Sự phát triển của y khoa đã giúp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ngày càng được điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ điều trị khỏi bệnh hoặc giúp trẻ khoẻ hơn là chưa đủ.
Trẻ còn phải được học tập, trau dồi tri thức và văn hoá để phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, thời điểm sau khi điều trị bệnh chính là cột mốc đánh dấu một khởi đầu mới trong đời trẻ: tiến trình trở lại hoà nhập toàn diện với xã hội.
Bệnh tim vẫn có thể phát triển bình thường
Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra từ trong bào thai. Tần suất bệnh là 8/1.000 trẻ ra đời còn sống. Bệnh sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình phát triển của trẻ nhưng nhìn chung, phần lớn trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể phát triển như bình thường.
Tuỳ thuộc vào loại dị tật, mức độ nặng nhẹ, thời điểm điều trị sớm hay muộn mà có ảnh hưởng khác nhau: tổn thương nhẹ gần như không gây tác hại gì hoặc không ảnh hưởng đến trẻ ở giai đoạn đầu của bệnh; tổn thương nặng thường gây ra triệu chứng sớm - trẻ dễ mệt mỏi, hạn chế trong sinh hoạt, chậm lớn, khó khăn trong quá trình trưởng thành về thể chất, tinh thần... Đặc biệt, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có tím da niêm, bệnh nặng và kéo dài sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển thể chất và trí thông minh do tình trạng thiếu mãn tính oxy cung cấp cho não và cơ thể.
Sau phẫu thuật, chỉ một số ít trẻ lớn có thể gặp những vấn đề về vận động, hành vi, ngôn ngữ, sự tập trung, trí nhớ… Nếu được phẫu thuật ở tuổi còn rất nhỏ thì khi lớn lên, trẻ gần như không có dấu ấn gì về cuộc phẫu thuật. Thêm nữa, nếu giải quyết được triệt để bệnh, trẻ gần như sẽ phát triển bình thường.
Chìa khoá kiến thức
Thường thì phần lớn tuổi thơ của một đứa trẻ là gắn bó với trường học. Tại đây, trẻ sẽ học được các kỹ năng, kiến thức về đọc, viết, toán học, văn hoá, tiếp xúc với bạn bè… Vì vậy, nếu có thể, nên cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tới trường, nhất là sau khi trẻ đã được điều trị, có sức khoẻ để tham gia học tập. Tiến trình điều trị cho trẻ sẽ không hoàn hảo nếu chỉ giúp trẻ khoẻ mạnh mà không có được tri thức, văn hoá. Kiến thức sẽ là chiếc chìa khoá giúp trẻ mở toang mọi cánh cửa trong cuộc sống sau này.
Một số cha mẹ thường e ngại rằng đi học hay vận động sẽ khiến trẻ mệt, không tốt cho sức khoẻ và tim (ngay cả khi bệnh đã được điều trị). Điều này không đúng! Dĩ nhiên, mỗi trẻ có sức khoẻ, tình trạng bệnh lý khác nhau, phương pháp điều trị khác nhau, điều trị khỏi hẳn hay tạm thời… nhưng nhìn chung, mọi trẻ đều có thể tham gia học tập. Bác sĩ điều trị sẽ cho lời khuyên về những hoạt động, mức độ vận động trẻ có thể tham gia, những vấn đề sức khoẻ cần theo dõi… khi học tập tại trường cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.
Nếu trẻ được phẫu thuật lúc còn nhỏ, khi lớn lên, đi học, trẻ thường dễ dàng hoà nhập với trường lớp như những trẻ khác. Với trẻ đang ở lứa tuổi đi học, sau phẫu thuật khoảng hai tuần đến một tháng là phần lớn đã có thể trở lại trường. Những trẻ này, có thể vì đã nghỉ học một thời gian dài để chữa bệnh, hoặc do việc học bị ảnh hưởng bởi sức khoẻ không tốt trước phẫu thuật nên khi học lại có thể khó thích nghi, tiến chậm hơn bạn cùng lớp... khiến một số trẻ trở nên lo lắng, căng thẳng, không hài lòng, chán nản... Khi ấy, cha mẹ và thầy cô có vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ trẻ học tập, hội nhập với trường lớp, vượt qua những khó khăn. Tuy nhiên, thầy cô cũng nên đối xử với trẻ bình đẳng như những trẻ khác để tránh gây cho trẻ mặc cảm bệnh tật khiến trẻ kém tự tin.
Hoà mình vào cuộc sống
Trẻ được điều trị khỏi hẳn bệnh tim thường có thể sinh hoạt bình thường, không bị giới hạn về hoạt động thể lực. Khoẻ mạnh trong người, tự nhiên trẻ sẽ trở nên hoạt bát, năng động, lanh lợi, vui giỡn, nô đùa… đúng với bản tính trẻ con. Tuy nhiên, trẻ có thể e dè trước những hoạt động chưa từng trải nghiệm hoặc không được phép thực hiện khi bị bệnh nên cha mẹ cần hỗ trợ và khuyến khích trẻ mạnh dạn tham gia các hoạt động thể thao, các sinh hoạt trong gia đình, xã hội.
Với trẻ mắc bệnh tim nặng, chỉ được phẫu thuật sửa chữa tạm thời hoặc không thể điều trị khỏi hẳn bệnh, để tim không phải gắng sức quá mức, có thể trẻ cần giới hạn phần nào hoạt động thể lực trong sinh hoạt hàng ngày, không được chơi những môn thể thao đối kháng hoặc vận động mạnh. Bác sĩ điều trị sẽ cho biết môn thể thao và mức độ hoạt động thể lực nào phù hợp với tình trạng trẻ. Sẽ thật khó khăn, nhất là với những trẻ lớn, khi trẻ không thể tham gia hết mình vào các môn thể thao cũng như khi vui chơi với bạn bè. Trẻ sẽ có cảm giác "đứng ngoài lề" cuộc chơi, cảm thấy thất vọng, đặc biệt là với những trẻ đã từng yêu thích và chơi tốt một môn thể thao nào đó. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu song song với việc động viên trẻ.
Trẻ cần được khuyến khích kết bạn, tham gia các hoạt động trong gia đình và cộng đồng để từng bước hoà nhập xã hội. Trẻ cũng cần được định hướng phát triển những kỹ năng trong nhiều lĩnh vực để khi lớn lên, trẻ có thể kiếm được công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ.
Theo ThS.BS Ngô Bảo Khoa - SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét