Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

10 điều bạn bắt buộc phải biết về bệnh tim

Căn bệnh này giết chết nhiều người hơn tất cả các căn bệnh khác. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ chính mình, hãy thực hiện ngay bây giờ.

1. Thuật ngữ "bệnh tim" đề cập đến các loại khác nhau của bệnh tim, bắt đầu với bệnh tim mạch vành. Đó là khi mảng bám tích tụ và thu hẹp các bức tường của động mạch có chức năng bơm máu tới tim của bạn. Đây là loại phổ biến nhất.
2. Suy tim, nhịp tim không đều, vấn đề về van tim và nhồi máu cơ tim đều là những dạng khác nhau của bệnh tim.
3. Bệnh tim là kẻ giết người lớn nhất. Năm 2009, 307.225 người đã chết vì bệnh tim.
Một cuộc sống lành mạnh sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim
4. Gần một nửa số ca tử vong do tim đột ngột xảy ra bên ngoài bệnh viện, điều này cho thấy mọi người không thể phát hiện ra một phần lớn các triệu chứng.
5. Tệ hơn nữa: 50% những người chết vì bệnh tim chưa bao giờ có dự báo trước đó về tình trạng bệnh của mình. Do đó, bản thân bạn luôn có nguy cơ bị bệnh tim.
6. Những nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tim là do: Cao huyết áp, hút thuốc lá, uống rượu quá nhiều, cholesterol cao, chế độ ăn uống không đảm bảo, béo phì và ít vận động. Nếu bạn cảm thấy bản thân mình có cuộc sống không lành mạnh, bạn thuộc nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất.
Ảnh minh họa
7. Tiền sử có mối liên kết chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh tim, vì vậy hãy cho bác sĩ biết nếu có người thân đã từng bị bệnh tim.
8. Về các dấu hiệu cảnh báo, hãy cảnh giác với các biểu hiện: khó thở, buồn nôn, đau ngực, chóng mặt, đau mỏi cơ thể và đổ mồ hôi lạnh.
Hãy gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy những biểu hiện trên.
9. May mắn thay, bạn có thể miễn dịch với bệnh tim một cách dễ dàng. Hãy bắt đầu bằng một chế độ ăn uống lành mạnh: ít muối, chất béo bão hòa và cholesterol; nói không với thuốc lá; tập thể dục thường xuyên; và theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ảnh minh họa
10. Hai cách tốt nhất để giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh này là: hạ huyết áp và giảm cholesterol.
Trên thực tế, có khoảng 70% bệnh nhân bị bệnh tim có huyết áp cao, trong khi những người có nồng độ cholesterol cao có nguy cơ tử vong vì bệnh tim gấp đôi những người có lượng cholesterol vừa phải.

Theo Thanh Hảo - Gia đình Việt Nam

Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có đến hơn 17 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch.

Con số này cho thấy mức độ phổ biến của các bệnh lý về tim, trong đó thường gặp nhất là tăng huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ.
Bệnh tim mạch có rất nhiều hình thức và vì vậy cũng có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ này sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh:
1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đau tim cao hơn phụ nữ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, một phần sự khác biệt này là do nam giới hút thuốc lá nhiều hơn so với nữ giới. Tuy nhiên ở phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nguy cơ sẽ tăng cao hơn. Sau tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nam giới và phụ nữ là như nhau.
Tuổi tác: Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, hoạt động của tim càng kém. Thành tim dày lên, các động mạch xơ cứng lại khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn, và người cao tuổi có nhiều bệnh mạn tính hơn.
Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 65 tuổi), bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn bình thường. Ngoài ra những yếu tố rủi ro dẫn đến nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì cũng có thể mang tính di truyền. Nếu ai đó trong gia đình bị bệnh ở tuổi 75 hay 80, có lẽ bạn không phải bận tâm về yếu tố di truyền.
2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Béo phì và thừa cân: Trong một nghiên cứu gần đây trên 100.000 phụ nữ tuổi từ 30 - 55, nguy cơ tim mạch cao gấp ba lần ở nhóm béo nhất so với nhóm có cân nặng thấp nhất.
Ảnh minh họa

Béo bụng có liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột quỵ. Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu bạn là nam giới, tốt nhất không nên để vòng bụng vượt quá 90% vòng mông, nếu bạn là phụ nữ, hãy cố gắng duy trì con số này dưới 80%.

Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, béo bụng còn liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đó là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường.

Hút thuốc lá: Hầu hết mọi người đều biết rằng việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, nhưng ít ai nhận ra nó cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 30 - 40% trong số khoảng 500.000 trường hợp chết vì bệnh mạch vành hàng năm có nguyên nhân từ thuốc lá. 

Các kết quả từ nghiên cứu Framingham đã chứng minh rằng, nguy cơ đột tử cao hơn 10 lần ở nam và 5 lần ở nữ giới có hút thuốc. Vì hút thuốc làm tăng nhịp tim, làm co thắt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim...khiến hoạt động của tim kém hiệu quả hơn. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một đối với đột tử và bệnh mạch máu ngoại vi.

Thiếu vận động thể chất: Những người lười vận động hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người thường xuyên tập thể dục. Việc hoạt động và tập luyện sẽ đốt cháy calo, giúp kiểm soát mức cholesterol và lượng đường trong máu, đồng thời giúp huyết áp ổn định.
Vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Người ta đã chứng minh việc tập luyện thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim.
Tăng huyết áp: Tại Việt Nam hiện nay ước tính có trên 20% số người lớn bị tăng huyết áp. Chứng tăng huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả béo phì, nghiện thuốc lá và tăng cholesterol thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể.
Có nhiều cách phân loại tăng huyết áp. Nhìn chung, tăng huyết áp được xác định nếu con số huyết áp luôn vượt quá 140/ 90 mmHg khi đo bằng huyết áp kế trong một khoảng thời gian. Huyết áp có thể thay đổi tùy theo điều kiện vận động và tuổi tác, nhưng về cơ bản, chỉ số huyết áp ở người lớn khi đang nghỉ ngơi nên ở mức 120/80. 
Cholesterol trong máu:

Cholesterol là một chất tương tự chất béo có sẵn trong máu. Gan sản xuất cholesterol để hình thành màng tế bào và tạo một số hormone nhất định. Ngoài lượng cholesterol này ra, cơ thể còn nhận thêm một lượng cholesterol khác từ những thực phẩm được dung nạp, những thực phẩm này đa phần có nguồn gốc động vật như thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa...

Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ cholesterol toàn phần trong máu là yếu tố dự báo về nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Nồng độ cholesterol toàn phần trong máu dưới 5,2 mmol/ dl được coi là bình thường. Khi cholesterol tăng cao sẽ đồng nghĩa với tăng nguy cơ đột quỵ tim mạch.

Chế độ ăn ít mỡ bão hoà và cholesterol có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu xuống khoảng 5%. Giảm lượng rượu uống hàng ngày (nếu bạn uống quá nhiều rượu) và giảm trọng lượng cơ thể (nếu bạn thừa cân) có thể hạ thấp đáng kể lượng triglycerid trong máu của bạn. 

Tập luyện thường xuyên làm giảm triglycerid và tăng HDL-C. Ngừng hút thuốc cũng làm tăng HDL-C. Khi lượng cholesterol toàn phần và LDL-C trong máu tăng cao, cần phối hợp giữa chế độ ăn uống, luyện tập với việc sử dụng các thuốc làm giảm cholesterol trong máu.
Đái tháo đường: Ước tính có đến 65% số người đái tháo đường tử vong do các bệnh tim mạch. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Một phần của nguyên nhân này là do bệnh đái tháo đường làm ảnh hưởng đến cholesterol và triglyceride. Người bị đái tháo đường cũng có thể bị tăng huyết áp và béo phì kèm theo, do vậy nguy cơ cũng cao hơn.

3.  Ðiều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch
Nếu bạn là người không mang yếu tố nguy cơ và không mắc bệnh tim mạch, những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ luôn hữu ích và nếu có, cũng sẽ rất ít gây hại cho bạn:
Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ít mỡ bão hoà và cholesterol, nhiều rau, quả, cá...

Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân.

Hạn chế muối đưa vào cơ thể. Đa số chúng ta ăn nhiều muối hơn lượng muối cơ thể chúng ta cần. Nhiều thức ăn tự nhiên đã chứa muối hoặc muối đã được thêm vào trong quá trình chế biến. Đơn giản nhất, hãy hạn chế cho muối vào thức ăn khi nấu nướng.

Bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục. Tập luyện đều đặn có lợi cho tất cả mọi người. Hãy chọn một phương pháp phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng của bạn. Luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 45 phút.
Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng ngay

Nếu bạn uống rượu, hãy vừa phải.

Học cách làm giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các tình huống có thể gây stress bởi nó chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi.

Đi khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn. Một hồ sơ hoàn toàn không có vấn đề về sức khoẻ tại một thời điểm nào đó không thể suốt đời đảm bảo được rằng bạn không có bệnh tật.


Theo BS Lê Hữu Đồng - Một thế giới

Chế độ sinh hoạt cho người bị tăng huyết áp

Người bị tăng huyết áp cần bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, hạn chế ăn thịt có màu đỏ, nên đi bộ và ăn nhiều ngũ cốc, rau xanh và hoa quả.

Để đảm bảo sức khỏe và tăng tuổi thọ cho người cao tuổi  bị tăng huyết áp thì cần có chế độ sinh hoạt hợp lý.
Yếu tố làm tăng huyết áp
Ở người bình thường, huyết áp dưới 120/80mmHg. Vào năm 1978, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quy định khi nào huyết áp 160/95mmHg được gọi là tăng huyết áp. Nhưng sau một năm (1999), WHO quy định lại là người bị tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp từ 140/90mmHg trở lên, đồng thời WHO và Hội đồng huyết áp thế giới phân độ tăng huyết áp như sau:
Tăng độ I khi huyết áp từ 140 - 159/90 - 99mmHg; tăng độ II khi huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg và tăng huyết áp độ III khi huyết áp từ 180/110mmHg trở lên. Và được quy định huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg (riêng người bị đái tháo đường thì huyết áp mục tiêu là dưới 130/80mmHg). 
Tuy vậy, ở người huyết áp bình thường thì trong một ngày, đêm (24 giờ) lúc ngủ huyết áp đỉnh sẽ thấp hơn lúc làm việc bình thường khoảng 20mmHg, cao hơn đỉnh lúc buổi chiều là 10%. Huyết áp bình thường cũng có thể thay đổi và biến thiên theo thời gian (huyết áp thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng lúc đang ngủ say và huyết áp cao nhất vào khoảng từ 8 - 10 giờ sáng).
Chế độ sinh hoạt cho người bị tăng huyết áp
Thực phẩm cho người tăng huyết áp
Cho đến nay, có khoảng từ 93 - 95% số người tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (được gọi là tăng huyết áp nguyên phát) và số người tăng huyết áp biết được nguyên nhân chỉ chiếm khoảng từ 5 - 7% (gọi là tăng huyết áp thứ phát). 
Loại tăng huyết áp thứ phát thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh về thận (suy thận, viêm thận mãn…), hẹp eo động mạch chủ, bệnh cường giáp trạng hoặc do dùng một số thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp.
Các thống kê cho thấy rằng ở những người bị bệnh đái tháo đường, nghiện thuốc lá, nghiện rượu thì có tỉ lệ bị tăng huyết áp huyết áp cao hơn những người không bị đái tháo đường hoặc không nghiện rượu hoặc không nghiện thuốc lá. 
Những người cao tuổi bị tăng mỡ máu (cholesterol, tryglicerit), xơ vữa động mạch thì tỉ lệ bị tăng huyết áp cao hơn. Ngoài ra, tăng huyết áp còn gặp ở những người cao tuổi ít vận động (tuổi cao, sức yếu), béo phì, có thói quen ăn mặn hoặc bị các tác động xấu về tâm lý kéo dài (trong gia đình, bạn bè, xã hội…) hoặc do yếu tố gia đình. 
Tuy nhiên, để đánh giá có bị tăng huyết áp hay không phải được đo huyết áp đúng quy định, máy dùng để do huyết áp phải là máy có độ chính xác cao (tốt nhất là máy có cột thủy ngân hoặc máy đo áp lực và có tai nghe) và phải là người biết đo huyết áp. 
Khi một người đến khám bệnh đo huyết áp thấy 140/90mmHg thì chưa nên kết luận người đó bị tăng huyết áp mà nên được kiểm tra lại vài ba kỳ trong vòng một tháng, mỗi một kỳ nên tiến hành đo ít nhất 3 lần, trước mỗi một lần đo người bị nghi tăng huyết áp đó phải được nghỉ ngơi khoảng 20 phút và trước đó không uống bia, rượu, cà phê và không hút thuốc lá.
Chế độ sinh hoạt ở người tăng huyết áp
Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp rất nghèo nàn thậm chí nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết do không có biểu hiện gì khác thường, thậm chí có trường hợp khi bị tai biến mới biết rằng mình bị tăng huyết áp. Vì vậy, người cao tuổi nên được khám sức khỏe theo định kỳ để xem có bị tăng huyết áp hay không.
Người bị tăng huyết áp thì hàng ngày không nên ăn mặn, hạn chế hoặc kiêng uống rượu bia, nhất là đối với người đã bị tăng huyết áp ở độ II hoặc độ III. Thay vì ăn thịt thì nên ăn cá do trong cá có loại protein làm giảm huyết áp và trong một tuần nên ăn nhiều cá hơn thịt (khoảng từ 3 - 4 lần). Đối với thịt đỏ (thịt trâu, bò, dê, ngựa, chó) càng hạn chế ăn càng tốt.

Rau dền tốt cho người tăng huyết áp
Rau dền tốt cho người tăng huyết áp
Chất magiê, cũng có tác dụng làm hạn chế tăng huyết áp, vì vậy, nên tăng cường ăn loại thức ăn như giá đỗ, chuối chín, đậu, đỗ, khoai sọ, ngô, khoai tây. Để hạn chế xơ vữa động mạch (vì xơ vữa động mạch làm tăng huyết áp và các nguy cơ tai biến về tim mạch) cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm có chứa chiều vitamin C, vi tamin PP như: các loại quả chín (cam, quýt, bưởi…) hoặc rau (rau dền, rau ngót, rau đay, rau sam). 
Nên tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, không nên tập những động tác mạnh, khó và tùy theo sức và điều kiện của từng người mà lựa chọn hình thức tập cho phù hợp. Mỗi một ngày nên có sự vận động cơ thể bằng mọi hình thức với thời gian khoảng từ 30 - 60 phút chia làm 2 - 4 lần.
Chế độ sinh hoạt cho người bị tăng huyết áp
Đi bộ, vừa đi vừa hít thở cũng là một hình thức tốt để vận động cơ thể. Tuy vậy, không nên tập thể dục hoặc đi bộ vào lúc trời lạnh hoặc nắng, nóng hoặc mưa. Nên chọn vị trí tập sao cho thuận tiện nhất đối với từng người. 
Không nên đi vào các đường đông xe cộ qua lại hoặc vùng có nhiều bụi băm, tiếng ồn. Những người có tuổi cao, sức yếu bị tăng huyết áp thì không nên leo trèo, không nên lên xuống cầu thang sẽ rất nguy hiểm, nếu không có người hỗ trợ.
Người bị tăng huyết áp cũng nên lưu ý là cần dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Tuyệt đối không tự động bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác để điều trị cho mình. 
Bởi vì thuốc điều trị hạ huyết áp có nhiều nhóm khác nhau, mỗi một nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau và có thể nhóm thuốc này phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia.

Theo PGS.TS Bùi KHắc Hậu - Sức khỏe và Đời sống

Chạy bộ 7 phút mỗi ngày giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim

Chạy bộ 7 phút mỗi ngày có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì bệnh tim, một nghiên cứu tiết lộ.

Nghiên cứu này tìm hiểu trên 55.000 người lần đầu tiên cho thấy những bài thể dục khỏe khoắn không nhất thiết phải mất thời gian.
Các nhà nghiên cứu theo dõi những người trưởng thành từ 18 đến 100 tuổi suốt 15 năm. Trong giai đoạn này, hơn 3000 người đã qua đời, trong đó 1217 cái chết có liên quan đến bệnh tim.
Những người chạy bộ, chỉ chiếm 1/4 tổng số này, có nguy cơ tử vong từ mọi nguyên nhân ít hơn 30% và nguy cơ chết vì bệnh tim ít hơn 45%. Tuổi thọ trung bình của những người này nhiều hơn 3 năm so với những người không tập luyện chạy bộ.
Chỉ cần chạy 7 phút mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim (Ảnh: Mirror)Chỉ cần chạy bộ 7 phút mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim (Ảnh: Mirror)
Chạy bộ chỉ ít hơn 51 phút một tuần - hoặc khoảng 7 phút một ngày - ngắn hơn 6 dặm sẽ làm giảm tỉ lệ tử vong. Và những ai chạy ít hơn 1 giờ một tuần vẫn được lợi như những người chạy đến hơn 3 giờ một tuần.
Nhà khoa học hàng đầu của nước Mỹ, tiến sĩ Duck-Chul Lee của Đại học bang Iowa nói: "Từ khi thời gian bị coi là một trong những rào cản lớn nhất để tập luyện các hoạt động thể chất, nghiên cứu này có thể khuyến khích nhiều người bắt đầu tập chạy và duy trì như một mục tiêu sức khỏe có thể đạt được."
"Chạy bộ có thể là chọn lựa thể dục tốt hơn so với những bài tập mạnh cho những người hay ở nhà, vì nó tạo ra những lợi ích về sức khỏe tương tự chỉ trong 5 đến 10 phút so với những bài tập nặng cần đến 15- 20 phút mỗi ngày."
Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí của ĐH Tim mạch Mỹ.
Christopher Allen, y tá thâm niên về tim mạch tại Viện Tim mạch Anh Quốc nói: "Bảo vệ bản thân khỏi những tình huống ảnh hưởng lớn tới cuộc sống như đau tim và đột quỵ nên là ưu tiên hàng đầu của mỗi người."
"Nhưng thực tế là không phải ai cũng sắp xếp để đạt tới 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần."
"Điều mà nghiên cứu này chứng minh là để giữ được sự năng động của thể chất, mỗi bước đều có giá trị giúp bạn giữ được trái tim khỏe mạnh."
"Chỉ cần tập luyện 10 phút mỗi ngày có thể khiến mục tiêu này dễ đạt được hơn và giúp kéo dài cuộc đời bạn vì nó giảm nguy cơ tử vong từ bệnh tim mạch."

Theo Ngọc Ánh - Gia đình Việt Nam

Mối liên hệ giữa đột quỵ não và cao huyết áp

Đột quỵ não, còn gọi là cuộc tấn công não (brain attack), xảy ra khi lượng máu đến một vùng nào đó của não bị cắt đứt.

Vì vậy, các tế bào não thiếu nhu cầu oxy và dưỡng chất để sống, tồn tại, Nếu phát hiện sớm tổn thương não có thể xẩy ra từ nhẹ đến nặng đến tổn thương vĩnh viễn.
Ở những người không kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 4-6 lần so với người bệnh thường. Theo thời gian tăng huyết áp làm xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch lớn điều này làm tắc nghẽn mạch máu nhỏ trong não. 

Cao huyết áp cũng có thể làm suy yếu mạch máu não, làm mạch máu phình to và xuất huyết. Nguy cơ tai biến có liên quan trực tiếp đến cao huyết huyết áp.
Ảnh minh họa
Đột quỵ não xảy ra như thế nào?
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ: tương tự như một cơn đau tim, ngoại trừ nó xảy ra trong các mạch máu của não. Cục máu đông có thể hình thành hoặc trong các mạch máu của não, mạch máu dẫn lên não, hoặc thậm chí các mạch máu ở nơi khác trong cơ thể mà sau đó di chuyển đến não.

 Những cục máu đông chặn lưu lượng máu đến các tế bào của não. Đột quỵ thiếu máu cục bộ cũng có thể xảy ra khi có quá nhiều mảng bám (mỡ và cholesterol) bịt kín mạch máu của não. Khoảng 80% các ca đột quỵ là đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Đột quỵ xuất huyết não: xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ. Kết quả là máu thấm vào các mô não, gây tổn thương các tế bào não. Những nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ xuất huyết là huyết áp và chứng phình động mạch não.

Dấu hiệu đơn giản để nhận biết đột quỵ não:
Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu sau đây bạn hoặc một người thân đang bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Tê đột ngột hoặc điểm yếu ở mặt, cánh tay, hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể)
Tầm nhìn đột ngột bị mờ hoặc thị lực giảm trong một hoặc cả hai mắt
Đột ngột không có khả năng di chuyển một phần của cơ thể (tê liệt)
Chóng mặt đột ngột hoặc đau đầu với buồn nôn và nôn
Khó nói hoặc hiểu lời nói hoặc câu đơn giản
Khó nuốt
Chóng mặt, mất thăng bằng, hoặc phối hợp kém
Mất ý thức
Lẫn lộn đột ngột.
Một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), thường được gọi là "cơn đột quỵ nhỏ", có thể là một cảnh báo về một cơn đột quỵ sắp xảy ra. Nó thường bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ như nhau, nhưng các triệu chứng tạm thời. 

Xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần nhất định của não bị cắt đứt trong một thời gian ngắn, thường là 15 phút hoặc ít hơn. Một TIA có thể xảy ra bất cứ nơi nào từ một vài phút đến vài tháng trước khi một cơn đột quỵ. Một TIA tuy không đau, nhưng nó là một cảnh báo rằng có các dấu hiệu bất ổn về sức khỏe nên cần được xem là nghiêm trọng như đột quỵ.


Theo Thanh Hang - Kiến thức

Hạ huyết áp theo cách tự nhiên

Bằng những thay đổi đơn giản trong cuộc sống hàng ngày có thể giúp ổn định huyết áp một cách tự nhiên và hiệu quả.

Hạ huyết áp theo cách tự nhiênMột số loại thực phẩm như cà chua có tác dụng giảm huyết áp.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng được cho là nguyên nhân khiến huyết áp tăng. Thời gian trong một ngày không đủ để giải quyết hết những công việc tồn đọng hoặc chi tiêu quá nhiều so kế hoạch đặt ra hay gặp trục trặc trong quan hệ đồng nghiệp… khiến con người bị áp lực đè nén.
Theo Amerikanki, nếu không tìm cách giảm bớt những lo âu phiền muộn này, cơ thể sẽ gặp trục trặc. Động mạch teo lại do bị áp lực từ bên trong, cũng như tim cũng khốn khổ nhiều hơn khi hoạt động trong tình cảnh này.
Thực tế có một số căng thẳng không thể tránh khỏi; tuy nhiên hãy loại bỏ bớt những gì có thể. Tập thể dục và hít thở sâu là liệu pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, tắm nước nóng, nghe nhạc êm dịu, cười sảng khoái và đặc biệt tích cực "yêu" cũng có thể hạn chế căng thẳng.
Giải độc cơ thể
Độc tố tích tụ nhiều trong cơ thể cũng là nguyên nhân gây căng thẳng. Bỏ hút thuốc và hạn chế đồ uống có cồn để cơ thể được khỏe mạnh.
Ngoài ra, cần chú ý cung cấp đủ nước cho cơ thể. Khi cơ thể không nhận đủ nước, máu trở nên đặc hơn và gặp khó khăn trong việc lưu thông. Nói cách khác, để có một trái tim khỏe mạnh, cần thường xuyên giải độc cho cơ thể cũng như làm sạch hệ thống tiêu hóa.
Thực phẩm
Sau khi căng thẳng và độc tố đã được loại bỏ, cần chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm. Cần tây, tỏi, chuối, bí, cà chua, rau xanh và sô cô la đen là những thực phẩm tuyệt vời cần bổ sung vào chế độ ăn uống cho những người cao huyết áp. Trái tim sẽ "nói" lời cảm ơn nếu bạn biết cách chọn lựa thực phẩm một cách thông minh.

Theo TNO - VTV Online

Nguyên nhân nào gây ra bệnh động mạch vành?

Khi nói về các bệnh nhiễm, chúng ta có một lập luận: một vi khuẩn = một bệnh! Trong trường hợp bệnh động mạch vành, nhiều yếu tố phối hợp lại làm hư hại các động mạch của bạn.

Các yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ tim mạch:
Yếu tố nguy cơ tim mạch đơn giản là một đặc điểm cá nhân khiến cho một ngày nào đó bạn dễ bị một tai biến tim mạch hơn.
Các yếu tố nguy cơ đã được nhận diện bởi các nghiên cứu dịch tễ. Các nghiên cứu này tìm hiểu lối sống (hút thuốc lá, thể thao, chế độ ăn…) và tình trạng sức khỏe (cân nặng, huyết áp, cholesterol) của rất nhiều người dựa vào bảng câu hỏi phỏng vấn và các khám nghiệm y khoa. Những người này sau đó được theo dõi trong nhiều năm để ghi nhận xem có điều gì xảy ra với họ.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh động mạch vành?
Nhánh động mạch vành trái bị tắc nghẽn
Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ là thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe và lối sống của những người bị tai biến tim mạch. Người ta cũng tiến hành so sánh điều gì xảy ra cho những người hút thuốc so với những người không hút thuốc, cho người quá cân so với người mảnh mai…
Xét nghiệm lipid máu bao gồm nồng độ trong máu của 4 loại chất béo: cholesterol LDL (còn được biết dưới tên gọi là "cholesterol xấu"), cholesterol HDL (còn được biết dưới tên gọi là "cholesterol tốt"), cholesterol toàn phần và triglyceride. Khi nồng độ trong máu của các chất béo này bất thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ ăn của bệnh nhân và cho bệnh nhân dùng thuốc, thường là sự giúp đỡ của một chuyên viên tiết thực.
Mảng xơ vữa:
Mảng xơ vữa là mảng lắng đọng chất béo (cholesterol). Đặc trưng của xơ vữa động mạch là sự kết hợp mảng vữa với sự xơ hóa.
Kết quả của sự kết hợp cholesterol, các tế bào và canxi là sự hình thành mảng xơ vữa động mạch ở thành động mạch. Các mảng này làm giảm thiết diện của các động mạch và làm cho các động mạch bị hẹp dần.
Mảng xơ vữa động mạch không phải bao giờ cũng phát triển từ từ, đôi khi nó có thể vỡ một cách đột ngột. Khi mảng xơ vữa ra quá trình động máu bị hoạt hóa. Quá trình này khởi đầu với sự tích tụ của các tiểu cầu là những tế bào máu đặc biệt nay tại chỗ vỡ.
Sau đó, các tiểu cầu và thành phần chất béo từ mảng xơ vữa có thể bị bong ra và gây tắc một động mạch có đường kính nhỏ hơn, tai biến này gọi là thuyên tắc mạch. Hoặc một cục máu đông có thể được tạo thành ngay chỗ mảng xơ vữa và đột ngột làm tắc nghẽn động mạch, tai biến này gọi là huyết khối. Sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch là kết hợp mảng vữa với sự xơ hóa.
Các mảng xơ vữa động mạch, nhất là khi chúng bị vỡ, gây ra hầu hết các tai biến tim mạch, hoặc do hiện tượng tắc nghẽn động mạch nơi có mảng vữa hoặc do hiện tượng thuyên tắc một động mạch nhỏ hơn ở hạ lưu dòng máu. Tai biến có thể xảy ra ở một động mạch vành (hội chứng động mạch vành cấp), ở một động mạch não (tai biến mạch máu não dạng thiếu máu cục bộ) hoặc ở một động mạch chi (thiếu máu cục bộ cấp của chi).
Ai có khả năng bị bệnh mạch vành?
Hút thuốc lá: làm tăng đáng kể nguy cơ của bạn (không chỉ là nguy cơ bị một tai biến tim mạch mà cả nguy cơ bị ung thư phổi, ung thư miệng hoặc hầu, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư bọng đái…).
Lối sống ít vận động thể lực: những người không vận động thể lực thường xuyên, ví dụ đi bộ nhanh ít nhất một lần mỗi tuần, có tuổi thọ ngắn hơn những người thường xuyên vận động thể lực.
Tăng cholesterol máu: nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh một cách thuyết phục tác động có hại của cholesterol. Nguy cơ bị các tai biến tim mạch tăng khi mức cholesterol trong máu cao hơn 1,8 - 2g/l.
Ở người lớn, nếu mức cholesterol trong máu cao hơn 10% trị số bình thường nguy cơ bị một tai biến tim mạch tăng 30%. Đôi khi cần phải làm một xét nghiệm lipid máu chi tiết chứ không dừng ở việc đo nồng độ cholesterol toàn phần. Việc diễn giải kết quả lipid máu chi tiết là một công việc phức tạp.
Ngoài ra, những người béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường… cũng có nguy cơ bệnh mạch vành.
Làm thế nào để phát hiện bệnh mạch vành?
Để biết cơn đau ngực của bạn có phải do bệnh động mạch vành hay không bác sĩ của bạn có thể làm thêm một số khám nghiệm bổ sung. Các khám nghiệm đơn giản nhất sẽ kiểm tra xem dấu hiệu thiếu máu cục bộ có lộ rõ hay không khi tim của bạn phải đáp ứng với một sự gắng sức thể lực.
Điện tim:
Nếu trước đây bệnh nhân chưa từng bị nhồi máu cơ tim, điện tim ghi ngoài cơn đau ngực thường là bình thường. Chỉ có trên điện tim ghi trong cơn đau ngực người bác sĩ tim mạch mới có thể thấy được những bất thường chứng tỏ sự hiện diện của thiếu máu cục bộ và vị trí thiếu máu cục bộ.
Nghiệm pháp gắng sức:
Nội dung của nghiệm pháp gắng sức là ghi điện tim khi đang gắng sức. Nghiệm pháp này được thực hiện trên một chiếc xe đạp gọi là xe đạp "đo năng lượng" (giống như một chiếc xe đạp luyện tập thể lực) hoặc trên một tấm thảm lăn có vận tốc lăn và độ dốc có thể điều chỉnh được. Cường độ gắng sức được tăng dần cho đến khi tần số tim của bạn đạt mức độ tối đa hoặc cho đến khi xuất hiện đau nhực hoặc xuất hiện các bất thường trên điện tim.

Theo PGS.TS. BS. Nguyễn Hoài Nam - Sức khỏe và Đời sống

Thực phẩm ngừa xơ cứng động mạch

Xơ cứng động mạch là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim do các động mạch bị thu hẹp bởi sự tích lũy chất béo trên thành động mạch, khiến máu, oxy không cung cấp đủ đến cơ thể.

Bên cạnh đó, tình trạng xơ cứng động mạch còn làm mất dần tính đàn hồi của thành động mạch, dẫn đến làm suy yếu toàn bộ hệ tuần hoàn.
Ngoài uống thuốc, có thể phòng ngừa bệnh tim mạch bằng thực phẩm như cá, tỏi
Theo đánh giá của giới chuyên môn, xơ cứng động mạch là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể gây ra hàng lọat các biến chứng nguy hiểm về tim mạch như đau thắt ngực, ngưng tim, rối loạn nhịp tim và đột quỵ. Những người có triệu chứng xơ cứng động mạch cần được điều trị ngay lập tức và lâu dài.
Để khắc phục tình trạng xơ cứng đông mạch, theo các chuyên gia, ngoài việc sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm dưới đây:
Để ngừa chứng xơ cứng động mạch, bạn nên bổ sung cá, đặc biệt là các loại cá dầu, vào chế độ ăn hàng ngày. Vì cá dầu giàu axit béo omega-3 - một trong những chất béo thiết yếu có thể đánh tan các mảng bám hình thành trên thành động mạch. 
Bên cạnh đó, axít béo omega-3 còn có tác dụng giúp giảm huyết áp và cholesterol có hại (HDL), đồng thời kích thích quá trình tổng hợp cholesterol tốt (LDL) cũng như tăng cường quá trình tuần hoàn máu và oxy trong cơ thể.
Tỏi
Tỏi được chứng minh có các đặc tính dược lý tuyệt vời, như chống viêm, chống nấm, kháng sinh, chống oxy hóa, giúp làm sạch và cải thiện chức năng các động mạch, tăng cường lưu thông máu. 
Ngoài ra, tỏi còn chứa hợp chất lưu huỳnh, có công dụng giúp loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi cơ thể và ngăn chặn sự hình thành cholesterol xấu (HDL) đồng thời cải thiện mức cholesterol tốt (LDL), giúp tăng cường quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể.
Cam
Cam có nhiều đặc tính chữa bệnh, đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị chứng xơ cứng động mạch bằng cách giảm sự hình thành của cholesterol và các mảng bám trên thành động mạch, giúp tăng lưu lượng máu đến tim và các cơ quan khác trong cơ thể. 
Bên cạnh đó, cam còn có tác dụng tăng cường độ đàn hồi của các động mạch và tiêu hủy chất béo trong cơ thể, giúp ngừa nguy cơ xơ cứng động mạch.
Táo
Nghiên cứu cho thấy, các enzyme đặc biệt chứa trong táo có tác dụng ngăn cản sự hình thành của các mảng bám trên thành động mạch, vốn là tác nhân gây tắc nghẽn động mạch. Bên cạnh đó, táo còn chứa các chất dinh dưỡng và chất xơ, giúp phá vỡ sự trao đổi chất của cholesterol và làm sạch các động mạch, giúp tăng cường quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể.
Trà thảo dược
Theo các chuyên gia, các thành phần chống oxy hóa chứa trong trà thảo dược có thể giúp cải thiện quá trình lưu thông máu và giảm huyết áp, nhờ thế có thể giúp bảo vệ cơ thể trước những tác động xấu của các chất độc hại và các gốc tự do. 
Bên cạnh đó, khi bạn tiêu thụ thường xuyên các loại trà thảo dược như trà chanh, trà xanh, trà gừng… hai lần/ ngày còn giúp ngăn ngừa nguy cơ các bệnh lý về tim mạch.

Theo Nguyễn Niệm - Phụ nữ thành phố/ Homeremedies

Người suy tim nên ăn thế nào?

Suy tim là trạng thái bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể về mặt ôxy trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị suy tim tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu nguyên tắc ăn uống cho người bệnh suy tim để bạn đọc áp dụng khi cần thiết.

Người suy tim nên ăn thế nào?
Hạn chế lượng muối cho vào món ăn với bệnh nhân suy tim.
Suy tim có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: chỉ biểu hiện khó thở khi gắng sức, mạch nhanh > 90 lần/phút.
Giai đoạn 2: Khó thở thường xuyên, gan to, phù 2 chi dưới.
Giai đoạn 3: Các triệu chứng trên rất rõ, có khi có cổ trướng, tràn dịch màng phổi, nhưng còn khả năng hồi phục.
Giai đoạn 4: Suy tim không còn khả năng hồi phục.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn
Quan trọng nhất là giảm muối và nước:
• Nước: Số lượng nước uống ngoài bữa ăn = số lượng nước tiểu 24h + 300ml
• Muối: hạn chế để giảm phù, giảm số lượng huyết lưu thông, thận tăng bài tiết các chất thải của chuyển hoá các chất sinh nhiệt.
Giảm năng lượng: năng lượng của khẩu phần không nên vượt quá 1.500kcal để nương nhẹ bộ máy tiêu hóa và giảm công việc của tim khi các chất dinh dưỡng được hấp thu vào máu.
Giảm số lượng protein: protein làm chuyển hóa cơ bản, tăng lưu lượng máu và làm mệt tim. Không nên ăn quá nhiều chất đạm. Nên dùng đạm dễ hấp thu (trứng, sữa tốt hơn thịt).
Gluxit là nguồn năng lượng của chế độ ăn: glucid rất tốt cho cơ tim, nhất là glucose còn có tác dụng khá tốt trong các bệnh mạch vành hoặc rối loạn nhịp tim. Dùng nhiều đường đơn dễ hấp thu như đường mật, quả ngọt rất tốt.
Người suy tim nên ăn thế nào?
Nên dùng các thức ăn gây kiềm có nhiều kali lợi tiểu rất tốt như sữa, rau, quả để chống lại tình trạng toan của cơ thể.
Không dùng các loại rau sống gây nhiều hơi trướng bụng như rau cải, đậu đỗ, các thức ăn lên men. (Khi trướng bụng sẽ đẩy cơ hoành lên và ảnh hưởng tới tim).
Hạn chế các thức ăn kích thích thần kinh như gia vị, rượu, chè, cà phê. Tránh dùng những thức ăn khó tiêu (thịt để dành lâu, bánh ngọt có trứng, đồ hộp, thịt muối).
Lưu ý: Không uống trong bữa ăn mà uống ngoài bữa ăn. Sau khi ăn, nghỉ từ 30-40 phút. Bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm. Trước và sau khi ăn phải có thời gian cho bệnh nhân nghỉ.

Theo ThS.BS. Lê Thị Hải - Sức khỏe và Đời sống

Phát hiện nguyên nhân tăng nguy cơ bệnh tim ở người cao tuổi

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Florida (Mỹ) vừa khám phá ra rằng, hiện tượng tự sát của tế bào chính là thủ phạm khiến tim của sinh vật cao tuổi dễ nhiễm bệnh.

Cơ chế tự sát có vai trò quan trọng trong việc sa thải những tế bào "xấu" - như tế bào ung thư chẳng hạn - nhưng theo thời gian, nó cũng góp phần làm suy yếu chức năng tim mạch.
Khi tự sát, tế bào ngừng mọi chức năng, co lại và tự tiêu hủy. Rất khó xác định chính xác số lượng tế bào mất đi theo kiểu này. Tuy nhiên, theo ước tính, đàn ông có tuổi khỏe mạnh, không mắc bệnh tim hoặc cao huyết áp bị mất khoảng 30% tế bào tim. Đó là do cơ thể họ giải phóng quá nhiều cytochrome, chất trực tiếp tham gia vào quá trình tự sát của tế bào.
Ở những người trẻ tuổi, quá trình tự sát này được kiểm soát rất chặt chẽ, khiến tim không mất quá nhiều tế bào.

Theo Tuổi Trẻ

Huyết áp thấp: Nguyên nhân và phòng ngừa

Chỉ số huyết áp (HA) nếu như chỉ số tối đa dưới mức 9mmHg hoặc giảm 2mmHg so với HA bình thường.


Trẻ em hoặc người lớn đều có thể bị HA thấp. Chỉ số HA ở trẻ nhỏ thấp hơn HA ở người lớn. HA thấp hay gặp ở phụ nữ, người gầy ốm, thiếu máu, ăn kém, bị nhiễm trùng cấp tính... và yếu tố di truyền. Nguyên nhân của HA thấp có thể do:

- Suy giảm hoạt động của tuyến giáp làm cơ thể bị thiếu hụt hormone.

- Nếu hàm lượng đường trong máu giảm dưới mức 2,5mmol/l, cơ thể có cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi.
- Tình trạng thiếu máu có lượng hemoglobin thấp dưới mức 9g/dl máu. Lượng hemoglobin thấp khiến lượng oxy vận chuyển tới não và tim suy giảm, gây choáng váng, hoa mắt, chóng mặt.
- Nếu tim đập dưới 60 nhịp/phút thì sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể.
- Stress và di truyền.
- Sự tự điều chỉnh của hệ thần kinh tự động trong cơ thể kém.
Đa số trường hợp HA thấp mạn tính thường người bệnh đã quen với mức HA thấp nên sẽ không có dấu hiệu rõ rệt hoặc cũng không biết mình bị HA thấp. Các triệu chứng của bệnh HA thấp có thể xuất hiện thường xuyên hay đột xuất tùy vào nguyên nhân, như: bệnh nhiễm trùng, bị stress hay ăn kém... Các dấu hiệu cảnh báo là:

- Cảm giác mệt mỏi, mệt lả và muốn được nghỉ ngơi

- Hoa mắt, chóng mặt
- Buồn nôn
- Khó tập trung và dễ nổi cáu
- Suy giảm khả năng tình dục
- Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc
- Vã mồ hôi nhưng vẫn thấy lạnh
- Thở dốc, nhất là sau khi leo cầu thang hay làm việc nặng. 

Khi bệnh nhân tụt HA nhiều lần, hệ thống thần kinh suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận, gây tổn thương các cơ quan này.

Nếu bệnh HA thấp không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận..., thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp HA thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%.

Tụt HA cấp tính có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi lái xe, làm việc trên tầng cao... Nếu HA thấp kéo dài, còn làm cho thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.
Cần khắc phục các nguyên nhân dẫn đến HA thấp và tập thể dục để tăng cường sức chịu đựng và thích nghi của cơ thể với HA thấp, bằng cách:
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, tình trạng bệnh lý cũng như điều kiện, hoàn cảnh, thời gian. Trung bình mỗi ngày nên tập ít nhất 30 - 45 phút, trong 5 - 7 ngày/tuần.
- Nên ăn đủ các bữa chính trong ngày, nhất là bữa sáng vì rất quan trọng. Các bữa chính cần ăn đủ no với những thực phẩm tốt cho tim mạch như ngũ cốc, đậu, cá, dầu thực vật, rau củ và các loại trái cây, nước ép nên cho thêm một chút muối...
- Có thể ăn hơi mặn hơn người bình thường một chút.
- Nên ăn các thực phẩm giàu chất sắt bổ máu là thịt, cá, gan, huyết, trứng, đậu đỗ, cùng với các thực phẩm giàu vitamin C như rau sống, trái cây tươi để tăng hấp thu chất sắt.
- Cần uống đủ nước hằng ngày, uống thường xuyên và không đợi đến khi khát mới uống, nhất là khi ra mồ hôi nhiều. Ngoài ra, nên uống thêm nước lọc khi uống bia, rượu.
- Khám sức khỏe định kỳ và hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc và đủ thời gian.
- Nước tăng lực, nước uống có cồn, cà phê, trà đặc cũng có những đóng góp tích cực đối với việc xử lý tạm thời chứng HA thấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Sử dụng nước tăng lực như thế nào?
Nhiều người bị HA thấp thường uống nước tăng lực vì cho là rất tốt. Trong thành phần nước tăng lực có nhiều đường và cafein, nên khi uống vào sẽ làm tăng đường huyết, kích thích thần kinh, tim mạch khiến người uống cảm thấy khỏe, tỉnh táo và hưng phấn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng những loại nước uống này. Người bệnh tiểu đường không được dùng nước tăng lực, trừ trường hợp cấp cứu hạ đường huyết.
Trẻ em và những người nhạy cảm với cafein cũng không nên dùng vì có thể gây mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực... Người trưởng thành bình thường có thể sử dụng nước tăng lực trong trường hợp đói, khát, mệt mỏi, buồn ngủ mà không có thời gian để ăn hoặc nghỉ ngơi. 
Nhưng cũng không nên dùng nhiều lần trong ngày hay dùng thường xuyên trong tuần vì đường trong nước tăng lực là loại đường hấp thu nhanh, mà theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 20g đường tinh, tương đương 4 muỗng cà phê, kể cả đường pha nước chanh, trong chè, đường kho cá, ướp thịt, nêm canh chua...
Nếu dùng nhiều đường tinh chế dạng này trong thời gian dài thì có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng triglyceride - một dạng mỡ trong máu, thoái hóa mạch máu, xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường...
Không nên quan niệm nước tăng lực là nước bổ dưỡng giúp phòng chống suy dinh dưỡng vì thành phần dinh dưỡng không thể cân đối và đầy đủ như một bữa cơm với món mặn, món rau.

Theo B Đào Thị Yến Thủy - Doanh nhân Sài Gòn

Thêm một tác dụng tuyệt vời của sữa chua mà ít người biết

Ăn sữa chua chứa probiotic thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Các vi sinh vật sống được tự sản sinh trong ruột giúp giữ cân bằng đường ruột. Nhưng chúng cũng thường được tìm thấy trong sữa chua và chế độ ăn uống bổ sung.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Griffith và Đại học Y tại Úc kiểm tra dữ liệu từ 9 nghiên cứu liên quan đến hơn 540 người tham gia. Họ phát hiện ra rằng tiêu thụ các vi khuẩn sống giúp giảm mức huyết áp của người dân - đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao hơn. Chế phẩm sinh học với nhiều loài vi khuẩn này cũng đem lại hiệu quả hơn so với sản phẩm chỉ chứa một loại vi khuẩn duy nhất.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hypertension.

Thêm một tác dụng tuyệt vời của sữa chua mà ít người biết 1Các vi sinh vật sốngcũng thường được tìm thấy trong sữa chua và chế độ ăn uống bổ sung. Ảnh minh họa

Tác giả của cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Jing Sun cho biết: "Nhóm các nghiên cứu này đã cho thấy nên thường xuyên tiêu thụ sữa chua chứa probiotictrong chế độ ăn uống hàng ngày để giúp làm giảm huyết áp cao, cũng như duy trì mức huyết áp khỏe mạnh. Các chế phẩm sinh học này có trong sữa chua, sữa và pho mát lên men chua... giúp bổ sung probiotic".

Mặc dù những lợi ích của việc bổ sung probiotic được xác định đối với huyết áp, tim mạch... nhưng nghiên cứu cũng cho rằng việc bổ sung chúng ít hơn 8 tuần không có tác dụng đến huyết áp.

Tiến sĩ Sun nói thêm: "Chúng tôi tin rằng chế phẩm sinh học có thể giúp hạ huyết áp bằng cách tác động tích cực đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả việc cải thiện cholesterol, giảm lượng đường trong máu và kháng insulin; và bằng cách giúp đỡ để cân bằng hệ thống hormone để điều chỉnh huyết áp và cân bằng chất lỏng".

Bà cho biết nghiên cứu bổ sung cần thiết được thực hiện trước khi các bác sĩ có thể tự tin giới thiệu chế phẩm sinh học hoàn toàn có thể giúp kiểm soát và phòng ngừa huyết áp cao.

Thêm một tác dụng tuyệt vời của sữa chua mà ít người biết 2Ăn sữa chua chứa probiotic thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Ảnh minh họa

Đánh giá về nghiên cứu, Victoria Taylor, Chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Tổ chức Tim mạch Anh, cho biết: "Cao huyết áp đặt bạn vào nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm đau tim và đột quỵ, vì vậy điều quan trọng là chúng ta làm tất cả những gì có thể để giữ mức huyết áp ổn định. 

Trong khi đây là một đánh giá thú vị của nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhưng vẫn còn quá sớm để bắt đầu giới thiệu chế phẩm sinh học với mục đích làm giảm huyết áp".

"Chúng tôi cần nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện này. Trong khi đó, một số thay đổi về lối sống cũng có thể giữ cho huyết áp của chúng ta khỏe mạnh. Ăn ít muối, nhiều trái cây và rau quả, vận động cơ thể và duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là tất cả những thứ cần làm để tốt cho huyết áp của bạn", bà Taylor nói thêm.


Theo T.L - Trí thức trẻ