Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Hiểm hoạ mù vì tăng huyết áp

Bệnh nhân tăng huyết áp nhiều năm, nhất là ở thể ác tính dễ tổn thương ở đáy mắt, ảnh hưởng tới thị lực, nếu không phát hiện sớm thì nguy cơ mù rất cao.

Tăng huyết áp là một bệnh tim mạch thường gặp, các biến chứng của bệnh là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở người lớn tuổi. Bệnh tăng huyết áp tiến triển lâu ngày sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan như: não, tim, thận, mắt, mạch máu... Tăng huyết áp làm giảm tuổi thọ 10 - 20 năm và nguy cơ biến chứng sẽ diễn ra sau 7 - 10 năm mắc bệnh, trên 50% sẽ có tổn thương cơ quan đích: tai biến mạch máu não, bệnh võng mạc, suy thận...
Để phòng ngừa bệnh võng mạc do tăng huyết áp, bệnh nhân tăng huyết áp phải điều trị huyết áp ổn định, đi khám mắt định kỳ và tiến hành soi đáy mắt để có hướng điều trị, tránh gây tổn thương mắt dẫn tới mù loà. Ảnh: Mai Phương
Để phòng ngừa bệnh võng mạc do tăng huyết áp, bệnh nhân tăng huyết áp phải điều trị huyết áp ổn định, đi khám mắt định kỳ và tiến hành soi đáy mắt để có hướng điều trị, tránh gây tổn thương mắt dẫn tới mù loà. Ảnh: Mai Phương
Khó tự phát hiện
 
Huyết áp tăng cao làm tổn thương những mạch cung cấp máu cho võng mạc, dẫn đến tổn thương các tế bào của võng mạc, gây giảm thị lực. Thông thường, bệnh nhân không tự phát hiện được các triệu chứng sớm của bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp (có thể có một số triệu chứng đi kèm như đau đầu và các rối loạn về thị lực).
 
Các dấu hiệu tổn thương chỉ được phát hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ dùng đèn soi đáy mắt, kiểm tra mặt sau của nhãn cầu để xác định dấu hiệu của bệnh võng mạc do tăng huyết áp, gồm:
Co hẹp động mạch: co mạch có thể tại một khu vực hay toàn bộ võng mạc, làm cho động mạch có vẻ cứng, thẳng, chia nhánh vuông góc tạo ra hình ảnh thưa thớt của hệ mạch võng mạc.
Dấu hiệu xơ cứng động mạch: ánh động mạch có hình ảnh "sợi dây đồng", "sợi dây bạc". Những dấu hiệu xơ cứng mạch này có thể gặp ở người không có huyết áp cao nhưng đó thường là biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tăng huyết áp.
Dấu hiệu bắt chéo động - tĩnh mạch: những bắt chéo động - tĩnh mạch bình thường thì không có sự thay đổi khẩu kính, màu sắc mạch máu. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ "đè bẹp" tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn.
Xuất huyết võng mạc: là những xuất huyết nông có hình ngọn nến nằm dọc theo các sợi thần kinh quanh những mạch máu lớn ở gần đĩa thị, có thể có những xuất huyết sâu hơn hình chấm, hình tròn ở khắp võng mạc.

Xuất tiết bông: còn gọi là xuất tiết mềm, là những đám màu trắng, bờ không rõ, nằm nông che lấp các mạch máu.
 
Xuất tiết cứng: là những đám màu vàng, nằm sâu, ranh giới rõ, thường ở cực sau. Khi sắp xếp theo hình nan hoa, lan toả quanh hoàng điểm tạo thành sao hoàng điểm; đôi khi tập trung tạo nên đám thâm nhiễm lớn.

Phù đĩa thị giác: bờ đĩa thị mờ, ranh giới không rõ, hơi nhô lên, màu trắng, các tĩnh mạch giãn, cương tụ, kèm theo giãn mao mạch. Đôi khi có một số xuất huyết trước đĩa thị.
Trị từ gốc
Từ những dấu hiệu lâm sàng trên, Keith - Wagener - Baker đã phân loại bệnh võng mạc tăng huyết áp thành bốn giai đoạn: giai đoạn 1 là có sự co mạch toàn bộ; giai đoạn 2, ngoài biểu hiện của giai đoạn 1 kèm theo co mạch tại chỗ và bắt chéo động - tĩnh mạch; giai đoạn 3 là biểu hiện triệu chứng của giai đoạn 2, kèm thêm xuất huyết và xuất tiết bông; giai đoạn 4 là biểu hiện của giai đoạn 3 nhưng trầm trọng hơn và có phù đĩa thị.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh võng mạc tăng huyết áp nên phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị huyết áp. Có thể bổ sung thuốc tăng cường tuần hoàn, thuốc giãn mạch, bền thành mạch.
Về tiên lượng và biến chứng, những dấu hiệu xơ cứng động mạch không có khả năng phục hồi, không đáp ứng với điều trị tăng huyết áp. Co hẹp động mạch có thể phục hồi hoặc không. Xuất huyết tiêu sau 3 - 4 tuần, xuất tiết mềm tiêu sau 4 - 6 tuần, xuất tiết cứng tiêu sau vài tháng. Phù đĩa thị sẽ thoái triển sau nhiều tuần nếu không điều chỉnh huyết áp thì sẽ dẫn đến teo đĩa thị giác.
Để phòng ngừa bệnh võng mạc do tăng huyết áp, bệnh nhân tăng huyết áp phải điều trị huyết áp ổn định, đi khám mắt định kỳ và tiến hành soi đáy mắt để có hướng điều trị, tránh gây tổn thương mắt dẫn tới mù loà.

Theo ThS.BS Nguyễn Diệu Linh - Sài Gòn Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét