Điều ít ai ngờ, căn bệnh này bắt đầu từ rất sớm, thói quen ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc con của cha mẹ là một trong những yếu tố giúp bệnh tim mạch “xâm nhập” cơ thể bé.
Món ngon nhớ lâu
Kinh tế phát triển, món ăn ngày càng phong phú, tiện dụng. Do hạn chế về thời gian, các bà mẹ thường cho con dùng thức ăn nhanh. "Món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời", các bé khi ăn món gì yêu thích sẽ đòi ăn khi có cơ hội.
Ăn vài lần là ghiền vì phong cách ăn văn minh, ngon miệng, mỗi người một khẩu phần lại còn kèm cả nước ngọt có gas. Ăn không hết khẩu phần thì ăn cố, ăn vài lần là thích và trở thành thói quen nên dễ bị thừa cân béo phì. Đây là nguyên nhân "mở màn" cho các bệnh xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường… viếng thăm!
Hiện nay món ăn Việt Nam được đánh giá khá cao về sự hài hòa giữa bốn nhóm thực phẩm, nhiều màu sắc, mùi vị và chất xơ. Để thêm tuổi thêm khỏe, nên cho các bé dùng các món thuần Việt.
"Mối chúa" ẩn mình
Có bà mẹ gọi con mình là "mối chúa" vì bé chỉ thò mặt ra khỏi phòng lúc ăn, thời gian còn lại bé nằm, ngồi chơi cùng ipad. Khi đóng cánh cửa thực tế, đồng nghĩa với mở cánh cửa bệnh tật. Trẻ còn nhỏ mạch máu còn dẻo dai, xương khớp còn cứng chắc sẽ không cảm thấy ngộp, đau nhức như các bậc trưởng lão, nhưng dễ thấy nhất là thừa cân, béo phì.
Khói thuốc làm bé yếu
Nhiều người cha thương con vô cùng nhưng lại nghiện thuốc lá vô kể, vừa chở con đi chơi vừa hút thuốc; vừa hút thuốc vừa cho con ăn; vào phòng ngủ với con cũng phì phà.
Ai cũng biết hút thuốc thụ động có hại cho sức khỏe, nhưng ít ai biết trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, sẽ nhạy cảm hơn với các chất độc có trong khói thuốc.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thì mảng bám trong lòng động mạch cảnh tăng lên gấp hai lần. Các mảng bám này có thể gây nghẽn mạch máu, tạo cơ hội cho bệnh tim mạch trú ngụ. Trẻ có bố mẹ hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh tim khi trưởng thành.
Muối gây nghiện
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt Nam hiện đang dùng 18-22gr muối/người/ngày. Khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi ngày chỉ nên sử dụng 3 - 6gr muối. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, để giữ sức khỏe không nên ăn quá 6gr muối/người/ngày (tương đương một muỗng cà phê muối).
Tính ra, chúng ta dùng muối nhiều gấp ba lần so với lượng muối cho phép, có thể dẫn đến nguy cơ cao tăng huyết áp, tim mạch và đột quỵ. Điều đáng ngại là chính các bà mẹ, các đầu bếp nhà trẻ khi nấu cho các bé ăn lại dùng chính tiêu chuẩn độ mặn ngon (theo khẩu vị người nấu) để nêm nếm. Bé đã quen vị mặn thì khi trưởng thành khó lòng ăn ít muối vì nhạt nhẽo nuốt không trôi.
BS Nguyễn Thị Kim Hưng - Trung tâm Làm giàu Thế giới nội tâm TPHCM giải thích: "Một chất được gọi là gây nghiện khi không cần thiết cho cơ thể nhưng lệ thuộc buộc phải dùng. Muối được cấu thành từ clo và natri, hàm lượng các chất này trong thức ăn (chưa nêm nếm) đã đủ cho cơ thể. Chúng ta ăn vì nghiện".
Sự nghiện ngập này sau hai mươi, ba mươi năm sẽ làm tăng áp lực mạch máu, dẫn đường cho bệnh cao huyết áp xuất hiện, lôi kéo thêm các "hậu sinh khả úy" khác như: xơ vữa mạch máu, loạn nhịp tim, suy thận, đột tử…
Do đó, để bảo vệ cả hệ thống tim mạch và thận cho bé, cha mẹ cần cho con ăn nhạt hơn mình. Bé đã quen vị nhạt sẽ hình thành thói quen, từ chối khi gặp các món nêm mặn. Những ai ở độ tuổi thanh niên, trung niên đã lỡ ăn mặn trong thời gian dài cần cai bớt muối, có như vậy trái tim mới không bị chết non.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét