Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Tăng huyết áp vẫn có thể massage, giác hơi, châm cứu

Tăng huyết áp là bệnh có thể có hoặc không có nguyên nhân. Mỗi người có một chỉ số huyết áp khác nhau, nên cần nắm được số đo của mình.

Chuyên trang có nhận được email của bạn đọc Hoàng Phúc Lâm (TP.HCM) và bạn đọc Mỹ Thu (thukhanhhoa@...) hỏi về mức độ an toàn khi người bệnh tăng huyết áp thực hành một số liệu pháp cổ truyền để thư giãn, trị bệnh, hồi phục sức khoẻ như: châm cứu, massage, giác hơi... Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của GS.BS Hoàng Bảo Châu, nguyên viện trưởng viện Y học cổ truyền Việt Nam, trả lời chung cho những thắc mắc này.
 
Massage còn có thể giúp hạ huyết áp. Nguồn IE
Massage còn có thể giúp hạ huyết áp. Nguồn IE
Tăng huyết áp là bệnh có thể có hoặc không có nguyên nhân. Mỗi người có một chỉ số huyết áp khác nhau, nên cần nắm được số đo của mình. Bệnh nhân tăng huyết áp tức là so với huyết áp bình thường của mình đã tăng hơn 20 - 30mm Hg.
 
Về nguyên tắc, khi huyết áp tâm thu từ 140 trở lên hoặc tâm trương 90 trở lên (huyết áp tâm thu là tối đa, huyết áp tâm trương là tối thiểu) sau khi đo ít nhất 2 - 3 lần thì chúng ta có thể nghĩ tới bệnh lý tăng huyết áp.
 
Tăng huyết áp gây các triệu chứng khó chịu, có thể thấy đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mặt đỏ, có cơn bốc hoả, tim đập hồi hộp, ngực sườn căng tức, có khi chảy máu cam và đo huyết áp thấy cao, nước tiểu ít, vàng, phân khô và mạch căng.
 
Cũng có trường hợp người bệnh không cảm thấy gì, vẫn cho mình bình thường nhưng khi đo huyết áp tình cờ phát hiện huyết áp cao. Vì vậy, người trung niên và cao tuổi thuộc cả hai giới nên đo huyết áp thường kỳ, ví dụ một tháng, ba tháng hoặc sáu tháng đo một lần thì có thể phát hiện huyết áp cao mặc dù không có triệu chứng.
Nếu không mắc những chứng bệnh trầm trọng khác, người tăng huyết áp có thểmassage, giác hơi, châm cứu được, vì: Massage: có tác dụng điều hoà dinh vệ khí huyết, thúc đẩy tuần hoàn. Theo y học hiện đại thì xoa bóp có thể tăng cường quá trình ức chế của thần kinh, nếu xoa bóp mềm mại, nhẹ nhàng đều đặn và thúc đẩy tuần hoàn ngoại viên giảm nhẹ áp lực của tim. Xoa bóp ở vùng bụng còn có thể làm hạ huyết áp do tăng cường được tuần hoàn ở trong ổ bụng.
Giác hơi: là dùng áp lực âm trong ống giác để ống giác hút chặt vào vùng giác và tạo nên cảm giác nóng và xung huyết hoặc xuất huyết gây ra. Có tác dụng giải quyết trạng thái huyết ứ và điều hoà lại tuần hoàn. Thường hay giác ở dọc cột sống lưng (mạch đốc) và hai bên cột sống lưng (kinh bàng quang). Chú ý ở phía trong kinh bàng quang có hệ thống hạch giao cảm ở lưng, giác có thể điều hoà hoạt động của hệ giao cảm.
Châm cứu: có tác dụng điều khí (điều hoà hoạt động thần kinh). Khí hoà thì huyết hoà (điều hoà tuần hoàn máu tốt), huyết hoà thì nuôi dưỡng cơ thể tốt. Khi tăng huyết áp, trong máu có dương khí và nhiệt tăng.
 
Để hạ huyết áp, phải làm dương khí và nhiệt trong máu hạ xuống và thoát ra ngoài. Khi châm cứu vào huyệt (thường là: bách hội, phong trì, thái dương, ấn đường) lúc rút kim bao giờ cũng có máu chảy ra, nếu không thì nặn một giọt máu để mở đường cho dương nhiệt thoát ra và đau đầu chóng mặt có thể giảm. Cần chú ý: có bệnh nhân sau khi châm máu vẫn chảy, chỉ cần cầm máu là được.

Theo GS.BS Hoàng Bảo Châu - SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét