Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2000 toàn thế giới có tới 972 triệu người bị cao huyết áp và con số này được ước tính là khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025.
Tại Hoa Kỳ, theo thống kê năm 2006 của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ thì có đến 73,5 triệu người trên 20 tuổi (chiếm 1/3 số người trưởng thành) bị cao huyết áp. Năm 2009, tại Việt Nam theo khảo sát của Bộ Y tế đối với người dân từ 25 tuổi trở lên ở Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình và Nghệ An thì tần xuất cao huyết áp là 16,3%, trong đó thành thị chiếm 22,7%, nông thôn chiếm 12,3%.
Khoảng 95%bệnh nhân cao huyết áp không rõ nguyên nhân (cao huyết áp tiên phát). Bên cạnh các yếu tố nguy làm cao huyết áp tiên phát như: tuổi, di truyền, chủng tộc, điều kiện kinh tế xã hội, giới (nam thường bị cao huyết áp nhiều hơn nữ) thì các yếu tố nguy cơ của lối sống như: căng thẳng, lười vận động, ăn không hợp lí với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá, béo phì... là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh cao huyết áp.
|
Cao huyết áp đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Đối với người bị cao huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người bình thường.
Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương. Năm 2008 có khoảng 16,5 triệu người chết vì cao huyết áp trên toàn thế giới.
Các biến chứng thường gặp của cao huyết áp
1/ Các biến chứng tim mạch:
a/ Cao huyết áp lâu ngày làm hư lớp nội mạc ( lớp áo trong cùng) của mạch vành, làm các phân tử Cholesterol tỷ trọng thấp (Cholesterol-LDL ) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành, sau đó làm hình thành mãng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành.
Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, ngẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ).
Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng. Nếu mãng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
Khi bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, toát mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, lan ra tay trái, lan ra sau lưng.
b/ Cao huyết áp làm cơ tim phì đại (cơ tim dầy lên)
c/ Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do cao huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Cao huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cao huyết áp cũng sẽ dẫn đến suy tim.
2/ Các biến chứng về não:
a/ Tai biến mạch não:
- Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (triệu chứng của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết).
- Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hư mạch vành), nếu mãng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết 1 vùng não (còn gọi là nhũn não).
- Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.
3/ Các biến chứng về thận:
- Cao huyết áp làm hư màng lọc của các tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có); lâu ngày gây suy thận.
- Cao huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin làm huyết áp cao hơn. Hẹp động mạch thận lâu ngày gây suy thận.
4/ Các biến chứng về mắt: Cao huyết áp làm hư mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại.
Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ đè bẹp tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn làm bệnh nhân hư mắt tiến triển theo các giai đoạn. Cao huyết áp còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
5/ Các biến chứng về mạch ngoại vi:
- Cao huyết áp làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người.
- Cao huyết áp làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi).
Đại đa số các bệnh nhân bị cao huyết áp thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ cao huyết áp là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo... là hết sức sai lầm.
Nhiều bệnh nhân hoàn toàn cảm thấy bình thường, do vô tình khám sức khỏe mới biết bị bệnh. Sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là biến chứng nặng nề của người bệnh cao huyết áp do bị tai biến mạch máu não.
Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp…) là hết sức cần thiết và quan trọng.
|
Chỉ một số nhỏ (dưới 5%) là cao huyết áp có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác: như hẹp động mạch thận, có khối u ở tuyến thượng thận …). Trên đa số bệnh nhân những dấu hiệu thể hiện bệnh không có gì khác biệt so với người bình thường.
Do vậy, rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng, thậm chí tử vong mới biết mình bị cao huyết áp hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt cao huyết áp là quan trọng như thế nào.
Cao huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Làm thế nào để có được huyết áp bình thường như mong muốn?
Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Việc thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định.
Ví dụ: Tập luyện thể dục thể thao với mức độ phù hợp với từng cá nhân, ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 lần/ tuần. Chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường (cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 kg/m2 đến 22,9 kg/m2 sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
Để làm giảm nguy cơ cao huyết áp cần cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong gia đình. Khi đã bị cao huyết áp rồi thì cố gắng tránh ăn mặn (sau khi nêm thức ăn thì ăn không chấm thêm nước mắm hoặc nước tương).
Cố gắng tránh rượu, bia, thuốc lá, các thực phẩm có nhiều mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau, trái cây (ăn nhiều trái cây là tốt đối với người không bị mắc bệnh đái tháo đường).
Người bệnh phải dùng thuốc đúng, đầy đủ và liên tụctheo chỉ định của thầy thuốc. Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thầy thuốc.
Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (biến chứng của cao huyết áp trên tim, não, thận, mắt, mạch máu…).
Hiện nay ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị cao huyết áp, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị cao huyết áp còn kém, làm cho số bệnh nhân đạt được huyết áp mục tiêu còn khiêm tốn.
Theo TS.BS Đỗ Quang Huân - Viện Tim TPHCM
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét