy tim cấp, choáng váng, đột quỵ, ngất hay đột tử. Theo y văn, sau năm năm mắc bệnh cơ tim giãn, 50% số người mắc bệnh này sẽ tử vong. Đa số người bệnh bị đột tử vì rối loạn nhịp hoặc do huyết khối trong buồng tim chạy lên não làm tắc mạch máu não cấp tính.
Những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn sẽ không thể hồi phục như những ngày chưa từng mắc bệnh. Việc điều trị chỉ để ngăn bệnh không diễn tiến nặng hơn nữa, nếu không đáp ứng thuốc, sau đó người bệnh sẽ được đặt máy tạo nhịp có chức năng khử rung vào cơ thể để phòng ngừa rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên loại máy tạo nhịp tim (một buồng, hai buồng, ba buồng) khá mắc tiền, máy tạo nhịp ba buồng tim có giá hàng trăm triệu đồng nên không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng mua được máy để đặt trong cơ thể.
Ngay cả khi được đặt máy thì máy cũng chỉ sử dụng trong thời gian 4-6 năm, sau đó bệnh nhân phải mua máy khác để thay máy cũ trong cơ thể. Vì vậy, bác sĩ Thanh Bình khuyên hạn chế rượu bia và có lối sống lành mạnh là việc làm đơn giản, không tốn kém và vô cùng hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh cơ tim giãn do rượu bia.

Theo Thùy Dương - Tuổi Trẻ

Quy tắc sống cho người huyết áp thấp

Để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường, những người có bệnh lý huyết áp thấp cần tuân thủ các quy tắc sống như sau.


Về ăn uống

Tuy giữa chế độ ăn và huyết áp thấp không có sự liên kết chặt chẽ nhưng người ta thấy huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường trong máu.

Thói quen này làm giảm trương lực (sự đàn hồi, sự dẻo dai) của mạch máu, và kết quả là tụt huyết áp.

Do đó, phải duy trì chế độ ăn hợp lý 3-4 bữa/ngày (ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày). Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh. Gầy quá huyết áp sẽ thấp.

Chú ý các thực phẩm sau:

- Thịt, cá, trứng, đậu tương… giàu đạm
- Tăng ăn rau và quả để thêm vitamin, chất xơ và chất khoáng
- Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho.

Lưu ý là chất caffein trong cà phê có tác dụng làm tăng huyết áp nhưng chỉ nên uống 1-2 cốc, uống quá nhiều sẽ gây nghiện, mất ngủ, rối loạn nhịp tim. Tốt nhất nên uống cà phê đặc, cà phê không tan tự pha.

Tuy nhiên, vì cà phê gây kích thích tiết dịch vị dạ dày nên những người bị viêm loét dạ dày nên uống cùng với bột kem cà phê. Nếu không uống được cà phê thì có thể thay thế bằng nước chè đặc.

Nên ăn hơi mặn một chút để gây giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông trong lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.

Bình thường chúng ta ăn 10-12g muối mỗi ngày, phòng và chữa bệnh tăng huyết áp chỉ nên ăn nửa số lượng trên, tức 5g mỗi ngày, nhưng người huyết áp thấp nên ăn 10-15g, ăn mặn được bao nhiêu thì hy vọng nâng được huyết áp lên bấy nhiêu. Tất nhiên không nên ăn mặn quá “không nuốt được”.

Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Chế độ tập luyện

Rất nhiều người bị huyết áp thấp là do giảm trương lực thần kinh - mạch máu, thành mạch máu quá yếu (bị nhão), sức co bóp của tim yếu do cơ tim yếu (biểu hiện là tim đập nhanh, yếu).

Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, cần tích cực tập luyện thể dục thể thao.

Tập phải thường xuyên, tùy sức, không tập cố, không tập khi đói cũng như ngay sau khi ăn no. Riêng đi bộ nhanh có thể tập hằng ngày.

Mỗi ngày, người bệnh nên tập thể dục ít nhất 10-15 phút. Nên bắt đầu tập những môn nhẹ như đi bộ, sau tiến tới cầu lông, bóng bàn, rồi đến những môn nặng hơn như chạy, bơi, tenis, điền kinh, cử tạ… Chỉ những môn hay gây chóng mặt mới nên tránh như nhào lộn, nhảy đu, leo cao…

Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và nhất là bình tĩnh

Những xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể làm huyết áp hạ thêm. Tránh sự căng thẳng, áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Dùng thuốc theo hướng dẫn

Cuối cùng, có thể dùng thêm một số thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc

Tây Y: Ða số thuốc này chỉ nâng huyết áp được vài tiếng đồng hồ, sau đó huyết áp lại xuống như cũ. Tuy vậy, chúng cũng có ích nhất thời, khi huyết áp xuống quá khó chịu. Thí dụ: heptamyl, coramin, long não… Ðôi khi cần dùng những thuốc mạnh hơn như fludrocortison dùng khó, phải có bác sĩ theo dõi chặt chẽ do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Đông Y: nguyên nhân của huyết áp thấp là do khí huyết hư. Khí huyết hư làm cho lưu lượng máu đến các cơ quan bộ phận trong cơ thể đều kém và kém nhất là não gây ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi vô lực, sắc mặt nhợt…

Để nâng cao huyết áp cần phải bồi bổ khí huyết, khí huyết đầy đủ thì huyết áp mới ổn định lâu dài.

Chính vì vậy mà phải dùng các vị thuốc hay bài thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, điều hoà khí huyết.

Nguyên lý này được kết tinh trong bài “Gia vị phù chính thăng áp thang” trong cuốn “Thiên gia diệu phương”- tổng hợp các tinh hoa của nền y học cổ truyền.

Bài thuốc với các vị thuốc có tác dụng ích khí dưỡng âm bổ khí huyết, điều hoà khí huyết, giúp khí huyết lưu thông tốt, chống xơ vữa mạch, tăng sinh tân dịch, tăng cường sinh lực, tăng huyết áp.


Theo PV - Dân trí

Các bài thuốc Đông y điều trị tăng huyết áp

Bệnh cao huyết áp có thể đưa đến những biến chứng nguy hiểm. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y giúp điều trị căn bệnh này.

Bài 1: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có vữa xơ động mạch, chóng mặt, ù tai

Thục địa 25g, hoài sơn 15g; phục linh, sơn thù du, mỗi vị 12g, mẫu đơn bì, lá dâu tằm, cúc hoa trắng, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có nhịp tim nhanh, ra mồ hôi, có hiện tượng ứ trệ huyết ở mạch máu ngoại biên

Thục địa, mạch môn, đương quy, long đởm thảo, dành dành, hoàng liên, hoàng bá, thạch cao mỗi vị 30g; ngưu tất 25g; tri mẫu 10g, mộc hương 6g. Tất cả các vị tán bột, làm thành viên hoàn 0,5g. Mỗi lần uống 4 viên, ngày 3 lần.

Bài 3: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có bệnh cơ tim

Phục linh 15g, bá tử nhân 12g; toan táo nhân (sao đen), thục địa, hoài sơn, đương quy mỗi vị 10g, mộc hương 6g, hoàng liên 3g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh thận

Phục linh, thục địa, hoài sơn, thạch hộc mỗi vị 12g; cúc hoa trắng, kỷ tử, sơn thù du, trạch tả, mỗi vị 10g, mẫu đơn bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 5: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có giãn tim, chóng mặt, khó thở, ra mồ hôi, có biểu hiện ứ trệ huyết.

Mạch môn, hà thủ ô đỏ mỗi vị 15g; thục địa, đương quy, ngũ vị tử, toan táo nhân (sao đen), huyền sâm, mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, cúc hoa trắng, cam thảo bắc, đảng sâm mỗi vị 6g; dành dành 3g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 6:  Chữa tăng huyết áp mức độ vừa

Hoài sơn, tri mẫu, bắc sa sâm, huyền sâm, vỏ rễ dâu, mỗi vị 15g; thục địa, mẫu đơn bì, toan táo nhân  (sao đen), hà thủ ô đỏ mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, đương quy, hoàng cầm mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 7: Chữa tăng huyết áp ở người cao tuổi có vẻ mặt khoẻ mạnh

Hạ khô thảo 30g; mẫu đơn bì, bạch thuợc mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Có thể dùng trong thời gian dài.


Theo
GS. Đoàn Thị Nhu - Sức khỏe và Đời sống

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao huyết áp

Người bị cao huyết áp nên loại bỏ thức ăn chế biến từ nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, mỡ động vật, các loại thịt gia súc...

 

 
Huyết áp cao là khi chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương cao hơn mức bình thường. Có 3 trường hợp đều được coi là cao huyết áp, gồm: Chỉ số huyết áp của tâm thu và tâm trương đều cao hơn 140/90 mmHg; chỉ số huyết áp của tâm thu cao hơn 140 mmHg và chỉ số huyết áp của tâm trương bằng hoặc nhỏ hơn 90 mmHg; chỉ số huyết áp của tâm trương cao hơn 90 mmHg và chỉ số của huyết áp tâm thu bằng hoặc nhỏ hơn 140 mmHg.
 
Tuy nhiên, việc kết luận là có bị cao huyết áp hay không thì cần dựa vào kỹ thuật đo và ý kiến của thầy thuốc.
Nếu bạn bị cao huyết áp và có trọng lượng cơ thể ở mức trung bình thì hằng ngày chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm với tỉ lệ như sau:
Với chất đạm, chất béo
 Mỗi ngày chỉ cần 60g - 70g chất đạm; 25g - 30g chất béo từ dầu thực vật (ngoại trừ dầu dừa, dầu cọ); 300g - 320g chất bột đường; dưới 6 g muối ăn (kể cả bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm…); 30g - 40g chất xơ từ rau, củ, quả… (tương đương 300g - 500g rau).
 
Một thực đơn sẽ rất an toàn nếu được chế biến bởi thịt nạc (tốt nhất là cá), dầu thực vật (đậu nành, đậu phụng, mè, ôliu, hướng dương) và nhiều rau xanh, củ, quả, đậu, hạt.
Với cholesterol
Mỗi ngày không nên dùng hơn 250 mg cholesterol trong các loại thực phẩm. Nên tránh hoặc hạn chế các thức ăn giàu cholesterol, ngọt, béo, quá mặn (hơn 6 g muối mỗi ngày).
Các thực phẩm thuộc nhóm có chứa hơn 50 mg cholesterol/100 g thực phẩm
Bao gồm: Cá trích, thịt bò, thịt heo hộp, chân giò heo, thịt thỏ, sườn heo, heo xay hộp, cá chép, giăm bông heo, thịt bê béo, thịt ngựa, thịt vịt, thịt cừu, thịt ngỗng, thịt gà tây, thịt bò hộp, mỡ heo, dạ dày bò, sữa bột toàn phần chưa tách béo, thịt gà hộp, tim heo, bầu dục heo, phô mai, gan gà, lưỡi bò; đặc biệt cholesterol rất cao ở trong lòng đỏ trứng gà, não bò, não heo.
Như vậy, tốt nhất là nên loại bỏ thức ăn chế biến từ nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, mỡ động vật, các loại thịt gia súc, gia cầm đóng hộp, một số thủy hải sản (tôm đồng, tôm biển, cua biển, mực…); các loại giăm bông, thịt nguội, da của gia súc, gia cầm, các sản phẩm làm từ sữa béo, từ sô-cô-la, khoai tây chiên…
Với thực phẩm ngọt
Cần hạn chế các thức ăn quá ngọt, như: kẹo, bánh, mật, kem, chè, sô-cô-la, trái cây ngọt (sầu riêng, mít, xoài chín, nhãn, vải…). Mỗi ngày, lượng glucose sử dụng tối đa chỉ 10 g - 20 g.
Với thực phẩm chứa nhiều natri
Hạn chế các thực phẩm có hàm lượng natri từ 100 mg - 1.000 mg (tương ứng với 250 mg - 2.500 mg muối ăn)/100 g thực phẩm. Đó là: trứng, cá hộp, ốc, sò, bánh mì, xúc xích…
 
Các thực phẩm có hàm lượng natri rất cao (tương đương với 2.500 mg - 240.000 mg muối ăn) gồm: thịt hộp, các loại dưa muối (cà, cải, giá đậu, dưa chuột…), mắm cá, mắm ruốc, giăm bông, thịt hoặc cá xông khói, thịt hoặc cá chà bông, các loại nước chấm (tương, chao, xì dầu, nước mắm…).
Với các thức uống từ chè
Dù các thức uống này rất có ích cho sức khỏe nhưng khi uống nhiều và uống vào buổi chiều tối cũng không tốt cho người cao huyết áp. Một số thức uống có tính kích thích như cà phê, rượu, bia đều có thể làm tăng huyết áp nên lưu ý không uống vào buổi chiều tối. Vitamin C liều cao (hơn 1.000 mg/ngày) có trong các viên vitamin C sủi bọt cũng có thể tạo điều kiện tăng huyết áp.

Theo Huyetap.net

 

Điều trị phục hồi sau đột quỵ

Đột quỵ là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Và không hiếm trường hợp người bệnh có thể phục hồi tốt nhờ sự chăm sóc tận tình của con cháu.

 

Hậu quả của đột quỵ
 
Đột quỵ hoặc tai biến động mạch não (stroke) là trường hợp trong đó một nhóm tế bào não đột nhiên không còn được động mạch tiếp tế dưỡng khí và chất dinh dưỡng. Tế bào não bị tổn thương và vùng cơ thể do các tế bào này kiểm soát sẽ không hoạt động được như thường lệ.
 
Tuỳ theo vùng nào của não bị tổn thương, tổn thương nhiều hay ít và sự cấp cứu mang máu tới não nhanh hay chậm mà hậu quả sẽ nặng hay nhẹ, vĩnh viễn hay tạm thời. Thường thường, phần cơ thể đối diện với vùng não bị tổn thương sẽ chịu các hậu quả này.
 
 
Hội stroke tại Hoa Kỳ cho hay, hiện nay tại đất nước này có trên bốn triệu người đang sống với nhiều khó khăn về sức khoẻ cũng như sinh hoạt hàng ngày sau khi bị đột quỵ. Ấy là chưa kể nếp sống của cả nhiều triệu người khác cũng gián tiếp bị ảnh hưởng. Đó là các vị phối ngẫu, con cái đang dành nhiều thời gian, sức lực để sống và chăm sóc người thân thoát khỏi lưỡi hái tử thần vì tai biến.
 
Hậu quả của đột quỵ gồm có: liệt, yếu, mất cảm giác nửa người, mất thăng bằng cơ thể đi đứng không vững, không diễn tả được ý nghĩ, lời nói, không hiểu chữ viết và lời nói người khác, ăn nuốt khó khăn, giảm thị lực, không nhìn được phía nửa người bị liệt, không kiểm soát được đại tiểu tiện, trí nhớ và sự suy nghĩ giảm, không tự chăm sóc được.
 
Theo thống kê, hậu quả đột quỵ như sau: 10% bệnh nhân thoát hiểm bình phục hoàn toàn, 25% phục hồi với tổn thương tối thiểu, 40% chịu đựng tổn thương từ trung bình tới trầm trọng, cần sự chăm sóc đặc biệt, 10% cần được chăm sóc tại viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc lâu dài khác, 15% tử vong một thời gian ngắn sau tai biến.
 
Điều trị phục hồi
 
Điều trị phục hồi sau tai biến (rehabilitation therapy after stroke) có mục đích giúp não bộ tự tái tổ chức cấu trúc bị tổn thương, từ đó giúp bệnh nhân tìm lại toàn phần hoặc một phần các chức năng đã bị stroke lấy đi, đồng thời cũng để tránh sự tái phát của stroke.
 
Điều trị này cần được thực hiện ngay sau khi bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, từ khi còn ở bệnh viện, 24-48 giờ sau khi stroke đã ổn định và tiếp tục tại gia một thời gian lâu dài. Điều này đòi hỏi sự tham gia của hàng loạt các chuyên gia.
 
Bác sĩ chuyên khoa sẽ phối hợp với các nhà chuyên môn y học khác để lập một nhóm trị liệu cho bệnh nhân, để hướng dẫn bệnh nhân cách tập luyện để phục hồi khả năng đi đứng, lấy lại sự thăng bằng cơ thể, sử dụng tay chân trong các công việc thường nhật, lấy lại sức mạnh cho cơ bắp đã bị suy yếu, giúp khớp không bị đóng băng (frozen), đau cứng.
 
Với bệnh nhân
 
Điều trị phục hồi là việc làm phức tạp, khó khăn nhưng xin ghi nhớ, "có công mài sắt, có ngày nên kim".
 
Thế nhưng ý chí của bệnh nhân cũng như sự chịu thương chịu khó của những người thân mới là điều quan trọng nhất. Điều trị phục hồi là việc làm phức tạp, khó khăn nhiều khi bực bội, luôn luôn rơi vào tâm trạng buồn chán buông xuôi. Vì khả năng cơ thể mất đi thì mau mà lấy lại thường thì chậm trễ. Cho nên, có những lúc tình hình tưởng như khá hơn rồi thấy như đâu lại vẫn hoàn đó. Nhưng xin ghi nhớ, “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Các chuyên viên y tế và người thân luôn luôn sát cánh, tiếp tay.
 
Cũng nhắc lại là tế bào não có một khả năng hoạt động hoặc một phần đã bị tổn thương, đồng thời các tế bào não lành mạnh xung quanh cũng gia tăng lao động để “chị ngã, em nâng”, bù đắp phần vụ của các tế bào bị hư hao. Cái khó là làm sao “động viên” được sự bù đắp này.
 
Xin hãy tận tâm, bền chí và có thái độ tích cực. Nói hết ước muốn, bực bội, khó khăn của mình cho toán chuyên viên y tế, cho thân nhân để họ giúp đỡ. Ngoài ra, cũng còn nhiều tổ chức trong cộng đồng như hội stroke tại địa phương, nhóm thân hữu bệnh nhân stroke… đều sẵn sàng tiếp tay nếu mình yêu cầu.
 
Đôi điều với thân nhân chăm sóc
 
Trong trách nhiệm khó khăn, nặng nhọc, đôi khi bực mình nản chí vì thay đổi tính tình, trở nên khó tính của người thân bệnh hoạn, e ngại tai biến tái phát, e ngại người thân khó thích ứng với tình trạng kém phần sáng sủa, thêm vào đó không hiểu đời sống của mình sẽ ra sao, liệu còn cáng đáng chăm sóc được bao lâu, chăm sóc có chu đáo không hay là cũng kiệt quệ theo người bệnh…
 
Một đồng nghiệp đàn anh ở Houston miền nắng ấm, niên tuế ngoài 80, đã dành gần 1/2 cuộc đời để chăm sóc rất chu đáo người bạn đời bị stroke, đồng thời nuôi nấng bầy con nên người. Mà đàn anh vẫn lạc quan, yêu đời, lại còn có thì giờ nghiên cứu soạn ra nhiều tự điển văn học giá trị.
 
Một thân hữu ở San Jose sau tai biến phải dùng xe lăn nhưng nhờ có nhiều niềm tin tôn giáo, một thân hữu khác ở Los Angeles vẫn bước thấp bước cao tập luyện, chạy bộ mỗi ngày nhờ nhiều nghị lực vươn lên. Họ đều đã vượt khỏi tàn phế để viết, phổ biến các điều ích lợi và đang sống gần như bình thường, với sự hỗ trợ của người vợ hiền và các con, cháu.
 
Còn nước còn tát mà.
 

Theo BS Nguyễn Ý Đức - Sài Gòn Tiếp Thị