Tôi đang mang thai ở tuần thứ 22, đi khám thai định kỳ, bác sĩ chẩn đoán tôi bị tăng huyết áp. Xin hỏi dùng thuốc trị tăng huyết áp có ảnh hưởng đến thai nhi.
Trần Hồng Hạnh (Quảng Bình)
Bình thường, huyết áp động mạch không vượt quá 140/90mmHg khi mang thai. Tăng huyết áp (THA) khi mang thai hay kèm với tiền sản giật ở 70% số thai phụ và trở thành THA mạn tính ở 30% số thai phụ.
Tỷ lệ THA mạn tính ở Âu châu khoảng 2-4%. Nguy cơ THA tăng sau tuổi 30.
Mắc bệnh THA khi mang thai có nguy cơ cho thai liên quan đến thiểu năng mạn tính cung cấp máu của nhau cho thai gây thai nhẹ cân và thai thiếu ôxy. Nguy cơ cho mẹ khi bị THA nặng là rối loạn tuần hoàn não, suy tim và các biến chứng do xảy ra tiền sản giật.
Huyết áp động mạch tăng nhẹ hay trung bình không kèm albumin niệu thì không xem là thai nghén có nguy cơ cao nhưng cần được theo dõi chặt chẽ tình trạng thai nghén ở chế độ ngoại trú. Nếu có albumin niệu thì phụ nữ mang thai phải được nhập viện.
Hầu hết các thuốc chữa THA đều dùng được khi có thai. Trong số các thuốc chẹn thụ thể bêta adrenergic thì labetalol được dùng nhiều nhất, là loại thuốc được lựa chọn. Atenolol có thể làm cho thai chậm phát triển. Nifedipine cũng là thuốc có ích.
Thuốc chẹn enzym chuyển angiotensin (ACE) không được dùng khi có thai vì có thể gây tăng nguy cơ dị dạng thai. Thuốc cũng ức chế sự phát triển bình thường của hệ mạch máu khi mang thai. Thuốc lợi tiểu cũng không nên dùng vì giảm thể tích huyết tương hay đi kèm với THA mạn tính và nhất là với tiền sản giật. Vì bạn không nói rõ thuốc bạn đang dùng là thuốc gì nên tốt nhất bạn nên được tư vấn bởi bác sĩ trực tiếp khám và điều trị bệnh cho bạn.
Theo BS. Xuân Anh - Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét