Có tới 50% bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) bị tử vong ở lần nhồi máu cơ tim đầu tiên, do vậy phòng ngừa tiên phát các biến chứng tim mạch là một trong những mục tiêu điều trị chính ở các bệnh nhân ĐTĐ. Bên cạnh tăng đường huyết, các bệnh nhân ĐTĐ thường có một số bất thường khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tình trạng tăng đông máu.... Có tới 80% các bệnh nhân ĐTĐ bị tử vong do nguyên nhân vữa xơ động mạch, so với khoảng 30% ở những người không bị ĐTĐ.
Nguy cơ tử vong từ các biến chứng mạch máu
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
|
Các yếu tố nguy cơ tim mạch có sự liên quan với mức độ tăng đường máu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1, làm tỷ lệ tử vong do bệnh tăng lên sau tuổi 30. Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành (ĐMV) ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 tăng lên một cách đáng kể, và 1/3 số bệnh nhân này sẽ bị tử vong do bệnh ĐMV ở độ tuổi 55. ĐTĐ týp 1 hay xuất hiện ở hai thời điểm là 4 tuổi và 13 tuổi, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bệnh đặc trưng là gây ra các biến chứng bệnh lý vi mạch (bệnh thận, bệnh võng mạc mắt) nhưng cũng có thể gây ra bệnh ĐMV.
Bệnh thận do ĐTĐ làm tăng rõ rệt tỷ lệ bị bệnh ĐMV. Bệnh thận do ĐTĐ được xác định là tiểu đạm, giảm mức lọc cầu thận và tăng huyết áp. Các bệnh nhân tiểu đạm được chia làm 2 nhóm: những người có đạm niệu (tiểu ra 300 mg/ngày) và những người có vi đạm niệu (tiểu ra 30-300 mg/ngày). Sự xuất hiện đạm niệu làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch lên gần 10 lần khi so với các bệnh nhân không có tiểu đạm. Nguy cơ xuất hiện bệnh ĐMV tăng gấp 15 lần ở các bệnh nhân có đạm niệu, vi đạm niệu so với các bệnh nhân không có bệnh thận do ĐTĐ.
Bệnh ĐMV rất hay gặp ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong không liên quan đến thời gian bệnh nhân mắc bệnh. ĐTĐ týp 2 làm tăng nguy cơ tương đối bị các bệnh lý tim mạch lên từ 2-4 lần khi so với những người không bị ĐTĐ. Tỷ lệ này đặc biệt tăng cao ở các bệnh nhân nữ so với bệnh nhân nam.
Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp, do vậy muốn kiểm soát tốt ĐTĐ không chỉ cần kiểm tra đường huyết thường xuyên mà còn kiểm tra định kỳ huyết áp, lipid máu, xét nghiệm nước tiểu... Việc điều trị những biến chứng này phải kết hợp tốt với điều trị bệnh ĐTĐ.
Điều trị đồng thời các yếu tố liên quan
Bệnh nhân ĐTĐ thường kèm theo các biến chứng như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn tình trạng tăng đông máu..., đây là những nguyên nhân thúc đẩy quá trình tiến triển của các bệnh tim mạch và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy điều trị ĐTĐ phải kết hợp với các biện pháp sau:
Giữ trị số huyết áp ở mức tốt nhất có thể: Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 130/80 mmHg. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ. Có 5 nhóm thuốc thông dụng điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân ĐTĐ bao gồm thuốc lợi tiểu, chẹn bêta giao cảm, chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II. Đây là các thuốc đã được chứng minh là có tác dụng phòng ngừa các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ.
Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6-12 tháng 1 lần. Các bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra lipid máu, bao gồm LDL-C, triglycerid và HDL-C sau khi nhịn đói 10-12 giờ. Với hầu hết các bệnh nhân ĐTĐ, nồng độ LDL-C mục tiêu cần đạt được là dưới 2,6 mmol/l (100 mg/dl).
Để phòng ngừa các biến chứng tim mạch cần ưu tiên đạt nồng độ LDL-C mục tiêu trước. Sau đó là nồng độ HDL-C và triglycerid. Nhóm thuốc statin cũng làm giảm nồng độ triglycerid và làm tăng HDL-C. Sự kết hợp statin với fibrat làm tăng nồng độ HDL-C nhưng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm cơ vân, do vậy nên thận trọng.
Ý nghĩa của chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực
Đây là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 2. Liệu pháp thay đổi lối sống bao gồm: Cai thuốc lá, có chế độ ăn giảm mỡ, hạn chế đường... Đây là liệu pháp dinh dưỡng nhằm duy trì một trọng lượng cơ thể tối ưu và kiểm soát chặt chẽ đường máu, mục tiêu của liệu pháp dinh dưỡng còn nhằm làm giảm lượng lipid máu và giảm huyết áp; tăng hoạt động thể lực sẽ cải thiện tình trạng tim mạch và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.
Giảm cân và duy trì trọng lượng sau khi giảm cân: Giảm cân giúp cải thiện sức khỏe một cách đáng kể. Ngoài ra, giảm cân còn giúp ổn định huyết áp, cũng như duy trì lượng đường trong máu. Những người cao tuổi khó có thể giảm cân để có một thân hình săn chắc như tuổi thanh niên nhưng cũng cố gắng giảm 10% trọng lượng cơ thể hiện tại, nguy cơ bệnh lý tim mach sẽ giảm đi rất nhiều.
BS. Trần Quốc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét