Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

"Huyết áp kẹt" là thế nào?

“Tôi thường bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngủ kém, hay mơ khi nằm ngủ, huyết áp không ổn định (105/90, 110/95, 130/80 mm Hg).

Tôi đã đi khám và được chẩn đoán là huyết áp kẹt. Vậy như thế nào là huyết áp kẹt? Nguyên nhân và cách xử lý?.
 
 
  
Ăn mặn có thể dẫn đến tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch
 
Huyết áp là áp suất của mạch máu biểu hiện bằng hai số: số tối đa phản ánh sức bóp của tim và số tối thiểu ghi nhận sức cản của thành động mạch. Trong tài liệu y học không có cụm từ "huyết áp kẹt". Có thể đó là cách gọi không chính thức về việc huyết áp tối đa và tối thiếu nhích lại gần nhau. Trong bệnh tăng huyết áp có trường hợp chỉ tăng huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) đơn thuần hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) đơn thuần.
Huyết áp bình thường dưới 140/90 mm Hg, khi nào một trong 2 con số này tăng lên mới là tăng huyết áp. Người có huyết áp tâm thu (con số ghi phía trên) 140-160, hoặc huyết áp tâm trương (con số ghi phía dưới) 90-99 được coi là bị tăng huyết áp nhẹ. Trường hợp của bạn tuy huyết áp tâm thu không cao nhưng huyết áp tâm trương cao 90-95, được coi là tăng huyết áp nhẹ. Tuy nhiên huyết áp bạn không ổn định, có thể do bạn đang dùng thuốc mà ngừng lại khiến huyết áp bất ổn, cũng có thể là bạn đã đo huyết áp không đúng. Muốn đo huyết áp chính xác, nên sử dụng huyết áp kế dùng tay bóp, tai nghe vì dùng loại điện tử thường không chính xác. Trước khi đo, không được hoạt động thể lực mạnh và cần nghỉ ngơi ít nhất 10 phút. Đo 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày 3 lần và lấy số trung bình của 3 lần đo đó.
Người tăng huyết áp có thể không có triệu chứng gì, song cũng có thể xuất hiện những triệu chứng như bạn mô tả (nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi). Tuy vậy, các triệu chứng này còn thấy ở nhiều bệnh khác chứ không riêng gì tăng huyết áp.

Theo BS Vũ Hướng Văn - Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét