Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng hoại tử một vùng cơ tim, hậu quả của thiếu máu cục bộ cơ tim.
Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp ngày càng có khuynh hướng tăng lên rõ rệt. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng nhồi máu cơ tim cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm luôn đe dọa tính mạng người bệnh.
Vì sao bị nhồi máu cơ tim cấp?
Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp là do vữa xơ động mạch vành. Những mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch, làm cho máu không đến để nuôi cơ tim được, có thể dẫn đến hoại tử vùng cơ tim đó nếu không được can thiệp kịp thời.
Tuy nhiên, mảng xơ vữa thường không phát triển từ từ mà nó có thể bị nứt, vỡ ra đột ngột. Khi mảng xơ vữa bị vỡ ra, quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Quá trình này được bắt đầu với các tế bào máu đặc hiệu, gọi là tiểu cầu, tập trung tại vị trí mảng xơ vữa bị nứt.
Cục máu đông có thể được hình thành ngay trên mảng xơ vữa bị nứt ra đó và gây tắc đột ngột động mạch vành.
Cơn đau thắt ngực điển hình
Biểu hiện chủ yếu của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực điển hình: đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành (nitroglycerin).
Đau thắt ngực là biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp.
Đau có thể lan lên cổ, cằm, thượng vị. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau (nhồi máu cơ tim thầm lặng): hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn...
Khám bệnh nhân giúp chẩn đoán phân biệt và phát hiện các biến chứng của bệnh. Những triệu chứng hay gặp là nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi, huyết áp có thể tăng hoặc giảm, xuất hiện tiếng thổi mới ở tim...
Làm thế nào để phát hiện bệnh
Điện tim đồ: Biện pháp này rất có giá trị để chẩn đoán xác định cũng như chẩn đoán định khu nhồi máu cơ tim cấp. Nên tiến hành ghi điện tim đồ 12 chuyển đạo ngay cho tất cả các bệnh nhân đau ngực hay có các triệu chứng gợi ý bị nhồi máu cơ tim cấp và được bác sĩ có kinh nghiệm đọc trong vòng 10 phút sau khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu;
Xét nghiệm men và dấu ấn sinh học của tim; Siêu âm tim: Siêu âm tim trong nhồi máu cơ tim cũng rất có giá trị, đặc biệt trong những thể nhồi máu cơ tim không có đoạn ST chênh lên hoặc có blốc nhánh. Thường thấy hình những rối loạn vận động vùng liên quan đến vị trí nhồi máu. Siêu âm tim còn giúp đánh giá chức năng thất trái, các biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim, dịch màng tim...
Các biện pháp điều trị nhồi máu cơ tim cấp ưu việt nhất hiện nay
Tất cả các trường hợp nhồi máu cơ tim đều được đặt trong tình trạng cấp cứu, do vậy, sự lựa chọn phương pháp điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nên được quyết định bởi các bác sĩ ở khoa cấp cứu cùng phối hợp với các bác sĩ tim mạch dựa theo các phác đồ của bệnh viện.
Nếu ở các bệnh viện không có khả năng can thiệp tim mạch, cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng tái tưới máu cơ học cấp cứu gần nhất. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân cần có nhân viên y tế được đào tạo về cấp cứu tim mạch đi cùng với các phương tiện cấp cứu cơ bản, bằng các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp khi tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị tái tưới máu ngay cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian đến viện, tình trạng bệnh nhân, điều kiện trang thiết bị và trình độ của cơ sở y tế.
Có 3 biện pháp điều trị tái tưới máu:
Điều trị tái tưới máu động mạch vành bằng thuốc tiêu sợi huyết: Nếu không có chống chỉ định, nên sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho những bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực trong vòng 12 giờ kể từ lúc khởi phát có kèm theo biểu hiện đoạn ST chênh lên và/hoặc biểu hiện blốc nhánh trái mới trên điện tim đồ.
Muốn đạt hiệu quả tối ưu, phải dùng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt dựa trên những tiêu chuẩn về điện tim mà không cần đợi các kết quả về men tim;
Can thiệp động mạch vành thì đầu cho các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên hoặc blốc nhánh trái mới trên điện tim, khi có thể tiến hành can thiệp động mạch vành trong vòng 12 giờ kể từ khi khởi phát đau ngực, nếu có thể nên thực hiện nhanh chóng (trong vòng 90 phút kể từ khi đến viện);
Phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành cấp cứu: nên được tiến hành trong các tình huống như: Can thiệp động mạch vành qua da thất bại hoặc huyết động không ổn định ở các bệnh nhân có giải phẫu động mạch vành phù hợp bắc cầu nối; Tại thời điểm phẫu thuật sửa chữa xuất hiện các biến chứng cơ học như thủng vách liên thất hay hở hai lá nhiều; Có rối loạn nhịp thất trầm trọng đe dọa tính mạng người bệnh với tổn thương ≥ 50% thân chung động mạch vành trái hay tổn thương cả 3 thân động mạch vành.
Phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống
Cho dù người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp nội khoa, ngoại khoa hay tim mạch can thiệp thì việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn thức ăn có ít cholesterol, hạn chế mỡ, muối... điều trị một số bệnh có liên quan như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc đặc hiệu là hết sức cần thiết để điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.
Ðối với nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên thì tiêu sợi huyết vẫn là chiến lược điều trị chuẩn mực cho các bệnh nhân đến viện sớm và không có chống chỉ định, đặc biệt ở các cơ sở y tế chưa có khả năng can thiệp động mạch vành qua da cấp cứu.
Tuy nhiên, tái tưới máu bằng can thiệp động mạch vành qua da có tiên lượng tốt hơn, đặc biệt là ở những trung tâm tim mạch can thiệp lớn có nhiều kinh nghiệm. Lựa chọn chiến lược điều trị tái tưới máu không chỉ liên quan đến những tiêu chí khoa học mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, trang bị máy móc và khả năng của cơ sở y tế.
Cuối cùng, tất cả bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp phải được tư vấn kỹ lưỡng để thay đổi lối sống và điều trị các yếu tố nguy cơ. Ða số bệnh nhân phải dùng lâu dài các thuốc aspirin, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc statin và một thuốc ức chế men chuyển.
Theo BS. Nguyễn Quang Anh - Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét