Em có biểu hiện đau ngực, khó thở, nhịp tim đập nhanh, hồi hộp. Em đi khám, bác sĩ bảo em bị rối loạn thần kinh thực vật.
Thưa bác sĩ!
Cách đây khoảng một năm, em có biểu hiện đau ngực, khó thở, nhịp tim đập nhanh, hồi hộp. Em đi khám, bác sĩ bảo em bị rối loạn thần kinh thực vật và cho thuốc em uống. Em uống thuốc được một thời gian có bớt, nhưng rồi tiếp tục quay lại.
Trong một năm em bị như vậy rất nhiều lần, cứ bớt một thời gian rồi lại tiếp tục, em thấy không thể khỏi hẳn được. Đặc biệt khi ngủ em hay nằm mơ, nhịp tim đập nhanh, kèm theo khó thở, trong người lúc nào cũng mệt mặc dù em không làm gì nặng nhọc. Em ngủ rất sâu nhưng hay bị bóng đè nữa, mỗi lúc ngủ dậy em cảm thấy mệt hơn mà thôi, ít khi em thấy có một giấc ngủ thật ngon được.
Em nằm ngủ không muốn dậy, mỗi lần em mở mắt ra là không mở được, nếu nhắm mắt ngủ tiếp là em lại nằm mơ (hiện tượng này em ngủ trưa thấy nhiều hơn là tối). Bác sĩ ơi em bị như vậy có nguy hiểm không ạ, em rất lo cho bệnh của em và bệnh này có chữa khỏi hẳn được không ạ?
Em rất khổ tâm mỗi lần như vậy, có lẽ bệnh này như một chu kỳ vậy, em thấy đỡ rồi bị lại và cứ thế theo thời gian. Em mong thư của bác sĩ! Em chân thành cảm ơn bác sĩ ạ!
(P. Thị Giang, 22 tuổi - Khánh Hòa)
Chào em Giang,
Các triệu chứng đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, hồi hộp kèm theo giảm chất lượng giấc ngủ (không cảm thấy khỏe hơn khi ngủ dậy, mơ liên tục…) tái diễn có thể là biểu hiện hoặc của các bệnh lý cơ thể như: bệnh hô hấp, bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, bệnh thần kinh, … hoặc của các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress…
Trong trường hợp em đã khám nội khoa tổng quát mà bác sĩ không ghi nhận bệnh lý cơ thể nào có thể giải thích tình trạng khó chịu trên, thì nhiều khả năng em đang bị rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu thường khởi bệnh vào khoảng 20 tuổi, là một bệnh lý mạn tính hay tái phát làm cho người bệnh có cảm giác bệnh mang tính chất chu kỳ.
Theo diễn tiến tự nhiên, bệnh ngày càng ảnh hưởng đến chất lượng của sống, gây ra các sút giảm về hoạt động nghề nghiệp, học tập và các chức năng xã hội khác. Trong trường hợp không điều trị, 80% các trường hợp diễn tiến đến trầm cảm, lạm dụng các chất an thần, rượu bia.
Để hạn chế diễn tiến mạn tính/ hạn chế tái phát, bệnh cần được điều trị sớm và tích cực. Việc điều trị bao gồm kết hợp giữa thuốc giải lo âu và trị liệu bằng tâm lý. Quá trình điều trị này cần được theo dõi bởi bác sĩ tâm thần. Lưu ý để việc điều trị được hiệu quả, không nên tự ý giảm hay bỏ thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ mặc dù đã cảm thấy tương đối dễ chịu hơn.
Việc em chỉ giảm các triệu chứng khi dùng thuốc chứ không khỏi hẳn, và các đợt tái phát thường xuyên cho thấy điều trị của em chưa thật sự thích hợp. Do đó, em cần khám đúng chuyên khoa để có hướng điều chỉnh cho thích đáng, giúp hồi phục cuộc sống khỏe mạnh như ban đầu.
Chúc em mau khỏe!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét