Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

TPHCM: Lần đầu tiên phẫu thuật thành công điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

BV Đại học Y Dược TPHCM vừa áp dụng thành công phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới phức tạp bằng cách phối hợp giữa phẫu thuật và đặt stent tĩnh mạch.

Đây là một phương pháp mới và lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

Ngày 7/6, bà N.N.L (48 tuổi, ngụ Tiền Giang) được đưa vào khoa cấp cứu BV Đại học Y Dược TPHCM trong tình trạng chân trái đau nhức, bắt đầu chuyển sang màu xanh tím và phù căng cứng từ bàn chân lên đến vùng đùi. Trước đó 10 ngày, chân trái của bệnh nhân bắt đầu xuất hiện phù, mức độ phù và đau ngày càng tăng. 

Kết quả siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp tĩnh mạch cho thấy các tĩnh mạch sâu ở chân trái bệnh nhân bị tắc nghẽn hoàn toàn do huyết khối, lan rộng từ các tĩnh mạch nhỏ ở cẳng chân đến tĩnh mạch lớn ổ bụng. 

Dựa vào các kết quả có được, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc tĩnh mạchsâu cấp tính thể nặng, có nguy cơ hoại tử chân nếu không điều trị kịp thời. Hình ảnh chụp cắt lớp còn cho thấy một đoạn tĩnh mạch ở vùng bụng của bệnh nhân bị hẹp nặng ngay vị trí bắt chéo với một động mạch khác.

Êkip bác sĩ khoa Phẫu thuật - Mạch máu đã tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối trong lòng tĩnh mạch của bệnh nhân, sau đó nong bóng và đặt stent sửa chữa đoạn tĩnh mạch chậu bị hẹp trên. Hình chụp kiểm tra sau đó cho thấy lòng tĩnh mạch không còn huyết khối và vị trí tĩnh mạch chậu bị hẹp đã được mở rộng, máu chảy về tim một cách dễ dàng. 

Sức khỏe của bà L. đã được hồi phục và xuất viện


Theo ThS.BS Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật - Mạch máu, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là một bệnh nguy hiểm rất thường gặp, có biểu hiện lâm sàng đa dạng từ không triệu chứng đến đau chân, da chuyển màu xanh tím, phù căng, thậm chí hoại tử tĩnh mạch. 

“Biến chứng trầm trọng nhất của bệnh là thuyên tắc động mạch phổi có thể gây đột tử. Nếu không điều trị sớm, về sau người bệnh có nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch hậu huyết khối với tình trạng chân đau nhức và lở loét không lành, làm giảm chất lượng cuộc sống", BS Thanh Phong khẳng định.

Ở nước ta, từ trước đến nay, bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu thường được điều trị bằng phương pháp kháng đông. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới, những bệnh nhân chỉ điều trị bằng kháng đông, 5 năm sau có đến 90% bị hội chứng hậu huyết khối, 40% xuất hiện cơn đau cách hồi tĩnh mạch và 15% sẽ chuyển thành lở loét ở chân. Nghiên cứu cũng ghi nhận chất lượng cuộc sống giảm đi một cách đáng kể ở những người bị hội chứng hậu huyết khối.

ThS.BS Trần Minh Bảo Luân, giảng viên bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch ĐH Y Dược TPHCM giải thích thêm: "Hội chứng hậu huyết khối xuất hiện là do huyết khối cấp không được lấy đi gây tắc hẹp tĩnh mạch mạn tính, biểu hiện bằng tình trạng đau chân, phù, thay đổi sắc thái da ở cẳng chân và lở loét chân không lành. Ngoài ra, những bệnh nhân điều trị nội khoa đơn thuần còn có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cấp tái phát dai dẳng cùng với nguy cơ thuyên tắc phổi cao."

BV Đại học Y Dược TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật kết hợp với can thiệp nội mạch để điều trị huyết khối tĩnh mạch cấp cho những đối tượng bệnh nhân phù hợp. 

Khi phẫu thuật can thiệp lấy huyết khối thành công, các đoạn tĩnh mạch tắc hẹp được sửa chữa bằng cách đặt stent, dòng chảy được hồi phục và các van được bảo tồn. Nhờ đó chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ được cải thiện đáng kể. Khi đó, khả năng huyết khối tĩnh mạch tái phát sẽ giảm xuống đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi.

Theo BS Bảo Luân, huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính nếu được phát hiện sớm trong vòng 2 tuần có thể được loại bỏ bằng biện pháp can thiệp nội mạch, phẫu thuật hoặc phối hợp cả 2 phương thức. Trong đó, biện pháp can thiệp nội mạch giúp cho phẫu thuật thực hiện dễ dàng và kiểm tra hiệu quả hơn, bên cạnh đó giúp phát hiện và sửa chữa những thương tổn tắc hẹp của tĩnh mạch bằng cách nong bóng và đặt stent.

Có 3 nguyên nhân chính tạo nên huyết khối tĩnh mạch sâu. Thứ nhất là tình trạng tăng đông máu, thường gặp sau phẫu thuật, chấn thương, nhiễm trùng, ung thư hay bệnh tăng đông máu di truyền. Thứ hai là tình trạng ứ đọng tĩnh mạch và cuối cùng là các tổn thương nội lòng tĩnh mạch.

Về cơ bản có 2 phương pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch tái phát sau phẫu thuật. Thứ nhất là phương pháp cơ học (vận động sớm sau mổ, tập vật lý trị liệu gấp duỗi cổ chân ở những bệnh nhân bất động, gác chân lên cao, mang vớ áp lực, mang vớ hơi áp lực ngắt quãng nhằm giúp giảm tình trạng ứ đọng tĩnh mạch). Thứ hai là sử dụng thuốc kháng đông làm giảm khả năng đông máu. Các biện pháp này có thể áp dụng riêng hay kết hợp tùy từng trường hợp cụ thể. 

Theo BV Đại học Y Dược TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét