Khi bị cảm, ho, viêm họng, tiêu chảy, nôn ói..., nói chung là bệnh nhẹ, bạn có thể dùng thuốc vài ngày sẽ khỏi bệnh. Thế nhưng, với bệnh tim mạch thì khác.
Thuốc để chữa các bệnh tim mạch (gọi tắt là thuốc tim mạch) không thể uống một sớm một chiều trong thời gian ngắn để khỏi bệnh mà cần có quá trình điều trị lâu dài, công phu, với sự thận trọng đúng mực. Thậm chí, nhiều bệnh lý tim mạch đòi hỏi bạn phải dùng thuốc suốt đời, ví dụ như bệnh tăng huyết áp, suy tim...
Thuốc tim mạch được chia thành các nhóm: điều trị suy tim, điều trị tăng huyết áp, điều trị loạn nhịp tim, điều trị cơn đau thắt ngực...
Đối với thuốc tim mạch, cần lưu ý những điều sau:
Không tự ý mua để chữa trị
Một thực tế thường xảy ra là nhiều người thấy mình có vẻ bị bệnh tim mạch giống với một người nào đó nên tự ý mua thuốc như họ để uống mà không hề đi khám. Điều này hết sức nguy hiểm. Cần nhớ rằng việc dùng thuốc là cho từng cá thể và dùng phải hết sức tinh tế, không thể áp dụng một cách máy móc, lấy đơn thuốc người này cho người kia dùng, dùng không đúng sẽ xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Tập thể dục với cường độ thích hợp là một trong những biện pháp giúp trái tim khỏe Ảnh: Hoàng Triều
Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc uống mà không có sự đánh giá, theo dõi của bác sĩ thì có thể xảy ra một số điều không hay gọi là bị tai biến do thuốc. Ví dụ:
- Một số thuốc lợi tiểu: Nếu sử dụng tùy tiện có thể làm rối loạn điện giải gây vọp bẻ, mỏi cơ, thậm chí rối loạn chuyển hóa mỡ.
- Thuốc trợ tim (digital): Tự ý dùng mà không có sự đánh giá, chỉnh liều của bác sĩ có thể dẫn đến ngộ độc, loạn nhịp tim.
- Thuốc hạ áp: Nếu dùng không đúng cách, quá liều có thể gây tụt huyết áp, dẫn đến nhiều hậu quả không hay.
- Thuốc chống đông dùng trong một số bệnh tim mạch (rung nhĩ, bệnh nhân có bệnh van tim đã được thay van nhân tạo...): Nếu không được bác sĩ theo dõi có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết ngoài da, xuất huyết não.
Phải có chỉ định, theo dõi của bác sĩ
Chỉ có bác sĩ mới nắm vững tính năng của thuốc, cũng như qua khám bệnh trực tiếp sẽ lựa chọn thuốc thích hợp và hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc dùng. Ví dụ, đối với bệnh tăng huyết áp (THA), sự lựa chọn thuốc trị THA sẽ tùy thuộc vào: yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có sự tổn thương các cơ quan (như suy thận, suy tim, dày thất trái...), có kèm bệnh đái tháo đường... Đặc biệt, đối với việc dùng thuốc trị THA, bác sĩ sẽ giúp tuân thủ các nguyên tắc sau:
Trước hết, dùng liều thấp ban đầu và tăng liều dần dần với chỉ 1 loại thuốc. Nếu không hiệu quả, mới kết hợp 2 loại thuốc. Nếu thuốc được chọn đầu tiên có hiệu quả kém và nhiều tác dụng phụ thì đổi nhóm thuốc khác, không cần tăng liều hoặc kết hợp loại thuốc thứ hai.
Không tự ý ngưng thuốc
Nhiều người bị THA, sau một thời gian điều trị, huyết áp trở về bình thường. Họ cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi huyết áp của bạn về bình thường có nghĩa là huyết áp đang được kiểm soát tốt bởi chế độ dùng thuốc.
Vì vậy, bạn cần điều trị duy trì với liều lượng thích hợp mà không tự ý ngưng dùng. Nếu được, bạn nên tái khám và ngõ ý muốn ngưng thuốc với bác sĩ đang điều trị cho mình. Thông thường, bác sĩ không cho ngưng thuốc mà có thể điều chỉnh chế độ dùng thuốc của bạn. Tự bạn không thể quyết định được loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng trong sự điều chỉnh này.
Chỉ bác sĩ mới có thể điều chỉnh liều thuốc thấp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất. Phải có chương trình theo dõi, tái khám với bác sĩ tim mạch thì trái tim bạn mới được chăm sóc một cách cẩn thận và hiệu quả nhất.
Không tự ý đổi thuốc
Lấy trường hợp một bệnh tim mạch phổ biến là THA. Thuốc trị THA có nhiều loại (hiện có 7 nhóm thuốc và mỗi nhóm có cả chục loại thuốc) nên vấn đề sử dụng khá phức tạp. Chỉ bác sĩ điều trị mới là người có thẩm quyền chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, bác sĩ sẽ là người quyết định có nên thay thuốc điều trị bấy lâu nay bằng một thuốc mới hay không.
Mọi sự thay đổi về dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ và thay đổi như thế nào là thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi thuốc vì việc làm này rất nguy hiểm, dùng không đúng sẽ bị độc hại do thuốc hoặc bệnh THA nặng hơn đến mức nguy hiểm.
Một số biện pháp khác
Song song với chế độ điều trị dùng thuốc, hầu hết các bệnh nhân tim mạch cần phải thay đổi, điều chỉnh lối sống, chế độ làm việc sao cho bớt stress; nên tập thể dục với cường độ thích hợp, ngưng hút thuốc lá, chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo... Nếu bạn ỷ lại vào thuốc tim mạch mà ăn uống thoải mái, không kiêng cữ, có chế độ ăn quá mặn thì thuốc sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Tóm lại, một chế độ sinh hoạt, ăn uống đúng mực, một tinh thần lạc quan, một chế độ dùng thuốc và tái khám nghiêm túc sẽ giúp bạn kiểm soát được bệnh tim mạch một cách chủ động và tối ưu nhất. n
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét