Bệnh tăng huyết áp rất phổ biến ở người trưởng thành và nó được xem là kẻ giết người thầm lặng bởi tính chất âm thầm và các biến chứng nặng nề của nó.
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành tại Việt Nam khoảng 25,1%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 người trong số đó được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.
Tăng huyết áp nếu không được điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh.
Khi nào bị tăng huyết áp
Huyết áp lên xuống trong những điều kiện nhất định là bình thường. Tuy nhiên, tăng huyết áp là khi huyết áp của bạn lúc nào cũng cao hơn mức bình thường lúc tim co bóp (tâm thu) lớn hơn 140 mmHg hoặc huyết áp lúc tim dãn ra (tâm trương) lớn hơn 90 mmHg.
Tăng huyết áp cần được phân biệt với hiện tượng tăng huyết áp "áo choàng trắng". Đó là khi huyết áp thường xuyên tăng lên tại bệnh viện hoặc phòng khám, trong khi đó, huyết áp đo được tại nhà lại là bình thường.
Hiện tượng tăng huyết áp "áo choàng trằng" chiếm tỷ lệ không nhỏ, khoảng 10-30%. Tuy nhiên, tăng huyết áp áo choàng trắng có thể là khởi đầu của bệnh tăng huyết áp thực sự và có thể làm tăng nguy cơ tim mạch tổng thể.
Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân. Chỉ có khoảng 10% tăng huyết áp có nguyên nhân là do hậu quả của bệnh thận cấp hoặc mạn tính, bệnh hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, bệnh lý tuyến giáp, tuyến yên, hội chứng Conn, hội chứng Cushing…
Bệnh tăng huyết áp diễn ra rất âm thầm, ít có triệu chứng cho đến khi có các biến chứng cụ thể. Vì thế, để phát hiện sớm bị tăng huyết áp, bệnh nhân cần được đo huyết áp định kỳ và đòi hỏi quy trình đo huyết áp phải đúng cách.
Cách đo huyết áp đúng
Trước khi đo huyết áp, nên nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo. Không dùng chất kích thich như cà phê, thuốc lá, rượu bia…trước đó hai giờ. Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim.
Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo thêm ở tư thế đứng để xác định có hạ huyết áp tư thế đứng hay không. Khi đo cần quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo trên nếp lằn khuỷu 2 cm.
Không nói chuyện khi đang đo huyết áp, không bắt chéo chân. Lần đo đầu tiên cần đo ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút.
Nếu số đo huyết áp giữa hai lần chênh nhau trên 10 mmHg thì cần phải đo lại lần sau khi đã nghỉ trên năm phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
Cần thay đổi lối sống
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi sát, điều trị liên tục và lâu dài. Tránh trường hợp điều trị một thời gian, thấy huyết áp trở về bình thường thì người bệnh dừng thuốc. Điều trị tăng huyết áp cần cân nhắc riêng cho từng người bệnh, với mục tiêu quan trọng nhất là đạt được huyết áp mục tiêu thấp hơn 140/90 mmHg. Khi đã đạt được mục tiêu vẫn cần được tiếp tục theo dõi và duy trì phác đồ điều trị lâu dài nhằm tránh tăng huyết áp trở lại.
Ngoài cách điều trị bằng thuốc thì việc thay đổi lối sống là biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp khá hiệu quả. Việc này được áp dụng cho mọi người bệnh nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm, giảm được huyết áp và giảm lượng thuốc cần dùng.
Trước hết, cần có chế độ ăn hợp lý, giảm ăn mặn (tức dưới 6 g muối mỗi ngày). Cần ăn đủ kali, đặc biệt với người có dùng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp, bằng cách tăng cường rau xanh, hoa quả tươi giàu chất xơ và đạm thực vật.
Ngoài ra, cần hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ. Hạn chế uống rượu bia với số lượng dưới hai cốc bia/ngày, dưới hai ly rượu vang (12%) hoặc một ly rượu mạnh (40%). Nếu dùng quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, ngược lại nếu dùng lượng rượu thích hợp (như rượu vang đỏ) thì có thể giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
Đối với người có cân nặng quá lớn thì cần tích cực giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI= cân nặng/(chiều cao)2) là 18,5-22,9 kg/m2. Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và 80 cm ở nữ.
Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Bên cạnh đó, nên tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày trong tuần. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh và cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
Bệnh nhân bị cao huyết áp dễ lên cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn đến tai biến mạch máu não khi thay đổi nhiệt độ đột ngột như khi vào phòng lạnh, khi tắm, hoặc khi ra khỏi nhà trong mùa đông…. Vì vậy, nên tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
Theo BS Ngô Tuấn Anh - BV Quân y 108
Sài Gòn tiếp thị
Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét