Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Sự nguy hiểm của blốc nhĩ thất

TS. BS. Nguyễn Quang Tuấn
 
Blốc nhĩ thất là sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn sự dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Nguyên nhân thường gặp nhất là do xơ hóa hay hoại tử hệ thống dẫn truyền. Chẩn đoán blốc nhĩ thất chủ yếu dựa vào điện tâm đồ. Triệu chứng của người bệnh và phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ blốc, nhưng điều trị chủ yếu là cấy máy tạo nhịp tim khi cần thiết.
Vì sao xảy ra blốc nhĩ thất?
Trái tim của chúng ta là một khối cơ rỗng co bóp liên tục đều đặn 60-80 lần mỗi phút. Hàng triệu tế bào của trái tim đáp ứng với những xung động điện rất nhỏ. Đặc biệt có một vùng ở phía trên của tâm nhĩ phải có khả năng phát xung động điện cho tất cả các tế bào cơ tim gọi là nút xoang. Bình thường nút xoang phát xung động đều đặn khoảng 60-80 lần mỗi phút. Nút xoang có thể phát xung động nhanh hơn khi nhu cầu ôxy cơ thể cao hơn như khi gắng sức, xúc động, sốt cao... Nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất cũng có một vùng tế bào đặc biệt được gọi là nút nhĩ thất có tác dụng dẫn truyền và kiểm soát các xung động điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Xung động điện phát ra từ nút xoang, lan truyền đến tâm nhĩ làm các tâm nhĩ co bóp, biểu hiện bằng sóng P trên điện tâm đồ. Xung động truyền tiếp xuống nút nhĩ thất, bó His, tới mạng lưới Purkinje làm tâm thất co bóp, biểu hiện bằng phức bộ QRS trên điện tâm đồ. Khi các xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị cản trở tại nút nhĩ thất hoặc bó His với các mức độ khác nhau thì người ta gọi là bị blốc nhĩ thất.
Tùy vào mức độ tắc nghẽn, sự dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất mà người ta chia blốc nhĩ thất thành 3 độ khác nhau.
Bốc nhĩ thất độ I
Blốc nhĩ thất độ I là bệnh của hệ thống dẫn truyền xung động điện của tim làm cho khoảng PR kéo dài hơn bình thường. Hầu hết blốc nhĩ thất độ I là bệnh lý tại nút nhĩ thất. Blốc nhĩ thất độ I có thể là sinh lý ở những người trẻ tuổi có cường phó giao cảm và ở những vận động viên tập những môn thể thao nặng. Hay có thể do viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp (đặc biệt là NMCT sau dưới), rối loạn điện giải máu và do dùng thuốc.
Việc điều trị bao gồm xác định và điều chỉnh lại sự rối loạn điện giải máu và giảm liều hoặc thay các thuốc có thể gây blốc nhĩ thất. Một số trường hợp blốc nhĩ thất độ I kèm blốc nhánh phải và blốc một trong 2 phân nhánh bên trái (phân nhánh trái trước và phân nhánh trái sau) có thể tăng nguy cơ tiến triển thành blốc nhĩ thất độ III nên cần phải theo dõi chặt hơn.
Blốc nhĩ thất độ II
Blốc nhĩ thất độ II là bệnh lý của đường dẫn truyền điện học của tim, làm gián đoạn sự dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất. Chẩn đoán blốc nhĩ thất độ II khi một hay nhiều (nhưng không phải tất cả) các xung động từ tâm nhĩ không dẫn truyền xuống tâm thất được do đường dẫn truyền bị tổn thương.
Blốc nhĩ thất độ II týp 1 (Mobitz I/Wenckebach)
Blốc nhĩ thất độ II týp 1 cũng được gọi là Mobitz I hay chu kỳ Wenckebach, thường là bệnh lý của nút nhĩ thất. Blốc tim Mobitz I được đặc trưng bởi khoảng PR dài dần ra trên điện tâm đồ với các nhát bóp kế tiếp theo sau đó là một sóng P bị blốc (mất một phức bộ QRS). Sau khi mất một phức bộ QRS, khoảng PR được tái lập lại và chu kỳ mới lại bắt đầu. Trên điện tâm đồ thấy các sóng P (nhịp nhĩ) đều đặn. Nghe tim bệnh nhân thường không đều. Hầu hết blốc nhĩ thất độ II týp 1 thường lành tính và không cần một điều trị gì đặc biệt.
Blốc nhĩ thất độ II týp 2 (Mobitz II)
Blốc nhĩ thất độ II týp 2 cũng được gọi là Mobitz II luôn luôn là bệnh lý của hệ thống dẫn truyền đoạn xa (hệ thống His-Purkinje). Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có thể có các dấu hiệu sau: choáng váng, chóng mặt, mệt thỉu tùy thuộc vào tỷ lệ nhịp tim bị blốc. Kiểu blốc nhĩ thất này có thể nhanh chóng tiến triển thành blốc nhĩ thất hoàn toàn. Trong trường hợp đó có thể xuất hiện những cơn ngất thoáng qua gọi là cơn Stockes-Adams, ngừng tim hay đột tử. Việc điều trị cho loại blốc nhĩ thất này là phải đặt máy tạo nhịp tim.
Blốc nhĩ thất độ III
Blốc nhĩ thất độ III hay còn gọi là blốc nhĩ thất hoàn toàn là bệnh lý của đường dẫn truyền điện học ở trong tim, tại đó những xung động được phát ra từ nút xoang ở tâm nhĩ không dẫn truyền xuống tâm thất được. Các bệnh nhân bị blốc nhĩ thất độ III thường có nhịp tim rất chậm (có thể chỉ khoảng 28 nhịp/phút), huyết áp thấp do vậy lưu lượng tuần hoàn thường không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không thể hoạt động thể lực được một cách bình thường.
Nếu blốc gây ra bởi thuốc chống loạn nhịp tim, ngừng thuốc có thể hồi phục nhịp tim bình thường mặc dù nhiều bệnh nhân cần đặt máy tạo nhịp tạm thời trong thời gian chờ thuốc hết tác dụng.
Nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra blốc nhĩ thất độ III, nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là do bệnh động mạch vành. Sự thoái hóa từ từ của hệ thống dẫn truyền điện học của tim có thể gây ra blốc nhĩ thất độ III.
Nhồi máu cơ tim cấp có thể biểu hiện bằng blốc nhĩ thất độ III. Trong nhồi máu cơ tim thành dưới có thể gây blốc nhĩ thất độ III, tổn thương thường là thoáng qua và nút nhĩ thất có thể phục hồi. Nhồi máu cơ tim thành trước có thể gây tổn thương hệ thống dẫn truyền đoạn xa của tim gây ra blốc nhĩ thất độ III, tổn thương rộng, không hồi phục hệ thống dẫn truyền do vậy cần phải cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Blốc nhĩ thất độ III có thể do bẩm sinh hay gặp ở những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ mắc bệnh lupus, trong nhiều trường hợp còn chưa được biết.
Blốc nhĩ thất độ III có thể điều trị bằng cấy máy tạo nhịp nhân tạo 2 buồng tim. Việc điều trị cũng bao gồm sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp và rung nhĩ cũng như thay đổi lối sống và chế độ ăn để làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét