Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Có tối đa 6 giờ để cấp cứu người bị đột quỵ



Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về cấp cứu, điều trị đột quỵ của Trường đại học y dược TPHCM
Nếu như khảo sát nhanh với bạn như sau: bạn có biết bệnh nào hiện nay gây tử vong và tàn phế nhiều nhất? Xin thưa rằng, đứng đầu danh sách này là bệnh tim mạch, tiếp theo là ung thư và “huy chương đồng” là bệnh đột quỵ. 
Thống kê cho thấy nguy cơ bị đột quỵ hiện nay chiếm 20% dân số. Đột quỵ không loại trừ bất cứ ai cho dù bạn như thế nào. Có thể nói nguy cơ tử vong và tàn phế sau đột quỵ hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết của chính bản thân bạn, của người thân và điều kiện chăm sóc y tế...
1- Hiện nay đột quỵ là vấn đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Thống kê hiện nay trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ (tại Mỹ là khoảng 700.000 người); riêng tại Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ/năm. Trung bình trên toàn cầu hiện nay thì mỗi 45 giây trôi qua là có một người bị đột quỵ; mỗi 3 phút là có 1 người tử vong do đột quỵ.
Đáng chú ý là tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Một thống kê tại 3 bệnh viện lớn ở TPHCM cho kết quả như sau: tại BV Chợ Rẫy, hàng năm số lượng bệnh nhân nội trú là khoảng 120.000 người, trong đó tỉ lệ bệnh nhân bị đột quỵ là 8%; tại BV nhân dân 115 bệnh nội trú là 60.000 người/năm, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ là 15%; còn tại BV Thống Nhất số lượng bệnh nội trú cũng là 60.000 người/ năm, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ là 13%.
Xin mạn phép nhắc lại các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ là: bệnh tiểu đường; cao huyết áp; rối loạn chuyển hóa lipid (hay còn gọi là mỡ trong máu); bệnh béo phì; hút nhiều thuốc lá; uống nhiều bia, rượu; và những nguy cơ khác từ các bệnh nội khoa, dùng thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông và cầm máu; các bệnh của hệ thống mạch máu não (dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não...). 
Như vậy ngoại trừ các yếu tố nguy cơ từ các bệnh nội khoa và của hệ thống mạch máu não, thì những yếu tố nguy cơ đã liệt kê còn lại chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, để hạn chế thấp nhất nguy cơ bị đột quỵ.
2- Đột quỵ được phân thành 2 dạng: do thiếu máu não (tắc, hẹp mạch máu não) chiếm khoảng 80% trường hợp, và do xuất huyết não (vỡ mạch máu não) chiếm khoảng 20% trường hợp.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu máu não là do bị hẹp động mạch não, động mạch cảnh, hẹp động mạch trong sọ, bị cục máu đông (do bị rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, đa hồng cầu...); xơ vữa động mạch...
Nguyên nhân của xuất huyết não thường là do bị vỡ dị dạng mạch máu não, vỡ túi phình mạch máu não, các bệnh lý tĩnh mạch, do bị tăng huyết áp, rối loạn đông máu...
Đa số các trường hợp đột quỵ do thiếu máu não thường là có triệu chứng báo trước, nhưng do chưa có kiến thức đầy đủ về bệnh đột quỵ, và cũng do chủ quan nên đa số người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng báo hiệu nguy cơ đột quỵ. Một số triệu chứng báo trước của đột quỵ là bị một cơn choáng váng chóng mặt, mờ mắt và bị mất kiểm soát trong vài giây. 
Bị một cơn tê yếu nữa người thoáng qua. Tự nhiên nói khó, đớ giọng, méo miệng và sau đó thì phục hồi. Theo Hội đột quỵ Hoa Kỳ thì “nếu có các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua, thì nguy cơ xảy ra đột quỵ có thể lên đến trên 20% trong vòng 90 ngày”.
3- Hiện nay “cẩm nang” để có thể nhận biết một người đang bị đột quỵ đó là FAST. Theo đó, F tức là Face, có nghĩa là khuôn mặt. 
Tự nhiên khuôn mặt có thể bị mất cân đối, có thể kiểm tra bằng cách nói người bệnh cười và quan sát, chúng ta sẽ thấy tình trạng mặt bị liệt một bên. 
Tiếp theo là A, tức là Arm, có nghĩa là tay chân. Khi nói người bệnh giơ tay lên để so sánh và kiểm tra, sẽ thấy người bệnh bị yếu liệt tay chân. Kế tiếp là S, tức là Speech, có nghĩa là giọng nói. Khi bảo người bệnh hãy nói những từ đơn giản, sẽ thấy giọng nói người bệnh bị thay đổi (nói khó, giọng đớ, nói khó nghe). Sau cùng là T, tức là Time, có nghĩa là thời gian.
Khi phát hiện và kiểm tra thấy đã hội đủ những dấu hiệu vừa nêu trên hãy nhanh chóng gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn, và nhanh chóng đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. 
“Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ là vô cùng quan trọng, nếu phát hiện và tiến hành chữa trị sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ, thì việc “thoát hiểm” khỏi tình trạng tử vong là rất cao, tránh được nguy cơ bị tàn phế sau đột quỵ cũng rất lớn. Cần biết rằng có 2 triệu tế bào thần kinh của người bị đột quỵ sẽ bị mất đi trong mỗi phút.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét