Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Chuyển giao những trái tim vì trái tim



Mỗi năm vài lần, TS.BS Lê Trọng Phi lại trở về giúp đỡ các bệnh viện trong nước. Ảnh: Phan Sơn
Họ gặp nhau vì “cái duyên” muốn đi sâu khám phá thông tim can thiệp nhi khoa - một lĩnh vực y khoa khá mới mẻ, nhưng lại gắn bó với nhau vì “cái nợ” muốn mang lại niềm vui cho những trẻ em Việt Nam mắc bệnh tim bẩm sinh.
Người đi chuyển giao
Hình ảnh những đứa trẻ mỏi mòn chờ mổ ngày nay vẫn còn, nhưng khác nhiều nhờ sự hỗ trợ của thông tim can thiệp.
Ngày 12/11/2015, BV Đại học Y dược TPHCM làm lễ tiếp nhận chiếc máy chụp DSA của hội “Trái tim vì trái tim” (Herz für Herz) CHLB Đức, TS.BS Lê Trọng Phi với nụ cười hiền hậu như thường lệ. Nhưng nếu tinh ý, người ta có thể nhìn thấy chút mãn nguyện trên gương mặt ông, là một trong những người đã góp sức chuyển món quà đó về nước.
Rời Việt Nam theo gia đình đến Đức năm 1972, BS Phi chọn con đường y khoa và trở thành một chuyên gia thông tim can thiệp nhi. Năm 1994, lần đầu tiên về nước sau 22 năm trời xa xứ, ông chỉ có một mục đích đơn giản là tìm về cội nguồn.
Đơn giản như thế, nên trong hành lý của ông khi đó chỉ là một số thiết bị y khoa dùng rồi còn tốt bên Đức để bệnh nhân Việt Nam dùng lại. Ông nói: “Thời đó các thiết bị này rất đắt tiền mà nước mình lại mới mở cửa, vì thế tôi mang chúng về chia sẻ cho các bệnh viện, nơi nào dùng được thì dùng”.
Ông kể lại câu chuyện năm 2005: “Ngày nọ có người quen ở Munich cho tôi biết hội Herz für Herz muốn tài trợ một số trẻ em từ các quốc gia nghèo sang Đức mổ tim trong đó có Việt Nam. Tôi gọi về nước, người ta chuẩn bị ba bé, tất cả được đưa sang Đức điều trị thành công”.
Chuyện chỉ như thế nếu BS Phi từ Hamburg - nơi ông sống và làm việc lúc ấy - không bay sang Munich để cám ơn Herz für Herz và thảo luận một cách làm bền vững, đó là giúp đào tạo các bác sĩ Việt Nam để họ điều trị cho bệnh nhân ngay trong nước. Đó là một ý tưởng hay và thế là mọi chuyện đi tới.
Vậy là kể từ năm 2005 đến nay, một năm đôi ba lần BS Lê Trọng Phi lại về nước trong vai trò thành viên chính thức của Herz für Herz để chuyển giao cho y học Việt Nam kỹ thuật thông tim can thiệp, một lĩnh vực mới mẻ và nhiều thách thức.
Ông đến bệnh viện của nhiều thành phố lớn chỉ dạy bác sĩ thực hành, tạo điều kiện cho họ ra nước ngoài tu nghiệp, và cả việc vận động đưa máy DSA về nước.
Chiếc máy DSA tặng cho bệnh viện đại học Y dược TPHCM là chiếc thứ ba mà BS Phi tư vấn cho Herz für Herz tặng cho Việt Nam, máy trị giá 1 triệu euro. Hai máy đầu đều tặng cho bệnh viện Đà Nẵng vào năm 2009 và 2013.
Chiều ngày 12/11/2015, bên tách cà phê vài giờ trước khi tiễn BS Phi ra phi trường về nước, tôi hỏi ông: “Phải chăng vì tin tưởng vào tay nghề bác sĩ Việt Nam nên người nước ngoài mới tặng máy?”
Ông trả lời: “Trình độ thông tim can thiệp nhi khoa của bác sĩ Việt giờ đây không thua gì nước ngoài. Thậm chí ở một số bệnh lý, mình còn nhỉnh hơn vì bệnh nhân của mình nhiều và số bác sĩ làm nghề này lại ít, nên họ có điều kiện thực hành và tiến xa”.
[143779]BS_TinTS.BS Đỗ Nguyên Tín hướng dẫn chẩn đoán một ca bệnh khó cho đồng nghiệp tại bệnh viện Kiên Giang. Ảnh: Phan Sơn
Khơi nguồn mạch nước
Là một bác sĩ nội trú nhi giỏi thời sinh viên, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, phó khoa tim mạch BV Nhi Đồng 1 TPHCM, có thể chọn cho mình một lĩnh vực nhẹ nhàng và thu nhập tốt, nhưng anh lại chọn ngành tim mạch can thiệp nhi, một lĩnh vực vất vả và chưa phát triển trước đây. Có lần anh tâm sự: “Tôi là người ham thích chinh phục, vì thế tôi thích thách thức và những điều mới mẻ”.
Năm 1998, BV Chợ Rẫy TPHCM mời một chuyên gia nước ngoài về nói chuyện về tim mạch can thiệp. Như người đi biển khám phá được một mảnh đất mới, dù chẳng biết gì nhiều, nhưng BS Tín vẫn bước vào.
Năm 2000, anh tình cờ gặp được BS Lê Trọng Phi. Anh nói: “BS Phi là một trong những người đầu tiên xây dựng tim mạch can thiệp nhi trong nước. Nhờ anh ấy đưa về nước những kỹ thuật tiên tiến của châu Âu nên chúng tôi mới có cơ hội nâng cao tay nghề”.
Nếu không có đàn anh Lê Trọng Phi có lẽ chắc khó có được một BS Đỗ Nguyên Tín ngày nay. Hiểu được tinh thần đó, nên người đàn em ngày nào lại đổi vai, miệt mài đi khai phá những mảnh đất mới để “truyền đạo” thông tim can thiệp nhi khoa.
Sau buổi làm việc sáng tại BV Nhi Đồng Cần Thơ, chúng tôi có mặt ở khoa tim mạch bệnh viện đa khoa Kiên Giang. Mọi thứ đã sẵn sàng, tám trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh chờ can thiệp, chưa kể một số ca bệnh khó chờ BS Tín hội chẩn.
Nhịp điệu làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Can thiệp ca này xong lại đến ca khác, mỗi ca khoảng 30 phút. Bên cạnh BS Tín là học trò anh, BS Lê Hoàng Khoa, người trước đó từng lăn lộn học nghề tại BV Nhi Đồng 1 suốt hai năm trời.
Giữa hai ca can thiệp, vừa ghi bệnh án, người bác sĩ trẻ với giọng nói đậm chất Nam bộ vừa tâm sự: “Học xong về lại bệnh viện cả năm trời tôi mới được bắt tay vào làm vì mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đầu tiên là những ca dễ, sau đó độ khó nâng dần lên. Tháng nào thầy Tín cũng xuống đây một lần để giải quyết những ca phức tạp. Có lẽ ngày nào tôi cứng cáp hẳn, thầy mới “buông” tôi ra”.
Gần 20 giờ, tám ca bệnh trẻ em được giải quyết nhanh gọn và thành công. Nhưng không chỉ trẻ em, người lớn cũng được thừa hưởng lợi ích của can thiệp bệnh tim bẩm sinh.
Ca cuối cùng hôm đó không nằm trong kế hoạch. Đó là một phụ nữ nông dân, 39 tuổi, bị thông liên nhĩ bẩm sinh. Phần không biết bệnh, phần gia đình quá nghèo, nên chị mang bệnh hàng chục năm trời để đến nỗi suy tim. Theo kết quả hội chẩn vài giờ trước đó, bác sĩ đề nghị chị về nhà uống thuốc hai tháng để theo dõi, nhưng giờ chót chị lại được can thiệp.
BS Tín nói: “Nhà chị ấy quá nghèo, ghi toa về có lẽ chị cũng không có tiền mua thuốc. Chúng tôi định trong thời gian đó tìm nhà tài trợ giúp chị làm can thiệp. Chi phí dụng cụ, thuốc men lên đến hơn 50 triệu đồng”.
Tuy nhiên, cuối cùng bệnh nhân cũng được điều trị ngay trong ngày nhờ sự giúp đỡ của BS Lê Hoàng Khoa, người chuyên vận động các mạnh thường quân tài trợ bệnh nhân nghèo.
Ca can thiệp kéo dài hơn 60 phút, khó khăn vì lỗ thông lớn, nhưng sau cùng cũng thành công như dự kiến. Nằm trên chiếc giường đẩy chuyển ra khỏi phòng mổ, người phụ nữ nghèo kịp ngoái đầu lại nói với theo: “Đội ơn bác sĩ Khoa!”
Khuya, trên chiếc xe vội về thành phố, tôi đặt cho BS Đỗ Nguyên Tín câu hỏi: “Điều gì làm nên sự thành công của một bác sĩ?” Anh suy nghĩ hồi lâu và nói: “Trước nhất đó phải là người giỏi chuyên môn và sau đó phải có tinh thần dấn thân. Nghĩa là đi tới, vì yêu thương bệnh nhân mà không ngại khó khăn và thách thức”.
Ai đó đã ví yêu thương như mạch nước, nếu nó không chảy đi, dừng lại một chỗ thì ngày nào sẽ hôi thối vì là ao tù nước đọng. Nhưng nếu mạch nước chảy đi, nó sẽ trở thành dòng suối trong mát có thể nuôi sống mọi người.
Nhờ dòng suối này, bức tranh về trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam dần trở nên hồng hào và tươi tắn hơn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét