Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Mất 50% lượng máu cơ thể trong vài phút vì "vỡ" u máu

Bị u máu trong xương chưa kịp xử lý, u máu bị "vỡ" khiến bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt… Chỉ trong vài phút, bệnh nhân mất khoảng gần 2 lít máu.

 

TS Lê Ngọc Tuyến, Phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Răng Hàm Mặt TƯ cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công ca bệnh vỡ u máu khiến máu chảy ồ ạt, bệnh nhân mất đi khoảng một nửa lượng máu cơ thể.
Bệnh nhân mất gần một nửa lượng máu cơ thể chỉ trong vài phút... Ảnh: Tú Anh.
Bệnh nhân mất gần một nửa lượng máu cơ thể chỉ trong vài phút... Ảnh: Tú Anh
Bệnh nhân là em Trần Văn Lợi (học sinh lớp 11 ở Quỳnh Lưu, Nghệ An). Mẹ của em Lợi cho biết, một năm trở lại đây, gia đình thấy mặt phải của Lợi bị sưng to dần lên nhưng cũng không nghĩ đến bệnh lý nguy hiểm nên không đi khám. Thời gian gần đây, Lợi liên tục bị rỉ máu ở chân răng, gia đình vẫn cố đợi con học xong đến hè mới cho đi khám tại BV huyện, sau đó được chuyển lên tuyến trên.
Khi đến khám tại BV Răng Hàm Mặt TƯ, bệnh nhân được chẩn đoán là bị u máu trong xương- một thể u máu rất nguy hiểm nếu bị chảy máu nên bệnh nhân đã được chỉ định cho đi làm nút mạch trước khi phẫu thuật cắt u để giảm chảy máu, nhưng chưa kịp làm thì bệnh nhân chảy máu
"Hôm 31/5, cháu được chuyển sang BV Bạch Mai chụp chiếu để nút mạch, trên đường quay về BV Răng hàm mặt thì bị chảy máu dữ dội, chảy ào ào như vòi nước ở ngay răng trong cùng hàm dưới. Thấy máu con chảy túa ra, tôi hoảng lắm, bởi lượng máu mất rất nhiều, cứ sợ con mình không qua khỏi… Thằng con thấy máu chảy ra ồ ạt, bác sĩ dùng gạc, tay để ép chặt cũng hoảng sợ...", chị Hoàng Thị Giang, mẹ Lợi nhớ lại.
Trước tình trạng chảy máu ồ ạt của bệnh nhân, các bác sĩ đã dùng gạc, tay ép chặt vị trí chảy máu đưa vào phòng mổ để mổ cấp cứu cắt xương hàm. Sau 4 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân cắt nửa xương hàm dưới, tháo cả lồi cầu, sau này bệnh nhân ổn định 6 tháng đến 1 năm tạo hình lại sau.
BS Tuyến cho biết, khó khăn nhất trong việc phẫu thuật chính là tình trạng chảy máu của bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật cấp cứu, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mất gần một nửa lượng máu cơ thể. "Lượng máu mất ước tính đến gần 2 lít chỉ trong vài phút, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 1,2 lít máu, nhưng khi phẫu thuật xong, lượng máu cơ thể cũng chỉ còn một nửa. Việc chảy máu nhiều có nguy cơ tử vong do sốc mất máu nếu không can thiệp kịp thời", BS Tuyến nói.
BS Tuyến cho biết, ước tính có khoảng 1/200 trẻ sinh ra bị u máu, 50-60% gặp ở vùng đầu cổ, có trường hợp u máu trong thanh quản, u máu nằm sâu bên trong họng, gây khó thở, nếu không phát hiện sớm để đến khi bị chảy máu thì rất khó cứu bởi bệnh nhân mất máu ồ ạt và máu tràn ngập vào đường thở.
Thông thường, u máu không gây đau đớn và đến 90% trường hợp trẻ bị u máu phát hiện lúc trẻ 3 tuổi. Còn với u máu thể sâu, thể đặc biệt thì thường phát hiện muộn hơn.
Trường hợp bệnh nhân này bị thể u máu rất nguy hiểm, u máu ở trong xương. Khối u máu phồng to khiến mạch máu dưới khối u ngoằn nghèo, nổi to lên. Bình thường tĩnh mạch rất nhỏ, chỉ bằng đầu tăm thì giờ giãn to như ngón tay cái, phồng lên ngay dưới da, mạch đập, có trường hợp đập rung như đặt tay lên ngực. Tốc độ dòng máu tại vị trí đấy rất lớn, bệnh nhân cảm nhận được và khi đặt tay lên khối u sẽ thấy nóng hơn các vùng da khác do lưu lượng máu đến đấy nhiều hơn.
Tình trạng "vỡ" u máu không phải là hiếm gặp. Có những bệnh nhân bị chảy máu khối u mới vào viện cấp cứu, nhưng có những bệnh nhân đang nằm tại viện chờ xử lý đã bị "vỡ" khối u gây chảy máu. Nhưng với trường hợp này, bệnh nhân chảy máu quá ồ ạt, mất máu quá nhanh rất nguy hiểm đến tính mạng.
"Những bệnh nhân bị u máu như bớt màu đỏ trên mặt có thể chung sống suốt đời với nó mà không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Nhưng với những thể u máu đặc biệt nằm ở những vị trí đặc biệt như thanh quản, nằm sâu trong họng, u máu trong xương, u máu thể thông động tĩnh mạch là thể nguy hiểm nhất, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Vì thế, những khối u này nên được phát hiện, xử lý sớm, để khối u càng to, xử lý càng khó, nguy hiểm và ảnh hưởng thẩm mỹ. Vì thế, nếu thấy có những dấu hiệu bất thường, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời", TS Tuyến nói.

Theo Tú Anh - Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét