Hoa hướng dương chứa b-caroten, cryptoxanthin, taraxanthin, lutein, quercimeritrin. Lá chứa 92,2-156,3mg% acid ascorbic, 0,11% caroten, acid citric, melic, succinic. Hạt hướng dương có 13,81% protein, 22,2-36,5% dầu béo, 0,31% monosaccharid, 3,91% saccharose, 0,23% lecithin, 0,15% cholesterol. Dầu ép từ hạt có màu vàng nhạt, vị ngọt dịu, mùi dễ chịu, chứa các acid béo (acid myristic, palmitic, linoleic), các vitamin A, D, E.
Về mặt dược lý, dịch chiết nước từ cụm hoa hướng dương gồm đế hoa, đài hoa và cánh hoa có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này do thuốc làm giãn mạch ngoại vi từ từ và kéo dài, làm giảm sức cản thành mạch và giảm nhịp tim.
Hoa hướng dương có vị hơi ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tùy theo bộ phận dùng: cụm hoa hạ huyết áp, giảm đau; rễ và lõi thân lợi tiểu, chống ho; lá tiêu viêm, giảm đau; hạt làm se, bổ cho dịch thể.
Cụm hoa hướng dương chữa tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, ù tai, đau bụng, đau gan, đau khớp, viêm vú, thở khò khè. Ngày dùng 30-90g, sắc uống.
Bài thuốc đặc trị tăng huyết áp gồm hoa hướng dương 60g phối hợp với râu ngô 30g, sắc với 400ml nước còn 100ml, thêm đường, uống làm hai lần trong ngày.
Rễ và lõi thân hướng dương chữa đau đường tiết niệu, sỏi bàng quang, đái ra dưỡng chấp, ho, ho gà, viêm phế quản. Ngày: 15-30g sắc uống.
Lá hướng dương chữa sốt, sốt rét. Ngày dùng 20-40g sắc uống.
Hạt hướng dương chữa mệt mỏi, chán ăn, kiết lỵ ra máu, sởi phát ban. Ngày dùng 20-30g rang chín rồi ăn nhân.
Theo DS. Đức Huy - Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét