Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ các bác sĩ giàu kinh nghiệm, ngày 31/5/2011, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bít thành công lỗ rò van hai lá nhân tạo bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp có sự hỗ trợ của gây mê hồi sức và siêu âm tim qua thực quản. Đây là trường hợp đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam bằng kỹ thuật này.
Khẳng định bước tiến mới của tim mạch can thiệp
Do hở van hai lá nặng và sa lá van nên năm 2009 ông Trần Khánh Thọ, 59 tuổi (Hùng Vương - TP. Nam Định) phải phẫu thuật thay van hai lá nhân tạo. Tuy nhiên sau gần hai năm chung sống với van hai lá nhân tạo, bệnh nhân cảm thấy tức ngực vùng trước tim. Lo ngại những biến chứng bất thường xảy ra với van tim cơ học, ông Thọ đến Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám và điều trị. Các bác sĩ ở đây cho hay vòng van 2 lá nhân tạo của bệnh nhân Thọ bị bung ra, làm xuất hiện lỗ rò ở ngay chân van, đường kính khoảng 5mm và nhiều lỗ rò nhỏ khác khiến máu phụt lên trần nhĩ trái gây tức ngực. Nếu các lỗ rò này không được bít lại sẽ làm người bệnh có nguy cơ suy tim.
Bệnh nhân Thọ sau khi được can thiệp bít lỗ rò van hai lá nhân tạo.
|
TS. Nguyễn Lân Hiếu - Viện Tim mạch quốc gia, Giảng viên bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội cho biết, để xử trí biến chứng này thông thường người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật lại để thay van hai lá mới. Tuy nhiên đối với bệnh nhân Thọ đây là quyết định khó vì sức khỏe của người bệnh rất yếu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu tiếp tục trải qua một ca đại phẫu có tuần hoàn ngoài cơ thể. Mặt khác, những người đã từng phẫu thuật tim mở thường bị dính rất nhiều, để mở được quả tim, phẫu thuật viên sẽ mất rất nhiều thời gian xử trí các phần bị dính của quả tim. Đây là một công việc khó vì chỉ một chút bất cẩn sẽ gây tổn thương nhiều hơn cho quả tim người bệnh, thậm chí người bệnh có thể tử vong ngay trong ca mổ.
Để có thể đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội quyết định thực hiện kỹ thuật can thiệp tiên tiến nhất bít lỗ rò nơi chân van hai lá nhân tạo thay cho phẫu thuật tim mở. Đây là lần đầu tiên tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai ca tim mạch can thiệp có sự tham gia của bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ siêu âm tim qua thực quản. Khác với những trường hợp can thiệp tim mạch khác, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại đường vào của ống thông (động mạch quay hoặc động mạch đùi), bác sĩ can thiệp thực hiện thủ thuật dưới máy chụp mạch, còn trong ca can thiệp này bệnh nhân Thọ được gây mê nội khí quản ngay tại phòng Cathlab. Bác sĩ can thiệp không chỉ thực hiện thủ thuật dưới máy chụp mạch mà còn có hình ảnh của đầu dò siêu âm tim qua thực quản. Nhờ đó, bác sĩ thủ thuật bít triệt để lỗ rò to và tất cả các lỗ rò nhỏ xung quanh chân van hai lá nhân tạo bằng dụng cụ chuyên biệt. Sau hơn 1 giờ thực hiện, ca can thiệp đặc biệt đã thành công, bệnh nhân được rút ống thở ngay sau thủ thuật kết thúc và được xuất viện ngay ngày hôm sau.
Mở ra hướng điều trị hiệu quả hơn cho các biến chứng sau thay van
Theo TS. Nguyễn Lân Hiếu, bung vòng van, xuất hiện lỗ rò chân van nhân tạo là biến chứng có thể gặp ở người thay van nhân tạo, đặc biệt là van hai lá, van động mạch chủ. Hiện nay, các Trung tâm tim mạch lớn trên thế giới người ta đã bít thành công lỗ rò chân van động mạch chủ bằng can thiệp nhưng đối với van hai lá nhân tạo kỹ thuật khó hơn rất nhiều. Tại Việt Nam, TS. Hiếu là người thực hiện can thiệp thành công một số ca có lỗ rò chân van động mạch chủ nhân tạo nhưng để bít lỗ rò chân van hai lá nhân tạo thì vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Hở chân van hai lá nhân tạo.
|
Cách đây 2 tuần, TS. Hiếu cùng một chuyên gia nước ngoài thực hiện một trường hợp tương tự bệnh nhân Thọ nhưng không thể can thiệp được do lúc đó chỉ làm dưới máy chụp mạch. Sau nhiều trăn trở, TS. Hiếu và các bác sĩ can thiệp nhận thấy cần phải có sự tham gia của siêu âm tim qua thực quản mới có thể bít lỗ rò của van hai lá nhân tạo qua ống thông. Để đảm bảo an toàn cho ca can thiệp này bệnh nhân cần phải gây mê. PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - Trưởng khoa Gây mê hồi sức và chống đau - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp tham gia ca can thiệp cho biết, gây mê cho bệnh nhân Thọ gần như một ca phẫu thuật vì siêu âm tim qua thực quản trong suốt thời gian can thiệp cần phải kiểm soát đường thở bằng cách đặt nội khí quản. Lượng thuốc gây mê phải được tính toán rất chuẩn vì phải đảm bảo người bệnh “ngủ an toàn” trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật nhưng không được tác động xấu đến chức năng tim của người bệnh và cần phải hồi tỉnh ngay sau khi thủ thuật kết thúc.
TS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết, biện pháp điều trị tiên tiến này đã giúp người bệnh không phải trải qua cuộc đại phẫu, chi phí thấp (bằng 1/3 so với phẫu thuật thay van), thời gian nằm viện ngắn. Đây sẽ là điểm khởi đầu quan trọng để có thể xử trí tất cả những biến chứng sau thay van hai lá, van động mạch chủ nhân tạo bằng tim mạch can thiệp. Sự kết hợp giữa bác sĩ can thiệp, gây mê và siêu âm qua thực quản còn là điều kiện để những trung tâm tim mạch lớn ở Việt Nam tiến tới xây dựng phòng mổ Hybrid, có thể sử dụng can thiệp và phẫu thuật trong cùng một ca mổ với sự hướng dẫn của siêu âm tim qua thực quản.
Lê Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét