“Bệnh động mạch vành là bệnh của đàn ông” - đây là một quan niệm phổ biến của nhân dân ta nhưng sự thực là nữ giới cũng hoàn toàn có thể mắc bệnh động mạch vành.
Tại nước có nền Y học phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở nữ giới lại chính là bệnh động mạch vành.
Sau khi mãn kinh, nguy cơ bị bệnh động mạch vành ở nữ giới sẽ gia tăng. Ở độ tuổi 50, người phụ nữ sẽ đối mặt với sự gia tăng 46% nguy cơ bị bệnh mạch vành và 31% nguy cơ có thể tử vong do bệnh này. Còn ở tuổi 75, nguy cơ bị bệnh ở nữ lúc này là ngang bằng với nam giới.
Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng sau độ tuổi mãn kinh bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, lối sống tĩnh tại, ít vận động,…
Đặc điểm cần lưu ý là triệu chứng bệnh mạch vành cấp ở phụ nữ thường mơ hồ làm rất khó khăn trong chẩn đoán, gần 40% là không có triệu chứng đau ngực, và thường có thể có những biểu hiện của những cơn đau khác như đau ở cổ, vai, vùng dạ dày, nhịp thở gấp, nôn mửa, đổ mồ hôi, hoa mắt chóng mặt hoặc những sự mệt mỏi khác dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Mặt khác 2/3 bệnh mạch vành ở phụ nữ thường chết đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Ngoài ra một đặc tính có tính cách truyền thống của phụ nữ Á đông là luôn có tính chịu đựng, chịu thương, chịu khó, luôn hết mình lo cho chồng, cho con, cho gia đình hơn là cho chính bản thân mình nên dẫn đến khi phát hiện bệnh thì thường đã nặng.
Đa số phụ nữ khi phát hiện các bệnh lý nguy cơ tim mạch không điều trị sớm, thậm chí ngay cả khi lên cơn đau, vẫn có khuynh hướng lưỡng lự do dự chần chừ không đi cấp cứu sớm.
Chính vì vậy Đại hội Tim Mạch toàn quốc năm 2010 đã tập trung cảnh báo về nguy cơ bệnh tim mạch ở phụ nữ mà đã được thế giới đặc biệt chú ý trong nhiều năm qua.
Theo Hội Tim mạch học Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét