Có đến 1/3 số bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bị tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi bị đau ngực và rất nhiều bệnh nhân còn sống sót bị di chứng trầm trọng.
Các nguy cơ chính gây bệnh động mạch vành (ĐMV) là hút thuốc lá, thừa cân, tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm (nam giới < 55 tuổi, nữ giới < 65 tuổi), rối loạn lipid máu...
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh là có thể phòng ngừa sự phát triển bệnh động mạch vành hoặc làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp ở các bệnh nhân bằng cách làm thay đổi các yếu tố nguy cơ này.
Phòng ngừa tiên phát bệnh ĐMV
Các bác sĩ cần phát hiện và đánh giá tình hình kiểm soát các yếu tố nguy cơ chính của bệnh ĐMV cho tất cả các bệnh nhân theo định kỳ (3 - 5 năm). Nguy cơ mắc bệnh ĐMV nên được tính toán cho các bệnh nhân có từ 2 yếu tố nguy cơ chính trở lên để đưa ra chiến lược phòng ngừa tiên phát phù hợp.
Các bệnh nhân có nguy cơ bệnh ĐMV tương đương (tiểu đường, bệnh thận mạn tính hoặc nguy cơ 10 năm mắc bệnh ĐMV > 20% tính theo thang điểm Framingham) nên được can thiệp các yếu tố nguy cơ một cách tích cực như các bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh ĐMV trên lâm sàng.
Các biện pháp can thiệp này cũng tốn kém và chỉ có hiệu quả khi áp dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao. Do vậy, điều quan trọng là cần phải phát hiện ra các bệnh nhân có nguy cơ cao, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc phòng ngừa tiên phát.
Hoạt động thể lực vừa phải giúp phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành. Ảnh: TM
Phòng ngừa thứ phát
Lợi ích của việc phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp ở các bệnh nhân có bệnh ĐMV đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới.
Giáo dục về sức khỏe cho bệnh nhân: Trước khi ra viện, các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần được giáo dục về sức khỏe, các hoạt động thể lực, thay đổi lối sống và việc dùng thuốc để phòng ngừa thứ phát các bệnh tim mạch.
Bệnh nhân và gia đình cần được hướng dẫn trước khi ra viện về các triệu chứng thiếu máu cơ tim, gọi xe cấp cứu khi các triệu chứng thiếu máu cơ tim tái phát và không giảm đi hay trở nên trầm trọng hơn 5 phút sau khi ngậm 1 viên nitroglycerin dưới lưỡi, để đảm bảo chắc chắn là bệnh nhân sẽ được chẩn đoán và điều trị sớm khi bệnh tái phát.
Các bệnh nhân có triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp (đau thắt ngực có hoặc không lan ra tay, lưng, cổ, hàm hay thượng vị; khó thở; mệt; vã mồ hôi; buồn nôn; choáng váng) nên được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu hơn là bởi người nhà hay bạn bè, vì các nhân viên y tế có thể can thiệp kịp thời các thủ thuật có thể cứu sống bệnh nhân (hồi sức tim phổi, sốc điện chuyển nhịp) khi cần thiết.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Béo phì hay béo bụng là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh ĐMV. Điều cơ bản để đạt được và duy trì một trọng lượng cơ thể hợp lý khoẻ mạnh là có một chế độ ăn lành mạnh và luyện tập thể lực đều đặn.
Để có được một trọng lượng cơ thể phù hợp, cần phải có được sự cân bằng về năng lượng mà bệnh nhân ăn hoặc uống vào với năng lượng mà bệnh nhân tiêu hao qua các hoạt động thể lực. Nếu vòng bụng > 90cm ở nam giới và > 80cm ở nữ giới có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa và cần phải giảm cân.
Bỏ hút thuốc lá: Ngừng hút thuốc lá là một yếu tố quan trọng nhất giúp bệnh nhân có thể làm giảm nguy cơ bị tái phát nhồi máu cơ tim. Hút thuốc lá làm giảm nồng độ ôxy trong máu, làm tổn thương và suy yếu thành động mạch.
Lợi ích của việc ngừng hút thuốc lá gần như đạt được tức thì. Ngay khi bệnh nhân ngừng hút thuốc, nguy cơ tái phát bệnh bắt đầu giảm xuống. Sau 5 năm cai thuốc lá, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát sẽ giảm đi một nửa so với trường hợp bệnh nhân tiếp tục hút thuốc
Kiểm soát huyết áp: Cần kiểm soát huyết áp < 140/90mmHg (< 130/80mmHg ở bệnh nhân tiểu đường hay bệnh thận mạn tính) bằng thuốc và thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống (giảm cân, thay đổi chế độ ăn, tăng hoạt động thể lực và ăn nhạt) nên thực hiện cho tất cả các bệnh nhân có huyết áp ≥ 120/80mmHg.
Không nên dùng thuốc chẹn kênh canxi nhóm dihydropyridin có tác dụng ngắn để điều trị tăng huyết áp. Các bệnh nhân tăng huyết áp nên có một chế độ ăn ít muối và nhiều rau, hoa quả và các chế phẩm ít chất béo cũng như có một chương trình tập thể dục đều đặn. Hầu hết các bệnh nhân cần hơn một loại thuốc để kiểm soát được trị số huyết áp và nên lựa chọn các thuốc đã được chứng minh là có làm cải thiện tiên lượng của bệnh nhân.
Điều trị đái tháo đường: Kiểm soát chặt đường huyết bằng insulin hay thuốc hạ đường huyết uống và chế độ ăn để đạt HbA1C < 7%.
Điều trị rối loạn lipid máu: Nên khuyên các bệnh nhân ăn chế độ có chứa ít cholesterol, ít chất béo bão hòa, nhiều chất xơ hòa tan được, nhiều rau và hoa quả. Các thuốc statin đã được chứng minh là biện pháp can thiệp bằng thuốc có hiệu quả nhất. Nồng độ lipid mục tiêu phụ thuộc vào nguy cơ cơ bản của bệnh nhân.
Hormon liệu pháp: Hormon liệu pháp với estrogen phối hợp với progestin không nên sử dụng cho các bệnh nhân mới bị mãn kinh sau nhồi máu cơ tim cấp như là một biện pháp phòng ngừa thứ phát các biến cố bệnh ĐMV. Các bệnh nhân mãn kinh đã sử dụng thuốc tại thời điểm bị nhồi máu cơ tim cấp không nên tiếp tục dùng thuốc.
Tuy nhiên, các bệnh nhân đã sử dụng thuốc 1-2 năm muốn tiếp tục sử dụng thuốc vì các chỉ định khác nên cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích mang lại từ việc sử dụng thuốc. Hormon liệu pháp không nên dùng tiếp tục khi bệnh nhân phải nằm dưỡng bệnh tại giường.
Hoạt động thể lực: Các bệnh nhân hồi phục sau nhồi máu cơ tim cấp nên tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày hay ít nhất 5 lần/tuần (đi bộ, đi xe đạp hay các hoạt động thể lực khác), đồng thời tăng các hoạt động thông thường hàng ngày (làm vườn, làm công việc nội trợ).
Chống ôxy hóa: Các vitamin chống ôxy hóa như vitamin E, C không nên sử dụng cho bệnh nhân hồi phục sau nhồi máu cơ tim cấp để phòng ngừa thứ phát các bệnh tim mạch.
Theo BS. Quang Anh - Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét