Các thuốc được sử dụng trong điều trị nhồi máu cơ tim giúp nhanh chóng khôi phục lưu thông máu ở động mạch vành, giảm đau và giảm nhu cầu tiêu thụ oxy ở mô cơ tim.
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là tình trạng một vùng cơ tim bị tổn thương, hoại tử và ngưng hoạt động vĩnh viễn, do các động mạch vành bị tắc nghẽn làm ngưng đột ngột sự cung cấp máu đến nuôi cơ tim.
Các thuốc được sử dụng trong điều trị NMCT giúp nhanh chóng khôi phục lưu thông máu ở động mạch vành, giảm đau và giảm nhu cầu tiêu thụ oxy ở mô cơ tim.
Nguyên nhân và triệu chứng nhồi máu cơ tim
Có hai nguyên nhân chính làm tắc nghẽn động mạch vành gây ra NMCT:
- Do xơ vữa động mạch vành (nguyên nhân chủ yếu gây ra NMCT): sự tích tụ các chất béo (cholesterol, triglycerid) và canxi trong lòng động mạch vành, hình thành nên những mảng xơ vữa.
Các mảng xơ vữa này sẽ làm thành động mạch vành dày lên, kém đàn hồi, cứng và làm giảm lưu lượng máu đến tim, gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở động mạch vành, làm ngưng cung cấp máu đến cơ tim.
- Do co thắt động mạch vành làm ngưng cung cấp máu đến cơ tim.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra NMCT như:
Hút thuốc lá.
Béo phì, ít vận động.
Lượng cholesterol và triglycerid trong máu cao.
Tiền sử gia đình bị nhồi máu cơ tim...
Cơ tim bị tổn thương
Các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim:
- Đau ngực, cơn đau có thể lan lên hàm và xuyên ra sau lưng hoặc lan xuống tay trái. Trong trường hợp hiếm: đau ở vùng thượng vị gây nhầm lẫn với các bệnh khác.
- Khó thở, thở gấp.
- Đổ mồ hôi, da lạnh.
- Buồn nôn, nôn.
- Mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng.
- Chóng mặt, hôn mê...
NMCT đưa đến các biến chứng: loạn nhịp tim, suy tim, tổn thương van tim, rung thất… và có thể dẫn đến tử vong.
Thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
Khi NMCT xảy ra, các động mạch vành ngưng cung cấp máu đến nuôi cơ tim, các mô cơ tim bị thiếu oxy dẫn đến tổn thương, hoại tử và ngưng hoạt động.
Nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidrogel. ticagrelor…) có tác dụng ngăn chặn sự kết dính các tiểu cầu để hình thành huyết khối ở động mạch vành.
Aspirin thường được sử dụng ở dạng thuốc viên với hàm lượng 81mg.
Clopidrogel được sử dụng thay thế aspirin khi người bệnh bị dị ứng với aspirin hay có tiền sử viêm loét dạ dày-tá tràng.
Nhóm thuốc chống đông máu: heparin được sử dụng ở dạng tiêm truyền tĩnh mạch, có tác dung làm loãng máu, ngăn chặn quá trình đông máu hình thành huyết khối.
Nhóm thuốc nitrat (glyceryl trinitrat, isosorbid dinitrat, isosorbid mononitra)là những thuốc có tính giãn mạch, giúp tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, cung cấp đủ máu và oxy cho cơ tim.
Nhóm thuốc chẹn beta (atenolol, propanolol, bisopropol…) có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim nên làm giảm gánh nặng hoạt động của tim và làm giảm triệu chứng đau ngực của NMCT.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalpril…) là những thuốc có tác dụng giãn mạch, tăng cường tốc độ lưu thông máu … nên thường được sử dụng trong điều trị NMCT.
Nhóm thuốc statin (lovastatin,simvastatin, atorvastatin…) có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, ngăn chặn xơ vữa động mạch vành gây ra NMCT.
Nhóm thuốc giảm đau opioid: morphin là thuốc giảm đau nhóm opioid thường được sử dụng để làm giảm đau và giảm nhu cầu tiêu thụ oxy ở mô cơ tim trong NMCT.
Cần lưu ý:
- Các thuốc được sử dụng trong điều trị NMCT phải được sự chỉ định và theo dõi của các thầy thuốc chuyên khoa.
- Người bệnh phải tuân theo sự chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc, tránh ngưng sử dụng thuốc đột ngột.
- Sau lần đầu tiên điều trị NMCT, người bệnh nên tiếp tục sử dụng bốn nhóm thuốc mỗi ngày (thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc statin) để phòng ngừa tái phát NMCT.
Đối với bệnh NMCT, việc phòng ngừa là hết sức quan trọng. Cần tránh các yếu tố nguy cơ, như: không hút thuốc lá (thuốc lá gây co thắt các mạch máu và gia tăng xơ vữa động mạch vành), kiểm soát huyết áp và đường huyết, chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, ít chất béo. Cần tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, tránh béo phì...
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch thường xảy ra, gây nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời!
Theo DS Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét