Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Nhận biết sớm rối loạn nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu

Nhịp tim ở người trưởng thành dao động từ 60 - 100 nhịp/ phút. Khi cơ thể trong trạng thái nghỉ ngơi, tim sẽ đập chậm đi và đập nhanh hơn khi hoạt động trở lại. Rối loạn nhịp tim nhanh là khi tim đập trên 100 nhịp/phút. Một dạng rối loạn nhịp tim khác thường gặp là ngoại tâm thu(cơn co thắt sớm và nghỉ bù của tim) với các biểu hiện như bỏ nhịp, ngừng tim, hẫng hụt hay trống ngực.
Nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu là đáp ứng của cơ thể khi có sự thay đổi trong tâm lý, thể chất hay tăng giảm hormon. Ban đầu, các triệu chứng tăng nhịp tim, trống ngực có thể diễn ra đơn lẻ, không đáng chú ý nhưng nó sẽ trở nên nguy hiểm khi thường xuyên gây ra chứng hồi hộp, trống ngực, khó thở, mệt mỏi, choáng ngất cho người bệnh. Đặc biệt ở những người có tổn thương van tim, cơ tim, hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh tuyến giáp, mất cân bằng điện giải hoặc bị rối loạn thần kinh tim trước đó sẽ tăng rủi ro cho tim với nhiều biến chứng như huyết khối, đột quỵ tim, ngừng tim, suy tim.
Rối loạn nhịp tim có thể phát hiện qua thăm khám lâm sàng và ghi lại bằng điện tâm đồ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán không phải lúc nào cũng dễ dàng và chính xác. Do nó thường xuất hiện theo cơn, có thể kéo dài một vài phút và không theo quy luật nhất định, có khi tại thời điểm khám nhịp tim của bạn đã trở về bình thường. Vì lẽ đó, thực tế đã có những trường hợp bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác, nhất là trẻ nhỏ dễ nhầm với chứng động kinh, vì có chung triệu chứng ngất xỉu đột ngột.
Chẩn đoán chính xác rối loạn nhịp tim đã khó, việc điều trị cũng không hề dễ dàng, bởi ngoài các tổn thương thực thể tại tim, thì stress dài ngày, yếu tố tâm lý, chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng có thể tác động lên hệ thống dẫn truyền của tim – hệ thần kinh tim gây rối loạn nhịp tim. Trong khi các thuốc điều trị rối loạn thần kinh tim chỉ có vai trò làm giảm triệu chứng tạm thời mà chưa tác động được lên nguyên nhân gây bệnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét