Khoảng 100 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh, nhưng may mắn là 1/3 trong số đó có tổn thương nhẹ và không cần điều trị gì.
Âm thổi vô tội
Khi khám tim của những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ có thể nghe được tiếng âm thổi là âm thanh được tạo ra do dòng máu chảy qua các dị tật như lỗ thông trên vách liên nhĩ, lỗ thông trên vách liên thất, hẹp hoặc hở van tim… Tuy nhiên, có những trẻ có cấu trúc tim hoàn toàn bình thường nhưng khám tim vẫn nghe được âm thổi.
Thường thì những trẻ này đi kiểm tra sức khỏe hoặc khám bệnh vì ho, sốt…, bác sĩ nghe tim và phát hiện âm thổi nên gửi bé đi khám chuyên khoa tim mạch hoặc siêu âm tim; siêu âm tim ghi nhận không có tổn thương thực thể. Âm thổi này (nghe ở trẻ có trái tim bình thường) được gọi là âm thổi vô tội. Đây là âm thanh tạo ra khi dòng máu chảy trong các buồng tim, qua các van tim hoặc mạch máu (các cấu trúc này bình thường).
Âm thổi vô tội khá thường gặp ở trẻ em và không gây hại, phần lớn sẽ mất đi khi trẻ trưởng thành. Một khi kiểm tra qua siêu âm tim thấy rằng trẻ không có dị tật tim thì không cần phải theo dõi, không cần điều trị thuốc, không cần một biện pháp can thiệp nào. Trẻ không phải kiêng cữ gì, có thể ăn uống, sinh hoạt, chơi thể thao, vận động như những trẻ khác.
Lỗ thông nhỏ trong tim
Tim có bốn buồng và được chia thành hai nửa trái - phải riêng biệt. Ngăn cách giữa hai bên tim phải - tim trái là vách liên nhĩ (ngăn cách nhĩ phải - nhĩ trái) và vách liên thất (ngăn cách thất phải - thất trái). Bệnh tim bẩm sinh có lỗ thông trên vách liên nhĩ gọi là thông liên nhĩ (chiếm khoảng 10% các bệnh tim bẩm sinh). Bệnh tim bẩm sinh có lỗ thông trên vách liên thất được gọi là thông liên thất (chiếm khoảng 30% các bệnh tim bẩm sinh).
Các lỗ thông có kích thước lớn nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đưa đến giãn tim, suy tim. Uống thuốc không thể nào bít lại các lỗ thông này mà phải dùng biện pháp can thiệp như bít lỗ thông bằng dụng cụ hoặc phẫu thuật đóng lại lỗ thông.
Có một điều đáng mừng là trong một số trường hợp, lỗ thông có kích thước nhỏ (thông liên thất ở vị trí phần màng nhỏ hơn 3mm, thông liên nhĩ nhỏ hơn 5mm) có thể tự đóng lại hoàn toàn trong vòng 1, 2 năm sau khi trẻ ra đời. Kích thước lỗ thông càng nhỏ thì càng dễ đóng lại. Có khoảng 1/3 lỗ thông liên thất nhỏ có thể tự đóng lại và với thông liên nhĩ nhỏ thì tỉ lệ này là 1/10.
Bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM siêu âm tim cho một em nhỏ - Ảnh do tác giả cung cấp
Trước đây, bác sĩ sợ rằng do tồn tại lỗ thông, trẻ có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và đề nghị dùng kháng sinh trước khi làm thủ thuật hay điều trị răng. Tuy nhiên hiện nay, theo khuyến cáo mới của Hội Tim mạch Mỹ thì không cần dùng kháng sinh phòng ngừa cho những trường hợp có lỗ thông nhỏ như vậy.
Sa van hai lá lành tính
Van hai lá là van tim ngăn giữa buồng nhĩ trái và thất trái. Van tim này có nhiệm vụ để dòng máu chảy theo một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái. Trong thời kỳ tim co bóp (kỳ tâm thu), van hai lá sẽ đóng kín để ngăn không cho dòng máu từ tâm thất trái trào ngược lại tâm nhĩ trái. Sa van hai lá là tình trạng khi đóng lại, một trong hai lá van của van hai lá, thường là lá sau, di chuyển nhiều về phía nhĩ trái ("sa" vào nhĩ trái) và không khép kín với mép lá van còn lại.
Sa van hai lá chiếm khoảng 2% dân số. Hầu hết tình trạng sa van hai lá bẩm sinh ở trẻ em (khoảng 95%) là lành tính và chỉ có khoảng 1/1.000 trẻ cần điều trị. Những trường hợp cần theo dõi và điều trị là sa van hai lá gây hở van hai lá mức độ từ trung bình đến nặng.
Nếu bị sa van hai lá nhưng không có tình trạng dày lá van, không hở van hai lá hoặc chỉ hở van hai lá nhẹ thì ít gây ảnh hưởng đến tim. Những trẻ này không biểu hiện triệu chứng mà thường được phát hiện tình trạng sa van hai lá qua siêu âm tim. Trẻ không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi và kiểm tra lại mỗi năm năm.
Theo Ths.BS Ngô Bảo Khoa - Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét