Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

25% người Việt tử vong do bệnh tim mạch

Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong do bệnh tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo "Cập nhật trong điều trị các bệnh lý nội khoa" tổ chức ở TPHCM ngày 13/9, PGS Nguyễn Thy Khuê, Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết các bệnh nội khoa đang ngày càng gia tăng chóng mặt.
Tính đến tháng 5/ 2015, cả nước có khoảng 1,4 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Hội Tim mạch Việt Nam cảnh báo, đến năm 2017, cả nước sẽ có khoảng 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. 
"Tăng huyết áp có tỷ lệ lưu hành thay đổi 20-30% tại các vùng miền. Đái tháo đường có tỷ lệ lưu hành gia tăng gấp đôi mỗi 10 năm, kèm theo đó là những hệ lụy về biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Đặc biệt, đột quỵ là biến chứng tim mạch thường gặp tại Việt Nam và có lẽ còn nhiều hơn nhồi máu cơ tim", PGS Khuê nhấn mạnh.
Tính đến tháng 5/ 2015, cả nước có khoảng 1,4 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Ảnh minh họa: L.P
Tính đến tháng 5/ 2015, cả nước có khoảng 1,4 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Ảnh minh họa: L.P
Bệnh xơ vữa động mạch hiện cũng là vấn đề nan giải. Khi mạch máu bị xơ vữa và mảng xơ vữa không ổn định thì sự kết tập tiểu cầu sẽ khởi động, gây ra huyết khối và làm tắc nghẽn lòng mạch. Nếu sự tắc nghẽn xảy ra tại mạch máu não sẽ gây ra đột quỵ, tại mạch vành sẽ gây ra nhồi máu cơ tim.
Ở các nước phát triển, 50% trường hợp tử vong do bệnh tim mạch, trong đó 50% do xơ vữa động mạch. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một thể bệnh âm thầm giết chết bệnh nhân vì đến 80% người bệnh không có triệu chứng. Nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy hơn 22% bệnh nhân nội khoa cấp tính và ít vận động, nếu không dự phòng sẽ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới.
Theo các chuyên gia, cuộc sống hiện đại với những vấn đề về stress, lo âu, sang chấn tâm lý xuất hiện càng nhiều. Những yếu tố này tác động lên những người không bị bệnh nội khoa, làm phát sinh các triệu chứng cơ thể, đặc biệt là trên tim mạch mặc dù bệnh nhân hoàn toàn không có các tổn thương thực thể. Đối với những bệnh nhân có mắc bệnh nội khoa, các yếu tố tâm lý này được cho là đóng vai trò quan trọng trong phát sinh, làm nặng hoặc kéo dài bệnh. 
Bệnh nhân có ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý ngày càng phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trong các phòng khám chuyên khoa tim mạch, lên đến hơn 20%. Do vậy, các yếu tố tâm lý trong điều trị bệnh lý tim mạch đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần được tư vấn tâm lý, thay đổi chế độ sinh hoạt và làm việc, tránh căng thẳng, tập luyện thể dục, yoga.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét