Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp (THA) được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý tim mạch khác.

Người bị bệnh THA không được phát hiện sớm tương tự như ngôi nhà bị mối xông, khi biết nhà bị mối xông thì đã quá muộn.

Biến chứng bệnh động mạch vành

Phân tích tổng hợp 61 nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan chặt chẽ giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương với nguy cơ bị biến cố động mạch vành ở 5 nhóm tuổi từ 40 - 49, 50 - 59, 60 - 69, 70 - 79, 80 - 89. 

Mặc dù đã xác định rõ ràng rằng, huyết áp là một trong 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh động mạch vành (2 yếu tố nguy cơ kia là cholesterol máu cao và hút thuốc lá), nhưng người ta thấy biến chứng bệnh động mạch vành thường xuất hiện ở các bệnh nhân không có đầy đủ cả 3 yếu tố nguy cơ này. 

Nghiên cứu ngẫu nhiên cho thấy, ở các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tử vong và không tử vong, một trong số 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu trên xuất hiện ở ít nhất 90% các trường hợp.

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Khám cho bệnh nhân tại BV Tim Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Biến chứng suy tim

Suy tim hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện của các bệnh nhân trên 65 tuổi, và không giống như các biến chứng khác của tăng huyết áp, tỷ lệ bị suy tim đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. 

Với phụ nữ và nam giới khoảng 40 tuổi, nguy cơ bị suy tim khoảng 20% trong những năm còn lại của cuộc đời, một con số cao đáng ngạc nhiên. Nếu đối tượng có mắc bệnh động mạch vành được loại trừ thì tỷ lệ này là 11% ở nam giới và 15% ở nữ giới. Huyết áp là yếu tố ảnh hưởng chủ yếu.

Phình động mạch chủ bụng

Tỷ lệ bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng ngày càng tăng lên do số người già có các yếu tố nguy cơ tim mạch từ thời trung niên ngày càng gia tăng. THA là một trong các yếu tố nguy cơ chính gây phình động mạch chủ bụng. 

Có sự liên quan giữa chỉ số huyết áp và tỷ lệ mắc phình động mạch chủ bụng: Khoảng 3% những người THA nhẹ có tuổi từ 60 - 75 bị phình động mạch chủ bụng, trong khi tỷ lệ này là 11% ở những người có huyết tâm thu >195 mmHg.

Phình tách động mạch chủ

Có tới 80% bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ có THA. Cơ chế gây phình tách động mạch chủ bao gồm kết hợp cả tác động của sóng mạch tăng và tiến triển của vữa xơ động mạch. Huyết áp càng tăng thì bệnh nhân càng có nguy cơ bị phình tách động mạch chủ cao. THA là nguyên nhân thường gặp nhất gây phình tách động mạch chủ đoạn xa.

Bệnh mạch máu ngoại biên

THA là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch máu ngoại biên. Điều này rất quan trọng vì 2 lý do: Thứ nhất, nó gây ra các triệu chứng đau cách hồi, và thứ hai là yếu tố nguy cơ cao của các biến cố tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là tuổi tác, sau đó là huyết áp và hút thuốc lá.

Tai biến mạch máu não

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nước ta (sau bệnh động mạch vành) cũng như trên toàn thế giới, là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu hụt thần kinh vĩnh viễn ở người trưởng thành, và là nguyên nhân quan trọng nhất làm bệnh nhân phải nhập viện cũng như cần phải chăm sóc lâu dài tại nhà. 

Tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn còn rất cao. Khoảng 50% trường hợp đột quỵ là do THA, huyết áp càng tăng thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Các cơn đột quỵ thường xảy ra vào lúc sáng sớm, vài giờ sau khi ngủ dậy, khi mà huyết áp đột ngột tăng cao..

Bệnh thận mạn tính

Bệnh nhân THA không được kiểm soát tốt có nguy cơ bị suy giảm chức năng thận nhiều hơn. Bệnh thận mạn tính là một biến chứng quan trọng của THA và làm tăng nguy cơ tim mạch lên đáng kể. 

Với người phải chạy thận nhân tạo, thì nguy cơ này tăng lên từ 10 - 30 lần so với người bình thường, và đây là nhóm có nguy cơ cao nhất bị mắc các bệnh lý tim mạch. 

Có 2 ảnh hưởng chủ yếu của bệnh thận mạn tính đến động mạch, thứ nhất là tăng tỷ lệ bị vữa xơ động mạch và tăng ure máu đã làm vữa xơ động mạch tiến triển mạnh hơn, thứ hai là do hiện tượng tái cấu trúc thành động mạch, làm tăng độ cứng của động mạch và có mối liên quan với tăng tỷ lệ tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - BV Tim Hà Nội
Kinh tế và Đô thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét