Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Cảnh giác biến cố tim mạch

Vữa xơ động mạch chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên nhồi máu cơ tim. Cholesterol máu đóng vai trò hết sức quan trọng.

Vữa xơ động mạch chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên nhồi máu cơ tim. Cholesterol máu đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự hình thành và tiến triển của mảng vữa xơ động mạch. Do vậy, việc điều chỉnh các rối loạn lipid máu là không thể thiếu được trong điều trị nhồi máu cơ tim.
Một điểm mới cần phải nhấn mạnh đó là: các thuốc này không những làm giảm các biến cố tim mạch ở các bệnh nhân có rối loạn lipid máu, mà cũng giảm các biến cố này ở cả những bệnh nhân không bị rối loạn lipid máu. Do vậy, ngay cả khi các xét nghiệm về mỡ máu cho giá trị bình thường, thì việc sử dụng thuốc cũng là hết sức cần thiết. 
Các thuốc thường được sử dụng hiện nay sau nhồi máu cơ tim thuộc nhóm statin, như rosuvastatin, simvastatin, atovastatin. Đặc biệt, gần đây người ta đã chứng minh được một số statin cũng có khả năng làm giảm kích thước của mảng vữa xơ động mạch vành. Thời gian dùng thuốc càng kéo dài càng tốt, trừ khi xảy ra các tác dụng phụ không mong đợi phải ngưng điều trị.
Cảnh giác biến cố tim mạch
​Rối loạn lipid máu được coi là yếu tố nguy cơ gây mảng xơ vữa động mạch.
Rosuvastatin đã chứng minh làm giảm nguy cơ bị tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân không bị bệnh mạch vành hoặc rối loạn lipid máu và làm giảm quá trình vữa xơ động mạch. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, rosuvastatin có một số tác dụng phụ không mong muốn như nhức đầu, chóng mặt; táo bón, buồn nôn, đau bụng; ngứa, phát ban, mề đay; đau cơ... mặc dù các triệu chứng thường thoáng qua.
Simvastatin là một thuốc hạ mỡ máu thuộc nhóm ức chế men 3-Hydroxy-3-methylglutaryl-coenzyme A reductase. Do có tác dụng tốt trên cả cholesterol và triglyceride nên statin là nhóm thuốc hạ mỡ máu được sử dụng rộng rãi. 
Mặc dù thuốc có độ an toàn khá cao so với các thuốc hạ mỡ máu khác, nhưng nhóm statin cũng có thể gây ra khá nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng, trong đó, tổn thương cơ là một trong những vấn đề thường gặp nhất, xảy ra ở 1 - 5% số người dùng thuốc và chiếm 25% tổng số các tác dụng phụ liên quan đến statin.
Các biểu hiện ở cơ bao gồm: viêm cơ, tiêu cơ vân, tăng nồng độ men cơ mức độ nhẹ, đau cơ đơn thuần không có tăng men cơ, yếu cơ, chuột rút hoặc đau cơ kết hợp với tăng men cơ kéo dài sau khi ngưng thuốc. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm độc cơ do statin bao gồm: tuổi cao, nhẹ cân, sau phẫu thuật, có nhiều bệnh đi kèm hoặc dùng statin cùng thuốc khác, đặc biệt là các thuốc hạ mỡ máu nhóm fibrate. 
Mặc dù có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng cơ chế tổn thương cơ do statin hiện vẫn chưa được làm sáng rõ. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu các tổn thương cơ do nhóm statin ngoại trừ việc ngưng dùng thuốc. Để phát hiện sớm tổn thương cơ do nhóm statin, cần xét nghiệm nồng độ men cơ (creatinine kinase) trước khi dùng thuốc và kiểm tra lại khi bệnh nhân có biểu hiện đau cơ, việc theo dõi định kỳ nồng độ men cơ khi không có biểu hiện lâm sàng là không cần thiết.
Atorvastatin được chỉ định như thuốc hỗ trợ cho chế độ ăn để làm giảm cholesterol toàn phần, LDL-C, apolipoprotein B và triglyceride ở bệnh nhân có tăng lipid máu nguyên phát, tăng lipid máu hỗn hợp và tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử. 
Atorvastatin cũng được chỉ định để làm giảm cholesterol toàn phần và giảm LDL-C ở bệnh nhân tăng lipid máu gia đình đồng hợp tử như một thuốc hỗ trợ cho các biện pháp điều trị khác hoặc khi các biện pháp điều trị khác không thực hiện được.
Atorvastatin bị chống chỉ định ở bệnh nhân nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc này, những người có bệnh lý gan thể đang tiến triển hay có sự tăng dai dẳng không giải thích được của transaminases huyết thanh vượt quá 3 lần giới hạn trên của mức bình thường, những bệnh nhân mang thai, cho con bú, những bệnh nhân nghi ngờ có thai. Atorvastatin dùng cho phụ nữ tuổi sinh đẻ chỉ khi những bệnh nhân này không có thai và được cung cấp thông tin về nguy cơ đối với bào thai.
Trước khi dùng atorvastatin, nên cố gắng kiểm soát tăng cholesterol máu bằng chế độ ăn thích hợp, tập thể dục, giảm cân ở bệnh nhân béo phì và điều trị những bệnh lý căn bản khác.
Theo TS. Hải Anh - Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét