Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Ghép tim ở Việt Nam: Nhiều cơ hội hơn cho bệnh nhân

Gần 200 câu hỏi liên quan đến khả năng điều trị và vấn đề ghép tim đã những chuyên gia hàng đầu về tim mạch tận tình giải đáp.

Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim người ở Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng trong ngành y, đánh dấu một bước tiến của ngành y khoa nước nhà và mở ra cơ hội mới cho việc ghép tim ở Việt Nam.
  

Êkip bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca mổ ghép tim đầu tiên ở VN - Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp.
   
 
Bệnh nhân ca ghép tim lịch sử Trần Mậu Đức có thể tự ngồi nghỉ ngơi trong phòng bệnh mà không cần sự trợ lực nào - Ảnh: Đình Toàn

Khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến sáng 9/3 tại báo Tuổi trẻ gồm:

- GS.TS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch hội tim mạch TP.HCM; Phó Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam; Phó giám đốc bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

- GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (chủ trì ê kíp, phẫu thuật viên chính của ca ghép tim ngày 1-3 tại Bệnh viện Trung ương Huế); Phó chủ tịch hội phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam)

- GS.TS Huỳnh Văn Minh - Phó chủ tịch hội tim mạch Việt Nam.

- ThS BS Đoàn Đức Hoằng - Thư ký chương trình ghép tim Bệnh viên Trung ương Huế.

- BS Đặng Thế Uyên - trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế.

- BS Phạm Thọ Tuấn Anh - Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Các khách mời trả lời bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online (TP.HCM) và từ Bệnh viện Trung ương Huế.

NỘI DUNG

* Tôi xin hỏi trước khi mổ bệnh nhân Trần Mậu Đức có bệnh án như thế nào? (Nguyễn Hoàng Dũng, 1962 tuổi, nhdung300@)

- Ths BS Đoàn Đức Hoằng: Bệnh nhân 26 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim độ 4, không đáp ứng với phương thức điều trị nội khoa và các phương pháp điều trị khác. Vì tính chất bảo mật của hồ sơ bệnh án cá nhân nên chúng tôi xin phép không công bố chi tiết.

* Xin hỏi trường hợp nào thì cần ghép tim? Bệnh cơ tim phì đại có cần ghép tim không. Chi phí ghép tim khoảng bao nhiêu? (Lê Văn Thu, 32 tuổi, ruacon90@...)

- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Ghép tim được chỉ định cho những trường hợp suy tim không hồi phục giai đoạn cuối ( III, IV). Thời gian hy vọng sống còn của bệnh nhân chỉ còn từ 12 đến 18 tháng và không đáp ứng với điều trị. Bệnh cơ tim phì đại trước mắt cần được điều trị nội khoa tích cực, chưa cần phải ghép tim.

Hiện thời chi phí ghép tim ở trong nước chưa xác định chính xác, tùy thuộc vào từng trung tâm.
  
 
Các bác sĩ thực hiện ca ghép tim ở Bệnh viện T.Ư Huế
đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc - Ảnh: Thái Lộc
  
* Cho con hỏi GS.TS Đặng Văn Phước là con đang bị suy tim độ III, con thấy VN hiện nay ghép tim được là do người hiến tặng bị chết não, người hiến tặng đó có cần là người thân hay bất cứ ai cũng được? Xin cảm ơn GS (Lâm Thanh Hùng, 24 tuổi, thanhhunglamvn@...)

- GS.TS Đặng Vạn Phước: Trước tiên, để trả lời chính xác câu hỏi này, cũng cần thêm nhiều thông tin về bệnh lý của bạn, ví dụ như nguyên nhân gây suy tim là bệnh gì? Vì ghép tim chủ yếu dành cho những trường hợp bệnh cơ tim và bệnh lý của mạch vành mà các biện pháp điều trị hiện có của y học không thể giải quyết được. Và mức độ suy tim thường là giai đoạn cuối cùng, nghĩa là giai đoạn 4 và không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị tối ưu hiện có.

Do đó, nếu bệnh của bạn là do bệnh van tim như hẹp hở van hai lá hoặc một bệnh tim bẩm sinh còn có thể phẫu thuật sửa chữa được và mức độ suy tim còn ở mức độ 3, chưa phải là đối tượng để xét tới chỉ định hoặc thay tim.

Còn về thắc mắc người hiến tặng tim thì theo nguyên tắc, việc ghép tạng của người thân hay cùng huyết thống bao giờ cũng thuận lợi và tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một quả tim, do đó, không thể nào cho quả tim cho người bệnh.

Và hơn nữa, khi chết thì thường đã quá lớn tuổi và đa số cũng có những bệnh lý của bản thân trái tim, và làm sao người bệnh lại có thể chờ đến lúc đó được? Do đó, nguồn tạng hiến để ghép tim chủ yếu là từ người chết não. Tuy nhiên, vì không phải là người thân hay cùng huyết thống nên phải có những điều kiện hòa hợp về miễn dịch giữa người hiến tạng và người được ghép tạng.

* Lời đầu tiên xin chúc mừng các bác sĩ trong ekip ghép tim vừa rồi. Xin hỏi bác sĩ Phú, để ghép tim thì cần có điều kiện gì giữa người cho và người nhận?(PHẠM VĂN DẠNG, 31 tuổi, phamvandang@...)

- GSTS Bùi Đức Phú: Để ghép tim cần phải có sự hòa hợp về các tiêu chuẩn miễn dịch và huyết động giữa người cho và người nhận:

- Tiêu chuẩn miễn dịch bao gồm: Tương hợp nhóm máu ABO là bắt buộc. Nếu thời gian thiếu máu dưới 4 giờ thì có thể ghép tim cho dù bất kỳ độ tương hợp nào về HLA. Nếu người nhận có test kháng thể phân nhóm phản ứng dương tính (PRA) thì phải tiến hành phản ứng độ chéo tế bào lympho.

Trường hợp PRA dương tính (+): test sàng lọc có kháng thể bất thường thì phản ứng đọ chéo tế bào lympho âm tính là bắt buột ở người lớn.

Đối với trẻ em, ghép tim có thể chấp nhận khi phản ứng dương tính nhưng phải tăng điều trị ức chế miễn dịch

- Tiêu chuẩn huyết động: Tim của người cho phải đáp ứng được nhu cầu của người nhận; Tương hợp trọng lượng giữa người cho và người nhận: sự khách biệt chấp nhận được 10 - 15%, hoặc tỷ lệ trọng lượng người cho - người nhận khoảng 80 - 120%.

* Tôi hay bị nhói ở tim. Gần đây có cảm giác tức nặng phía trái của tim và có cảm giác mạch đập rất mạnh ở gần cổ (bên trái) nhưng đo điện tim ở BV, bác sĩ nói mọi cái đều bình thường. Xin hỏi tôi có dấu hiệu của bệnh tim không? Lê Thị Sen, 56 tuổi, lesen2007@...)

- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Trước tiên cần đánh giá huyết áp, huyết áp cao có thể gây ra các triệu chứng đau ở tim và đập mạnh ở cổ. Cần thiết nên siêu âm tim xem có tổn thương van tim hay không, đặc biệt là van động mạch chủ.

Ngoài ra cũng nên siêu âm kiểm tra động mạch cảnh ở nền cổ.

BS Phạm Thọ Tuấn Anh - Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (phải) và BS chuyên khoa I Bùi Quốc Thắng tại buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm

* Người cho tim phải có đủ tiêu chuẩn gì? Thế nào gọi là chết não? Tiêu chuẩn nào xác định và cách thức xác định? Sau khi cho tim, người cho được thu xếp hậu sự như thế nào? Gia đình và người thân có được quyền lợi gì không? (Hoàng Anh, 34 tuổi, hoanganh@...)

- GS.TS Huỳnh Văn Minh: Người cho tim phải có đủ tiêu chuẩn:

Thứ 1, Tuổi dưới 55 tuổi, những trường hợp cần thiết và cấp cứu sẽ chọn lứa tuổi lớn hơn.
Thứ 2, phù hợp với cân nặng. Độ chênh giữa cân nặng không quá 15%.
Thứ 3, sự tương hợp về miễn dịch. Chủ yếu là nhóm máu ABO thích hợp.
Thứ 4, về huyết động: Không bị rối loạn về huyết động, nghĩa là không bị suy tim nặng.
Thứ 5: Không có các bệnh nhiễm trùng đang hoạt động.
Thú 6: không có các bệnh lý ác tính, trừ ung thư não nguyên phát.

Chết não là: sự chấm dứt không hồi phục chức năng của não và thân não. Về chi tiết có thể độc giả tham khảo Luật chết não của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (theo điều 27 của luật số 75/2006/QH11) và của Bộ Y tế về tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng và các trường hợp không áp dụng tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não (Quyết định số 32/2007/QĐ-BYT ngày 15-8-2007).

Vấn đề hậu sự của người cho tim: Bệnh viện sẽ phối hợp với gia đình người hiến tặng cùng thực hiện vấn đề hậu sự theo hướng tích cực nhất về vật chất và tinh thần. Bệnh viện có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe gia đình, người thân của người hiến tạng (Bố, mẹ, anh, chị, vợ, chồng, con cái) bằng cách mua thẻ bảo hiểm cho họ nếu chưa có và sẽ có sự quan tâm chăm sóc y tế đặc biệt nếu cần phải nhập viện điều trị.

* Xin cho hỏi một ca ghép tim chi phí khoảng bao nhiêu? Lứa tuổi ghép thành công là khoảng nào? Tim bẩm sinh khi có chỉ định ghép thì đến mấy tuổi thì thực hiện tốt? BHYT có thanh toán ghép tim không, thanh toán được bao nhiêu %? (Mai Thanh Trung, 39 tuổi, drthtrung@)

- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Chi phí ghép tim hiện nay trong nước chưa thể xác định chính xác, tùy thuộc vào từng trung tâm.

Ghép tim thường được thực hiện ở những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối không đáp ứng với điều trị, các trường hợp được ghép tim trên thế giới có độ tuổi khuynh hướng ngày càng cao

Bệnh tim bẩm sinh có một số trường hợp cũng cần phải ghép tim, thực hiện khi có chỉ định và có nguồn cho tim tương ứng phù hợp.

Hiện nay, kỹ thuật ghép tim chưa nằm trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế, tuy nhiên BHYT vẫn thanh toán cho những khoản chi phí có nằm trong danh mục kỹ thuật cao khi tiến hành phẫu thuật.
  
Bệnh nhân ca ghép tim lịch sử Trần Mậu Đức - Ảnh: Đình Toàn

* Câu hỏi dành cho bác sĩ Đặng Thế Uyên: Trước tiên, cho chúng tôi hỏi tình trạng của bệnh nhân vừa được ghép tim hiện ra sao? Tình trạng biến chứng sau ghép tim có thể xảy ra không? Việc điều trị nó có khó khăn lắm không? (Lê Ngọc Anh, 28 tuổi, TX Quảng Trị)

- BS Đặng Thế Uyên: Tình trạng của bệnh nhân Trần Mậu Đức hiện diễn tiến rất thuận lợi. Hôm nay 9-3, bệnh nhân đã có thể tự đi lại quanh phòng và tự làm vệ sinh cá nhân, ăn uống bình thường. Các thông số của các cơ quan sinh tồn đã trở về bình thường. Bệnh nhân đã cười tươi, sáng nay đã bắt tay cám ơn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khi bộ trưởng đến thăm.

Các biến chứng liên quan vấn đề kỹ thuật đã không xảy ra cho đến lúc này. Vấn đề còn lại là theo dõi hiện tượng thải ghép trong thời gian tới. Bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị ức chế miễn dịch theo phác đồ. Việc điều trị các biến chứng sau ghép tim khó hay không, tùy thuộc vào loại biến chứng. Hiện tại bệnh nhân chưa có dấu hiệu gì về biến chứng sau ghép tim.

* Xin hỏi GS.TS Đặng Vạn Phước, vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn chưa tiến hành ghép tim cho bệnh nhân? Các BS ở TP.HCM có ra Huế để trao đổi kinh nghiệm từ ca ghép tim này không? (Hoàng Thắng, 42 tuổi, (hoangthang163@...)

- GS.TS Đặng Vạn Phước: Lý do các bệnh viện TP.HCM vẫn chưa tiến hành ghép tim cho bệnh nhân, chúng tôi xin được trả lời như sau. Đây là một kỹ thuật cao trong chuyên ngành tim mạch, đòi hỏi có một tổ chức rất hoàn thiện dựa trên cơ sở của những trung tâm có tiềm lực về trang thiết bị, về đội ngũ chuyên gia giỏi và có một truyền thống lâu dài trong chuyên ngành tim mạch.

Thực sự nói về những điều kiện này thì một số trung tâm tại TP.HCM cũng có thể đáp ứng được nhưng đây là một chương trình có sự chỉ đạo và kiểm soát của Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ môi trường và Bộ Y tế.

Hiện nay, Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Bộ Khoa học Công nghệ và của Bộ Y tế bước đầu chấp nhận dự án ghép tim tại hai trung tâm là Học viện Quân y và Bệnh viện TW Huế.

Chúng tôi nghĩ, những thắng lợi bước đầu của hai cơ sở này sẽ đặt nền tảng tốt cho việc triển khai các dự án đã được chuẩn bị sẵn tại các trung tâm khác. Các cơ sở này đã theo dõi rất kỹ các bước tiến hành của hai trung tâm trên để học tập rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt khi các dự án tại các trung tâm này được chấp thuận.

Theo như thông tin chúng tôi được biết, tại TP.HCM có hai trung tâm đã làm dự án đó là Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Tim TP.HCM. Chúng tôi rất mong những dự án này sớm được thẩm định và thông qua để có thêm được những cơ sở tham gia việc ghép tim phục vụ cho nhu cầu thực sự rất sớm của phẫu thuật này tại Việt Nam.
 
GS.TS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch hội tim mạch TP.HCM, đang trả lời thắc mắc của bạn đọc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm

* Thưa giáo sư, sau khi ghép tim, người được ghép có thể sống thêm bao lâu nữa? Người nghèo được hỗ trợ như thế nào? (Le Thành Tới, 34 tuổi, lttoicntp@...)

- GS.TS Đặng Vạn Phước: Cho tới những thời gian gần đây thì kết quả của các trường hợp ghép tim trên thế giới trung bình là sống được khoảng 85% sau 1 năm, khoảng 75% sau 2-3 năm và có trường hợp sống được trên 18 năm.

Về vấn đề bệnh nhân nghèo được hỗ trợ như thế nào, điều này cần được bàn kỹ và có sự phối hợp nhiều cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu, các nhà tài trợ và các hội từ thiện.

* Xin giáo sư vui lòng cho biết, người được ghép tim có cần cùng huyết thống với người hiến tim không? (Trần Thị Dung, 38 tuổi, tran.t.dung@...)

- GS.TS Đặng Vạn Phước: Theo quy luật của việc ghép tạng, thì ghép tạng người cùng huyết thống có nhiều thuận lợi và kết quả tốt nhất, vì có sự hòa hợp về miễn dịch cao nhất nên nguy cơ thải tạng ghép là ít nhất.

 * Xin hỏi Mỹ có phải là nước đi đầu trong ghép tim không ạ? (BS Liêm, 50 tuổi, doctorliem@...)

- GSTS Đặng Vạn Phước: Ghép tim là một phương pháp điều trị chuyên khoa rất cao và đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều các chuyên ngành khác nhau như: nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, chạy máy tim phổi nhân tạo, các chuyên gia về miễn dịch, các biện pháp phục hồi chức năng... Do đó, đòi hỏi đội ngũ chuyên viên cao cấp và các chi phí rất tốn kém.

Theo một thống kê của Hiệp hội Ghép tim quốc tế, cho tới nay, có khoảng hơn 30.000 trường hợp được ghép tim trên toàn thế giới tại khoảng 250 trung tâm. 90% các trường hợp này tập trung ở Bắc Mỹ và châu Âu. Trong đó, Mỹ là nước có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một điểm thú vị là ca ghép tim đầu tiên trên thế giới lại được thực hiện tại Nam Phi bởi bác sĩ Christian Barnard vào ngày 3-12-1967.


Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét