Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Dự đoán của Hội Tim mạch thế giới cũng cho biết, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có khoảng 20% dân số mắc các bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Vậy có cách nào để nhận diện các bệnh tim nguy hiểm, nhất là các bệnh như: động mạch ngoại biên, bệnh van tim hậu thấp tim hay bệnh viêm cơ tim?
TS-BS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên Đại học Y dược TPHCM tư vấn:
Bệnh van tim hậu thấp tim
Đây là bệnh rất hay xảy ra ở những vùng khí hậu ẩm ướt, nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam. Bệnh có nguyên nhân do tình trạng nhiễm vi trùng Streptococus beta Hemolytique. Khi bị nhiễm loại vi trùng này, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại kháng thể chống lại nó.
Bản thân các kháng nguyên là loại vi trùng có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim, nên khi kháng thể tấn công tiêu diệt vi trùng, sẽ làm tổn thương mô khớp và van tim, làm cho khớp bị sưng lên, còn van tim thì biến dạng gây hẹp hở van tim, từ đó đưa đến suy tim, ứ huyết tại gan và làm suy chức năng gan.
Bệnh thường xảy ra ở những phụ nữ trẻ, sau viêm họng có sốt là tình trạng mệt, khó thở… nếu không điều trị đúng có thể đưa đến suy tim và tử vong.
Bệnh hoàn toàn có thể đề phòng được bằng cách cải thiện môi trường sống ngay khi còn nhỏ. Tránh lạnh quá, nóng quá, nhà cửa và cơ quan làm việc phải sạch sẽ, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, điều trị triệt để các bệnh mũi, xoang. Nếu đã bị thấp tim phải sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm vi trùng Streptococus beta Hemolytique đến năm 25 tuổi. Có thể sử dụng thuốc uống mỗi ngày, hay sử dụng loại Penicilline có tác dụng chậm mỗi tháng tiêm một lần.
Bệnh viêm cơ tim
Bệnh viêm cơ tim (VCT) là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm trùng, hoặ c bở i mô liên kết nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. VCT cũng có thể là biến chứng của tình trạng rối loạn chuyển hóa, khối u, bệnh của tổ chức liên kết, ảnh hưởng đến chức năng bơm máu và hoạt động điện học của tim, hậu quả có thể là suy tim ứ huyết và rối loạn nhịp.
Khi cơ thể mệt mỏi, các loại siêu vi trùng xâm nhập vào cơ thể tấn công lên cơ tim, nhất là siêu vi trùng loại Coxacki. Biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, đôi khi rối loạn nhịp tim hoặc có thể gây đột tử ngay từ khi vừa xuất hiện bệnh.
Cũng có trường hợp bệnh khởi đầu bằng hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu: sốt cao, đau mỏi cơ, đau đầu, chảy nước mắt, nước mũi, xung huyết kết mạc, tiêu chảy, mệt mỏi, khó thở, ăn uống kém. Sau một-hai ngày, khó thở tăng lên, người bệnh có cảm giác đau ngực, đánh trống ngực, nặng hai chi dưới, đau tức vùng gan.
Việc chẩn đoán xác định đòi hỏi các xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực, điện tâm đồ, siêu âm tim, xạ hình cơ tim bằng đồng vị phóng xạ và trong một số ít trường hợp, cần phải sinh thiết cơ tim.
Phòng ngừa: giữ cơ thể khỏe mạnh, cần phải đi kiểm tra tim mạch ngay nếu thấy bất thường hoặc nhiễm các loại hóa chất. Nếu có bệnh bướu cổ cường giáp với nồng độ hormone tuyến giáp cao thì cần phải điều trị triệt để.
Bệnh động mạch ngoại biên
Động mạch ngoại biên là hệ thống gồm rất nhiều động mạch vừa và nhỏ, có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi các bộ phận của cơ thể. Đặc biệt là tứ chi. Bệnh có hai thể:
- Thứ nhất là bệnh Buerger, thường gặp ở người trẻ, dưới 40, nghiện thuốc lá nặng. Bệnh kéo dài nhiều năm, nhưng cuối cùng đều phải đoạn chi, nhất là chi dưới với tỷ lệ lên đến 95% sau 5 năm mắc bệnh. Nếu bệnh nhân bỏ được thuốc lá, tình trạng bệnh sẽ cải thiện.
- Thứ hai, hay gặp nhất là tình trạng viêm và tắc động mạch do xơ vữa động mạch, xảy ra ở những người bị bệnh cao huyết áp và rối loạn chuyển hóa mỡ. Tổn thương xảy ra ở lớp nội mạc với những mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch, gây thiếu máu ngoại vi.
Triệu chứng mơ hồ nhưng nếu thấy tình trạng đau nhói ở sau bắp chân khi đi được vài trăm mét, phải ngồi nghỉ khoảng 5-10 phút chờ hết đau mới có thể đi tiếp thì nên cảnh giác. Lưu ý, nếu cơn đau ngày càng tăng cho đến khi xuất hiện những vết loét, hoại tử của chi… thì bệnh đã trầm trọng.
Phòng ngừa: không hút thuốc lá, nhất là ở những gia đình đã có người bị bệnh Buerger. Điều trị tốt tình trạng xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, chống béo phì cũng như tiểu đường nếu có.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét