Hội chứng WPW còn được gọi là hội chứng tiền kích thích, là một hội chứng đặc trưng bởi những cơn loạn nhịp tim do rối loạn dẫn truyền có tính chất bẩm sinh.
Quả tim của chúng ta luôn đập đều đặn, đồng bộ với tần số trung bình từ 60 - 80 nhịp/phút để đảm bảo dòng máu đi nuôi cơ thể. Điều này được thực hiện bởi một hệ thống phát xung động (tín hiệu) và hệ thống dẫn truyền các tín hiệu này tới toàn bộ quả tim. Sự bất thường trong hệ thống dẫn truyền này đương nhiên dẫn tới sự lệch lạc trong khi các tín hiệu di chuyển trong các tế bào cơ tim và khiến cho tim đập... loạn nhịp.
Tại sao gọi hội chứng WPW?
Hội chứng WPW (tên viết tắt của từ tiếng Anh: Wolff - Parkinson - White), còn được gọi là hội chứng tiền kích thích, là một hội chứng đặc trưng bởi những cơn loạn nhịp tim do rối loạn dẫn truyền có tính chất bẩm sinh (hội chứng mang tên 3 nhà khoa học).
Từ năm 1915, BS. Frank Norman Wilson lần đầu tiên mô tả ca bệnh lý với các triệu chứng nhịp tim nhanh chưa rõ nguyên nhân và nghi ngờ nguyên nhân là do rối loạn của hệ thống dẫn truyền trong tim. Năm 1921, Alfred M.Wedd lại tiếp tục phát hiện và mô tả những bệnh nhân có các triệu chứng tương tự và tới năm 1930, các nhà tim mạch học Louis Wolff, John Parkinson, Paul Dudley White đã hoàn chỉnh việc mô tả triệu chứng, chẩn đoán và xử trí hội chứng mà sau này mang tên 3 ông.
Hội chứng WPW đặc trưng bởi những cơn loạn nhịp tim do rối loạn dẫn truyền có tính bẩm sinh
|
Bình thường, quả tim đập theo nhịp được tạo ra do các xung động điện thế phát ra từ nút xoang (gần tĩnh mạch chủ trên). Các xung động này đi theo hướng xuống dưới, ra trước, từ phải sang trái, từ tâm nhĩ (phía trên) qua nút nhĩ thất, xuống tâm thất (phía dưới) để kích thích cơ tim co bóp.
Trong hội chứng WPW, xung động điện thế không đi theo con đường chính mà "đi tắt" qua con đường phụ (tồn tại bẩm sinh, không có hoặc không hoạt động ở người bình thường) để đi xuống tâm thất. Vì xung động "đi tắt" nên xuống tâm thất nhanh hơn xung động đi theo con đường chính, vì vậy các xung động này có thể kích thích quả tim đập theo nhịp bất thường gây nên những cơn loạn nhịp tim.
Các triệu chứng của hội chứng WPW thường xuất hiện sớm ngay ở tuổi thanh thiếu niên với những cơn loạn nhịp nhanh điển hình. Một số trường hợp hội chứng này thấy trên điện tâm đồ nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Nguyên nhân của hội chứng WPW được cho là do các bất thường về gen. Người ta cũng thấy một số trường hợp hội chứng này có liên quan đến các bệnh tim bẩm sinh và một phần thì không tìm được nguyên nhân tại sao lại xuất hiện các đường dẫn truyền phụ gây nên các rối loạn nhịp tim.
Tần suất mắc của hội chứng WPW vào khoảng 1 - 3 trường hợp/1.000 dân và chiếm tỷ lệ cao hơn ở cộng đồng người Trung Quốc.
Hội chứng WPW biểu hiện thế nào?
Biểu hiện của hội chứng WPW trên lâm sàng là những cơn nhịp nhanh, xảy ra bất kỳ. Người bệnh đột nhiên cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực, chóng mặt, khó thở, ngất. Các triệu chứng cũng dễ xảy ra sau khi bệnh nhân có gắng sức, uống rượu bia hoặc dùng một số các chất kích thích khác.
Ở trẻ em, các cơn nhịp nhanh xuất hiện khiến trẻ bỏ ăn, quấy khóc, khó thở, tím tái và có thể thấy dấu hiệu mỏm tim đập nhanh ngay dưới ngực trái. Điện tâm đồ ở những bệnh nhân này thấy hình ảnh điển hình của hội chứng WPW với khoảng PQ ngắn dưới mức bình thường, sườn lên phức bộ QRS trát đậm (sóng delta) và sự giãn rộng trên mức chuẩn của phức bộ QRS.
Một số trường hợp bệnh nhân có thể được theo dõi sự xuất hiện của các cơn loạn nhịp bằng điện tâm đồ liên tục (holter) và xác định rõ vị trí (mapping) của đường dẫn truyền phụ (đường tắt) bằng phương pháp đưa một đầu dò vào buồng tim. Đại đa số các trường hợp WPW có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể gây tụt huyết áp, đột tử.
Điều trị hội chứng WPW được không?
Điều trị hội chứng WPW bao gồm điều trị các cơn loạn nhịp và điều trị triệt căn. Các phương pháp đang được áp dụng là dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện nếu có rung thất, đốt các đường dẫn truyền phụ bằng sóng radio, phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp. Bệnh nhân có hội chứng WPW trên điện tim nhưng không có những cơn loạn nhịp thì không cần uống thuốc nhưng phải được khám, theo dõi và tư vấn bởi các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch. Khi đã được đốt hoặt cắt các đường dẫn truyền phụ, hội chứng WPW coi như đã được điều trị triệt căn.
WPW là một hội chứng có thể đe dọa tính mạng người bệnh nhưng lại dễ dàng trong việc phát hiện và có thể điều trị triệt để. Vì vậy, nếu có các biểu hiện như đã mô tả ở trên, người bệnh nên tới ngay các trung tâm tim mạch lớn để được các thầy thuốc chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Theo TS. BS. Vũ Đức Định - Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét