Bệnh van hai lá là bệnh van tim phổ biến tại Việt Nam,
đa số nguyên nhân do thấp tim. Đây là bệnh khá điển hình ở các nước
nghèo, đang phát triển mà khởi đầu là các bệnh nhiễm khuẩn vùng mũi họng
và đường hô hấp do một loại vi khuẩn có tên: liên cầu khuẩn tan huyết ß
nhóm A (streptococcus A).
Van hai lá nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất trái. Thương
tổn van hai lá do thấp tim rất phức tạp và nặng nề. Có 3 loại tổn thương
chính là hẹp van, hở van và kết hợp vừa hở vừa hẹp van.
Nguyên nhân chính làm cho van hai lá bị hỏng là do
thấp tim không được điều trị triệt để, dẫn đến tổn thương van tim, khiến
cho các lá van dày lên, có thể lắng đọng canxi làm lá van cứng lại, hạn
chế di động. Các mép van dính lại với nhau gây hẹp lỗ van, các dây
chằng dày dính lại với nhau thành một khối khiến van bị hở.
Không nên xem nhẹ những dấu hiệu ban đầu
Khó thở là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh. Người bệnh
ban đầu thấy khó thở khi làm việc nặng hoặc khi gắng sức như lên cầu
thang, sau đó mức độ khó thở sẽ tăng dần, chỉ cần làm việc nhẹ như sinh
hoạt hàng ngày người bệnh đã thấy khó thở và sẽ đỡ khi nghỉ ngơi. Nếu
bệnh không được điều trị, mức độ khó thở sẽ tăng hơn nữa, khiến người
bệnh khó thở cả khi nghỉ không làm gì, ban đêm thường phải ngồi dậy để
thở. Bên cạnh dấu hiệu khó thở, đôi khi bệnh nhân có ho ra máu, có thể
chỉ ho ra ít máu. Dấu hiệu này dễ khiến bệnh nhân cũng như thầy thuốc
nhầm với bệnh lý của phổi hay đường hô hấp, chỉ khi kiểm tra về tim mới
phát hiện ra bệnh.
Rất nhiều bệnh nhân có những biểu hiện trên, nhưng do
điều kiện khó khăn hoặc chủ quan không đến khám, khiến mức độ bệnh nặng
dần lên. Vì thế đa số người bệnh đến khám khi bệnh ở giai đoạn nặng.
Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia, trong những
năm gần đây có tới 50% tổng số bệnh nhân nhập viện là các bệnh van tim
do thấp, chiếm đến hơn 90% trong số các bệnh tim mắc phải, trong đó chủ
yếu là bệnh van hai lá.
|
Khám tim nghe được tiếng thổi bất thường ở vùng tim
có thể hướng tới bệnh tim là hẹp hay hở van. Tuy nhiên, để chẩn đoán
chính xác cần làm thêm các xét nghiệm chụp phim Xquang, điện tim đồ và
đặc biệt là siêu âm tim.
Ngày nay, với siêu âm tim giúp cho thầy thuốc có thể
đánh giá chính xác mức độ hẹp hay hở van. Bên cạnh đó đánh giá được hình
thái tổn thương của van, mức độ dày, vôi hóa, cũng như tình trạng dây
chằng của van hai lá.
Điều trị thế nào?
Sau khi đánh giá thương tổn van hai lá và các tổn
thương phối hợp nếu có ở các van tim khác (như van ba lá, van động mạch
chủ), đánh giá chức năng tim, mức độ suy tim, bác sĩ chuyên khoa sẽ có
phương án can thiệp phù hợp kết hợp với điều trị nội khoa (điều trị bằng
thuốc) trước và sau khi can thiệp. Việc điều trị chống suy tim chủ yếu
bằng chế độ ăn hạn chế muối, nghỉ ngơi, dùng thuốc chống suy tim và lợi
tiểu.
Thay van hai lá nhân tạo (phẫu thuật với máy tim phổi nhân tạo).
|
Với tổn thương hẹp van hai lá đơn thuần: Khi
van hai lá chỉ hẹp mà không có hở, có thể mổ nong van bằng dụng cụ hoặc
hiện nay phổ biến mổ với tuần hoàn ngoài cơ thể, cho tim ngừng đập, mở
nhĩ trái và mở rộng van hai lá. Với phương pháp này kết quả thường tốt,
nhưng chi phí cho phẫu thuật còn rất cao nên đôi khi vẫn phải lựa chọn
mổ nong van bằng dụng cụ, với chi phí phẫu thuật thấp hơn, tuy nhiên kết
quả hạn chế hơn.
Có một phương pháp khác là nong van bằng can thiệp
mạch qua da. Bác sĩ chuyên khoa can thiệp mạch sẽ dùng một ống thông
luồn trong lòng mạch máu từ tĩnh mạch đùi ở bẹn, ống thông đi theo tĩnh
mạch về tâm nhĩ phải, rồi chọc qua vách liên nhĩ sang nhĩ trái, sau đó
đưa qua van hai lá xuống thất trái. Đầu ống thông có quả bóng, khi bơm
căng bóng sẽ nong rộng lỗ van. Với phương pháp này, bệnh nhân không phải
phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp
dụng khi tình trạng van còn tương đối tốt, chỉ hẹp van đơn thuần hoặc
kết hợp hở nhẹ. Nếu bệnh nhân đến muộn, van tổn thương nặng nề thì chỉ
có phương pháp duy nhất là phẫu thuật thay van hai lá nhân tạo.
Với tổn thương hở van hai lá hoặc kết hợp hở - hẹp van hai lá:
Trong trường hợp này, điều trị duy nhất là phẫu thuật sửa hoặc thay van
hai lá với tuần hoàn ngoài cơ thể. Chỉ định sửa hay thay van không chỉ
phụ thuộc vào mức độ thương tổn của van mà còn phụ thuộc vào các yếu tố
khác như tuổi, cơ sở vật chất, kinh tế người bệnh, khả năng, kinh nghiệm
của thầy thuốc... Tuy nhiên khi lá van dày, vôi hóa nhiều, dây chằng lá
van co rút nặng thì phải thay van nhân tạo, nếu lá van còn mềm mại, dây
chằng chưa thương tổn nặng thì nên sửa van.
Bệnh có phòng được không?
Việc phòng bệnh thấp tim là vô cùng quan trọng bởi vì
liên cầu khuẩn có thể khu trú ở đường hô hấp trên hoặc trên da và dễ
lây nhiễm. Bệnh hay xảy ra khi người bệnh sống trong môi trường ẩm thấp,
thiếu vệ sinh, điều kiện dinh dưỡng không đảm bảo... Nếu bệnh nhân có
các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn tan máu bê
ta nhóm A như: sốt, viêm họng, viêm amidan, sưng hạch bạch huyết dưới
hàm, nuốt đau, hoặc phát hiện trẻ có dấu hiệu đau khớp thì cần đưa ngay
trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.
Cần chú ý biện pháp tuyên truyền để người dân biết lợi
ích của việc điều trị viêm họng, nhất là cho trẻ cũng như hậu quả tai
hại của bệnh van tim do thấp, phổ biến, giáo dục sức khỏe cho trẻ giữ vệ
sinh, giữ ấm tránh nhiễm lạnh, nâng cao thể chất, cải tạo môi trường
sống, nâng cao chất lượng sống, thoát nghèo là một yếu tố rất quan
trọng.
BS. Ngô Tuấn Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét