Các triệu chứng của đột quỵ thường là: tê yếu một bên cơ thể, nói líu lưỡi, hoặc không kiểm soát được ngôn ngữ; đột ngột hoa mắt chóng mặt hoặc nhìn mờ; đi đứng loạng choạng; không thể cầm nắm; đau đầu, kèm nôn ói….
Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng tăng. Nguy cơ đột quỵ tăng gấp hai lần sau 50 tuổi, nhất là kèm theo các yếu tố về lối sống không lành mạnh như: hút thuốc, nghiện rượu, tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, tăng mỡ máu, ít vận động, chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo động vật, căng thẳng.
Sau đột quỵ, vì mong muốn nhanh phục hồi sức khỏe, nhiều người đã tích cực tập luyện - cụ thể là tập đi. Nếu tập đi không đúng phương pháp, có thể khiến BN bị thoái hóa khớp gối.
BS Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng (BV Chợ Rẫy), cho biết, sau đột quỵ, cảm giác cơ thể bị suy giảm, mất khả năng co cơ theo ý muốn... Do không đủ khả năng chống đỡ cơ thể, nên BN sẽ chọn tư thế gối ưỡn hoặc gấp quá mức để khoá gối nhằm đáp ứng mong muốn đi sớm. Không chỉ về mặt thẩm mỹ, biến chứng của nó là gối ưỡn thành hình chữ C, lâu dần, gối ưỡn sẽ gây thoái hóa khớp.
Do đó, BN sau khi được điều trị đột quỵ cần được các chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn cách đi đứng, cầm nắm. BN liệt nửa người, cần phải được tập để cải thiện sức mạnh cơ đùi, co và thư giãn cơ đúng lúc. BS Khoa cho biết các bài tập bao gồm: kéo dãn cơ, tập để chân liệt chịu được sức nặng, kiểm soát khớp gối ở giới hạn vận động từ 0 đến 5 độ để gối cử động uyển chuyển.
Bên cạnh đó, để tăng cường sức mạnh cho cơ, các chuyên gia có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ khác như kích thích bằng điện, châm cứu điện hay giúp BN dãn cơ đang co cứng bằng thuốc chích Botox.
Hiện nay, tại Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng (BV Chợ Rẫy) các bác sĩ còn áp dụng nẹp chỉnh hình AFO (Ankle-Foot-Orthosis: nẹp chỉnh hình cổ bàn chân) hỗ trợ điều trị vùng cổ bàn chân, hay nẹp gối chống ưỡn hỗ trợ khớp gối. Nẹp AFO hay nẹp chống ưỡn giúp điều chỉnh và giữ vững cẳng chân, tạo thuận lợi cho kiểm soát khớp gối gập hay duỗi.
Sau một tháng mang các nẹp hỗ trợ này, BN sẽ được đánh giá lại để xem có thể tiếp tục mang hay tháo bỏ nẹp. Đối với những BN đã bị gối ưỡn và có những cơn đau khớp gối do tập đi sai cách, các nẹp hỗ trợ sẽ giúp BN giảm đau đáng kể, nhưng phải mang nẹp suốt đời.
Theo Nga Thanh - Phụ Nữ Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét