Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Hiểm họa từ viêm cơ tim

Kỳ I: Nhận dạng những thủ phạm gây bệnh
Viêm cơ tim (VCT) là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm vi khuẩn, virut, do bệnh mô liên kết, do nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim kèm theo hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là triệu chứng của suy tim, tuy nhiên đôi khi là rối loạn nhịp tim hoặc đột tử.
Những năm trước đây, thấp khớp cấp là nguyên nhân thường gặp của VCT. Ngày nay, chúng ta biết thêm nhiều nguyên nhân khác như virut, vi khuẩn, ký sinh trùng, một số hoá chất và thuốc có khả năng gây dị ứng hoặc nhiễm độc, các bệnh hệ thống...
 Cơ tim bình thường (trái) và cơ tim bị giãn do viêm cơ tim (phải).
Virut là nguyên nhân chính
Cho đến thời điểm hiện nay, viêm cơ tim (VCT) vẫn là một trong những bệnh có nhiều thách thức nhất đối với các thầy thuốc tim mạch bởi vì chúng ta còn chưa hiểu biết đầy đủ về sinh lý của bệnh, chưa có tiêu chuẩn vàng nào trong chẩn đoán được chấp nhận và tất cả các phác đồ điều trị hiện đang còn bàn cãi.
Virut là nguyên nhân chủ yếu gây VCT hiện nay, trong đó hay gặp là Coxsakie virut B, Adenovirus, virut cúm, virut Dengue và virut viêm gan C đều có thể gây VCT. Virut HIV có khả năng xâm nhập cơ tim trực tiếp. Các chủng interovirus như Coxsakie B3 và B4 là những virut ưu thế được phát hiện cả về huyết thanh và phương pháp phân tử trực tiếp như PCR. Gần đây do kỹ thuật phân tử phát triển hơn và do dịch tễ học đã thay đổi, một số tác nhân virut trở nên chiếm ưu thế đó là Adenovirus, virut viêm gan C. Nhiễm HIV thường liên quan đến suy tim mất bù. Tỷ lệ mắc bệnh không được biết rõ do có nhiều trường hợp VCT nhẹ tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận thấy, do vậy cũng không đến bệnh viện khám. VCT do virut thường xảy ra rải rác, tuy nhiên đôi khi cũng xảy ra thành dịch.
VCT do virut có biểu hiện bằng một tình trạng viêm rất đột ngột, đặc trưng bởi sự thâm nhiễm tế bào viêm, thoái hoá và hoại tử tế bào cơ tim, sau đó là quá trình xơ hoá của cơ tim. Hầu hết các virut thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên hay đường tiêu hoá. Cơ thể con người dễ bị nhiễm virut hơn khi bị suy dinh dưỡng, tập luyện hay làm việc quá sức, trẻ nhỏ hay người lớn tuổi, stress... do làm thay đổi đáp ứng tự miễn dịch khi bị nhiễm virut.
Các dấu hiệu bệnh thường bị phát hiện chậm trễ
Triệu chứng nhiễm virut phụ thuộc vào đường vào là đường hô hấp trên hay đường tiêu hoá. Bệnh nhân thường không để ý do vậy chậm chễ nhiều ngày đến nhiều tuần trước khi triệu chứng ở tim xuất hiện như suy tim ứ huyết, rối loạn nhịp tim (đột tử) và biến chứng thuyên tắc mạch.
Biểu hiện lâm sàng tuỳ thuộc vào lứa tuổi bị bệnh và bản chất cấp tính hay mạn tính của tình trạng nhiễm virut. Trẻ sơ sinh thường biểu hiện bằng sốt cao, suy tim, suy hô hấp nặng, tím tái, tiếng tim nghe xa xăm, mạch nhanh nhỏ, hở van hai lá do vòng van bị giãn rộng, nhịp ngựa phi, nhiễm toan và sốc. Chụp Xquang tim phổi thường thấy bóng tim to, phổi ứ huyết, có thể có hình ảnh tràn dịch màng phổi hai bên. Điện tâm đồ có thể thấy nhịp nhanh xoang, điện thế giảm, bất thường về đoạn ST cũng như sóng T. Đôi khi rối loạn nhịp tim là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Lúc này các triệu chứng như sốt và tim to gợi ý VCT cấp.
Ở trẻ lớn hơn, VCT cấp cũng biểu hiện bằng suy tim ứ huyết cấp, nhưng thường gặp hơn là suy tim có tiến triển từ từ hoặc tình trạng nhịp nhanh thất xảy ra đột ngột. Những bệnh nhân này, tình trạng nhiễm virut cấp tính đã qua và thường có tình trạng bệnh cơ tim giãn nở. Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng giống như bị nhồi máu cơ tim cấp tính: đoạn ST chênh lên, tăng men tim CK, CK-MB, rối loạn vận động vùng, nhưng chụp động mạch vành bình thường. Chẩn đoán dựa vào sinh thiết cơ tim. Rối loạn vận động vùng sẽ hồi phục theo thời gian.
Phần lớn các trường hợp VCT là hậu quả của nhiễm virut mà chúng tiến triển sang giai đoạn tự miễn sau khi hồi phục và giảm tình trạng nhiễm siêu vi và cuối cùng là tiến triển thành bệnh cơ tim giãn nở sau khi phục hồi và giảm tình trạng tổn thương tự miễn. Nguyên nhân virut có thể chứng minh bằng phương pháp gián tiếp hoặc trực tiếp (phân tử). Điều trị hợp lý trong giai đoạn nhiễm virut là loại bỏ virus và cải thiện tình trạng viêm do virut.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét