Rung nhĩ là một rối loạn nhịp tim
thường gặp, đặc biệt là ở người cao tuổi. Khi chăm sóc sức khỏe tốt hơn,
tuổi thọ kéo dài thì rung nhĩ ngày càng thường gặp. Điều đáng nói là
nhiều người bị rung nhĩ nhưng không có biểu hiện gì, vẫn có thể sinh
hoạt bình thường. Tuy nhiên, rung nhĩ là nguyên nhân hàng đầu (cùng với
tăng huyết áp) gây ra 15% tổng số trường hợp nhồi máu não trên toàn thế
giới hằng năm.
Những dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng cơ năng của bệnh chủ yếu là cảm giác hồi
hộp đánh trống ngực, đôi khi kèm theo hoa mắt chóng mặt, thấy tim đập
nhanh và không đều. Rung nhĩ có thể gây cảm giác rất khó chịu, đặc biệt
là về đêm làm người bệnh khó ngủ. Một số bệnh nhân có triệu chứng đau
đầu, tức ngực, thậm chí khó thở khi lên cơn rung nhĩ. Triệu chứng chủ
yếu là nghe thấy nhịp tim rối loạn hoàn toàn, không theo một nhịp điệu
nào cả. Một số bệnh nhân tự bắt mạch mình thấy nhịp tim không đều, hay
đôi khi có đoạn mạch yếu, chìm xuống.
Hoạt động điện và điện tâm đồ trong trường hợp bình thường (trái) và rung nhĩ (phải).
|
Rung nhĩ có thể xảy ra liên tục, cũng có thể xuất
hiện thành từng cơn. Cơn rung nhĩ thường xuất hiện khi gắng sức, khi lo
lắng, giận dữ hay khi có các stress tâm lý. Cơn rung nhĩ giai đoạn đầu
thường tự xuất hiện và tự hết khi bệnh nhân nghỉ ngơi hay hết các
stress. Càng về sau, cơn rung nhĩ có thể càng kéo dài, thậm chí vài ngày
và thời gian xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, các triệu chứng cơ năng của rung nhĩ không
hoàn toàn đặc hiệu, có thể rất thầm lặng. Một số bệnh nhân có thể nhầm
lẫn triệu chứng của rung nhĩ với các bệnh khác, đặc biệt khi bệnh nhân
đã có bệnh lý nội ngoại khoa từ trước. Chính đặc điểm này làm rung nhĩ
đôi khi được chẩn đoán muộn, khi bệnh nhân đã có nhồi máu não hay các
biến chứng tắc mạch khác.
Rung nhĩ do đâu?
Nguyên nhân của rung nhĩ chưa được biết rõ hoàn toàn,
tuy nhiên có nhiều giả thiết được đưa ra về rối loạn hoạt động điện của
tâm nhĩ hay của tĩnh mạch phổi. Cơn rung nhĩ khi xuất hiện thường ít có
khả năng tự hết mà có xu hướng chuyển thành dạng rung nhĩ bền bỉ và dai
dẳng hơn.
Các yếu tố nguy cơ của rung nhĩ là các bệnh van tim,
bệnh mạch vành gây thiếu máu cơ tim, bệnh tăng huyết áp, đái tháo
đường... Đặc biệt, những người uống rượu có tăng nguy cơ rung nhĩ. Nam
giới có nguy cơ mắc rung nhĩ cao hơn so với nữ giới. Rung nhĩ cũng có
tính di truyền, nếu bố hoặc mẹ mắc rung nhĩ, con cái sẽ có nguy cơ mắc
rung nhĩ cao hơn 1,7 lần so với bình thường. Khi cả bố và mẹ cùng mắc
rung nhĩ, con cái của họ sẽ có nguy cơ mắc rung nhĩ cao hơn gấp 5 lần so
với bình thường. Hiện nay, trên thế giới đang có nhiều nghiên cứu hướng
vào liệu pháp gen điều trị rung nhĩ, nhưng hiện tại chưa có phương pháp
nào thực sự hữu hiệu.
Biến chứng của rung nhĩ là gây ra các cục máu
đông ở trong buồng tim (tâm nhĩ trái). Khi các cục máu đông này bắn ra
có thể làm tắc các mạch, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nguy hiểm nhất là
cục máu đông làm tắc mạch não gây tai biến mạch máu não có thể dẫn đến
tử vong. Ngoài ra, có thể gây tắc mạch chân, tắc mạch ruột, gan, thận…
có thể cần phải phẫu thuật hay can thiệp hút huyết khối.
|
Điều trị rung nhĩ bao gồm việc chuyển nhịp, kiểm soát
tần số tim và chống hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Hiện
nay thường sử dụng các thuốc chuyển nhịp hay chuyển nhịp bằng shock điện
và thậm chí là phẫu thuật. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này
không cao, dễ tái phát, đôi khi rất tốn kém và phức tạp. Việc điều trị
chuyển nhịp về lâu dài không mang lại lợi ích về mặt tiên lượng tử vong
so với kiểm soát tần số tim cho bệnh nhân.
Điều trị kiểm soát tần số đáp ứng thất kết hợp với
chống đông thường được các bác sĩ lựa chọn đầu tiên. Bệnh nhân có thể
được điều trị kiểm soát tần số kết hợp với chống đông lâu dài, nếu không
có triệu chứng khó chịu và bệnh nhân tuân thủ được dùng thuốc và theo
dõi hiệu quả chống đông. Tuy nhiên, kiểm soát tần số thất với một số
bệnh nhân có thể khó khăn, đặc biệt với người già do dùng các thuốc này
đồng thời gây ra tác dụng nhịp chậm, thậm chí bệnh nhân có thể mệt mỏi,
choáng ngất.
Dùng thuốc chống đông đường uống cho bệnh nhân rung
nhĩ hiện nay vẫn là một thách thức. Các thuốc chống đông đường uống phổ
biến ở nước ta hiện nay bị ảnh hưởng nhiều do chế độ ăn hay tương tác
với các thuốc đang dùng. Mặt khác, nhiều bệnh nhân khó tuân thủ điều
trị, dùng thuốc phải theo dõi hàng tháng dẫn tới chi phí tốn kém. Nếu
uống thuốc chống đông mà không được theo dõi cẩn thận có thể có biến
chứng do uống thuốc chưa đạt liều hoặc quá liều. Trường hợp nặng, bệnh
nhân có thể mắc biến chứng chảy máu não, chảy máu dạ dày do quá liều
thuốc chống đông, đôi khi dẫn tới tử vong.
Hiện nay, có một số biện pháp điều trị mới hứa hẹn sẽ
giúp điều trị rung nhĩ hiệu quả hơn như: bít tiểu nhĩ bằng dụng cụ làm
giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ trái, giảm các tai
biến tắc mạch liên quan đến rung nhĩ. Hiện nay, bít tiểu nhĩ được chỉ
định cho những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim và không dung
nạp với thuốc chống đông đường uống.
Phòng chống bệnh rung nhĩ bằng cách tập luyện thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, rượu, bia, kiêng cà phê và ăn nhạt.
BS. Trần Vũ Hoàng
(Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét