Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Da niêm tím vì tim bệnh

Trước một trẻ tím da niêm (tím toàn thân cả phần da và niêm mạc), người ta thường nghĩ trẻ mắc bệnh tim.



Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng tím, trong đó, tim bẩm sinh là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất. Chính vì đặc điểm tím mà diễn tiến bệnh và các biến chứng gặp ở những trẻ này có những điểm khác biệt so với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không có triệu chứng tím.
Tím da niêm do pha trộn máu
Thành phần chủ yếu của hồng cầu trong máu là hemoglobin (huyết sắc tố, viết tắt là Hb), một hợp chất phức tạp chứa sắt, có khả năng thu nhập, lưu giữ và phóng thích oxy trong cơ thể nên giữ vai trò quan trọng trong sự vận chuyển khí. Hb có khả năng kết hợp với oxy, chất dinh dưỡng rồi theo hồng cầu vận chuyển đến cho các mô giúp nuôi sống tế bào. Bình thường, trong máu động mạch, 95% lượng Hb được gắn với oxy, chỉ 5% lượng Hb là không gắn oxy (gọi là Hb khử). Nếu nồng độ Hb khử trong hệ thống tuần hoàn vượt quá 0,5g/dL sẽ tạo ra sắc xanh ở da và niêm mạc (môi, mí mắt, móng tay, móng chân…) gọi là triệu chứng tím da niêm.
Tim được chia làm hai hệ thống trái - phải riêng biệt, bên phải chứa máu "đen" (máu được oxy hoá ít) còn bên trái chứa máu "đỏ" (được oxy hoá nhiều). Những trẻ bị tim bẩm sinh có tím là do tổn thương tại tim khiến một phần máu chảy từ tim phải sang tim trái. Điều này có nghĩa là lượng oxy trong máu ở tim trái giảm vì bị trộn lẫn với một lượng máu "đen" ít oxy ở tim phải, do đó cũng làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Vì máu ở hệ thống động mạch bị pha trộn như vậy mà lượng Hb khử trong máu tăng lên, gây ra tím da niêm.
Những biến chứng nguy hiểm
Bệnh tim bẩm sinh có tím thường diễn tiến nặng dần theo tuổi, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động của trẻ. Nếu không can thiệp sớm thì phần lớn trẻ thường chết trước tuổi trưởng thành do nhiều biến chứng nặng: viêm phổi, suy tim, tai biến mạch máu não, suy dinh dưỡng.
Khi gắng sức, nhu cầu oxy tăng, trẻ dễ mệt, khó thở và tím tăng lên, nặng hơn là đưa đến cơn tím thiếu oxy. Sau khi bị khởi động bởi một nguyên nhân gây khó thở nhiều như gắng sức, viêm phổi, suy hô hấp… hoặc một nguyên nhân khác gây mất nước, làm tăng tình trạng cô đặc máu như tiêu chảy, ói mửa… trẻ khó thở dữ dội, mệt lả, bứt rứt, vật vã, tím nhiều, lơ mơ, li bì, có khi hôn mê do não thiếu oxy. Cơ thể phản ứng lại tình trạng thiếu oxy máu bằng cách kích thích tuỷ xương tăng sản xuất hồng cầu dẫn tới tình trạng đa hồng cầu, làm máu đặc lại, khiến các mạch máu ở phổi dễ bị tắc gây ho ra máu. Đây cũng là nguyên nhân dễ đưa đến tai biến mạch não do tắc mạch, thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ trong não.
Bệnh tim bẩm sinh có tím thường diễn tiến nặng dần theo tuổi, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động của trẻ. Nếu không can thiệp sớm thì phần lớn trẻ thường chết trước tuổi trưởng thành do nhiều biến chứng nặng: viêm phổi, suy tim, tai biến mạch máu não, suy dinh dưỡng.
Trẻ thường bị thiếu máu kéo dài do thiếu sắt tương đối, bởi với một lượng sắt dự trữ bình thường mà cơ thể phải tạo ra nhiều hồng cầu hơn. Tình trạng thiếu oxy và thiếu máu khiến trẻ chậm phát triển thể chất, giảm cân, chiều cao thấp so với tuổi, chậm dậy thì. Do sức khoẻ kém, trẻ không đi học được nên chậm phát triển trí tuệ và có mặc cảm về tâm lý.

Trẻ còn dễ bị nhiễm trùng do có dòng máu chảy bất thường trong tim. Nhiễm trùng ở nội mạc tim gây ra viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là một tình trạng nặng, đặc biệt thường gặp ở những trẻ được phẫu thuật sửa chữa tạm thời tổn thương hoặc có một đường xâm nhập cho vi khuẩn như khi nhổ răng, cắt amiđan. Nếu ổ nhiễm trùng xảy ra ở não sẽ gây ápxe não, thường xảy ra muộn ở trẻ lớn đã bị bệnh tim bẩm sinh tím từ lâu.
Cần được chăm sóc chu đáo
Trẻ bị tim bẩm sinh có tím da niêm phải được điều trị thích hợp. Cần đưa trẻ đến khám tại các trung tâm tim mạch vì việc điều trị sớm có thể giúp trẻ phòng ngừa biến chứng, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
Nếu trẻ lên cơn tím, lập tức vỗ về, trấn an trẻ, nới rộng quần áo và đặt trẻ nằm theo "tư thế gối ngực": nằm quay sang một bên với hai đầu gối co lên ngực. Tư thế này giúp tăng lượng máu lên phổi, trẻ sẽ bớt tím và đỡ mệt. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ khó thở nhiều, mệt, yếu, bứt rứt, tím da niêm tăng…
Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, ăn những món giàu chất sắt. Với trẻ nhỏ, cần đút trẻ ăn chậm và chia thành nhiều bữa trong ngày. Cần giữ vệ sinh và giữ ấm cho trẻ; tránh để trẻ quấy khóc; hạn chế để trẻ bị cảm sốt hay tiêu chảy…
Với trẻ lớn, cần uống kháng sinh khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng. Tránh cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, gắng sức hay làm những việc nặng nhọc.

Theo ThS.BS Ngô Bảo Khoa - Sài Gòn Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét