Xơ vữa động mạch là bệnh lý âm thầm, diễn tiến từ khi bệnh nhân còn trẻ và kéo dài trong nhiều năm rồi đột ngột xuất hiện biến chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh nhân nữ 70 tuổi, nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì đau ngực dữ dội sau khi ăn cơm. Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân ngay sau đó được đặt stent động mạch vành và được cứu sống khỏi một bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nam 76 tuổi nhập viện vì đau bụng dữ dội. Các bác sĩ xác định đây là trường hợp phình động mạch chủ bụng dọa vỡ, phải phẫu thuật cấp cứu. Sau một thời gian dài hồi sức, bệnh nhân cũng hồi phục và được xuất viện.
Hai bệnh lý trên đây xảy ra ở hai nơi hoàn toàn khác biệt là ngực và bụng, nhưng lại có chung một nguồn gốc - bệnh lý xơ vữa động mạch.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: T.A
|
Động mạch là các mạch máu chuyên chở oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể, trong điều kiện bình thường, các động mạch rất mềm và đàn hồi. Xơ vữa động mạch xảy ra khi thành mạch máu trở nên dày và cứng do lắng đọng các mảng lipid, cholesterol và một số chất khác trên thành động mạch, hình thành các mảng vữa.
Các mảng vữa này có thể bị vỡ ra, dẫn đến hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu bị tổn thương. Từ đó có thể dẫn đến thiếu máu nuôi các cơ quan do động mạch đó nuôi dưỡng, trong đó quan trọng nhất là tim, não và động mạch chủ, gây ra ba bệnh lý rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao là bệnh mạch vành, nhồi máu não và phình hoặc bóc tách động mạch chủ.
Tại Mỹ, bệnh mạch vành là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở cả hai giới, đến nay có khoảng 14 triệu người Mỹ đang mang trong người căn bệnh chết người này. Mỗi năm, khoảng 1,5 triệu người nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp, và 1/3 trong số đó tử vong.
Bên cạnh 3 biến chứng nguy hiểm trên, xơ vữa động mạch còn có thể gây tắc nghẽn hoặc phình tại các động mạch khác:
- Tắc, hẹp động mạch thận, lâu dài dẫn đến suy thận.
- Tắc, hẹp động mạch nuôi ruột gây hoại tử ruột.
- Tắc, hẹp động mạch nuôi chi gây thiếu máu chi, nếu nặng và mạn tính phải cắt cụt chi, gây tàn phế cho người bệnh.
Xơ vữa động mạch là một quá trình diễn tiến lâu dài, bệnh có thể khởi phát từ khi bệnh nhân còn trẻ và kéo dài trong nhiều năm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh xơ vữa động mạch vẫn chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, người ta đã xác định được các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý nguy hiểm này, bao gồm:
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn lipid máu.
- Đái tháo đường.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Tiền căn gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm.
- Ít vận động và tập thể dục.
- Căng thẳng tâm lý (stress).
Để điều trị bệnh xơ vữa động mạch, bên cạnh việc sử dụng các thuốc do bác sĩ khám và kê toa, người bệnh còn cần phải điều chỉnh về chế độ ăn và chế độ sinh hoạt của mình.
- Ngưng hút thuốc lá: Vì các độc chất trong thuốc lá làm tổn hại đến mạch máu, vì vậy, ngưng hút thuốc giúp làm chậm quá trình xơ vữa và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng.
- Tập thể dục các ngày trong tuần: Tập thể dục đều đặn có thể làm tăng tuần hoàn và thúc đẩy phát triển các mạch máu khác xung quanh chỗ hẹp, bên cạnh đó còn giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ đái tháo đường. Thời gian tập thể dục tốt nhất theo các chuyên gia là khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Thay đổi chế độ ăn: Giảm bớt chất mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây trong bữa ăn chính mỗi ngày có thể giúp điều chỉnh cân nặng, huyết áp, cholesterol máu và đường máu. Từ đó giảm được nguy cơ của bệnh xơ vữa động mạch.
- Giữ cân nặng lý tưởng.
-Giảm các căng thẳng tâm lý (stress) càng nhiều càng tốt.
Xơ vữa động mạch là một bệnh lý âm thầm, diễn tiến trong nhiều năm rồi đột ngột xuất hiện với những biến chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, tốt nhất cần thực hiện phòng bệnh bằng cách điều chỉnh lối sống và chế độ ăn ngay từ khi còn trẻ để tránh được căn bệnh nguy hiểm này.
Theo TS. BS Nguyễn Hoàng Định - Ths. BS Võ Tuấn Anh - VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét