Rượu vẫn được coi là kẻ gây ra
nhiều rắc rối với bệnh tim mạch. Nó thường được coi là tác nhân gây ra
nhịp tim nhanh và làm rối loạn thêm tim mạch. Nhưng mới đây, người ta
lại dùng chính rượu để điều trị tim mạch. Điều này có gì kỳ lạ?
Rượu làm tăng nhịp tim
Điều này không có gì phải bàn cãi. Tin hay không,
bạn có thể nhấp thử một ngụm rượu nhỏ, kể cả là sau khi ăn. Chỉ chừng 3 -
5 phút sau, nhịp tim của bạn sẽ đập thình thịch và nẩy liên tục trong
ngực. Nó là một dấu hiệu chứng tỏ nhịp tim nhanh. Không những vậy, bạn
còn cảm thấy mặt nóng bừng và mạch máu lên não chạy rần rật, rần rật.
Ông Ronald Aldom và vợ (trái). BS. Tom Johnson, người đã thực hiện liệu pháp này (phải).
Điều này rất rõ nét với người bị dị ứng rượu bia
hay là người bị hội chứng đỏ mặt theo kiểu người Á Đông. Tại sao lại như
vậy, đó là vì khi rượu thấm vào cơ thể, tác động vào các thụ cảm thể
của hệ thần kinh giao cảm. Nên rất nhanh chóng, nó kích hoạt hệ này gây
ra một loạt hiệu ứng trên tim mạch: nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, tim
đập mạnh.
Cũng chính vì điều này mà rượu đã được chứng minh
là gây tăng huyết áp và các rối loạn tim mạch. Rượu còn là thủ phạm gây
ra các biến chứng trên mạch vành và các rối loạn nhịp tim. Rất nhiều
bằng chứng khoa học đã chứng minh điều này.
Tuy nhiên, vừa qua một liệu pháp chữa bệnh rất kỳ
lạ xảy ra ở Anh đã chứng minh điều trái ngược. Khi rượu - một thứ làm
tăng nhịp tim mạnh mẽ, lại được sử dụng như là một loại “thuốc” để điều
trị loạn nhịp tim mức độ nặng.
Chữa rối loạn tim - thật như đùa
Ngày 24/12/2012, các bác sĩ ở Anh đã điều trị cho
một bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim mức độ nặng. Điều lý thú là thuốc
được dùng ở đây không phải là các thuốc chẹn canxi hay chẹn beta truyền
thống, cũng không phải là thuốc amiodaron chuyên trị rối loạn nhịp tim
mà lại là rượu. Lại càng ngạc nhiên hơn khi dùng rượu nhưng không phải
theo đường uống thông thường mà lại được dùng thông qua đường tiêm, tiêm
trực tiếp rượu vào máu và tim, tiêm một lượng nhỏ rượu vào trong động
mạch vành. Kết quả không những không làm thất vọng giới y khoa mà còn
đem đến một thành công mỹ mãn mà các thuốc tim mạch chuyên dụng chưa
chắc làm được.
Liệu pháp rượu phá hủy một phần cơ tim, nơi cần tác động.
Bệnh nhân trong ca điều trị trên là ông Ronald
Aldom, 77 tuổi, người vùng Portishead, gần Bristol. Bệnh nhân này bị
chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa tính mạng, đó là
nhịp đập quá nhanh trên tâm thất ở mức độ nặng. Thường với các trường
hợp này, bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng cấp cứu tim mạch, dùng các biện
pháp can thiệp như sốc tim hay dùng các thuốc điều chỉnh nhịp tim liều
cao để điều trị.
Trên thực tế, ông Ronald đã điều trị bằng các biện
pháp y khoa thông thường một thời gian dài nhưng không hiệu quả. Vậy là
ông được các bác sĩ quyết dịnh dùng rượu để điều trị. Tất nhiên, ban đầu
bệnh nhân rất kinh sợ và nghĩ mình bị “làm chuột bạch” cho một liệu
pháp điều trị mới. Nhưng sau đó ông được giải thích cặn kẽ và đồng ý
tham gia điều trị theo liệu pháp này.
Liệu pháp này có tên là Liệu pháp hủy một phần cơ
tim bằng rượu. Ban đầu, người ta luồn một cathete tim mạch thông qua
động mạch đùi như một biện pháp can thiệp mạch thông thường. Điều khiển
cathete này dưới màn hình tăng sáng, đến tim. Sau khi đưa được một đầu
cathete vào động mạch vành nằm trên tim, người ta tiến hành bơm một ít
rượu vào lòng động mạch. Rượu bị nghẽn lại, gây tắc mạch và làm hoại tử
một phần cơ tim như kiểu nhồi máu cơ tim. Bộ phận nhồi máu chính là bộ
phận gây ra nhịp tim bất thường để trả lại chức năng điều hòa nhịp tim
cho nút xoang.
Kết quả là liệu pháp trên đã thành công mỹ mãn.
Bệnh nhân không những không tử vong mà còn sống khỏe. Tất nhiên là nhịp
tim của người bệnh trở lại hoàn toàn bình thường và rất điều hòa. Người
thực hiện kỹ thuật này là ông Tom Johnson - bác sĩ tim mạch của Viện Tim
mạch Bristol (Anh). Với thành công ngoài mong đợi trên, ông Ronald đã
được xuất viện.
Liệu pháp kỳ và hiếm
Liệu pháp dùng rượu trị bệnh tim mạch đúng là kỳ và
hiếm. Nhưng nó đã được áp dụng thành công. Không những ở bệnh nhân Anh
trong tháng 12/2012 vừa qua mà người ta đã tiến hành thử nghiệm nó trên
thực tế.
Quy tắc điều trị của liệu pháp này là dùng rượu để
làm tắc nghẽn động mạch vành chi phối cho vùng tạo ra nhịp tim bất
thường. Chính vùng cơ tim này hoạt động bất thường nhưng cường độ này
quá mạnh nên lấn át bộ phận tạo nhịp chủ đạo là nút xoang. Khi làm tổn
thương phần cơ tim này, hoạt động tạo nhịp bất thường bị ức chế và do đó
điều khiển nhịp tim được trao trả lại cho nút xoang. Và tim lại hoạt
động như bình thường.
Thực tế, liệu pháp sử dụng rượu để chữa rối loạn
nhịp tim đúng là biện pháp điều trị hiếm gặp nhưng không phải là lần đầu
tiên nó được áp dụng trên lâm sàng. Nó cũng không phải là liệu pháp
điều trị mò và sự thử nghiệm liều lĩnh của các bác sĩ Anh. Nó đã được
thử nghiệm và chứng minh bằng các cơ sở khoa học thích đáng.
Năm 1987, Inoue H. đã thử nghiệm liệu pháp này để
điều trị rối loạn nhịp tim và đã có những thành công bước đầu. Tất nhiên
là các cuộc thử nghiệm này được tiến hành trên động vật thực nghiệm.
Sau đó 2 năm, năm 1989, Brugada P. thực hiện lại biện pháp này và cũng
đạt được thành công. Nhưng lần thử nghiệm này là trên người. Từ đó,
nhiều cuộc điều trị đã được tiến hành và thu được nhiều kết quả.
Gần đây hơn, trên tạp chí “Tuần hoàn, nhịp tim và
điện sinh lý” có đăng tải một công trình nghiên cứu của tác giả Tokuda
về liệu pháp gây hủy hoại một phần cơ tim bằng rượu để điều trị rối loạn
nhịp tim. Liệu pháp này được tiến hành với cồn ethanol 960 và thể tích
dao động từ 1,6 - 5ml. Kết quả thu được có nhiều nét khác nhau, nhưng
rất nhiều trường hợp thành công.
Dựa vào các kết quả này, các bác sĩ Anh đã tiếp tục
tiến hành liệu pháp này và thành công. Tuy nhiên, có một điều lưu ý,
rượu tuy có tác dụng điều trị rối loạn nhịp tim, nhưng đó phải là bằng
đường tiêm. Còn nếu vẫn uống rượu quá nhiều thì bạn lại tiếp tục nhận
được sự tai hại do chứng nghiện rượu gây ra.
(Tổng hợp từ BBC)
BS. Lê Thanh Huyền