Khoảng 1,8 tỉ người trên toàn cầu đang bị tăng huyết áp và 50% trong số đó không biết gì về tình trạng của mình, một số nếu có biết lại không điều trị.
Đo huyết áp là phương pháp đơn giản và duy nhất để phát hiện tăng huyết áp - Ảnh: T.T.D. |
Hiện khoảng 11 triệu người Việt Nam cao huyết áp và hơn một nửa không biết mình mắc bệnh. Sau đây là một số vấn đề thường thức liên quan đến cao huyết áp mà mọi người nên biết:
1. Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg.
2. Huyết áp bao nhiêu là bình thường?
- Trị số huyết áp phụ thuộc vào áp lực bơm máu của tim, sức co giãn của thành mạch máu và lượng máu trong cơ thể.
- Trị số huyết áp bình thường dao động từ 90/50-139/89mmHg (là trị số huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương) và thay đổi thường xuyên tùy các trạng thái thời gian, hoạt động thể lực và cảm xúc.
3. Làm thế nào phát hiện bị tăng huyết áp?
Đo huyết áp là phương pháp đơn giản và duy nhất để phát hiện tăng huyết áp.
Huyết áp kế thủy ngân là loại huyết áp chính xác nhất, huyết áp kế đồng hồ và huyết áp kế điện tử sau quá trình sử dụng phải được định kỳ kiểm tra và hiệu chỉnh lại.
Trong các loại huyết áp kế điện tử dành cho người bệnh tự theo dõi ở nhà, có các máy đo cổ tay và đo cánh tay... Nên so sánh kết quả đo từ huyết áp kế điện tử với huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế thủy ngân xem có tương đương không.
Trong thời gian sử dụng cũng phải kiểm tra pin định kỳ. Không làm máy rơi rớt hay va đập mạnh, không làm ướt máy. Nếu không dùng trong một thời gian dài phải tháo pin ra, cất máy nơi khô mát.
4. Làm gì trước khi đo huyết áp?
- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo huyết áp.
- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó hai giờ.
5. Tự theo dõi huyết áp ra sao?
Nên ghi lại ngày giờ và kết quả đo, gồm: huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa, thường là số đo đầu tiên); huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu, thường là số đo thứ hai) và nhịp tim (mạch, thường có biểu tượng trái tim trên máy).
Không nên đo quá nhiều lần trong ngày nếu không cần thiết. Có thể đo vào mỗi sáng hay tối; hoặc đo khi có triệu chứng bất thường như chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, mệt...
6. Tư thế đo huyết áp đúng?
- Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
- Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm.
- Lần đo đầu tiên cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
- Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
- Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg.
7. Khi nào phải gặp bác sĩ ngay?
- Kết quả đo không phù hợp với triệu chứng hiện có. Chẳng hạn như bệnh nhân chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn... nhưng kết quả vẫn bình thường.
- Kết quả đo được quá cao hay quá thấp.
Với người đang có bệnh huyết áp, không nên tự đo rồi tự uống hay ngưng thuốc mà không đi tái khám trong thời gian dài, ngay cả khi kết quả cho thấy huyết áp ổn định.
8. Để có cuộc sống khỏe mạnh?
Theo khuyến cáo của châu Âu về phòng chống các bệnh tim mạch, trong đó có tăng huyết áp, người ta đưa ra con số nên nhớ là 035140530.
- 0: Không thuốc lá.
- 3: Đi bộ 3 km hoặc 30 phút đối với tất cả hoạt động vừa phải trong ngày.
- 5: Ăn 5 cữ rau và trái cây mỗi ngày.
- 140: Huyết áp tối đa duy trì dưới 140 mmHg.
- 5: Cholesterol máu toàn phần dưới 5mmol/L.
- 3: LDL-cholesterol máu dưới 3mmol/L.
- 0: Không bị thừa cân hoặc đái tháo đường.
Theo BS Lý Huy Khanh - Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét