Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Cách nào ít vận động mà tim vẫn khỏe?

• Ăn vặt lành mạnh: Bạn và đồng nghiệp thường ưa thích bánh ngọt, nước ngọt có gas, cà phê hay ăn thức ăn nhanh cao năng lượng để giải quyết cơn đói? Hãy nhớ nguyên tắc: Muốn có một cuộc sống lành mạnh, hãy ăn uống lành mạnh. Thí dụ, thay vì chọn ăn những thực phẩm chứa chất béo không tốt cho cơ thể, hãy chọn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như các loại hạt, dầu oliu, dầu cá, dầu hạt lanh, bơ…
• Ăn ít muối: Các thức ăn chế biến sẵn phục vụ cho dân văn phòng thường chứa rất nhiều muối.
• Hạn chế ngồi: Dù bạn có tập luyện thể thao thế nào đi nữa cũng không đủ sức xoay chuyển tác hại của việc ngồi lỳ trong văn phòng giờ này sang giờ khác. Hãy nhớ đứng lên sau 1-2 giờ ngồi, trong lúc ngồi thỉnh thoảng hãy kéo căng cơ thể. Giữ cơ thể năng động là cách giảm rủi ro bị bệnh tim.
• Tránh khói thuốc: Một giờ hít khói thuốc có tác hại đẩy nhanh lão hóa bằng việc hút 1-4 điếu thuốc. Vì thế không cho phép hút thuốc trong không gian làm việc.
• Tránh căng thẳng: Vì căng thẳng gây áp lực lên tim. Căng thẳng thường xuyên là một trong những lý do chính dẫn đến lên cơn đau tim.
• Hít thở sâu, đều đặn: Đừng vì công việc bận rộn mà quên mất việc hít thở sâu.
• Uống đủ nước: Không chỉ giúp bảo vệ tim mà còn giúp tránh một số bệnh ung thư ruột kết, vú, bàng quang. 



Cách nhận diện cơn đau tim trước 1 tháng

Theo các chuyên gia sức khỏe, một trong những nguyên nhân chính gây tử vong sớm ở Mỹ là bệnh đau tim. Những căng thẳng của cuộc sống và các loại thực phẩm độc hại đã góp phần gây ra căn bệnh nguy hiểm này trong nhiều năm qua.
Một lối sống lành mạnh và cố gắng giảm thiểu những căng thẳng trong cuộc sống có thể giúp bảo vệ bạn tránh khỏi những cơn đau tim. Thậm chí, bạn còn có thể nắm bắt được các triệu chứng của một cơn đau tim từ trước đó một tháng.
Cách nhận diện cơn đau tim trước 1 tháng ai cũng nên biết
1. Mệt mỏi
Khi các động mạch bị thu hẹp hơn, tim của bạn sẽ nhận ít máu hơn so với nhu cầu cần sử dụng. Điều này khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn bình thường và gây ra cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ.
2. Khó thở
Khi trái tim của bạn nhận được ít máu hơn, bộ phận phổi sẽ không có khả năng nhận được nhiều oxy như bình thường. Vì hai cơ quan này có những phụ thuộc nhất định vào nhau nên chúng sẽ có các tác động qua lại nếu một trong hai gặp phải rắc rối nào đó. Nếu bạn bị khó thở, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ càng sớm càng tốt. Rất có thể, một cơn đau tim đang tìm đến bạn.
3. Cơ thể yếu đi
Khi cơ thể bạn trở nên yếu ớt hơn, nguyên nhân có thể vì các động mạch trở nên hẹp hơn khiến máu không lưu thông đúng cách. Các cơ bắp sẽ không nhận được năng lượng đầy đủ mà chúng cần và tình trạng này có thể làm bạn suy sụp bất cứ lúc nào.
4. Chóng mặt và lạnh toát mồ hôi
Việc lưu thông máu kém cũng khiến lưu lượng máu chảy đến bộ não của bạn bị hạn chế. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng con người. Chóng mặt sẽ là triệu chứng đầu tiên mà bạn gặp phải. Bên cạnh đó, bạn còn có thể bị lạnh toát mồ hôi.
5. Đau ngực
Bệnh nhồi máu cơ tim có thể gây ra những triệu chứng ban đầu là cảm giác khó chịu ở ngực, đau nhẹ hoặc cảm thấy như bị vật nặng nào đó đè lên. Triệu chứng này sẽ liên tục tăng cho đến khi cơn đau tim thực sự xảy ra.
6. Các triệu chứng cúm hoặc cảm lạnh
Cúm hoặc cảm lạnh thường xảy ra do thời tiết và sức đề kháng kém ở con người. Nhưng đôi khi, chúng cũng là dấu hiệu của một cơn đau tim đang đến gần. Nhiều người có thể bị cảm lạnh chỉ vài ngày trước khi bị đau tim.
Cách xử lý:
Nếu bạn hoặc người thân có những triệu chứng trên, hãy dành thời gian đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất để ngăn chặn cơn đau tim là nhận thức được các triệu chứng sớm này và có biện pháp phòng ngừa.



Chế độ ăn dành cho người điều trị suy tim


Ở những người mắc bệnh suy tim cần tăng cường ăn nhiều rau quả để tạo môi trường kiềm, chống lại tình trạng toan của cơ thể bởi trong rau quả chứa nhiều kali nên có tác dụng lợi tiểu và tốt cho bệnh nhân suy tim. 
Nguyên tắc ăn uống cho người bị suy tim
- Nguyên tắc quan trọng dành cho người bị suy tim và đang điều trị suy tim là giảm lượng muối và nước đưa vào cơ thể. Khi lượng muối được hạn chế đưa vào thì cơ thể giảm phù, giảm lượng huyết lưu thông và tăng bài tiết các chất thải. 
- Số lượng nước uống ngoài bữa ăn bằng số lượng nước tiểu trong 24h cộng thêm 300 ml.
Chế độ ăn dành cho người điều trị suy tim - Ảnh 1Người điều trị suy tim nên ăn nhạt hoàn toàn (Ảnh minh họa)

- Lượng muối tối đa cho 1 ngày là từ 0,2 đến 0,5g.
- Không dùng mỳ chính, bột canh để chế biến thức ăn cho người bị suy tim bởi trong đó có chứa nhiều natri dưới dạng natri glutamat có hại cho tim. 
- Chọn thực phẩm ít natri như gạo trắng, khoai củ, rau, quả ngọt, thịt, cá, trứng ăn cả lòng trắng.
- Sữa nguyên kem, đồ hộp, các thức ăn nướng, rán, xào, muối, ướp, bánh mỳ cũng không nên đưa vào sử dụng vì chứa nhiều muối.
Đối với chế độ ăn nhạt vừa thì không dùng thức ăn giàu muối như bánh mỳ, sữa nguyên kem, đồ nướng, ướp sẵn,...
Chế độ ăn nhạt hẳn, nhạt vừa hay không tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng mà áp dụng, bên cạnh đó còn dựa theo đáp ứng của từng người bệnh để thay đổi từ chế độ này sang chế độ khác.

Chế độ ăn dành cho người điều trị suy tim - Ảnh 2Thực đơn dinh dưỡng cho người điều trị suy tim bạn có thể tham khảo (Ảnh: báo Sức khỏe và đời sống)

Tổng số năng lượng/ngày nên có cho:
+ Chế độ ăn nhạt hoàn toàn: 1.200kcal
+ Chế độ ăn nhạt: 1.400kcal
+ Chế độ ăn nhạt vừa: 1.600kcal.



Sống ở nhà chọc trời dễ chết vì ngừng tim


Nhóm tác giả đã theo dõi 8.000 ca tim ngừng đập được các nhân viên y tế cấp cứu tại thành phố Toronto và các vùng lân cận từ tháng 1/2007 đến năm 2012.
Càng sống ở tầng cao, tỉ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch càng cao
Được xuất bản trên tạp chí Canadian Medical Association Journal, các tác giả của nghiên cứu này kết luận: Càng sống ở những căn hộ trên cao thì khả năng chết vì ngừng tim, đau tim gây ra càng cao.
Nguyên nhân rất đơn giản. Các nhân viên y tế không thể nào lên được những tầng chót vót kịp thời để sử dụng máy khử rung tim hoặc điều trị kịp thời cho những trường hợp liên quan đến tim.
Nghiên cứu theo dõi những người mắc bệnh tim đang sống tại trung tâm thành phố Toronto, Canada đã cho thấy, tỷ lệ tử vong đối với những người sống từ tầng 16 trở lên cao gấp 5 lần những người sống ở căn hộ tầng 2 hoặc tầng trệt, và không một ai sống sót khi sống ở tầng 25 trở lên.
Thang máy ngừng hoạt động, khoảng cách từ xe cứu thương với người bệnh quá xa đều khiến cho thời gian người bệnh được đưa đến bệnh viện bị kéo dài và thời gian phục hồi của bệnh nhân cũng lâu hơn.




Vì đâu mà em hay bị giảm trí nhớ, chậm tiếp thu?


Cao huyết áp là một căn bệnh phổ biến nhưng không nhiều người thực sự hiểu về nó. Theo Men's Health, huyết áp vượt qua chỉ số thông thường là 120/80 chứng tỏ bạn đã có vấn đề. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 95% người trên 55 tuổi bị cao huyết áp, bất kể nam hay nữ. Không điều trị cao huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí là đột quỵ.
dau-hieu-canh-bao-ban-sap-bi-cao-huyet-ap
Ảnh: goredforwomen.org
Để ngăn ngừa những hậu quả trên, hãy bắt đầu lắng nghe cơ thể mình và lưu ý những dấu hiệu dưới đây.
Khó thở
Thở dốc sau khi tập chạy không phải điều đáng lo. Nếu khó thở nhiều hơn bình thường, tim bạn đang bất ổn mà nguyên nhân có thể do huyết áp tăng.
Đỏ mặt
Đỏ mặt là hiện tượng hay gặp song cũng cảnh báo tăng huyết áp. Biểu hiện động mạch chủ bị thu hẹp, ngăn cản dòng chảy của máu từ tim thường tập trung ở phần thân trên, trong đó có khuôn mặt.
Chóng mặt, đau gáy
Dù không trực tiếp gây ra nhưng tăng huyết áp được cho liên quan đến chứng đau đầu và đau gáy.
Tiểu ít
Phần lớn cơ chế điều chỉnh huyết áp thực sự nằm trong thận. Thận giữ lại nhiều chất lỏng dẫn đến tăng huyết áp. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nếu natri dư thừa không được thận loại bỏ, cơ thể sẽ giữ lại nước thừa. Lúc này, khối lượng máu sẽ tăng lên, kết quả là tăng huyết áp.


Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

9 triệu chứng báo động tim của bạn đang gặp nguy


Các triệu chứng của bệnh tim rất khó cảm nhận và các bác sĩ mong muốn bệnh nhân của mình luôn phải cảnh giác với các dấu hiệu báo trước có thể của bệnh này.

Dưới đây là 9 triệu chứng có thể của bệnh tim bạn không nên bỏ qua mà nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

1. Đau ngực

Đau ngực là triệu chứng thường gặp của bệnh tim (nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ), đây là triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp nhồi máu cơ tim đều gây ra đau ngực, và ngược lại đau ngực có thể do nguyên nhân từ bệnh ngoài tim, như bệnh của phổi, thành ngực, tiêu hóa...

Đau ngực do tim thường có đặc điểm: đau thường ở giữa ngực, dưới xương ức, có thể hơi lệch sang trái một ít. Đau tức ngực thường làm cho người đó cảm cảm giác bị đè ép, thắt chặt hoặc khó chịu. Tập thể dục, cảm xúc mạnh mẽ, hoặc căng thẳng quá độ cũng có thể là nguyên nhân gây đau ngực.

Từng cơn đau rất ngắn kéo dài 5-10 giây nhưng không gây đau thắt có thể không liên quan đến bệnh tim mà có nhiều khả năng do bị đau cơ xương.

Tốt nhất, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào gây đau tức ngực thì bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe của mình.

dấu hiệu tim gặp nguy
2. Khó thở

Cảm giác hết hơi không thở được nữa khi ngồi nghỉ hoặc khi gắng sức nhẹ cũng là biểu hiện của bệnh phổi như suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khó thở cũng có thể gặp ở người ít đi lại hoặc người béo, người trong tình trạng lo lắng, thiếu máu và nhiều bệnh khác.

Mặc dù vậy,  khó thở cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim, suy tim. Thường sau các cơn đau ngực , người bệnh sẽ thấy xuất hiện những cơn đau lan đến vai, cánh tay, và lưng. Nhồi máu cơ tim thường có liên hệ với đau cánh tay, có thể đau cả hai bên hoặc giữa hai xương bả vai.

Sau khi hoạt động, nếu thấy khó thở kéo dài hơn năm phút bạn cần phải đặc biệt chú ý đấy nhé!

3. Mất ý thức

Mất ý thức thường là kết quả của việc máu cung cấp đến não không đủ dẫn tới ngất xỉu. Lúc này bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh hoặc nặng hơn nữa là bất tỉnh.

Nhồi máu cơ tim có thể gây choáng váng và mất ý thức, ngoài ra chóng mặt còn do nguyên nhân rối loạn nhịp tim gây ra. Nếu bạn có vấn đề về tim, mất ý thức thường xảy ra nhanh chóng và không có các biểu hiện báo trước. Bởi vậy, đừng bao giờ bỏ qua triệu trứng này khi bạn gặp phải nó.

4. Trụy tim mạch

Không có triệu chứng nào khủng khiếp hơn trụy tim mạch. Trụy tim mạch hay còn được gọi với là “đột tử do tim” là một thuật ngữ trong y học chỉ tình trạng tim ngừng đập trong một khoảng thời gian nhất định nhưng cũng có thể dẫn đến ngừng đập hẳn. Trụy tim mạch sẽ đưa đến tình trạng mất tri giác, nhưng nạn nhân sẽ ngưng thở, không có mạch đập, trái với nạn nhân khi bị co giật và ngất xỉu vẫn có mạch đập và tiếp tục thở.

Trụy tim mạch có thể xảy ra như một biến chứng ở người đã biết mắc bệnh tim mạch, nhưng đôi khi có thể là triệu chứng đầu tiên của cơn đau tim cấp hay rối loạn nhịp tim. Khi trụy tim mạch xảy ra, cần hồi sức cấp cứu ngay trong vòng vài phút đầu tiên, nếu không sẽ không tránh được tử vong.

dấu hiệu tim gặp nguy
5. Cảm giác đánh trống ngực

Đánh trống ngực là cảm giác khó chịu khi tim đập mạnh hoặc tim đập dồn dập trong lồng ngực, có thể chỉ do bạn đang lo lắng vấn đề gì đó hoặc do vừa vận động thể lực căng thẳng, kéo dài như chạy, đua xe, bơi… Nó được mô tả một cách đặc trưng như là cảm giác có một nhịp tim bị bỏ qua, một nhịp tim nhanh lên hay cảm giác lâng lâng của tim.
Khi nào cảm giác đánh trống ngực có đi kèm cảm giác đau đầu hay mất tri giác thì khi đấy lại có thể là dấu hiệu của cơn đau tim, tăng huyết áp hay rối loạn nhịp tim…

Thường thì các nguyên nhân đơn giản của cảm giác đánh trống ngực có thể biến mất nhờ ngủ nhiều hơn, uống ít cà phê hay thức uống có chứa cafein, giảm uống rượu, hay cố gắng làm giảm stress trong cuộc sống. Nhưng dù thế nào bạn vẫn phải nhớ phải đi khám bác sĩ.

6. Phù

Phù là sự tích tụ dịch bất thường trong cơ thể gây ra sưng (thường ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, hoặc bụng) và nó có nhiều nguyên nhân. Vị trí và phân bố của sưng phù rất có ích để xác định nguyên nhân.

Phù ở chân thường là đặc điểm của suy tim hay các bệnh lý của tĩnh mạch chân.

Phù do nguyên nhân tim thường có tính đối xứng (ở cả hai chân). Nếu phù do ứ dịch ở phổi (phù phổi) thì triệu chứng điển hình là khó thở, triệu chứng này cũng là điển hình ở bệnh nhân suy tim nên cần phải khảo sát toàn diện hệ tim để xác định bệnh.

7. Da xanh xao

Tím tái, sự đổi màu của da do không đủ oxy trong máu, vừa là triệu chứng vừa là một dấu hiệu. Người bị suy tim thường có biểu hiện tím tái. Có hai dạng tím tái đó là tím trung ương và tím ngoại vi.

Tím trung ương là khi máu tĩnh mạch và máu động mạch bị trộn lẫn với nhau ngay trong tim do một luồng thông bẩm sinh nằm giữa tim trái và tim phải hoặc do khuyết tật di truyền tạo nên một buồng tim chung (máu động mạch có màu đỏ tươi do giàu ôxy còn máu tĩnh mạch có màu đỏ thẫm do đã nhường ôxy cho cơ thể).

Tím trung ương cũng có thể do một bệnh lý phổi đang tiến triển như khí phế thũng ngăn cản ôxy hoà tan vào máu động mạch. Tím trung ương xuất hiện quanh kết mạc mắt, niêm mạc ở trong họng và lưỡi.

Tím ngoại vi là dạng tím thường xảy ra do sự ứ trệ tuần hoàn hoặc trao đổi khí kém và được biểu hiện ra bên ngoài ở những vùng da hở như đầu ngón tay, cằm, mũi và môi… Cho dù là dạng tím tái nào thì đây cũng là một triệu chứng cần trao đổi ngay với bác sĩ.

dấu hiệu tim gặp nguy
8. Ho hoặc ho ra máu

Ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý như ung thư, dị ứng... Ho kéo dài dai dẳng hoặc khò khè còn có thể là triệu chứng của suy tim. Suy tim dẫn đến ứ dịch ở phổi, gây ra hai triệu chứng này. Hãy đi khám bác sĩ nếu ho kéo dài hoặc không giải thích được bạn nhé.

Dù chỉ vài mililit tia máu lẫn trong đàm hoặc ho ra máu với số lượng trung bình đều được gọi là ho ra máu. Ho ra máu thường là triệu chứng biểu hiện một số bệnh như: lao phổi, giãn phế quản, ung thư hay nhiễm trùng hô hấp. Đôi khi đây là biểu hiện của bệnh lý tim mạch như hẹp van tim.

Dù nguyên nhân của ho ra máu là gì thì bạn vẫn cần đi khám tổng quát toàn diện vì đây là một triệu trứng rất nguy hiểm báo hiệu có thể bạn đang mắc phải một loại bệnh nào đó.

9. Mệt mỏi

Cuộc sống bận rộn hàng ngày dễ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, nguyên nhân có thể là do tác dụng phụ của một loại thuốc mà bạn đang sử dụng, đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh đái tháo đường, cường giáp, thiếu máu...

Đặc biệt là ở phụ nữ, mệt mỏi không phải là triệu chứng hiếm gặp trong giai đoạn nhồi máu cơ tim cấp và những tuần sau đó, nếu lúc nào cũng thấy mệt thì đó có thể là dấu hiệu suy tim. Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thường ngày, bởi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, ngay cả với những công việc đơn giản, nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, chỉ với dấu hiệu này, chưa thể chắc chắn bạn có mắc bệnh về tim hay không. Vậy khi cơ thể có cảm giác mệt mỏi kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.



Xét nghiệm mới giúp phát hiện các bệnh tim di truyền

Các nhà nghiên cứu Anh và Singapore tin họ đã có bước đột phá trong việc chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh.

Theo đó, họ đã bước đầu thành công xây dựng một xét nghiệm máu có thể phát hiện đến 174 gen có liên quan đến 17 bệnh tim bẩm sinh một cách nhanh chóng với độ chính xác cao.
Những bệnh họ có thể phát hiện sớm gồm các bệnh liên quan đến van động mạch chủ, hội chứng QT dài, hội chứng Noonan và đặc biệt là các bệnh liên quan đến cơ tim.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dù một số đột biến gen không gây ra bệnh tim nhưng có khả năng làm tăng đáng kể nguy cơ bị rối loạn.
Vì vậy, xét nghiệm gen là một trong những chìa khóa quan trọng để xác định, cho phép chẩn đoán sớm và thực hiện các bước để phòng ngừa, điều trị nhằm giảm thiểu nguy cơ 
tử vong.
Họ hi vọng xét nghiệm này có thể sớm được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, không chỉ giúp ích cho thầy thuốc trong việc thực hành lâm sàng hằng ngày mà còn mang lại sự an tâm cho các thành viên còn lại trong gia đình của đối tượng được xét nghiệm sớm biết nguy cơ để phòng tránh.



Điều trị huyết áp thấp bằng bài thuốc đơn giản

Theo Đông y, huyết áp thấp thuộc chứng huyễn vựng (huyễn là hoa mắt, vựng là chóng mặt).

Nguyên nhân phổ biến của bệnh này là do khí huyết hư làm cho não thiếu sự nuôi dưỡng gây nên chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, váng đầu, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân yếu run, mạch vô lực.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, huyết áp thấp là biểu hiện của sự rối loạn chức năng vỏ não của trung khu thần kinh vận mạch. Bệnh nhân được coi là huyết áp thấp khi trị số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) dưới 90mmHg (milimét thuỷ ngân) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) dưới 60mmHg. 

Có hai loại: huyết áp thấp tiên phát (do thể trạng) và huyết áp thấp thứ phát (do các bệnh lý khác). Những người huyết áp thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, giảm tập trung trí lực, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, thoáng ngất hoặc ngất.
Theo Đông y, huyết áp thấp thuộc chứng huyễn vựng (huyễn là hoa mắt, vựng là chóng mặt). Nguyên nhân phổ biến của bệnh này là do khí huyết hư làm cho não thiếu sự nuôi dưỡng gây nên chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, váng đầu, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân yếu run, mạch vô lực...
Để điều trị huyết áp thấp phải đưa huyết áp về trị số bình thường sau đó duy trì để tránh tái phát.
Dưới đây là một số bài thuốc dành cho người bị huyết áp thấp:
Bài 1: Hạt sen 30g, táo đỏ 10g, gừng tươi 6 lát. Tất cả sắc với nước uống ngày 2 lần.
Hạt sen.Hạt sen
Bài 2: Ngũ vị tử 25g, nhục quế 15g, quế chi 15g, cam thảo 15g. Sắc nước uống ngày 2 - 3 lần, uống một đợt từ 3-7 ngày. Khi huyết áp tăng lên bình thường thì uống tiếp một đợt từ 3-6 ngày nữa.
Bài 3: Thục địa 12g, trích cam thảo 6g, bạch truật 12g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, phục linh 12g, đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 16g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4: Nhân sâm tán bột 25 g, tử hà sa (tán bột) 50 g. Trộn với mật ong, mỗi lần uống từ 3 đến 5 g, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và trưa.
Bài 5: Đảng sâm 15g, mạch môn 9g, ngũ vị tử 5g, hoàng kỳ 15g, nhục quế 2-4g, trích cam thảo 9g, phù tiểu mạch 30g, táo 5 quả. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia làm 2 lần.
Bài 6: Trứng gà tươi 1 quả, gừng tươi 1 nhánh. Rửa sạch gừng thái lát, cho vào nồi, cho thêm 1 cốc nước lã, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 1/3 cốc thì đập trứng gà vào khuấy đều, đun tiếp 2 phút. Sau đó bắc ra ăn nóng, ngày 1 lần, ăn liền trong 5 ngày.




Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Phẫu thuật tim có nội soi hỗ trợ lấy máu cục và thay van 2 lá

Hẹp van hai lá do thấp tim là bệnh van tim phổ biến ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A đường hô hấp trên. Cơ chế gây bệnh không phải do vi khuẩn vào phá hủy trực tiếp van tim mà thông qua cơ chế miễn dịch: cơ thể hình thành kháng thể chống lại vi khuẩn, kháng thể đồng thời chống lại protein ở tổ chức liên kết của lá van (loại protein này có đặc tính trùng với protein của vi khuẩn). Bệnh thường diễn biến âm thầm qua nhiều năm. Khi người bệnh cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể là lúc đã biến chứng gây hỏng van tim.
Cơ chế vận hành của van hai lá
Cấu trúc giải phẫu van hai lá có hai lá van trước và sau đảm bảo cho máu lưu thông dễ dàng theo một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Ở van tim bình thường 2 lá van tim thanh mảnh, mềm mại được neo giữ vào thành cơ tim bởi hệ thống dây chằng cột cơ. Van tim đóng mở theo nhịp co bóp của tim: trong thì tâm trương cơ tim giãn, lá van mở rộng để máu đi từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái; trong thì tâm thu cơ tim co lại lá van đóng kín, máu từ tâm thất trái được bơm ra ngoài hệ thống động mạch đi nuôi cơ thể chứ không chảy ngược lại.
Thay van hai lá có nội soi hỗ trợ.
Biến chứng nguy hiểm khi hẹp van hai lá
Khi van tim bị bệnh lá van dày lên, cuộn lại, vôi hóa cứng không di động dẫn đến hậu quả van mở không hết, đóng không kín ảnh hưởng đến lưu thông dòng máu qua lỗ van. Diễn biến của hẹp van hai lá dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng lên tim phổi: tăng áp lực động mạch phổi, loạn nhịp tim, suy tim, phù phổi cấp... Máu cục hình thành trong tâm nhĩ trái là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh hẹp van hai lá do dòng máu lưu thông bị cản trở, chạy quẩn trong buồng tâm nhĩ trái, thường xảy ra ở bệnh nhân hẹp van hai lá bị loạn nhịp tim không được theo dõi điều trị. Máu cục nằm trong buồng tim có nguy cơ vỡ thành từng mảnh nhỏ theo dòng máu đi ra các động mạch tới các cơ quan gây biến chứng nguy hiểm: tắc mạch não, tắc mạch các tạng trong bụng, tắc mạch chân.
Lấy máu cục và thay van hai lá có nội soi hỗ trợ - lợi ích hơn cho người bệnh
Bệnh nhân hẹp van hai lá có máu cục trong buồng tâm nhĩ trái sẽ phải mổ lấy máu cục và thay van tim. Với sự trợ giúp của máy nội soi, phẫu thuật viên sẽ dễ dàng quan sát lấy hết máu cục và làm sạch buồng tim trước khi thay van.
Phẫu thuật thay van hai lá là phẫu thuật cơ bản trong mổ tim hở. Phương pháp mổ mở kinh điển: phẫu thuật viên rạch da từ hõm ức tới mũi ức ở chính giữa ngực, cưa đôi xương ức theo chiều dọc, dùng dụng cụ kéo 2 bản xương về 2 phía mở rộng lồng ngực khoảng 15cm để thao tác mổ trên quả tim. Phương pháp có nhược điểm phải cưa xương, vết mổ dài, để lại sẹo xấu. Với sự phát triển của công nghệ, phương pháp mổ ít xâm lấn rạch da ngắn dưới nếp lằn vú giữa 2 xương sườn tránh cưa mở xương ức, sử dụng máy nội soi để hỗ trợ phẫu thuật đã được ứng dụng khá phổ biến ở các nước phát triển từ  cuối những năm 1990 của thế kỷ trước. Phương pháp này giảm thiểu sang chấn, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, có tính thẩm mỹ cao. Tại nước ta từ năm 2013 đã bắt đầu áp dụng phương pháp mổ tim ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ (MICS) tại một số cơ sở phẫu thuật, trong đó Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E Hà Nội là một trong những đơn vị sớm ứng dụng và đến nay đã triển khai một cách thường quy không chỉ với phẫu thuật van hai lá mà còn thực hiện được cho nhiều bệnh lý khác: bệnh tim bẩm sinh thông liên thất, thông liên nhĩ, thông sàn nhĩ thất, lấy u nhầy trong tim, sửa van tim...
Để đề phòng biến chứng hình thành máu cục trong buồng tim, các bệnh nhân hẹp van hai lá, tim loạn nhịp phải được uống thuốc chống đông dự phòng, theo dõi chặt chẽ theo phác đồ chuyên khoa và chỉ định phẫu thuật kịp thời.

Liệu pháp tế bào gốc: Hy vọng mới cho người bệnh tim


Những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trong việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị những bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp hay do bệnh cơ tim giãn vừa được thực hiện thành công
Những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trong việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị những bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp hay do bệnh cơ tim giãn vừa được thực hiện thành công bước đầu trên 50 bệnh nhân tại Viện Tim mạch Quốc gia đã mở thêm cánh cửa mới cho những người bị mắc căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới. Hồi sinh nhịp đập của trái tim mang đến hạnh phúc cho người bệnh chính là động lực thôi thúc những người thầy thuốc chuyên khoa tim mạch đang hàng ngày hàng giờ nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học.
“Hồi sinh” nhờ tế bào gốc
Tết năm nay là Tết đầu ý nghĩa với anh Nguyễn Huy Bình ở TP. Thanh Hóa, bởi ít ai biết rằng trước đó gia đình anh luôn đón Tết trong tình trạng lo lắng hồi hộp vì trái tim của anh luôn không khỏe. Anh Bình cho biết, cách đây 4 năm, anh phát hiện bị bệnh cơ tim giãn, sau một đợt điều trị anh thấy hiện tượng tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực đã được cải thiện  nên anh chủ quan không đến khám lại theo lịch hẹn. Nhưng sau đó, hiện tượng tim đập nhanh bắt đầu xảy ra thường xuyên ngay cả khi anh chỉ nằm nghỉ một chỗ. Có những lúc nhịp tim nhanh kịch phát tới 250 lần/phút. Đến Viện Tim mạch Quốc gia anh được chỉ định phương pháp điều trị bằng sóng cao tần để xử lý nhịp nhanh. Tuy nhiên, sau một thời gian can thiệp chức năng tim không cải thiện. Anh Bình cho biết: “Tôi lo lắng vô cùng, sau khi được điều trị xử lý nhịp nhanh, sau đó được điều trị bằng thuốc nhưng rất lơ mơ không biết bệnh của mình sẽ tiến triển như thế nào? và tiếp tục điều trị bằng phương pháp gì. Tôi cũng tìm hiểu nhiều và được biết ghép tim là phương pháp điều trị khả quan nhất đối với tình trạng bệnh của mình, thế nhưng chi phí cho ghép tim và nguồn tạng ghép không phải là điều đơn giản... Rất may mắn, lúc đó anh được GS. Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng trưởng nhóm can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia tư vấn, bệnh của anh có thể cải thiện nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân. Và niềm vui đã đến, với các bệnh nhân khác trung bình 6 tháng sau can thiệp chức năng co bóp của tim mới được cải thiện, nhưng với anh Bình chỉ sau 3 tháng ứng dụng, chức năng tim được cải thiện rõ rệt.
Thực hiện tiêm tế bào gốc cho bệnh nhân tại Viện Tim mạch Quốc gia.         (Ảnh: bác sĩ cung cấp)
Cũng như anh Bình, đây là mùa xuân thứ 6  bác Trần Văn Anh ở số 3 ngõ Huế, TP. Hà Nội được đón cái Tết với tâm thế của một người “sức khỏe bình thường”. Trước đó, bác Anh bị nhồi máu cơ tim cấp với chức năng cơ tim (EF) đạt xấp xỉ 30% (bằng 1/4 so với người bình thường). Các bác sĩ tiến hành đặt stent nong 2 nhánh mạch vành và dùng thuốc phối hợp nhưng cơ tim vẫn hoạt động kém, phân số tống máu thấp và có dấu hiệu suy tim. Nếu tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Cách duy nhất để “cứu” bệnh nhân lúc này là cải thiện chức năng co bóp thất trái của tim. Các bác sĩ dùng biện pháp ghép tế bào gốc để điều trị vùng cơ tim bị tổn thương. Sau ghép 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và hiện giờ 6 năm các bác sĩ không phát hiện sự đào thải của tế bào gốc nào. Chỉ số tống máu trở về gần như bình thường. Ngoài anh Bình, bác Anh còn hơn 50 bệnh nhân khác đã được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Kết quả này có đối chứng với 50 bệnh nhân có cùng triệu chứng nhưng không thực hiện ghép tế bào gốc. Kết quả cho thấy, chức năng hoạt động của tim trên 50 bệnh nhân được điều trị ghép tế bào gốc cải thiện tốt hơn so với 50 bệnh nhân không được ghép.
Được biết tại Thái Lan, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc điều trị tim mạch như vậy khoảng 20.000USD. Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức, chỉ tính dụng cụ tiêm tế bào gốc vào mạch vành và lọc tế bào gốc chi phí khoảng 60-80 triệu đồng cho quy trình này. Nếu được áp dụng thường quy và có BHYT chi trả thì nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được thực hiện kỹ thuật này.

Hướng mở trong điều trị tim mạch
Suy tim và nhồi máu cơ tim là nguyên nhân hàng đầu gây nên cái chết của khoảng 16,7 triệu người hàng năm, đặc biệt ở các nước phát triển. Với nhu cầu cấy ghép tim như hiện nay, nguồn cho tim còn xa mới cung cấp đủ. Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia, bệnh nhân nhồi máu cơ tim chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân nhập viện, trong số đó, 10 - 20% bệnh nhân sau khi được điều trị bằng các biện pháp can thiệp thông thường như nong, đặt stent, bắc cầu nối mạch vành vẫn còn tồn tại suy tim, giảm chức năng tim. Chính vì thế, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tim mạch sẽ mang lại cơ hội mới cho những bệnh nhân này.  Đây là kỹ thuật điều trị mới nhất trên thế giới cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi. Để thực hiện kỹ thuật này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Trường đại học Y Hà Nội, Viện Tim mạch Quốc gia và Khoa Huyết học Bệnh viện TW Quân đội 108. ThS. Phan Tuấn Đạt - thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc, các bác sĩ Khoa Huyết học Bệnh viện TW Quân đội 108 sẽ thực hiện chọc tủy lấy tủy xương để chiết xuất lấy tế bào gốc. Sau 1 ngày lọc và tách tế bào gốc từ tủy xương của bệnh nhân được hoàn thành, các bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia được thông báo trước và chuẩn bị bệnh nhân ở phòng tim mạch can thiệp, chuẩn bị sẵn các phương tiện như ống thông luồn lên động mạch vành chỗ bị tổn thương, tế bào gốc đã được tiệt trùng được  tiêm truyền trực tiếp vào động mạch cho bệnh nhân). Quy trình này được các bác sĩ thực hiện rất cẩn trọng và hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng. Một số trung tâm khác có sử dụng các quy trình khác như tiêm tế bào gốc vào cơ tim tổn thương, một số khác dùng thiết bị đưa hẳn vào quả tim sau khi đã định vị... tuy nhiên, hiệu quả của những phương pháp này cũng chưa được đánh giá hiệu quả. Tế bào gốc sau khi đưa vào vùng cơ tim bị tổn thương thường sau 3 - 6 tháng, sự cải thiện chức năng tim có thể thấy được. Điều đáng nói là qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy ở nhóm đối tượng trẻ tuổi sự cải thiện này rõ rệt hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Kết quả sau khi thực hiện ứng dụng tế bào gốc vào điều trị trên 50 bệnh nhân đều không bị biến chứng, vùng cơ tim bị nhồi máu hoạt động được cải thiện rõ rệt.
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và còn nhiều câu hỏi như: ứng dụng tế bào gốc cho bệnh tim nào tốt nhất, dùng tế bào gốc với số lượng bao nhiêu, con đường đưa tế bào gốc vào cơ thể thế nào tốt nhất và có gây phản ứng phụ gì sau này không, lấy tế bào gốc từ mô mỡ hay máu ngoại biên có ứng dụng được vào trong điều trị căn bệnh này không...? Mặc dù vậy, những thành công bước đầu trên hơn 50 bệnh nhân cho thấy một nỗ lực không ngừng của các bác sĩ Việt Nam trong việc tìm ra hướng đi mới điều trị bệnh lý tim mạch.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch ngày tết


Chúng ta đang trong những ngày rộn ràng đón tết, nhưng có một điều cũng cần lưu ý: Tết là mùa của bệnh tim mạch.
Những ngày trước tết: thời tiết trở lạnh, lại nhiều công việc cần hoàn tất, nhiều khoản tiền bạc cần thanh toán, nhiều tiệc tất niên, tiệc cưới cần tham dự…, khiến cho sức khỏe mỗi người, nhất là sức khỏe tim mạch, gặp nhiều đe dọa.
Đến khi vào tết: vui chơi, tiệc tùng khiến cho mọi sinh hoạt hàng ngày không còn điều độ: chểnh mảng hơn với thuốc men, dễ dãi hơn với ăn uống, lơ là hơn với vận động, mà đây lại là ba yếu tố quan trọng ở người bệnh tim mạch.
Do đó, cần nhắc lại những điều nên quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe tim mạch trong và sau tết, nhất là người tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Trước tiên là thuốc: cần dự trữ thuốc đầy đủ (vì nhà thuốc đóng cửa), mang thuốc theo khi đi chơi hay du lịch và nhớ uống thuốc đều đặn theo toa bác sĩ.
Những ngày tết với các cuộc vui liên tục, bệnh nhân rất dễ bỏ thuốc hoặc quên uống thuốc, đó là do bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim nhập viện rất nhiều vào các ngày này. Người bệnh nên lắng nghe những biến đổi trong cơ thể mình, người tăng huyết áp đừng quên tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên.
Mâm cỗ ngày tết giàu năng lượng khiến tăng cân, béo phì và nặng hơn sẽ là bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...

Tiếp theo là ăn, quan trọng vì là ăn tết:
- Với món chiên: nên hạn chế chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn (như khoai tây, mì gói, gà rán…) vì dầu chiên ở nhiệt độ cao sẽ sinh transfat, khiến tăng cholesterol xấu trong máu, gây hại cho tim mạch. Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật. Nên ưu tiên ăn các đồ hấp, đồ luộc.
- Còn món ngọt: bánh mứt, nước ngọt, phổ biến trong ngày tết, cần hạn chế (nhất là khi bệnh tim mạch có đái tháo đường kèm theo). Có thể thay thế bằng các loại bánh quy làm từ ngũ cốc còn nguyên cám.
- Bên cạnh đó là rau quả tươi: ăn trái cây và rau xanh để bổ sung lượng kali thiếu dễ ảnh hưởng tới tăng huyết áp, và rối loạn nhịp tim. Rau quả còn là nguồn vitamin, chất xơ, và là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân.
Người bình thường có thể dùng 2 - 3 suất trái cây trong ngày (mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 quả cam vừa, hoặc 1 góc dưa hấu…), hoặc đơn giản hơn, là 2 lạng rau, 2 lạng trái cây mỗi ngày. Người đái tháo đường thì không quá 2 suất trái cây mỗi ngày.
- Và các loại hạt: hạt dưa, hạt điều, hạt dẻ, hạt bí, đậu phộng… cung cấp đủ dưỡng chất đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ, tốt cho sức khỏe tim mạch và giảm cân.
- Đặc biệt món mặn: nhất là người tăng huyết áp, suy tim, cần ít muối, không quá 1 muỗng cà phê muối mỗi ngày, trong khi với chế độ ăn hiện tại của chúng ta, đang gấp đôi lượng muối cần. Do vậy, ăn dưa món, kiệu, dưa giá, dưa hành thì nên thay ngâm muối bằng dấm đường. Tôm khô thì nên chọn loại tôm to, ít mặn (khoảng 30 con /100g) và không ăn quá 10 con/ngày. Nên hạn chế các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như: giò chả, patê, lạp xưởng… vốn là lựa chọn tối ưu của nhiều người trong ngày tết nhưng là một sai lầm lớn vì loại thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia, muối, chất béo gây hại, làm tăng nguy cơ bệnh tim và tăng cân. Với các món kho, để không ảnh hưởng khẩu vị vì ăn lạt, chúng ta vẫn ăn các món này giảm nhưng giảm nửa số lượng ăn vào.
Chúng ta quan tâm đến năng lượng: các món ăn truyền thống ngày tết như: bánh chưng, bánh tét, nem, thịt đông, giò, chả, bánh kẹo... đều là những thực phẩm giàu năng lượng.
Đến nhà nào cũng ăn, lúc nào cũng ăn, khiến tăng cân, béo phì và nặng hơn sẽ là bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Giò thủ có nhiều chất đạm và chất béo bão hòa (gây hại).
Bánh tét, bánh chưng có nếp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường, có đạm động vật( thịt), đạm thực vật(đậu xanh), chất béo, tạo nguồn năng lượng dồi dào( hơn 200kcal/ 100g). Do đó, chỉ nên ăn khoảng 100g bánh tét, bánh chưng kèm rau và trái cây để giảm tốc độ hấp thu đường và chất béo. Ngoài ra, cũng nên tăng phần thủy hải sản thay cho thịt vì ít gây tăng cholesterol. Nồi thịt kho trứng nên kho thêm cá, vì cần giảm thịt và không quá 2 trứng trong tuần, trong khi cá cần hơn 2 lần /tuần; ăn thịt, bỏ da và mỡ. Đồng thời, chọn những món ăn có nhiều rau để tăng chất xơ và giảm năng lượng.
Song song với ăn là uống: người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, không nên uống quá 2 lon bia hoặc 1 chai bia 500ml hoặc 1 chung rượu mạnh 50ml mỗi ngày. Tuy nhiên, vài ngụm nhỏ rượu vang lại rất có lợi cho người bệnh tim mạch. Tránh các loại thức uống có ga vì cơ thể có thể hấp thu nhiều đường từ thức uống này. Chúng ta thường nói chung “rượu chè”, do đó ngoài rượu cũng không thể không nói đến chè, những món như: chè hạt sen, trà tim sen, trà xanh, trà đen có tác dụng an thần và nhiều lợi ích khác nữa cho sức khỏe người tăng huyết áp, bệnh tim mạch nói chung. Do xu hướng uống rượu bia, cà phê, nước ngọt... và ăn nhiều hơn bình thường, ta luôn có cảm giác no bụng, không muốn uống nước khiến cơ thể thiếu nước và mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch, và nhiều cơ quan khác. Vì vậy, nhớ uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Bên cạnh đó, hút thuốc: nhiều công bố cho thấy thuốc lá được tiêu thụ tăng vọt vào những ngày tết. Hút thuốc lá càng làm tăng nguy cơ tim mạch, tăng đông máu, tăng huyết áp và nhịp tim, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch tiến triển. Do đó cần giảm thiểu thuốc lá dù lúc đông vui hay chỉ một mình.
Cuối cùng, hoạt động: những ngày tết có thể hoạt động thể lực nhiều hơn những ngày thường do du lịch, thăm viếng, thức khuya, dậy sớm hoặc ngủ nướng, ăn ngủ không điều độ, lại hay dùng chất kích thích như: cà phê, thuốc lá, rượu… khiến cho tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ tăng lên. Vui quá hoặc buồn phiền, cãi vã (nhất là các cuộc nhậu) cũng là mối nguy hiểm cho bệnh tim mạch.
Thu xếp nghỉ tối thiểu 30 phút mỗi buổi trưa. Cố gắng duy trì tập thể dục hàng ngày 50 - 60 phút như thường lệ, những ngày trời lạnh nên tập trong nhà để tránh bị cảm. Và làm sao để thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày càng ít càng tốt.