Khi đo tôi thấy có sự chênh lệch giữa 2 lần đo liên tiếp và sự chênh lệch giữa kết quả đo máy điện tử và máy thường (do bác sĩ đo). Tại sao vậy?
“Tôi bị cao huyết áp nên đã mua một máy đo điện tử nhãn hiệu ES.P 301B. Khi đo tôi thấy có sự chênh lệch giữa 2 lần đo liên tiếp (đo khi nằm và ngồi) và sự chênh lệch giữa kết quả đo máy điện tử và máy thường (do bác sĩ đo). Tại sao có hiện tượng này và phải đo làm sao để có số liệu chính xác?”.
Máy đo huyết áp điện tử có điểm thuận lợi là dễ sử dụng nhưng độ chính xác chỉ tương đối. Kết quả của 2 lần đo liên tiếp có thể khác nhau do người đo, do loại máy (chính xác nhất là máy đo huyết áp thuỷ ngân) hoặc do cơ thể người bệnh, nhất là người bị huyết áp cao (hệ thần kinh nội tiết liên quan tới hệ tim mạch không ổn định).
Ở tư thế nằm, huyết áp thường cao hơn ở tư thế ngồi hoặc đứng, nhưng sự chênh lệch thường không quá 5-10 mm Hg. Nếu kết quả đo huyết áp khi đứng lên tụt 10 mm Hg so với tư thế nằm thì bạn bị chứng "tụt huyết áp tư thế đứng" do bệnh tim hay do dùng thuốc hạ huyết áp.
Để đo huyết áp đùng cách, đối với máy đo điện tử, cần thao tác đúng quy trình theo sự hướng dẫn của mỗi loại máy. Quy trình chung khi đo huyết áp dù nằm hay đứng là phải ở tư thế thoải mái, sau khi đã nghỉ ngơi ít nhất 5 phút. Khi đo huyết áp, cần để tay (băng đo huyết áp) và máy đo ngang tầm tim (bình diện ngang vú trái). Nếu nghi ngờ, có thể đo lại lần 2, lấy trung bình cộng hai lần đo. Nếu kết quả 2 lần đo chênh nhau quá nhiều (11-20 mm Hg) thì cần kiểm tra lại sau 5-10 phút nghỉ ngơi thực sự yên tĩnh, thoải mái.
Nếu nghi máy hỏng, không chính xác (khi có sự khác nhau quá nhiều giữa các lần đo cùng thời điểm) thì so sánh với máy đo huyết áp chuẩn (máy đo huyết áp thuỷ ngân). Nếu có sự chênh lệch thì đúng là máy đã hỏng.
Theo TS Ngô Xuân Sinh - Kiến thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét