Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Tuổi nhỏ huyết áp không nhỏ

Tăng huyết áp lâu nay được cho là chỉ xuất hiện ở người lớn và người cao tuổi, vì vậy việc bỏ qua không phát hiện được bệnh ở trẻ em cũng dễ hiểu.

Trong thực tế, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì, lười vận động ngày càng cao khiến bệnh này càng phát triển mạnh, và là mối nguy tiềm ẩn đe doạ sức khoẻ trẻ em.
 
Vì đâu trẻ bị tăng huyết áp?
 
Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ. Hàng đầu là các nguyên nhân như bệnh lý thận: viêm cầu thận, viêm bể thận, thận đa nang, tổn thương thận do thuốc, hẹp động mạch thận… bệnh lý tim mạch như hẹp eo động mạch chủ; bệnh lý hệ nội tiết như cường giáp, u tuỷ thượng thận, suy thượng thận… bệnh lý thần kinh như tăng áp lực nội sọ, viêm tuỷ, hội chứng Guillain - Barré; do dùng một số thuốc cường giao cảm, do tăng natri máu…
 
Tăng huyết áp nguyên phát (không rõ nguyên nhân) cũng có thể gặp ở trẻ em tuy hiếm hơn tăng huyết áp có nguyên nhân. Các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp nguyên phát là béo phì (chỉ số BMI trên 25; BMI = trọng lượng tính bằng kg chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét); tiền căn gia đình có người tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol và triglycerid máu; do stress, chế độ ăn…
 
Trẻ em bị tăng huyết áp thường có biểu hiện nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù... Nếu trẻ bị tăng huyết áp mà không được điều trị sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là hội chứng ngừng thở khi ngủ; đột quỵ não; nhồi máu cơ tim, suy tim; suy thận; các tổn thương đáy mắt; các triệu chứng về thần kinh - tâm thần như đau đầu, chóng mặt, khó tập trung học tập… ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống bình thường của trẻ cả hiện tại và tương lai. Khi thấy ở trẻ xuất hiện những dấu hiệu tăng huyết áp, phụ huynh cần bình tĩnh đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.  
Cần thay đổi lối sống cho trẻ
Chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em dựa vào trị số huyết áp đo được bằng một bộ đo huyết áp chuẩn (chiều dài của túi cao su trong băng đo huyết áp bằng 80% và chiều rộng bằng 40% chu vi cánh tay trẻ). Có thể đo nhiều lần hoặc theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ để đảm bảo tính chính xác của chẩn đoán. Trị số huyết áp đo được sẽ so sánh với trị số huyết áp cao theo từng lứa tuổi như 6 - 7 tuổi, 8 - 9 tuổi… để kết luận có tăng huyết áp hay không.
Tăng huyết áp ở trẻ em được xác định khi trị số huyết áp của trẻ cao hơn trị số huyết áp của 95% trẻ em khác có cùng giới tính, tuổi và cân nặng. Nếu trị số huyết áp của trẻ nằm trong khoảng 90 - 95% thì được coi là tiền tăng huyết áp. Hiện không có một mốc đơn giản để xác định tăng huyết áp ở trẻ em do huyết áp còn thay đổi theo tuổi và sự phát triển của trẻ.
Một số phương pháp cận lâm sàng cũng nên được tiến hành để chẩn đoán nguyên nhân tăng huyết áp như siêu âm doppler tìm dấu hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ; các xét nghiệm đường máu, mỡ máu; xét nghiệm chức năng tuyến giáp, tuyến yên, tuỷ thượng thận...
Thay đổi lối sống cho trẻ là biện pháp đầu tiên được áp dụng nhằm làm giảm huyết áp. Sau khi đã áp dụng các phương pháp trên không kết quả, các thuốc hạ huyết áp sẽ được chỉ định để đưa trị số huyết áp của trẻ về bình thường. Các thuốc được dùng là thuốc lợi tiểu để thải bỏ nước và muối; thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển cũng thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp ở trẻ em. Theo dõi huyết áp thường xuyên để điều chỉnh lượng thuốc điều trị.
Điều trị nguyên nhân gây tăng huyết áp như phẫu thuật sửa hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, điều trị cường giáp, u tuỷ thượng thận, các bệnh lý về thận cũng có thể được tiến hành nếu có sự hiện diện của các nguyên nhân nói trên.
Thay đổi lối sống cho trẻ bao gồm duy trì cân nặng ở mức lý tưởng (BMI từ 18 - 22); cung cấp cho trẻ một chế độ ăn lành mạnh: nhiều chất xơ, rau xanh, hoa quả tươi, ít đường, đạm và mỡ; giảm lượng muối trong bữa ăn của trẻ: trẻ 4 - 8 tuổi, lượng muối dưới 1.200mg/ngày, trẻ lớn hơn lượng muối dưới 1.500mg/ngày; khuyến khích trẻ hoạt động thể lực khoảng 30 phút mỗi ngày, hạn chế cho trẻ ngồi xem tivi, chơi game; tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động chung của cả gia đình…
Tóm lại, tăng huyết áp ở trẻ em nên được chú ý theo dõi ngay từ khi trẻ mới lọt lòng, nhất là ở những trẻ có các yếu tố nguy cơ như bố mẹ, anh chị em ruột bị tăng huyết áp. Điều chỉnh lối sống là một biện pháp hữu ích để phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp ở trẻ em.

Theo TS.BS Vũ Đức Định - Sài Gòn Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét