Nhiều bệnh nhân bị bệnh tắc động mạch đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, khi bàn chân đã hoại tử lan rộng.
Vì thế, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, số bệnh nhân bị cắt cụt chi chiếm tỷ lệ cao.
Bệnh thiếu máu chân mạn tính, còn gọi là bệnh tắc động mạch mạn tính chi dưới (TĐMMTCD), là nguyên nhân thường gây mất chức năng đi đứng của bệnh nhân. Ngoài tác động trực tiếp đến chân, bệnh này còn ảnh hưởng đến toàn thân, gây biến chứng và tử vong.
Đây là bệnh thường gặp trong phẫu thuật mạch máu, chiếm khoảng 7% ở người có độ tuổi 60-69, 12,5% ở độ tuổi 70-79 và chiếm trên 23% ở độ tuổi trên 80.
Bệnh do một số nguyên nhân, tuy nhiên, hẹp và tắc nghẽn do các mảng xơ vữa là nguyên nhân phổ biến. Có thể ví các động mạch tương tự một hệ thống đường ống với kích thước khác nhau, dẫn máu từ tim đến nuôi các cơ quan. Khi tắc động mạch, lượng máu đến nuôi chân giảm đi, đến mức độ nào đó sẽ gây tình trạng thiếu máu nuôi chân.
1. Những đối tượng nào thường mắc bệnh này? Những người lớn tuổi, hút thuốc lá, có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động và trong gia đình có người bệnh xơ mỡ là đối tượng dễ mắc bệnh TĐMMTCD.
2. Bệnh TĐMMTCD thường biểu hiện như thế nào? Bệnh sẽ tiến triển qua các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn sớm (giai đoạn 1) thường không có triệu chứng.
Giai đoạn 2, biểu hiện đau cách hồi, xuất hiện ở cẳng chân hoặc ở mông khi bệnh nhân đi lại. Giai đoạn 3 biểu hiện đau liên tục lúc nghỉ, nhất là về khuya; đau nhiều ở các ngón chân và bàn chân. Bệnh nhân thường mất ngủ hoặc ngủ với tư thế chân buông thõng ngoài giường, vì với tư thế này sẽ đỡđau hơn.
Nếu không điều trị hiệu quả, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng nhất (giai đoạn 4), các ngón chân hoặc bàn chân sẽ hoại tử hoặc loét không lành được.
Giai đoạn 3 và 4 được gọi là giai đoạn thiếu máu chân nguy kịch, với nguy cơ cắt cụt chi cao.
3. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng, nguy cơ ra sao? Vì xơ vữa mạch là một bệnh hệ thống nên ngoài động mạch chi dưới bị tắc, tất cả các mạch máu khác trong cơ thể cũng có nguy cơ ảnh hưởng, đặc biệt là động mạch nuôi tim (nhồi máu cơ tim), động mạch nuôi não (gây tai biến mạch máu não), động mạch thận (gây suy thận, tăng huyết áp)… Các biến chứng này có thể gây tử vong.
4. Bệnh này được điều trị như thế nào? Tùy theo giai đoạn bệnh, có thể điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Trong giai đoạn sớm có thể điều trị nội khoa, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như bỏ hút thuốc, đồng thời tập đi bộ từ 30-60 phút mỗi ngày, thay đổi lối sống, điều trị tốt các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu đi kèm, kết hợp với uống thuốc ức chế kết tập tiểu cầu như Aspirin, Pletaal (Cilostazone), thuốc giảm mỡ máu nhóm statine và thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển.
Trường hợp nặng: can thiệp nội mạch hoặc mổ hở.
Can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị ít xâm lấn, ít gây đau, đơn giản nhất; thực hiện bằng cách chích vào động mạch đùi sau khi gây tê tại chỗ, luồn một dây ở đầu có bóng nong, đưa bóng đến đoạn động mạch bị hẹp và nong, sau đó đặt vào vị trí vừa nong một stent, giúp cho động mạch không bị hẹp. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là chỉ áp dụng cho những trường hợp tình trạng tắc động mạch không quá lan rộng và chi phí khá cao.
Trường hợp tắc động mạch nhiều nơi, tắc trên đoạn dài, phức tạp thì phẫu thuật bắc cầu động mạch là phương pháp điều trị phù hợp.
Theo ThS.BS Lê Thanh Phong - BV ĐH Y Dược TPHCM
Phụ nữ TPHCM
Phụ nữ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét