Bệnh phì đại cơ tim có thể biến chứng khiến bệnh nhân đột tử. Do đó, người bệnh cần chú ý giữ gìn nhiều điều.
Cơ tim phì đại tình trạng cơ tim dày lên bất thường. Điều này khiến tim co bóp tống máu đi khó khăn, gây rối loạn chức năng tâm trương, nghẽn đường ra thất trái, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/500 - 1/1.000 dân, mang tính di truyền trội.
Phần lớn người bệnh cơ tim phì đại sống bình thường, không có triệu chứng cơ năng. Nếu có thì thường gặp ba triệu chứng chính là khó thở, đau thắt ngực và ngất. Các triệu chứng cơ năng của bệnh gia tăng khi gắng sức, mất nước hoặc thời tiết nóng ẩm (gia tăng mất nước), uống rượu, sốt.
Bệnh nhân cơ tim phì đại có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim như nhanh thất hay rung thất, có thể đưa đến đột tử mà không có dấu hiệu báo trước. Cơ tim phì đại là nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tim gây đột tử ở người dưới 30 tuổi. Có một điều may mắn là tỉ lệ bị biến chứng này không cao.
Các yếu tố nguy cơ của đột tử bao gồm: tiền sử ngưng tim hoặc nhịp nhanh thất kéo dài, tiền sử gia đình đột tử sớm do bệnh cơ tim phì đại, nhiều cơn nhịp nhanh thất (xác định trên điện tâm đồ nhật ký), phì đại tâm thất nặng (xác định trên siêu âm tim), hạ huyết áp khi gắng sức.
Mục đích của điều trị: là giảm triệu chứng và ngăn ngừa đột tử ở những người nguy cơ cao.
Các phương pháp điều trị: thuốc, phẫu thuật, đặt máy tạo nhịp, máy khử rung. Dùng thuốc là phương pháp tốt nhất. Những bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao cần xem xét chỉ định đặt máy khử rung.
Bệnh nhân cơ tim phì đại cần lưu ý:
- Không chơi thể thao ganh đua, vận động vừa sức.
- Tránh để mất nước.
- Ở bệnh nhân nghẽn đường ra thất trái cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (uống kháng sinh trước khi được nhổ răng hay làm thủ thuật).
- Tái khám và tuân thủ điều trị của BS chuyên khoa tim mạch.
- Do bệnh có tính di truyền nên cần đề nghị người thân trong gia đình (cha mẹ, anh em, con cái) đi khám và được siêu âm tim để tầm soát bệnh cơ tim phì đại.
Theo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét